Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Chăm sóc Cattleya thời kỳ ra hoa

Chăm sóc Cattleya thời kỳ ra hoa

Chăm sóc chuyên cần là rất tốt, nhưng không vì yêu lan mà " nâng niu " quá mức. Khi cây phát triển tốt thì không nên di chuyển vị trí. Nếu cây không phát triển thì cần phải xem lại, trước hết là quan sát bộ rễ có vấn đề gì không, sau đó mới đến các yếu tố khác.

Bộ rễ tốt nhưng cây vẫn còi cọc, èo ọt, lúc đó các bạn phải nghĩ đến vấn đề độ ẩm, ánh sáng ( nếu lá cây xanh đậm thì di chuyển cây vào nơi có nhiều sáng hơn, nếu lá cây vàng thì di chuyển vào chổ ngược lại ), chế độ phân bón ( nếu cảm thấy cây mềm yếu thì nên thay đổi phân có hàm lượng K cao hơn N và ngược lại), độ thoáng khí, tốc độ gió...

Vị trí trồng lan - Vườn lan:

Những giàn lan trồng trên cao phải chú ý đến tốc độ gió. Phải che chắn sao cho những chậu lan không được bị gió thổi đến mức gần va đập vào nhau. Các bạn quan sát thấy ngọn lá chỉ phe phẩy là tốt. Một điểm nữa là phải hạn chế rét cho cây khi mùa Đông đến. Tùy theo giá thể và chất trồng mà chọn phương pháp cho thích hợp. Gió rét sẽ làm cho nhựa cây không luân chuyển được. Rễ cây chết dần, giả hành teo tóp, mất khả năng đề kháng, bệnh tật sẽ xuất hiện...

Có nên di chuyển cây thường xuyên?

Không nên thường xuyên đưa cây lên, xuống để quan sát có mầm hoa hay chưa và xem nó phát triển như thế nào. Việc làm này vô tình sẽ làm cho mầm hoa bị " động ", một số cây nhạy cảm sẽ rụng nụ. Thời điểm này không nên thay đổi phân bón, môi trường hay bất cứ cái nào khác lạ. Khi nào các bạn cảm thấy lưỡi mèo bắt đầu phình to ở hai bên ( lúc đó đa số cây, nụ hoa đã hình thành và cao khoảng 2-3cm ) thì mới dịch chuyển cây theo phương thẳng đứng, cao hơn khoảng 10cm ( so với đỉnh ngọn lá của cây xung quanh

Việc làm này sẽ hạn chế được những bất cẩn và tạo thuận lợi cho chúng ta trong quá trình chăm sóc cây có nụ hoa. Khi nụ hoa xé lưỡi mèo, theo mình các bạn không nên để nước hoặc phân bón tưới nhầm vào nụ. Nếu tưới vào nụ thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng búp ngậm nước và lem bông, bông bị đốm nước...

Nếu các bạn thấy lưỡi mèo có vẻ chuyển màu, hơi ươn ướt thì hãy xé ngay. Xé thật cẩn thận về hai bên để giữ mầm hoa (nếu để nguyên như vậy thì chắc chắn mầm hoa sẽ bị thối ). Để giữ nụ hoa khi đậu trực tiếp hay sau khi xé lưỡi mèo , các bạn nên dùng bao Nilon trùm lại, nhưng đừng trùm kín, để hở miệng như hình dưới

Đưa cây lên cao như hình trên và cẩn thận với việc tưới nước. Các bạn chỉ nên tưới phun sương và hạn chế bớt lần tưới.

Rất nhiều người trong quá trình chăm sóc thì quá cần cù nhưng đến giai đoạn cần thiết để có hoa và hoa vừa ý thì lại làm biếng, nở để cho hoa lấm lem, ngã ngiêng trông rất tội nghiệp. Thành quả sau gần một năm trời chăm sóc cần phải nâng niu nghen các bạn.

Những điều cần biết trong chăm sóc Cát lan

Những điều cần biết trong chăm sóc Cát lan

Cattleya là một trong những loại lan được phổ biến rộng rãi và được trồng nhiều nhất trên thế giới, vì màu sắc đẹp đẽ, hoa to, nhiều hoa và lại có hương thơm. Muốn cho cây được tốt phải quan tâm đầy đủ những yếu tố sau đây:

1.Nhiệt độ

Nhiệt độ rất quan trọng cho cây cối vì nó trực tiếp ảnh hưởng tới sự tăng trưởng nhanh chậm của cây.

Nhiệt độ thấp sẽ làm cây phát triển chậm lai, và nhiệt độ cao sẽ làm cho cây phát triển nhanh hơn. Cát lan thường thích ở nhiệt độ ban đêm từ 55-60°F hay là 22.8-15.6°C và từ 70-85°F hay 21.1-29.4°C cho ban ngày. Nhiệt độ giữa ngày và đêm phải có sự cách biệt từ 15-20°F hay 8-11°C  Cát lan mới ra hoa được.

2. Độ ẩm:


Cát lan cần có độ ẩm khoảng 35-60% vào ban ngày và từ 60-80% vào ban đêm. Với độ ẩm cao, lá và rễ cây hút được nước trong không khí giúp cho Cát lan tăng trưởng và cho hoa được lâu bền hơn, đồng thời cũng giúp cho Cát lan ít bị rụng nụ vào những mùa khô nóng.

3. Ánh sáng:

Ánh sáng rất quan trọng vì giúp cho cây tạo ra thức ăn và tăng trưởng nhanh chóng. Nhờ ánh sáng ban ngày, cây tạo ra chất đường để nuôi cây, đồng thời cũng thở dưỡng khí ra và hút thán khí (CO2) vào làm cho cây mau lớn. Ban đêm vì không có ánh sáng, cho nên cây không tạo ra thức ăn nhưng vẫn hô hấp và vẫn phát triển nhờ nguồn thức ăn còn giữ trong thân lá hay trong củ bẹ.Cát lan ưa thích từ 30-50% ánh sáng thiên nhiên tức là khoảng 2000-4000 ánh nến (foot candles) Quá nhiều ánh nắng sẽ làm lá cháy vàng và làm chết cây con, còn nếu thiếu ánh sáng sẽ làm cho cây phát triển chậm lại. Lá cây xanh đậm là thiếu ánh sáng và đó là nguyên do cây khó ra hoa. Nếu lá cây xanh vừa hoặc xanh vàng thì Cát lan dễ ra hoa và màu hoa sẽ đậm hơn.

4.Nước:

Cát lan cần có nước để tạo ra chất đường để nuôi dưỡng cây.Trong chất đường ta thấy có carbon, hydrogen và oxygen.Trong nước (H2O) có hydrogen và oxygen còn carbon thì lấy từ từ thán khi (CO2) để tạo ra chất đường. Trong thiên nhiên, Cát lan nhận được nước và độ ẩm gần như mỗi ngày, nhưng vì rễ chỉ bám vào thân cây hoặc rủ lòng thòng trên không, cho nên mỗi khi bị ướt thì sẽ khô ngay trong ngày. Khi trồng ta nên tưới và để cho khô rồi mới tưới trở lại. Trồng trong chậu nhựa, thông thường vào khoảng một tuần mới khô. Nếu tưới liên tục rễ sẽ bị thối và cây sẽ chết. Lá cây và củ bẹ mập mạp là có đủ nước, nếu nhăn nheo là thiếu nước.

5.Bón phân


Phân bón sẽ giúp cho cây tăng trưởng nhanh hơn và kích thích ra hoa nhiều hơn. Cát lan cần nhiều ánh sáng nên đòi hỏi nhiều phân bón hơn lan nữ hài và hồ điệp. Nên dùng phân 20-20-20 hoặc 20-10-20 để tưới quanh năm, nhưng ta có thể dùng 10-30-30 để kich thích thêm vào mùa ra hoa. Khi bón ta nên pha từ ¼ hay ½ thìa cà phê vào 1 gallon (1 gallon bằng 3,78541 lít) nước để tưới mỗi tuần. Khi thấy đầu ngọn lá bị cháy đen tức là quá nhiều phân bón. Nên tưới nước không 2 tuần rồi hãy bón phân trở lại.

6.Thay chậu

Ta nên thay chậu vào mùa hè vì lúc này cây và rễ bắt đầu phát triển. Cát lan ưa trồng trong vỏ cây (bark) hoặc rêu (moss) Thông thường trồng với vỏ cây pha trộn thêm với 10% vỏ dừa (coconut chip, husk) để giữ ẩm và 10% perlite hoặc than để cho được thoáng khí. Ta nên thay chậu mỗi năm một lần vì nếu vỏ cây mục sẽ làm thối rễ. Trước khi thay chậu ta cần phải ngâm vỏ cây và vỏ dừa khoảng 2 ngày để chất nhựa trong vỏ cây ra hết. Sau đó sẽ ngâm với phân bón, nacosan hoặc physan 20 để sát trùng và B1 để giúp cho rễ mau phục hồi hơn.

7.Rung chuyển:

Một trong những yếu tố quan trọng, nhưng thường ít ai để ý đến là sự rung chuyển trong thực vật chẳng kém gì đối với động vật và loài người.Trong thiên nhiên, thực vật vốn có sự gắn bó với động vật. Sự rung chuyển này phát ra từ âm thanh của côn trùng, chim chóc và dã thú cũng giúp cho cây được tăng trưởng.

8. Gió:

Trực tiếp làm cho cây rung chuyển và giúp cho cây ít bị bệnh hơn.Trong cuộc nghiên cứu ở một trường đại học đã cho ta thấy rằng cây cà chua nếu được nghe nhạc thì sẽ mọc nhanh và trái sẽ to hơn là cây không được nghe nhạc. Như vậy Cát lan khi trồng ở nơi thoáng gió sẽ phát triển nhanh hơn và ít bị bịnh hơn.Tất cả những yếu tố kể trên đều là nhu cầu cần thiết của nhiều loại cây nói chung và Cát lan nói riêng.Nếu đáp ứng được những đòi hỏi kể trên, chúng ta sẽ trồng Cát lan dễ dàng và thành công hơn. Ngoài ra sự học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm của chính mình theo khí hậu, nơi trồng, nước tưới mà ứng biến sao cho phù hợp với nhu cầu của cây lan sẽ giúp chúng ta thành công.
 
Nguồn : Hoalancaycanh.com

Cách kích thích Cattleya ra hoa

Cách kích thích Cattleya ra hoa

Khi phân loại các giống hoa lan dựa trên tiêu chí tầm quan trọng kinh tế và vẻ đẹp thì Cattleya hiển nhiên sẽ xuất hiện ở vị trí đầu bảng. Đó chính là lý do khiến cho Cattleya được nhiều người yêu thích và nuôi trồng mặc cho những khó khăn, phức tạp có thể gặp phải.

- Ở các cây Cattleya khỏe mạnh, rễ tốt, khi chồi non mới lú khoảng 1 – 2 cm có thể dùng phân kích hoa 6-30-30 hay các loại phân kích hoa khác, hàng tuần tưới 15-30-15, sau đó trở lại như ban đầu. Lần tưới kích hoa đầu tiên này giúp cây tượng chồi hoa trong lúc tăng trưởng.

- Khi cây đạt tới mức hoàn chỉnh, có lưỡi mèo, kích bông 2 lần liên tiếp trong 2 tuần (mỗi tuần tưới một lần ). Lúc này cây đòi hỏi nhiều nắng nhưng tưới nước không đậm quá.

