Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Nhân giống và nuôi trồng lan hài Paphiopedilum

Nhân giống và nuôi trồng lan hài Paphiopedilum

Trong tất cả các nhóm lan thương mại, thì việc nhân giống lan hài Paphiopedilum từ hạt được coi là khó khăn và thử thách nhất vì thời gian nảy mầm khá dài.



Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, việc tiến hành nhân giống lan hài trở nên tương đối thuận lợi, trong đó phương pháp gieo hạt trong điều kiện in vitro được xem là phương pháp tốt nhất để gia tăng tỷ lệ hạt lan hài nảy mầm thu được.

Các yếu tố ảnh hưởng sự nảy mầm của hạt lan hài:

- Do trái lan hài dài, nhỏ, số lượng hạt rất ít và không có nhiều dinh dưỡng dự trữ nên ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt. Chính vì vậy mà trong điều kiện tự nhiên hạt lan hài rất khó sinh trưởng.

- Hơn nữa, việc nảy mầm nhanh hay chậm tùy thuộc vào tình trạng của hạt giống trước khi gieo. Quá trình nảy mầm sẽ gặp khó khăn khi hạt giống đang ở tình trạng ngủ (seed dormancy). Do vậy cũng giống như những nhóm lan khác, quá trình chọn hạt làm giống rất quan trọng.

- Ngoài ra, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong sự nảy mầm của hạt giống lan hài. Sự tiếp xúc với ánh sáng sẽ ức chế sự nảy mầm và có thể dẫn dến hiện tượng ngủ của hạt. Tuy nhiên, không phải tất cả các hạt đều cần giai đoạn tối để nảy mầm, mà thật sự có một vài loài sẽ nảy mầm nhanh hơn nếu tiếp xúc với ánh sáng. Điều này có thể là do sự ảnh hưởng di truyền của vỏ hạt và phấn hoa của cây mẹ.

Quá trình nhân giống lan hài từ hạt trong điều kiện in vitro:


Chọn giống:

Cũng giống như những nhóm lan khác, trước tiên cần chọn cây mang trái và cây mang nhụy để tiến hành lai tạo. Sau một thời gian hoa nhanh chóng héo tàn; bầu hoa phát triển to dần và tạo trái. Tùy thuộc vào điều kiện nuôi cấy và đặc điểm của từng loài mà vỏ hạt trưởng thành trong khoảng 9 - 12 tháng.

Thời điểm chọn trái để lấy hạt làm giống rất quan trọng. Thời gian chính xác để thu hoạch hạt chỉ có thể học từ kinh nghiệm và đòi hỏi có sự quan sát cẩn thận vỏ hạt hàng ngày và chú ý ngày thụ phấn. Cách tốt nhất để quan sát sự trưởng thành của vỏ hạt là khi phát hiện có sự thay đổi màu từ xanh sang vàng. Khi sự thay đổi này xảy ra, là thời gian để cắt vỏ hạt và di chuyển chúng đến phòng thí nghiệm để gieo hạt. Trong trường hợp chưa thể gieo cấy hạt ngay, cần bảo quản hạt trong giấy nhôm và lưu trữ ở nhiệt độ 4oC. Có thể bảo quản hạt trong vòng 12 tháng, tuy nhiên sau thời gian này tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm đáng kể.

Chọn những trái có kích thước to, không dị dạng, không sâu bệnh để lấy hạt giống. Sau đó, hạt được gieo cấy lên môi trường có chứa đường, agar và các nguyên tố vi lượng khác để nảy mầm.

Chuẩn bị môi trường gieo hạt:

Ngay khi đã thu nhận hạt, bước kế tiếp là tìm môi trường thích hợp để hạt nảy mầm. Các nhà nghiên cứu cho rằng môi trường RE cải tiến (Robert Ernst modified) rất thích hợp cho hạt lan Paphiopedilum nảy mầm.

Thành phần môi trường bao gồm:

+ 37 mg/l EDTA (Chelating agent)

+ 25 mg/l Ferrous sulphate (FeSO4. 7H2O)

+ 150 mg/l Calcium nitrate (Ca(NO3)2 . 4H2O)

+ 150 mg/l Ammonium sulphate ((NH4)2SO4)

+ 400 mg/l Ammonium nitrate (NH4NO3)

+ 400 mg/l Potassium nitrate (KNO3)

+ 300 mg/l Potassium phosphate (KH2PO4)

+ 100 mg/l Magnesium nitrate (Mg(NO3)2. 6H2O)

+ 20 g/l Saccharose

+ 2 g/l Vegetal Carbon

+ 8 g/l Agar

(Pha trong 1 lít dung dịch, điều chỉnh pH dao động trong khoảng 6-7).


Xem tiếp click here

0 nhận xét:

Đăng nhận xét