- Khi thấy có hoa để cây nơi đủ nắng gió,đủ độ ẩm, thoáng để cây hoa phát triển tốt.

- Khi chồi hoa lên cỡ bằng đầu đũa dùng 2-3 hạt urê pha trong 1lít nước tưới cho cây, 2 tuần sau lấy một ít Progibb pha 1-2 lít nước tưới giúp hoa phát triển tốt. Khi tưới urê và Progibb, các sắc tố mạnh của cây sẽ lướt ra trước giúp tăng màu hoa sau này. Lưu ý khi tưới Progibb cần phải tưới thật nhiều nước ở lần tưới sau.

- Khi chồi được nữa lưỡi mèo sử dụng phân 19-31-17 ( liều lượng 1 muỗng cafê/4 lít nước) tưới lên cây 2 ngày/lần. Phân này giúp cọng hoa mập chắc, màu sắc chủ lực sẽ nổi lên.

- Các cây như Chialin x Taiwan City , khi tưới urê –Progibb màu tím đỏ  của cây Chialin ra trước, sau đó màu đỏ chủ đạo của của Taiwan City sẽ lên màu hoặc các cây cam, vàng cam nhờ kỹ thuật tưới như trên sẽ lên được các màu cam, vàng cam rực rỡ và sáng.

- Riêng các cây màu trắng tuyền, xanh chỉ cần sử dụng urê và Progibb là đủ để cây lên màu đậm đà.

- Có thể tưới một ít tảo biển (liều lượng thấp khoảng 1/2cc/4lít nước ) cùng với 19-31-17. Nếu di chuyể xa có thể có thể dùng thêm rất ít B1- Liquinox Star hay một giọt Super thrive.

- Khi cây sắp nở từ 2 bông trở lên, nên dùng dây nhôm để giữ cành hoa  và phân chi cho nhánh hoa nở đẹp.Ở cuống gần hoa, sử dụng ống nylon cắt khoảng 1,5 cm chiều dài, mổ ngang, kẹp vào cuống hoa

- Khi hoa nở được 2 ngày đem hoa vào chỗ mát để hoa tươi tốt, tránh tưới nước lên hoa ,tránh gió. Dùng phân 19-31-17 pha liều lượng khoảng ½ muỗng cafê/4 lít nước, đem ngâm chậu lan giúp hoa nở đẹp, lên màu nhất là các màu đỏ, cam, vàng, tím, hường. Ngâm khoảng 1-1,5 giờ 30 mỗi lần, mỗi ngày khoảng 3-5 lần, trong khoảng 1-2 ngày.

- Sau khi hoa nở được 10 -14 ngày. Đừng nên để hoa nở lâu sẽ làm mất sức cây, khoảng 7 ngày là tốt nhất.
Theo tạp chí hoa cảnh

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Ba mẹo nhỏ trồng Cattleya

Ba mẹo nhỏ trồng Cattleya

Trồng Cattleya có thể nói là một trong những khó khăn khi chúng ta thật sự dấn thân vào. Không giống như những giống lan khác, trồng Cattleya đòi hỏi một chế độ chăm sóc rất chuyên biệt. Nhưng khi bạn nắm bắt được cách trồng, bạn sẽ có được giống lan đẹp nhất và có thể nói nôm na là một trong những giống lan có giá trị nhất về giá thành

Khi phân loại các giống hoa lan dựa trên tiêu chí tầm quan trọng kinh tế và vẻ đẹp thì Cattleya hiển nhiên sẽ xuất hiện ở vị trí đầu bảng. Đó chính là lý do khiến cho Cattleya được nhiều người yêu thích và nuôi trồng mặc cho những khó khăn, phức tạp có thể gặp phải.

Chỉ nắm vững những kiến thức trồng lan cơ bản thì bạn vẫn chưa thể trồng  Cattleya thành công loại lan đặc biệt này. Có thể thấy là những chỉ tiêu cơ bản về ánh sáng, nước và phân bón không đủ để áp dụng trong việc trồng Cattleya. Trên thực tế thì chính những yêu sách của Cattleya mà những chuyên gia trồng lan liệt chúng vào hàng “khuyến cáo” cho những người mới bắt đầu làm quen với hoa lan.
 
Sau đây là những mẹo nhỏ giúp bạn chinh phục loài lan khó tính này.
 
1. Trồng Cattleya trong môi trường nhà kính

Nếu bạn muốn trồng thành công các loại lan chẳng hạn như Cattleya, nhất thiết bạn phải cần có nhà kính , Những cây lan Cattleya hầu như rất khó hoặc có thể nói là không thể phát triển trong môi trường tự nhiên ngoài trời. Trên thực tế là mặc dù có một số nơi có thể trồng Cattleya ngoài trời rất tốt, thì việc di chuyển cây cũng vô cùng phức tạp và khó khăn. Do đó  giải pháp trồng Cattleya trong nhà kính xem ra có thể đem lại kết quả mỹ mãn.

Trồng Cattleya trong một không gian chuyên biệt như nhà kính sẽ giúp cho chúng ta kiểm soát được độ ẩm và nhiệt độ chính xác. Cattleya sẽ phát triển mạnh mẽ khi có được môi trường sống có tỉ lệ độ ẩm từ 60% -> 70% vào ban ngày và  nhiệt độ không thấp hơn 20oc. Cây lan thân yêu của bạn có thể héo hoặc tệ hơn là chết đi nếu bạn không tuân thủ những điều kiện tiên quyết này.
 
2. Thêm nột chút ánh nắng mặt trời nhưng đừng quá nhiều.

Thêm một “mẹo” để trồng Cattleya tốt chính là việc đáp ứng yêu cầu vế ánh sáng. So với những giống lan thông thường của bạn, Cattleya cần ánh sáng hơn nhưng không nhiều quá vì có thể giết chết cây. Ánh nắng mặt trời nhiệt đới chính là loại ánh sáng hoàn hảo cho giống lan của chúng ta. Nếu bạn thật sự mong những chậu lan Cattleya phát triển mạnh mẽ, thì bạn cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản này khi cung cấp ánh sáng cho chúng. Mặc dù có thể sẽ phát sinh nhiều việc để làm , nhưng sẽ vô cùng xứng đáng.

Vào mùa hè, bạn có thể cho cây được phơi nắng vào buổi sáng và chiều muộn. Tuy nhiên thời điểm từ 11giờ đến 15 giờ, bạn không thể để cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì cây sẽ bị thiêu cháy. Nếu điều này quá phức tạp và tốn thời gian đối với bạn, có thể đặt chậu lan của mình dưới bóng mát một cây lớn hơn. Bằng cách này bạn có thể vừa bảo vệ cho chậu lan, lại vừa cung cấp đầy đủ ánh sáng cần thiết vào những thời điểm thích hợp.
 
3. Sợi dương xỉ- người bạn đồng hành tuyệt vời trong trồng Cattleya

Khi trồng Cattleya, lựa chọn tốt nhất đối với chất trồng chính là dương xỉ. Loại chất trồng này rất dồi dào chất xơ, độ ẩm và là một nguồn cung cấp độ ẩm hiệu quả cho toàn bộ cây lan. Cũng giống như những loại lan khác, Cattleya dễ dàng chết nếu được tưới quá nhiều nước, và chắc chắn là chất trồng của lan sẽ nhiễm nấm và rêu.

Cattleya là một loại lan vô cùng tuyệt vời, và bạn  có thể trồng thành công với những mẹo nhỏ trên.
Nguồn:orchidcarezone.com

Lan cattleya có nhu cầu phân bón thế nào?

Lan cattleya có nhu cầu phân bón thế nào?

Việc bón phân cho Lan ngoài mục đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển của cây Lan là nhằm điều khiển sự ra hoa các loài của giống này

- Các loài Lan thuộc giống Cattleya có thể ra hoa bất kỳ mùa nào trong năm với điều kiện các bộ phận sinh trưởng đủ khả năng phát triển thành một giả hành mới, chính vì thế việc bón phân cho Lan ngoài mục đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển của cây Lan là nhằm điều khiển sự ra hoa các loài của giống này (ngoại trừ một số loài rất ít ra hoa theo mùa).

- Phải luôn luôn nhớ rằng Lan Cattleya là một loài thực vật phụ sinh, do đó lá của nó giữ vai trò quan trọng trong việc hấp thụ dưỡng liệu, vì thế tưới phân bón bằng phương pháp phun sương lên toàn bộ cây sẽ tốt hơn rất nhiều so với cách tưới thẳng vào các giá thể trong chậu, phân có thể phun sương bằng hệ thống béc phun tự động hay bằng bình xịt thuốc sát trùng. Nếu số lượng Lan ít thì phương pháp nhúng phân ngập là rất tốt.

- Phân được bón là các loại phân vô cơ có công thức 30-10-10 dùng cho cây con, 20-20-20 và 15-30-15 dùng cho cây đã trưởng thành được tưới 1 hoặc 2 lần/tuần, với nồng độ một muỗng cà phê (1gam) pha trong 4 lít nước. Khi các giả hành chớm nụ hoa ta bón các loại phân 10-20-20, 6-30-30 với nồng độ và chu kỳ như trên, để đảm bảo một sự đậu hoa chắc chắn với những hoa to và đẹp.

- Nếu cây Lan của bạn đã đủ sức khỏe và bắt đầu mọc chồi mới bạn muốn có một chậu hoa Cattleya nở trong vòng 3 tháng tới, bạn sẽ thỏa mãn yêu cầu dễ dàng bằng cách dùng phân 6-30-30 hoặc 10-55-10 với cách tưới như trên. Phải nhớ rằng luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa sinh trưởng và phát dục, một điều kiện bất lợi về sinh trưởng cũng làm cho cây trổ hoa. Do đó khi cây ra hoa nhiều nó sẽ kiệt sức, vì thế nên cây Lan được trồng theo đúng nhu cầu về môi trường sống của nó mà ra hoa kém, bạn hãy suy xét lại xem trong quá trình nuôi dưỡng có lầm lẫn gì không? Một cây đến tuổi trưởng thành có đủ sức khỏe tất nhiên sẽ phát dục. vì thế nếu cây yếu ta không nên thúc cây ra hoa, cây sẽ bị mất sức. Sự thúc đẩy ra hoa chỉ được dùng khi cây mạnh khỏe hoặc trong vài trường hợp đặc biệt.

- Có thể dùng phân vô cơ và hữu cơ hỗn hợp loãng sẽ cho kết quả tốt trong sự tăng trưởng. Trước mùa ngừng tăng trưởng một tháng, trong suốt một tháng bạn bón cho Lan loại phân 10-20-30 hoặc 6-30-30 để tạo một sự cứng cáp cho cây trước khi cây vào mùa nghỉ, trong tháng nghỉ của cây, lúc này ta sẽ ngưng tưới phân hoàn toàn.

Phân bón cho lan Cattleya cây non và cây tách chiết

Phân bón cho lan Cattleya cây non và cây tách chiết

Cây con khi lấy ra khỏi chai, sau khi xử lý xong các công đoạn, lấy 1giọt Super thrive hòa trong 4 lít nước, tưới cho cây con trong vòng một tháng. Khi nhìn thấy rễ mới nhú ra, hoặc rễ của cây con phát triển tốt, ta tưới phân bón 30 -10 – 10

1.Phân bón cho cây  Cattleya con

Cây con khi lấy ra khỏi chai, sau khi xử lý xong  các công đoạn, lấy 1giọt Super  thrive hòa trong 4 lít nước, tưới cho cây con trong vòng một tháng. Khi nhìn thấy rễ mới nhú ra, hoặc rễ của cây con phát triển tốt, ta tưới phân bón 30 -10 – 10, liều lượng 1g/4 lít nước + B1. Sau đó tưới phân bón 20 – 20 – 20 cũng bằng liều lượng trên + B1.
phân bón cho cattleya đủ lượng cây sẽ cho màu sắc đẹp

 
2. Phân bón cho cây Cattleya  nhỏ

- Khi cây con lớn khoảng 2 -3 tép chuyển cây sang chậu theo lứa tuổi cây, dùng phân bón 30 – 10 – 10 liều lượng ½ muỗng café / 4 lít nước + 1 muỗng café  B1 ( B1 thuần túy).

- Tuần kế tiếp dùng  phân bón 20 – 20 -20 liều lượng ½ muỗng café / 4 lít nước + 1 muỗng café B1.

- Tuần thứ 3 dùng  phân bón 20 – 20 – 20 liều lượng ½ muỗng café / 4 lít nước + 1 muỗng café B1.

- Tuần thứ 4 dùng  phân bón 15 – 30 – 15  liều lượng 1/4 muỗng café / 4 lít nước + 1 muỗng café B1. Lúc này có thể thêm phân cá 5 – 1- 1 liều lượng ¼ muỗng café/ 4 lít nước thay thế lần tưới 30 – 10- 10, có thể dùng thêm tảo biển Seaweed  1 muỗng café/ 4 lít nước để cây lên tốt, mượt mà.

Chu kỳ này có thể thay đổi khi vào mùa mưa, ta không sử dụng phân cá hay phân vô cơ mà xài phân 10 – 20 – 30 để cây phát triển mạnh. Trong giai đoạn cây con, cây nhỏ ta dùng thêm A.100, V.100, S.100, liều lượng 1cc/ 1 lít nước mỗi thứ, tưới trước một ngày khi tưới phân đạm vô cơ 30 – 10 – 10 hay phân cá, thời gian 6 tháng một lần giúp cây phát triển mạnh mẽ, đốt thời gian nuôi trồng.

3. Phân bón cho cây Cattleya cắt chiết

Khác với cây con, cây nhỏ, cây cắt chiết thường là từ các cây trưởng thành, đã ra hoa rồi hoặc các tép, hoặc lúc nhân giống. Phân tưới có thể tưới như cây con, khi tép cắt mọc rễ mới khoảng 1 – 2cm, tưới phân tùy  theo tép lan mà ta cắt, thông  thường 1 đơn vị là 3 -4 tép, nếu là các tép đuôi hay giữa vẫn còn bám trong chậu, ta sử dụng phân như cây con, cây nhỏ nếu yếu.

Khi cắt chiếc thành đơn vị mới, nếu rễ quá dài thì cắt ngắn còn khoảng 1cm, rễ tốt thì chừa 2 – 4 cm, đặt chất trồng vào trong chậu nhẹ nhàng. Khoảng 2 tuần có thể tưới như chậu trưởng thành.

- Tuần đầu tiên dùng   phân bón 30 -10 – 10 liều lượng ¼ muỗng café/ 4 lít nước + B1.

- Tuần kế tiếp phân bón 20 – 20 – 20 liều lượng  ¼ muỗng café / 4 lít nước + B1.

- Tuần kế tiếp  phân bón 15 – 30 -15 liều lượng  ¼ muỗng café / 4 lít nước + B1.

Chu kỳ này ta sử dụng khoảng 2 tháng, sau đó khi tới kỳ tới 30 – 10 – 10 ta có thể thay vào đó phân cá 5 -1 – 1 cùng với tảo biển, với liều lượng : dùng 1/2 – 1 muỗng café phân cá / 4 lít nước + 2 muỗng café tảo biển . Dùng A.100, V.100, S.100 liều lượng 2 cc / 1 lít nước, trước ngày tưới phân 1 ngày.

Ngoài ra ta còn sử dụng các loại phân bón chậm tan như phân viên, phân túi lọc, phân hạt…. Khi sử dụng các phân này tùy theo tuổi của cây. Các cây con không nên xài, cây nhỏ mọc lên 1 tép mới bắt đầu sử dụng, dùng phân xám (14 – 12 – 14) liều lượng ½ muỗng café + 5 hạt phân viên Dynamix, hoặc phân Thái 14 -14 -14 hạt vàng + Dynamix. Cắt vải mùn hay vải thun bọc hợp chất trên, để hơi xa gốc. Nếu chất trồng là dớn trắng, hay bột dừa thì có thể rải trên mặt, tuy nhiên phân Dynamix không có túi lọc dễ sinh nấm bệnh và côn trùng.

Tháng mưa ta thay 30 – 10 – 10 bằng 10 – 20 – 30, và phân cá 5 – 1- 1 bằng 5 – 2- 2.
Theo Nguyễn Quốc Dũng

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Kỹ thuật tách chiết nhân giống Cattleya

Kỹ thuật tách chiết nhân giống Cattleya

Cattleya là loại hoa lan đang được ưa chuộng hiện nay vì màu sắc đa dạng và hương thơm tuyệt vời. Cattleya được mệnh danh là loài hoa lan vương giả - Nữ hoàng của các loài hoa. Hiện nay, tại Hà Nội và một số địa phương phía Bắc, phong trào trồng và thưởng thức lan Cattleya đang phát triển mạnh mẽ. Sau đây xin tổng hợp một số kinh nghiệm tách chiết và chăm sóc lan Cattleya của CLB Hoa Lan DLR Hà Nội.

Khi nào thì thay chậu và tách chiết?

Khi cây lan phát triển chật chậu hoặc giá thể trong chậu đã mục rữa, đọng muối, rễ cây không phát triển,….ta tiến hành thay chậu và tách chiết cho Cattleya. Có thể thay chậu tách chiết Cattleya bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng tốt nhất là nên tách chiết trong thời kỳ cây phát triển mạnh nhất sẽ tạo điều kiện cho cây nhanh chóng hồi phục và phát triển trở lại. ở Miền Bắc, thông thường nên tiến hành tách chiết vào mùa Xuân - Hè.

Lưu ý khi tách chiết: Chậu Cattleya đem tách chiết tốt nhất nên để khô, không tưới nước nhiều, tránh tách chiết trong ngày mưa vì độ ẩm không khí quá cao, nhựa trong cây nhiều làm cho vết cắt khó lành, hơn nữa để đề phòng nấm bệnh xâm nhập làm hư hại cây.

Dụng cụ cần thiết gồm những gì?: Dao, kéo, cồn, bật lửa, kìm cắt cây, chậu, móc, giá thể, thuốc xử lý vết cắt,…

Tách chiết như thế nào?

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH TÁCH CHIẾT
Trao Đổi Kinh Nghiệm Tách Chiết, Chăm Sóc Lan Cattleya

Bước 1: Tháo móc treo chậu ra, dùng hai tay bóp xung quanh thành chậu cho rễ bong khỏi thành chậu, bóc tách các rễ mọc chờm ra ngoài thành chậu và rút cả bụi lan ra khỏi chậu

Bước 2: Dùng tay móc hết các giá thể cũ còn bám vào gốc cây

Bước 3: Dùng que hoặc đũa chọc cho giá thể còn bám lại xung quanh ra hết

Bước 4: Dùng kéo hoặc dụng cụ cắt thật sắc, đổ cồn vào dụng cụ và đốt trước khi cắt đề phòng lây lan nấm bệnh. Cắt bỏ sạch những rễ đã hư thối.

Bước 5: Xác định điểm cắt, tách: mỗi đơn vị tách ra nên có từ 3 giả hành trở lên là tốt nhất, hướng tách ra phải còn mắt ngủ có thể phát triển thành chồi non. Qúa trình tách chiết bước này là quan trọng nhất. Cần xác định điểm cần cắt trước, đánh dấu, sau đó tiền hành cắt. Lưu ý dụng cụ cắt phải thật sắc, cắt thật ngọt. Nếu vết cắt bị dập, dùng dao lam gọt lại cho ngọt. Bôi vôi, sơn hoặc thuốc sát trùng vào vết cắt.

Đơn vị lan mới tách ra, cần vệ sinh sạch sẽ ngay, cắt bỏ rễ thối, hỏng, xả sạch dưới vòi nước, để ráo, bôi vôi vào các chỗ cắt. Tốt nhất để chỗ mát sau 01-02 ngày thì tiến hành trồng lại.

Bước 6: Chuẩn bị giá thể trồng Catt. Có rất nhiều loại giá thể để trồng Catt, mỗi loại giá thể thích hợp với cách trồng và điều kiện trồng tại từng vườn, từng vùng miền. Kinh nghiệm tại Hà Nội thường trồng catt bằng than củi kết hợp với dớn cọng đảm bảo cho cây phát triển tốt và ít bị hư cây. Ngoài ra có thể trồng bằng đá bọt, sỏi nhẹ. Than củi chọn loại thật chắc, sờ vào không tạo ra bụi than, ngâm xả nhiều lần khi nào than chìm xuống đáy xô nước là có thể đem trồng. Dớn cọng có thể xử lý bằng cách luộc qua nước sôi,…

Bước 7: Chậu và giá đỡ: Chậu cũ dùng lại phải rửa sạch bằng xà phòng loãng. Để giúp cây đứng vững thời gian đầu cần làm cọc đỡ hoặc cột dây cho cây đứng vững. Dùng dây thép cứng cột ngang quang treo, dùng đũa gác ngang miệng chậu, dùng dây nhôm mềm, làm cọc ti tơ, dùng cước co dãn cố định lan,… đều được

Bước 8: trồng lại: Đáy chậu nhét 1 ít xốp, xếp than vào chậu thứ tự to dưới, nhỏ trên. Nên xếp than theo chiều thẳng đứng, kê một miếng xốp nhỏ dưới gốc lan không cho tiếp xúc trực tiếp với than củi. Để vào chậu cây vào chỗ mát, chờ khi nào cây ra rễ trở lại bám nhiều xuống than thì bổ sung thêm dớn cọng trên bề mặt.

Sau khi tách chiết thì chăm sóc như thế nào?
 
Sau khi tách chiết và trồng lại, đưa chậu lan vào chỗ râm mát khoảng 50-60% ánh sáng, không tưới trong vòng 7-10 ngày đầu. Sau đó, pha B1 loãng khoảng 1cc/1lít phun sương hàng tuần cho cây nhanh ra rễ, cây ra nhiều rễ rồi thì có thể bổ sung thêm dớn cọng trên bề mặt, dùng phân 30-10-10 và B1 pha loãng 1/4-1/2 liều lượng chỉ định bón hàng tuần. Khi cây hoàn chỉnh 1 tép mới thì đổi sang phân NPK 20-20-20 nên pha loãng hơn hướng dẫn và bón định kỳ. Khi cây thật khoẻ mạnh, có khoảng 5-6 giả hành ổn định thì có thể điều chỉnh dinh dưỡng nhằm thúc đẩy cây cho hoa bằng các loại phân bón có tỉ lệ P cao hơn, tăng ánh sáng cho cây, cắt giảm 50% lượng nước tưới bình thường.

Kinh nghiệm trồng lan Cattleya

Kinh nghiệm trồng lan Cattleya

Lan Cattleya có vẻ đẹp đài các, kiêu sa và đặc biệt có mùi hương rất quyến rũ đang trở thành thú chơi thượng đẳng của những người chơi lan. Cattleya có tuổi thọ rất dài, có thể sống đến 20 - 30 năm nếu chăm sóc tốt. Cattleya có nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau, có những loại cattleya độc đáo giá lên đến 1 - 3 triệu đồng cho một nhánh lá, trong khi chậu lan thông thường giá chỉ 200.000 đồng. Những người mới bắt đầu sở hữu chậu lan Cattleya, nhất là chậu lan quý rất lúng túng trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho cây lan xanh tốt, trổ hoa.

Ông Lê Nhị Trí (Q.2, TP.HCM) là một trong những người trồng và chơi lan Cattleya thành công đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là người đang lưu giữ nhiều giống Cattleya độc đáo, quý hiếm. Ông Trí ngoài việc sưu tầm, còn cung cấp giống Cattleya cho người chơi lan. Với kinh nghiệm của mình, ông Trí hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và điều khiển ra hoa loài lan này như sau:

Cách trồng cây con

Chọn nhánh lan khỏe, tép to, màu xanh tốt, không có vết bệnh hay màu lá khác thường. Sau khi cắt nhánh lan khỏi cây mẹ, treo trong mát 3 - 5 ngày (nếu cây mua ở chợ thì khỏi treo mát). Ngâm nhánh lan trong thuốc khử trùng (5 - 10 phút), để ráo, sau đó ngâm tiếp trong thuốc trị nấm (5 - 10 phút), khoảng 3 ngày sau đem trồng. Chọn chậu nhựa, có dây treo, cách trồng rất đơn giản: Đặt nhánh lan ở bên mép chậu, quấn dây không cho nghiêng ngả, xoay chiều phát triển vào trong (nếu đặt nhánh lan giữa chậu, cây sẽ phát triển tới và tràn ra ngoài không đẹp).

Khi mới trồng, không cần cho thứ gì vào chậu. Đến khi cây lan ra rễ mới cho than vào chậu. Chú ý không dùng than lấy từ cây vùng nước mặn, không để than ngập rễ mà có khoảng cách để rễ ăn xuống từ từ. Rễ bám sâu thì cho lớp dớn (có bán ở shop hoa kiểng) phủ mặt chậu (không phủ rễ). Trong thời gian lan ra rễ, phun thêm chất tăng trưởng (tuần/lần) cho cây ra rễ nhanh. Khi lan có rễ ăn sâu thì tưới phân, giai đoạn đầu bón NPK 30 - 10 - 10, sau đó là 20 - 20 - 20 (dùng nuôi lan quanh năm).

Cho lan Cattleya ra hoa

Cây lan trồng khoảng một năm, có khoảng 5 tép lá, đến tép thứ 6 có thể “kích” ra hoa. Tép thứ 6 này phải khỏe mạnh, có khả năng cho hoa thì chuyển sang phun phân NPK có lân cao như 19 - 31 - 17, 6 - 30 - 30 (theo hướng dẫn từng loại) lên thân, rễ. Phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, cũng có thể 3 ngày/lần nếu pha loãng phân. Đến lần thứ 4 thì phun NPK 20 - 20 - 20. Cách 7 ngày sau thì phun lại 19 - 31 - 17 (phun khoảng 1 - 2 lần) thì cây bắt đầu ra hoa. Khi cây có nụ, dùng phân có kali tăng (10 - 10 - 30, 12 - 0 - 40) giúp không rụng hoa, hoa nở có màu sắc đẹp.

Lưu ý

Lan Cattleya thích hợp nước có pH = 6 - 7, mùa nắng tưới 2 - 3 lần/ngày. Thích hợp nắng 50% nên cần chọn lưới có ánh sáng 50%. Phun phân, thuốc (trừ sâu, nấm) định kỳ 15 - 30 ngày/lần, sau khi hoa tàn thì dùng lại phân 20 - 20 - 20. Không cần phải tỉa rễ, khoảng 2 năm thay chất trồng/lần.

Nếu chăm sóc tốt, Cattleya sẽ tự ra hoa. Còn để đảm bảo cây ra hoa đúng thời điểm như ý thì “kích” ra hoa. Tuy nhiên cũng phải chú ý rằng, chọn thời điểm chồi thứ 6 vừa nhú lên 4 - 5 cm thì xử lý, nếu chồi thứ 6 quá cao thì khó xử lý ra hoa. Thông thường, chồi vừa mới nứt đến khi ra hoa khoảng 4,5 tháng. Trong lúc “kích” ra hoa phải giảm 50% nước tưới, tăng ánh sáng (bỏ bớt lớp lưới che). Đối với lan Cattleya, cần chú ý khi điều khiển ra hoa là tăng lân, giảm nước, đưa ra ánh sáng và treo cây cần ra hoa cao hơn.

Kỹ thuật trồng lan Cattleya Labiata

Kỹ thuật trồng lan Cattleya Labiata

Lan Cattleya còn gọi là Cát lan. Tên Cattleya là lấy tên của người Anh chơi lan nổi tiếng William Cattleya. Lan Cattleya có khoảng 60 loại chính và rất nhiều loại lai tạo. Phải nói rằng, lan Cattleya là giống lan có hoa đẹp nhất nên được gọi là hoa Hoàng hậu của các loài hoa

Vùng Đông-Nam-Á nổi tiếng với cây lan Dendrobium, thì vùng Nam-Mỹ nổi tiếng với cây lan Cattleya, xuất xứ từ Braxin, Columbia, Mexicô là vùng nhiệt đới và vùng đồi cao mát mẻ. Tuy nhiên các loại lai từ nhiều giống khác với Cattleya cũng đều gọi chung là Cattleya như Laeliocattleya, Brassocattleya, Sophrocattleya, Potinama vv...
  
Lan Cattleya được chia ra làm hai nhóm:

-Nhóm 1 lá, giả hành chỉ có một lá và chỉ ra có 1-2 hoa to rất đẹp

-Nhóm 2 lá, mổi giả hành có 2 lá, có hoa chùm 5-7 hoa, nhưng hoa nhỏ hơn.

Lan Cattleya có khuyết điểm là hoa mau tàn, độ 1-2 tuần lễ là tàn, nhưng có loại cho hoa có mùi hương rất thơm.

Cũng như Dendrobium, Cattleya cũng đa thân, cây mang nhiều giả hành dự trữ nhiều chất dinh dưỡng và nước, nhưng giả hành mập và lùn hơn, rễ nhỏ và dài, mọc từ căn hành bám vào giá thể, cây phát triển theo chiều ngang. Lúc còn non có bẹ màu xanh bọc lại, lúc lớn các be khô và rụng đi. Thường trên đỉnh giả hành có 1 hoặc 2 lá to, chính giữa có một lưỡi mèo bao bọc lấy phát hoa, phát hoa vượt lên và xuyên qua lưỡi mèo để trổ hoa. Trung bình một năm, một cây lan có thể ra 3 giả hành mới. Nếu chăm bón tốt cây phát triển khoẽ mạnh có thể đạt đến 5-6 giả hành.

NHIỆT ĐỘ, ẨM ĐỘ, VÀ SỰ TƯỚI NƯỚC


Cattleya là giống lan có thể sống được ở vùng nóng và vùng ôn đới, đặc biệt đây là giống rất thích nghi với điều kiện khí hậu và thời tiết của VN, với một biên độ rất rộng. Chính vì thế nó được trồng và phát triển rất mạnh ở tất cả các nơi, các tỉnh phía nam, các tỉnh phía bắc và ngay cả trên vùng cao nguyên. Tuy nhiên cách trồng có khác nhau.

Cattleya phát triển rất tốt ở không khí mát và ẩm, nhiệt độ lý tưởng cho Cattleya là 21 độ C vào ban ngày và 16 độ C vào ban đêm. Vùng thích hợp cho loại lan này là vùng Bảo lôc. Dù vậy lan Cattleya vẩn tăng trưởng và có thể phát triển ở một nhiệt độ cao hơn. Nhưng dầu sao nhiệt độ lý tưởng vẫn là nhiệt độ giúp cho cây tăng trưởng tốt nhất. Điều này được chứng minh bằng khí hậu mát ẩm của Đà lạt: mặc dầu các nhà vườn của đà lạt ít sử dụng phân bón, nhất là phân vô cơ, nhưng các cây lan của đà lạt vẫn phát triển với kích thước lớn hơn so với cùng một loài trong điều kiện ở TPHCM. Ngòai ra cây lan Cattleya cũng phát triển tốt ở những vùng khí hậu mùa đông với nhiệt độ 13 độ C vào ban ngày và 10 độ C vào ban đêm, đó là nhiệt độ các tỉnh phía bắc.

Do đó có thể nói rằng, các loài thuộc giống Cattleya có thể trồng và ra hoa ở khắp nơi của nước ta. Tuy nhiên vùng lạnh và mát nên trồng loại lan có chử đầu là: SC, SLC; vùng nóng nên trồng các loại: C, LC, BC, BLC, BSLC, như thế sự ra hoa của các loài này mới điều đặn hơn. Bạn nên nhớ, các giống lan Cattleya đều được xuất phát từ 2 nguồn: một nguồn từ vùng nóng ẩm của Braxin, một nguồn từ vùng đồi núi trên các cao nguyên của Columbia và Mexicô. Các giống lan Cattleya lai có họ hàng với các giống lan rừng từ Columbia và Mexico thì cần nhiệt độ mát hơn. Tương tự Sophronitis là một loại lan vùng lạnh.

Ẩm độ tương đối của không khí cần thiết cho sự phát triển của lan Cattleya là 40-70%, tưới nước là cần thiết để tăng độ ẩm của vườn lan. Tuy nhiên bạn phải nhớ rằng Cattleya là một giống lan có giả hành mập, vì thế khả năng dự trữ nước của nó rất lớn. Do đó tưới nước thường xuyên sẽ làm cho cây èo uột không phát triển và đôi khi làm chết cây do thối rễ. Tưới nước bằng cách nhỏ giọt thường xuyên vào chậu cũng không cho kết quả khả quan

Ở TPHCM, đối với lan Cattleya việc tưới nước là rất cần thiết, tuy nhiên với độ che sáng 50% tưới nước nhiều sẽ tạo ra một nhiệt độ thấp dưới 25 độ C làm cây khó ra rễ. Vì thế đối với giống Cattleya, giữa các lần tưới phải có thời gian khô ráo để kích thích sự mọc rễ của cây. Cách tưới nước thay đổi tuỳ vùng, như ở TPHCM và mùa mưa từ tháng 5 đến thánh 11 lan Cattleya được tưới một ngày một lần vào khoảng 10 giờ sáng. từ tháng 11 đến tháng 3 tưới mỗi ngày 2 lần, một lần vào 9 giờ sáng và một lần vào lúc 3 giờ chiều. Sở dĩ ta tăng số lần tưới trong thời gian này, vì đây là mùa khô, ẩm độ không khí giảm đi rõ rệt. Vào tháng 3 đến tháng 4 ta giảm số lần tưới còn 1lần/ ngày để tạo mùa nghỉ cho lan.

Ở các vùng cao như Đà-lạt, vì có sương mù thường xuyên nên độ ẩm cao, do đó cách tưới nước có khác nhiều so với TPHCM, chỉ tưới 1 tuần/lần trong mùa nắng, hoàn toàn không tưới trong mùa mưa.

Các tỉnh phái bắc, có mùa khô ngắn, các tình từ thuận hải đến thừa thiên có mùa khô quá dài. Vì thế việc tưới nước phải được vận dụng một cách cụ thể cho từng vùng.

ÁNH SÁNG

So với một số giống lan thương mại khác, sự che sáng các loài lan thuộc giống Cattleya thay đổi khác nhau tuỳ loại. Tuy nhiên mức độ che sáng 50%. Có thể áp dụng cho nhiều loài. Lan Cattleya cần ánh sáng nhưng không trực tiếp. Một giàn che bằng tôn nhựa xanh rất tốt cho việc trồng lan Cattleya. Nếu lan Cattleya được trồng trên sân thượng nhà ở, độ che sáng tốt nhất là 60% tức ánh sáng sử dụng 40%. Trong giàn lan không nên treo các chậu sát vào nhau, phải có một khoản cách giữa các chậu sẽ cho cây nhận đủ ánh sáng và thoáng khí. Tuy nhiên nếu lan được trồng treo cao thì các cây phải được treo sát vào nhau để ngăn chặn bớt gió.

Nếu không có giàn che, lan Caatleya cũng có thể trồng trực tiếp ngoài sáng với điều kiện là các cây phải được trồng từ nhỏ ở các chậu, phải đặt sát vào nhau và tiểu khí hậu nơi đó phải mát và ẩm.

Biểu hiện của một cây lan thừa ánh sáng là lá có thể bị cháy hoặc màu vàng, cây lùn thấp và rất cứng cáp. Ngược lại một cây thiếu ánh sáng, màu xanh lá cây đậm, dáng cây yếu đuối dễ ngã. Một cây Cattleya màu xanh nhạt ánh màu vàng hay tím là cây được trồng ở nơi vừa đủ ánh sáng.

Nếu cây lan Cattleya được trồng ở điều kiện ánh sáng tối ưu, sẽ cho hoa có màu rất thắm, cánh hoa dầy cứng không có khuynh hướng lắc lư, hoa thật to. Còn ngược lại, nếu được trồng ở ánh sáng yếu, cây rất chậm ra hoa và khi ra hoa, hoa thường hay gục xuống, màu nhạt. Qúa nắng cây sẽ còi cọc, ra hoa bé thường hay bị háp nắng hoặc có khuyết tật.

NHU CẦU PHÂN BÓN

Các loài lan thuộc giống Cattleya có thể ra hoa bất kỳ mùa nào trong năm với điều kiện các bộ phận sinh trưởng đủ khả năng phát triển thành một giả hành mới. Chính vì thế, việc bón phân cho lan ngoài mục đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển của cây lan, còn là nhằm điều khiển sự ra hoa các loài thuộc giống này (ngoại trừ một số loài rất ít ra hoa theo mùa).

Các bạn luôn luôn nhớ rằng lan Cattleya là: một loài thực vật phụ sinh, do đó lá của chúng giữ vai trò quan trọng trong việc hấp thụ dưỡng chất, vì thế tưới phân bón bằng phương pháp phun sương lên toàn bộ cây sẽ tốt hơn rất nhiều so với cách tưới thẳng vào càc giá thể trong chậu. Phân có thể phun sương bằng hệ thống béc phun tự động hay bằng bình xịt thuốc sát trùng. Nếu số lượng lan ít thì phương pháp nhúng phân ngập chậu lan cũng tốt.

Phân được bón là các loại phân vô cơ, có công thức 30-10-10 dùng cho cây con, 20-20-20 và 15-30-15 dùng cho cây đã trưởng thành, được tưới 1-2 lần tuần, với nồng độ 1gr hay 1 muỗng cà phê pha trong 4 lít nước. Khi các giả hành chớm nụ hoa, ta bón các loại phân 10-20-20 , 6-30-30 với nồng độ và chu kỳ như trên, để đảm bảo một sự đậu hoa chắt chắn, với những hoa to và đẹp.

Nếu cây lan của bạn đã đủ sức khoẻ và bắt đầu mọc chồi mới, bạn muốn có một chậu hoa Cattleya nở trong vòng 3 tháng tới, bạn sẽ thoả mãn yêu cầu bằng cách dùng phân 6-30-30 với cách tưới như trên. Phải nhớ rằng, luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa sinh trưởng và phát dục. Một điều kiện bất lợi về sinh trưởng cũng làm cho cây ra hoa. Do đó khi cây ra hoa nhiều nó sẽ kiệt sức, vì thế cây lan được trồng theo đúng nhu cầu về môi trường sống của nó mà hoa ra kém, thì bạn nên xem lại trong quá trình nuôi dưỡng có lầm lẫn gì không? Một cây lan đến tuổi trưởng thành có đủ sức khỏe, tất nhiên sẽ phát dục. Vì thế nếu cây yếu, ta không nên thúc cây ra hoa, cây sẽ bị mất sức. Sự thúc đẩy lan ra hoa chỉ được dùng khi cây mạnh khoẻ hoặc trong vài trường hợp đặc biệt.

Có thể dùng phân vô cơ và hữu cơ hỗn hợp loãng sẽ cho kết quả tốt trong sự tăng trưởng. Sinh tố B1 tưới với nồng độ loãng hàng ngày sẽ giúp cây phát triển rất nhanh chóng.

Trước mùa ngừng tăng trưởng một tháng, trong suốt tháng 3, bạn bón cho lan loại phân 10-20-30 hoặc 6-30-30 để tạo một sự cứng cáp cho cây trước mùa nghỉ trong tháng 4, vào mùa này ta sẽ ngưng tưới phân hoàn toàn.

CẤU TẠO GIÁ THỂ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI LAN THỘC GIỐNG CATTLEYA

Cấu tạo giá thể là điều kiện quyết định sự phát triển của lan Cattleya, vì thế việc cấu tạo giá thể thay đổi tuỳ theo vùng và tuỳ theo mùa trong năm. Phương pháp trồng trên thân cây sống và thân cây chết thì giá thể chính là lớp vỏ của thân cây được trồng. Phương pháp trồng chậu thì gía thể phải thật thoáng. Một giá thể quá bí giúp người trông ít tưới nước, nhưng cây rất dễ bị chết vì thối rễ nhất là trong mùa mưa. Một giá thể với phần đáy thật thoáng tránh được sự úng nước. Phần bề mặt hơi khít kín rất tốt cho sự phát triển của lan.

Đối với vùng lạnh, cấu tạo giá thể quá thông thoáng sẽ bất lợi cho sự sinh trưởng, vì nhiệt độ lạnh ban đêm sẽ làm các đầu rễ chùn lại và bộ rễ teo dần, cây phát triển èo uột. Một giá thể bít kín sẽ giúp rễ có độ ấm để phát triển, do đó ở Đà-lạt người ta dùng các loại dớn vụn làm giá thể trồng lan.

Mùa nghỉ của lan Cattleya

Cattleya là một giống lan có mùa nghỉ, ở điều kiện khí hậu và thời tiết VN, ta nên cho cây lan Cattleya nghỉ mỗi năm một tháng. ở các tỉnh phía nam mùa nghỉ của Cattleya là trong suốt tháng 4, các tỉnh phái bắc trong tháng 1. Các tỉnh từ Thuận hải đến Thừa thiên mùa nghỉ bắt đầu trong tháng 8.

Trong mùa nghỉ, cây không đòi hỏi dinh dưỡng và nước tưới (vì thế trong mùa này nên để cây vào chổ khô và mát) chỉ duy trì lượng nước tưới 1lần/ ngày. Tăng độ che sáng thêm 10% để giảm nhiệt độ, nhiệt độ thích hợp trong mùa nghỉ của Cattleya càng thấp càng tốt, khoảng 10 độ C cho vùng lạnh và 25 độ C cho vùng nóng.

THAY CHẬU VÀ NHÂN GIỐNG Cattleya

Lan Cattleya trồng và phát triển trong chậu dù cẩn thận thế nào đi nữa cũng có một số rễ bị thối. Ngoài ra lan Cattleya phát triển rất nhanh, do đó việc thay chậu phải được thực hiện sau một thời gian trồng khoản 2 năm. Việc thay chậu nên tiến hành đồng thời với việc nhân giống. Khi ta quan sát thấy giả hành bắt đầu mọc ra khỏi mép chậu thì ta nghĩ đến việc thay chậu. Vì lan Cattleya có giả hành nên khi thay chậu rất dễ bị xốc.

Việc thay chậu tốt nhất nên thực hiện vào đầu mùa mưa cây sẽ phát triển rất mạnh. Tuy nhiên Cattleya có thể thay chậu vào bất kỳ thời gian nào trong năm vẫn đảm bảo cây sống với tỷ lệ cao.

Chậu lan Cattleya với 10 giả hành, có thể cắt trước đó 3-4 đoạn, 4 tháng trước mùa nghỉ, và để nguyên tại chỗ. Trét sơn hoặc vôi vào vết cắt (cho mau lành thẹo), rồi phun hổn hợp thuốc trừ nấm và thuốc kích thích ra rễ B1... Khi đến mùa nghỉ mỗi đoạn sẽ có một giả hành mới vừa đủ trưởng thành để chịu đựng trong mùa nghỉ, khi mùa mưa đến, ta tách mỗi đoạn ra và đem trồng vào một chậu mới. Tách chiết kết hợp với việc thay chậu vào đầu mùa mưa sẽ đảm bảo cho chậu lan đủ khả năng trổ hoa ngay trong năm đó.

Muốn thay chậu Cattleya, ta ngâm chậu vào một thau nước có pha thuốc ngừa rêu, trong thời gian nửa giờ đến 1 giờ, các rễ sẽ tróc ra. Dùng kéo nhọn đã khử trùng cắt bỏ những rễ thối. Những rễ quá dài thì cắt chừa lại một đoạn khoản 10cm. Cột chặt cây lan vào chậu mới và đặt chậu vào chỗ ẩm mát đến khi ra rễ. Luc ấy mới bắt đầu cho giá thể vào chậu và đưa chậu trở về vị trí cũ.

Sau khi thay chậu, phung 1 lần thuốc kích thích ra rễ B1. Sau đó để cây khô không tưới nước 1 tuần khi mới thay chậu và lần đầu tiên tưới nước trở lại là dung dịch Atonik+Root - Plex 1cc pha chung 4 lít nước. Lưu ý: Không bao giờ đặt giá thể vào chậu trước khi cây ra rễ. Nếu bạn sợ giả hành nhăn nheo vì mất nước thì có thể để tạm vài cục than to dưới đáy chậu là đủ.

Lan Cattleya có thể nhân giống bằng cách tách chiết 3 giả hành một. Khác với Dendro, Cattleya là một giống lan có giả hành nhưng không có thân, vì thế tách chiết dưới 3 giả hành cây phát triển rất yếu. Nếu cây bị nhiễm bệnh, mắt trên căn hành bị thối đi, cây sẽ không tạo chồi ngọn (keiki) như giống Dendrobium, để hình thành một cây con mới trên ngọn thân Có rất ít trường hợp cây lan Cattleya với bộ rễ phát triển mạnh, lá xanh tốt, nhưng các mắt trên các căn hành bị hư. Nếu cây lan Cattleya của bạn thuộc loại giống quý hiếm mà sự tách chiết là cần thiết. Bạn có thể chiết 2 tép một, và để nguyên tại chỗ. Đến khi nào cây hình thành một giả hành mới và đủ trưởng thành, ta mới lấy ra trồng vào chậu khác.

SÂU BỆNH VÀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC.


Đối với các loài thuộc giống Cattleya, thường xuất hiện các loài rệp son ánh màu nâu, các loài này thường bám vào lá, giả hành căn hành để hút nhựa. Nhưng nguy hiểm hơn cả là loài rệp này sẽ bám vào các mắt ngủ, hút nhựa lâu ngày sẽ làm các mắt ngủ chết đi. Loại rệp này lúc còn nhỏ bò đi kiếm chổ hút nhựa cây, lớn lên thay vỏ rụng hết chân nên ở yên một chỗ. Vật thể màu nâu hình tròn mà ta thấy chỉ là một lớp vỏ che chở cơ thể rệp, nếu ta làm lệt vị trí của vỏ sẽ gây tử vong cho rệp. Lớp vỏ bao bọc này có thể chống đỡ được tác dụng của thuốc sát trùng ở nồng độ thấp. Ta có thể dùng đầu que hay chính bằng móng tay, kéo lệt vị trí của vỏ, rệp tróc ra sẽ chết. Còn nếu nhiều phải phun thuốc rầy Serpa, Diazinon theo liều lượng hứưng dẫn nhà sản xuất. Nếu không phòng ngừa thường xuyên, loại rệp này sinh sản rất nhanh sẽ gây tác hại các nhà vườn không ít.

Rệp son ánh màu nâu

Loại dán cánh và bọ trĩ cũng thường hay cắn phá rễ, và chỉ xuất hiện trong các giá thể cấu tạo bằng xơ dừa, vỏ cây mục, dớn vụn hoặc do sử dụng quá nhiều các loại phân hữu cơ dưới dạng xác như bánh dầu, phân bò vv... Có thể trừ chúng dễ dàng bằng các thuốc sát trùng. Tốt hơn hết là ngừa chúng theo chu kỳ 2 tháng /lần, bằng các loại thuốc nói trên.

Trong vườn lan ở những nơi qúa ẩm, thường xuất hiện các loài ốc sên trong các chậu lan, không những ăn hết rễ non mà còn tiết ra chất nhờn làm thối các chồi mới mọc. Loại trừ các loài này bằng các mồi có trôn metandehit hay cải xà lách đặt trong rổ để ở các góc vườn các loài ốc sẽ ăn xà lách ban đêm, ta dùng đèn bắt chúng.

Bệnh thối đọt, thối lá ở Cattleya, có thể bắt đầu từ sự cháy nắng, sau đó các mầm bệnh và virut lan truyền rất nhanh chóng. Nhiễm bệnh có thể ở lá, giả hành hay căn hành. Phần nhiễm bệnh mềm đi có màu nâu sẫm và lan nhanh. Tốt nhất là cắt bỏ những phần bị xâm nhiễm và bôi vết cắt bằng Vadơlin+Benlate cho đến khi không còn dấu hiệu mềm thối nơi mặt cắt ấy. Phần bị bệnh nên huỷ bỏ ở nơi thật xa bằng lửa. Trồng lan ngừa bệnh hơn trị bệnh, hàng tháng tốt nhất nên ngừa thường xuyên bằng các thuốc trừ nấm, thuốc rầy và nhất là làm vệ sinh môi trường, cỏ rác, diệt côn trùng, cây sẽ không bị mắc bệnh.

Phân loại hoa lan Cattleya

Phân loại hoa lan Cattleya

Lan Cattleya có vẻ đẹp đài các, kiêu sa và đặc biệt có mùi hương rất quyến rũ đang trở thành thú chơi thượng đẳng của những người chơi lan. Cattleya có tuổi thọ rất dài, có thể sống đến 20 - 30 năm nếu chăm sóc tốt.

Về phương diện ngoại hình Cattleya có thể chia làm hai nhóm

1. Nhóm một lá



Mỗi cây chỉ mang một lá trên đỉnh. Nhóm này thường cho từ 1-6 hoa trên một phát hoa. Hoa rất lớn với màu sắc rất rực rỡ và thơm, ví dụ như Cattleya eldorado, gaskelliana, labiata, lueddemanniana, mendelii, mossiae, percivaliana, schroederae, trianaei, warscewiczii ..
Thân của nhóm này cao khoảng 8-30cm, lá thường xanh đậm dầy, dai, dài khoảng 20cm, rộng đến 7cm. Phát hoa mang hoa rất to có thể lên đến 25cm đường kính. Cattleya labiata và trianaei là loài tiêu biểu nhất trong nhóm với nhiều loại phụ.
 
 
Tuy nhiên bất cứ cái gì cũng đều có sự ngoại lệ. Sự ngoại lệ ở đây là Cattleya luteola mặc dù thuộc nhóm Cattleya Một lá nhưng lại có thân nhỏ và hoa cũng nhỏ.
 
2. Nhóm hai lá

Mỗi cây mang 2 hay 3 lá trên đỉnh. Nhóm này thường cho hoa nhỏ hơn và mọc thành từng cụm như Cattleya aclandiae, amethystoglossa, aurantiaca, bowringiana, harrisoniana, intermedia, leopoldii, schilleriana, skinneri, walkeriana ...
 
Thân của nhóm này ốm hơn nhưng rất cao, trung bình cây cao khoảng 60cm nhưng có loài cao đến 1,5m, mang 2 hoặc 3 lá trên đỉnh. Lá cũng nhỏ hơn, dài khoảng 20cm, màu xanh nhạt.

Phát hoa vươn cao từ một bọc xanh trên đỉnh, mang nhiều hoa có khi lên đến 15 hoa. Hoa nhỏ hơn, chỉ khoảng 10-15cm đường kính và cánh hoa cũng thường thuôn dài hơn.
 
Cattleya skinneri được Bateman phân loại và đặt tên để vinh danh nhà thám hiểm và chuyên săn lùng thực vật nổi tiếng George Ure Skinner.

Cây thuộc loại phụ sinh trên cành cây, có khi sống trên các vách đá. Thân cao đến 50cm mang 2 lá hình bầu dục dài 10-20cm, rộng 3-6cm trên đỉnh. Phát hoa ra từ một bọc hình lá trên đỉnh các cây trưởng thành, mang 4-12 hoa màu hồng tím, lớn đến 8cm. Môi hoa hình ống loe ra với họng màu trắng kem.

Cattleya skinneri có nhiều loài phụ như trắng tuyền, hoặc trắng với họng màu tím.
Cattleya skinneri rất được các nhà lai tạo lan ưa chuộng để dùng làm giống căn bản lai tạo vì chúng rất khoẻ và mau hoa.

Cattleya hardyana là giống lai tự nhiên giữa Cattleya dowiana var aurea và Cattleya warscewiczii được tập đoàn của Hardy tìm thấy năm 1886 và đưa về Anh, khi cây trổ hoa được đặt tên của Hardy. Sau đó ở vườn ươm người ta cũng đã lai tạo giữa hai giống trên và được kết quả tương tự.

Trong thiên nhiên người ta tìm thấy khá nhiều loài Cattleya lai tạo tự nhiên như Cattleya guatemalensis được Linden và Reichenbach tìm thấy ở Guatemala, nó là kết quả của sự thụ phấn tự nhiên giữa Cattleya skinneri và Cattleya aurantiaca. Sau đó ít lâu ở Honduras, Ames và Correll tìm thấy một giống Cattleya mà họ đặt tên là Cattleya pachecoi, thực chất nó chính là Cattleya guatemalensis.
Hoặc như Cattleya brasiliense là giống lai tự nhiên giữa Cattleya bicolor và Cattleya harrisoniana.
Các giống hoa lai nhân tạo của Cattleya
Giống Cattleya lai nhân tạo đầu tiên là Cattleya Hybrida được tập đoàn Veitch đăng ký bản quyền ngày 1/1/1863. Cattleya Hybrida được nhân giống giữa Cattleya guttata và Cattleya loddigesii.
Đến nay người ta đã lai tạo ra hàng ngàn giống Cattleya đủ mọi hình dáng và màu sắc, trong đó rất nhiều giống đã được các nước in lên tem.

Cattleya Carpa = C labiata x C amethystoglossa
Cattleya Francis = C Bow Bells x C Swan
Cattleya Fabia = C labiata x C dowiana
Cattleya Frasquita = C velutina x C bicolor

Người ta không những lai tạo các giống Cattleya mới trong cùng một chi mà còn lai chúng với các chi hoa khác trong cùng một phả hệ như Laelia, Brassavola, Sophronitis ..

Cattleya x Brassavola = Brassocattleya (thường được viết tắt là BC)
Cattleya x Laelia = Laeliocattleya (LC)
Cattleya x Sophronitis = Sophrocattleya (SC)
Cattleya x Schomburgkia = Schombocattleya

Không những thế, người ta còn lai 3 chi thậm chí 4 chi trong cùng một phả hệ với nhau như:

Cattleya x Brassavola x Laelia = Brassolaeliocattleya (Blc)
Cattleya x Laelia x Sophronitis = Sophrolaeliocattleya (Slc)
Cattleya x Brassavola x Laelia x Sophronitis = Potinara (POT)

Hoặc có những tổ hợp lai phức đến đáng kinh ngạc như SLC Estella Jewell được lai tạo qua rất nhiều thế hệ của 16 chi loài khác nhau.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Nguồn gốc hoa lan Cattleya

Nguồn gốc hoa lan Cattleya

Năm 1818, William Cattley, một nhà chuyên nghiên cứu thực vật nhiệt đới người Anh, lúc bấy giờ đang làm việc ở Barnett, nhận được một kiện hàng toàn các loại thực vật được gởi về nước từ Brazil. Ông thấy một loại cây có lá lạ dùng để bọc và chèn các cây cỏ trong kiện hàng. Ông đem trồng các cây lạ đó trong vườn ươm của mình.

Đến tháng 11 cùng năm, các cây lạ đó trổ hoa. Những đoá hoa đã gây sửng sốt cho giới quý tộc Anh vì vẻ đẹp rực rỡ, mê hồn cùng mùi hương thật quyến rũ. Rất nhanh chóng người ta đã đặt cho chúng cái tên Nữ Hoàng Của Các Loài Hoa – The Queen of Flowers.

Đến năm 1821, Dr John Lindley, một nhà phân loại thực vật được William Cattley nhận vào làm việc để thay thế Sir Joseph Banks, đã mất, tiếp tục công trình nghiên cứu mô tả và phân loại thực vật trong bộ sưu tập của Cattley; và Lindley đã lấy tên của Cattley đặt cho cây Nữ Hoàng Của Các Loài Hoa là Cattleya labiata (labiata tiếng Latin có nghĩa là Cánh môi hoa tuyệt diệu) để vinh danh người đầu tiên ở Âu châu trồng nó ra hoa

Vẻ đẹp của Hoa lan Cattleya xứng với cái tên Nữ Hoàng Của Các Loài Hoa – The Queen of Flowers

Tên của một số cây Cattleya

Tên của một số cây Cattleya

Hình ảnh và tên các cây lan Cattleya phổ biến được nuôi trồng ở Thái Lan, thông tin về cây và hình ảnh được sưu tầm từ thaiochirdplant
 

Ánh sáng cho lan Cattleya

Ánh sáng cho lan Cattleya

Môi trường và nguồn nước, hai yếu tố này quyết định 60 – 70% sự phát triển cây lan. Trong đó ánh sáng là một yếu tố rất quan trọng. So với những giống lan thông thường, lan Cattleya cần ánh sáng hơn nhưng không nhiều quá vì có thể giết chết cây.

Lan Cattleya cần ánh sáng đầy đủ mỗi ngày từ 8 tiếng trở lên, thông thoáng gió, độ ẩm 60 – 70%. Lan Cattleya cần ánh sáng nhưng không trực tiếp. Một giàn che bằng tôn nhựa xanh rất tốt cho việc trồng lan Cattleya. Nếu lan Cattleya được trồng trên sân thượng nhà ở, độ che sáng tốt nhất là 60% tức ánh sáng sử dụng 40%. Trong giàn lan không nên treo các chậu sát vào nhau, phải có một khoản cách giữa các chậu sẽ cho cây nhận đủ ánh sáng và thoáng khí. Tuy nhiên nếu lan được trồng treo cao thì các cây phải được treo sát vào nhau để ngăn chặn bớt gió.

Lan Cattleya cũng có thể trồng trực tiếp ngoài sáng với điều kiện là các cây phải được trồng từ nhỏ ở các chậu, phải đặt sát vào nhau và tiểu khí hậu nơi đó phải mát và ẩm.

Cây con mới trồng, cây mới tách chiết che 70%.
Cây mới trưởng thành che 50 – 60%, nên cần chọn lưới có ánh sáng 50%.

Ánh sáng cho lan Cattleya trong mùa hè:

Bạn có thể cho cây được phơi nắng vào buổi sáng và chiều muộn. Tuy nhiên thời điểm từ 11giờ đến 15 giờ, bạn không thể để cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì cây sẽ bị thiêu cháy. Nếu điều này bạn thấy tốn thời gian đối với bạn, bạn có thể đặt chậu lan cattleya dưới bóng mát một cây lớn hơn. Bằng cách này, bạn có thể vừa bảo vệ cho chậu lan, lại vừa cung cấp đầy đủ ánh sáng cần thiết vào những thời điểm thích hợp.

Trong lúc “kích” ra hoa, bạn cần tăng ánh sáng  bằng cách bỏ bớt lớp lưới che!

Ảnh hưởng của ánh sáng đến quá trình phát triển của lan Cattleya:

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya thừa ánh sáng: lá có thể bị cháy hoặc màu vàng, cây lùn thấp và rất cứng cáp.

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya thiếu ánh sáng: Lá có màu xanh lá cây đậm, dáng cây yếu đuối dễ ngã.

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya vừa đủ ánh sáng: Một cây Cattleya màu xanh nhạt ánh màu vàng hay tím là cây được trồng ở .

Ảnh hưởng của ánh sáng đến quá trình nở hoa của lan Cattleya:

+ Lan Cattleya được trồng ở điều kiện ánh sáng tối ưu: sẽ cho hoa có màu rất thắm, cánh hoa dầy cứng không có khuynh hướng lắc lư, hoa thật to.

+ Còn ngược lại: nếu được trồng ở ánh sáng yếu, cây rất chậm ra hoa và khi ra hoa, hoa thường hay gục xuống, màu nhạt. Quá nắng cây sẽ còi cọc, ra hoa bé thường hay bị háp nắng hoặc có khuyết tật.

Nguồn: sưu tầm Internet

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Kỹ thuật nhân giống hoa Phong Lan phần 2

Kỹ thuật nhân giống hoa Phong Lan phần 2

Với những phát minh và kỹ thuật khoa học mới mẻ, chuyện nhân giống hoa lan không còn ở phạm vi cắt cành, tách nhánh hay gieo hạt theo phương thức cổ xưa khi được khi không nữa. Trong phạm vi bài này chúng tôi xin chỉ trình bầy việc nhân giống một cách tổng quát để chúng ta có một ý niệm chung. Nếu muốn hiểu rõ ngọn ngành cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn hay nói cách khác là phải theo một lớp huấn luyên chuyên ngành.

1. Tách nhánh

- Nhiều giống lan mỗi năm mọc thêm vài ba nhánh mới. Sau vài năm cây lan đã trở thành một khóm lớn có 9 - 10 nhánh. Những nhánh già nếu để lại chỉ là chiếc bầu chứa nước chứ không ra hoa và cũng không mọc cây non nữa. Để lại chỉ thêm chật chỗ, nhưng nếu tách rời ra, những nhánh già vì lý do sinh tồn sẽ mọc cây non. Khi tách ra, chúng ta cần phải có từ 3 - 5 nhánh. Nếu chỉ có 1 - 2 nhánh cây có thể chết vì không đủ sức, những nhánh non dù có mọc ra cũng khó lòng có hoa được.

- Khi tách nhánh nên dùng dao kéo đã khử trùng và phun thuốc sát trùng vào các vết cắt hay những chỗ bị phạm. Thời gian tách nhánh tốt nhất là sau khi hoa tàn hay trong mùa hè. Không nên tách vào cuối mùa thu hay mùa đông.
 


 
2. Tạo củ giả

Khi tách ra, những củ già của các giống lan như Cymbidium, Oncidium, Encyclia, Stanhopea ... đừng nên vất đi, vì những củ này thường mọc ra cây non. Cần phải cắt bỏ rễ thối, lá già rồi để vào chỗ rợp mát, thỉnh thoảng phun nước cho củ khỏi khô héo. Khoảng vài tháng sau các củ này sẽ mọc cây non, đơi khi cây mọc rễ khoảng 4 - 5 cm hãy đem ra trồng.

3. Tách cây con

Những loài như Phalaenopsis hay Dendrobium thường mọc cây non (keiki) sau khi hoa đã tàn. Khi đó chúng ta vẫn tưới bón cho cây mẹ như thường. Khi cây non ra rễ dài khoảng 4 - 5 cm sẽ dùng dao kéo đã khử trùng tách ra và đem trồng với những vật liệu cỡ nhỏ.

 
4. Cắt cành

Chúng ta cũng có thể nhân giống bằng cách cắt khúc cành hoa hay thân cây với những loại lan sau:

a) Phalaenopsis

Là một loài lan thân đơn, ít khi mọc cây con ở gốc, nhưng lại hay mọc cây con ở trên đốt của cành hoa. Có 3 cách nhân giống:

- Khi bông hoa đầu tiên vừa nở, phía dưới có 2 - 3 đốt không có hoa nhưng có chiếc vỏ bọc. Dùng dao hay tăm nhọn tách vỏ này ra, tránh phạm đến mầm bên trong, bôi thuốc mọc cây non (keiki paste) có chất Cytokinin giá bán khoảng 4 - 5$ USD vào mầm đó. Khi hoa tàn hãy cắt phía trên đi. Vài tháng sau sẽ mọc cây con, khi cây con ra rễ dài 4 - 5 cm, cắt ra và đem trồng

- Khi hoa đã tàn hết, cắt cành hoa sát đến tận gốc rồi cắm vào trong ly nước có pha phân bón 30 - 10 - 10 rất loãng 1/4 thìa cà phê cho 4 lít nước và lâu lâu lại thay nước một lần. Có người dùng nước dừa (coconut milk) thay cho nước lạnh, nhưng cách này dễ bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm cho nên cần phải cho vài giọt Physan 20 hay Peroxide hydrogen vào. Để ở nơi rợp mát với nhiệt độ từ 75 - 80°F hay 25°C trở lên, vài tháng sau sẽ mọc cây non ở các đốt.

- Cắt các đốt ở dưới bông hoa đầu tiên (những đốt không có hoa) mỗi đầu chừa ra khoảng 2 - 3 cm, ngâm vào nước sát trùng trong vòng 20 phút rồi bỏ vào trong một chiếc bình bịt kín lai và để như trên.
b) Dendrobium, Phaius

Khi hoa tàn, cắt thân cây ra từng khúc như trên hay để nguyên cây, ngâm vào nước có pha chất sát trùng rồi đặt lên khay có rêu sphagnum moss. Để vào chỗ rợp mát và ấm như trên, vài tháng sau sẽ mọc cây con. Xin xem chi tiết trong bài "Nhân giống Đăng Lan".

c) Aerides, Ascocenda, Arachnis, Renathera, Vanda, Staurochilus ...

- Những cây lan thuộc các loài kể trên thường mọc quá dài và một đôi khi lại bị thối ngọn hay thối gốc nhất là Ascocenda và Vanda. Trường hợp này nếu không cắt ra và kịp chữa trị cây sẽ chết.

- Khi cây lan mọc quá dài, có thể cắt ra làm nhiều đoạn theo như hình bên, mỗi đoạn cần tối thiểu phải có từ 3 - 5 đốt và 2 - 3 rễ, gốc cây cũng vậy. Sau đó bôi thuốc sát trùng vào 2 đầu, có thể dùng vôi ăn trầu thay thế.

- Nếu cây bị thối ngọn, hay thối gốc, dùng dao thật sắc đã khử trùng để thân cây không bị dập. Cắt cho tới khi nào không còn thấy chấm đen ở trong lõi và phải cắt thêm vào chừng 3 cm nữa, bôi thuốc sát trùng và để vào chỗ mát và ấm mỗi ngày phun nước một lần, nhánh mới và rễ mới sẽ mọc ra.

5. Thụ phấn

Nếu chỉ muốn thu phấn (hand pollination) hay lai giống một vài cây như Cymbidium, Cattleya chúng ta có thể thực hành trong một vài phút, nhưng nếu muốn có hoa đẹp chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng. Bởi vì khi thụ phấn giữa những bông hoa cùng một cây hay với 2 cây khác nhau. Thí dụ ta khi lai cây hoa vàng với cây hoa đỏ tưởng sẽ là có mầu cam nhưng kết quả không như ý muốn bởi vì nhưng cây cha và cây mẹ có khi đã lai giống nhiều lần. Chỉ có những giống lan nguyên thủy mới giữ được nguyên tính một phần nào.

6. Gieo hạt

Nhân giống bằng cách gieo hạt (seedling) gồm có 3 điều chính yếu:

- Thời điểm lấy hạt, có giống phải lấy hạt khi quả lan còn xanh, có giống lại phải đợị khi quả chin. Thời gian khoảng từ 50 ngày cho tới 260 ngày, trái lan có thể cho từ vài chục cho đến trên nửa triệu hạt.

- Việc trồng lan từ hạt hay trồng lan trong ống nghiệm không phải là dễ dàng, cần phải có những dụng cụ và nhiều lần kinh nghiệm. Vấn đề chính là phải khử trùng khử nấm trước khi geo hạt.

- Thời gian từ khi mọc ra từ hạt cho tới khi ra hoa khoảng từ 2 năm như Phalaenopsis và 9 - 10 năm cho Dendrobium speciosum.

7. Cấy mô

- Cấy mô là kỹ thuật nhân giống nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Người ta có thể cấy một loạt ra hàng ngàn hay hàng trăm ngàn cây lan nhỏ với đặc tính y hệt như cây lan mẹ.

- Những cây lan nhỏ này được lấy ra từ tế bào của lá, rể nhưng phần lớn từ lõi của các mầm non mới mọc. Thông thường người ta cắt thành 20 mảnh nhỏ, sau đó được bỏ vào trong một dung dịch đặc biệt rồi cho vào máy lắc chậm chạp xoay vòng hoặc nghiêng sang bên phải rồi bên trái, để cho các mảnh này chỉ lớn lên và không ra lá hay ra rễ.

- Sau đó lại cắt ra thành 300 - 400 mảnh rồi tiếp tục như vậy cho tới 7.000 - 8.000 mảnh nhỏ hay nhiều hơn nữa. Cuối cùng người ta cho vào những chai (Flask) để cho cây mọc lên như gieo từ hạt.

- Nếu các bạn muốn nhân giống hãy chịu khó đọc kỹ để hiểu bíết tường tận về phương pháp, kỹ thuật, dụng cụ ... để không đến nỗi hoàn toàn thất bại.
Sưu tầm

Kỹ thuật nhân giống hoa lan

Kỹ thuật nhân giống hoa lan

Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Mokara, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium, Cattleya…đây là những loài cho hoa khoẻ, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Tuỳ theo mục đích trồng để cắt cành hay trồng chậu và tuỳ theo điều kiện khí hậu của vùng trồng, chọn giống trồng phù hợp thì mới có hiệu quả.

Có 2 phương pháp nhân giống lan đó là: nhân giống hữu tính và vô tính
1. Nhân giống hữu tính
Chọn những quả lan có kích thước to, tròn, không dị dạng, không sâu bệnh để làm hạt giống. Trong thực tế phương pháp này khó thành công vì phần lớn hạt thường bị chết do khó gặp nấm cộng sinh cần thiết để nẩy nầm. Trong điều kiện ẩm ướt (rừng già) hay vùng nhiệt đới mới đủ điều kiện cho hạt lan nẩy mầm.
2. Nhân giống bằng phương pháp vô tính
Nhân giống bằng cách tách chiết
Đối với lan đơn thân:
Tiến hành cắt chiết khi cây được 8 - 10 tháng tuổi, có nhiều tầng rễ. Khử trùng dụng cụ, cắt ngang phần gốc, để lại ít nhất từ 1 hoặc 2 đôi lá gần gốc, phần ngọn đảm bảo có 2 - 3 tầng rễ. Đối với hoa Mokara, Vanda... trong điều kiện cây cao 0,8 - 1 m mới tiến hành cắt chiết thì khả năng đâm tược mới càng nhanh và mạnh.
Phần ngọn sau khi cắt nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm Benlat C 1/2000 và dung dịch kích thích ra rễ NAA (Naphtalen Acetic Acid) 0,5ppm sau đó đem trồng vào chậu hoặc trồng lên luống.
Phần gốc sau một thời gian sẽ mọc 1 - 3  tược (chồi) mới gần chỗ cắt. Những tược  này sau đó lớn lên, ra rễ. Có thể tiếp tục cắt phần ngọn các tược này đem trồng hoặc để đến khi ra hoa.
 Đối với lan đa thân:
Tiến hành tách cây con (giả hành) khi cây cao khoảng 15 - 20 cm.
+ Ngâm chậu lan vào thau nước trong vòng 30 phút.
+ Gở rễ bám ngoài chậu bứng cây ra khỏi chậu.
+ Gở bỏ chất trồng củ, mục. Cắt rễ hư thúi.
+ Dùng đèn cồn để khử trùng dụng cụ cắt chiết.
+ Cắt từng đơn vị 2 - 3 giả hành ở vị trí thích hợp.
+ Sau đó nhúng vào dung dịch nấm bệnh và kích thích ra rễ rồi trồng vào chậu.
+ Trồng từng đơn vị vào chậu mới.
3. Nhân giống bằng nuôi cấy mô
Nuôi cấy mô là phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay được áp dụng trên cây lan và nhiều loại cây khác. Do ưu điểm là cây con sạch bệnh, khả năng nhân gống nhanh.
Vật liệu nuôi cấy có thể từ đỉnh sinh trưởng của cây con được ươm từ hạt hoặc cây đã trưởng thành. Các giai đoạn nuôi cấy: khử trùng mẫu, đưa cấy vào môi trường MS (môi trường cơ bản nuôi sống cây), môi trường nhân chồi, môi trường tạo rễ, đem ra trồng. Toàn bộ quá trinh từ khi bắt đầu đến khi đưa cây con ra trồng là khoảng 6 tháng. Càng về sau thời gian sản xuất cây con càng nhanh.

Nhân giống Phong Lan

Nhân giống Phong Lan

Nhân giống phong lan tiến hành vào mùa xuân là thời vụ thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây này, phương pháp nhân sinh dưỡng bằng tách những mầm chồi phát ra từ xung quanh cổ rễ

Khác với các cây trồng cạn, trồng trong môi trường nước (thủy sinh), các loài phong lan (họ lan Orchidae) lại có đời sống khí sinh, bì sinh (không cần đất) nhờ bộ rễ "ăn nổi" bám vào vỏ cây rừng nhiệt đới hoặc hút chất dinh dưỡng từ mùn hữu cơ đang hoai mục tích tụ trong các hốc đá cheo leo để hoàn tất vòng đời

Là họ tiến hóa cao trong thế giới thực vật, phong lan thích nghi hoàn hảo với thụ phấn nhờ sâu bọ nên có nhiều đặc điểm rất hấp dẫn thị hiếu con người: Sắc màu, hương thơm đa dạng và phong phú, mật ngọt, phấn bùi v.v... lại không cần đất, không đòi hỏi hướng phơi sáng trực tiếp do thích nghi với khí hậu nóng ẩm, dưới bóng râm nên cây này rất thích hợp cho mọi nơi chốn, nhất là chung cư, đô thị. Vì vậy nhu cầu về giống vượt trội so với khả năng cung cấp của lan tự nhiên (lan rừng).

Do đó cần phải chọn lọc giống tốt, chủ động nhân ươm để cung kịp cầu trong phong trào chơi sinh vật cảnh rầm rộ như hiện nay và tăng trưởng mạnh hơn khi công cuộc xóa đói giảm nghèo tiến triển.

Nhân giống phong lan tiến hành vào mùa xuân là thời vụ thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây này, phương pháp nhân sinh dưỡng bằng tách những mầm chồi phát ra từ xung quanh cổ rễ (gốc) của cây mẹ trong bụi – đó là những "giò" lan. Cũng giống như chuối (cùng lớp một lá mầm có gân lá song song hoặc hình vòng cung, rễ chùm), trong việc chọn giống và nhân cần lấy từ những khóm (bụi) lan đã bói hoa, còn đang sung sức, không bị sâu bệnh để cây giống sẵn có kích thích tố (auxin) sinh sản vừa lớn nhanh, lại sớm trổ hoa trở lại sau khi trồng.

Dùng dao hoặc kéo hay mũi đục sắc đã hơ lửa, nhúng cồn để sát trùng tách giò lan giống sát gốc cây mẹ, kèm theo bộ rễ mới và giá thể (đặc biệt cần với lan rừng để cây giống sẵn có thức ăn ban đầu giúp thích nghi dần với nơi ở mới). Chấm gốc giò giống vào tro bếp hoai mục (tro "xó bếp") hoặc hỗn hợp tro + bùn hẩu đã khuấy kỹ theo tỷ lệ 1:1 về khối lượng để "hồ" – kích thích rễ mới ăn ra nhanh và nhiều (như kinh nghiệm "hồ" rễ mạ và nhiều loài, giống cây trồng khác), rồi cho vào lồng, cố định với giá thể (và cũng là thức ăn nuôi lan).

Giá thể cho lan bám và hút chất khoáng dễ tiêu chính là những mẩu gỗ vụn còn nguyên vỏ đang hoai mục đã bị hơ xém vỏ ngoài để tiệt trùng và hấp dẫn, kích thích rễ lan "ăn ra" bám vào đó. Nên lấy ở những cây không nhựa mủ thích hợp với nhu cầu đồng hóa của rễ phong lan (tốt nhất là cây vỏ dầy chứa nhiều hữu cơ tinh luyện đang phân hủy). Có thể trộn thêm với những mẩu than gỗ nhỏ và xỉ than, bã chè hoai mục... theo tỷ lệ 7:1:1:1 (theo khối lượng) đảm bảo cân đối và đầy đủ khoáng đa, vi lượng nuôi lan.

Treo "lồng" lan giống dưới tán cây, bóng râm hoặc đặt dưới giàn che, điều hòa ẩm độ cho giá thể và môi trường không khí bao quanh thường xuyên ẩm và mát. Tuyệt đối không để bộ rễ sũng nước hoặc khô quắt.

Phun tưới cho cây theo kinh nghiệm: "Hai ướt – một khô" trong ngày, nhất là khi thu về hanh lạnh. Đó là sáng sớm (trước bình minh) và chiều tối (sau hoàng hôn) để cây được mát gốc, chồi và lá không bị cháy khảm (lỗ rỗ) do các giọt nước hội tụ ánh nắng gây ra

Có thể "bồi dưỡng" cho lan bằng nước gạo tươi (mới vo chưa chua), không lạm dụng phân hóa học vì dễ gây "tốt lá xấu hoa" hoặc "thâm rễ thối mầm".

Khi thấy lá ngọn rụt lại (cũng giống như chuối và hầu hết các cây 1 lá mầm) cần tăng thời gian phơi sáng thêm 1 – 2 giờ trong ngày thì hoa sai, thắm sắc, đậm hương hơn
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Quy trình nhân giống hoa Lan bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro

Quy trình nhân giống hoa Lan bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro

Việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích.

Lan là loại hoa vương giả, với vẻ đẹp vương giả, quý phái nên khắp nơi trên thế giới ngày càng có nhiều người thích chơi hoa Lan. Chính vì vậy, hoa Lan là sản phẩm trồng trọt luôn có giá trị kinh tế cao. Bắt kịp thị hiếu này, ngày nay đã xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh hoa Lan với nhiều chủng loại, giá cả khác nhau. Do đó, việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu quy trình cơ bản nhân giống Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô in-vitro:

Quy trình trên được tiến hành qua các giai đoạn sau:

1. Chọn mẫu và khử trùng mẫu cấy:

Tách các vảy hành ra từ cây, bóc lần các lá già cho đến khi xuất hiện các mầm chồi bên mang đỉnh sinh trưởng. Cắt bỏ gốc của mỗi mầm, sau đó khử trùng bằng cách ngâm trong cồn 70° trong 30 giây, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Ca(OCl)2 2% trong 25 phút, việc khử trùng được tiến hành trong tủ cấy. Mô được rửa lại với nước cất vô trùng 4 - 5 lần.

Mỗi mầm được đặt trong đĩa petri vô trùng và cẩn thận tách các lá non. Sau mỗi lần tách, nhúng mầm vào cồn 70° trong 1 giây và rửa với nước cất vô trùng. Chuyển sang một đĩa petri vô trùng khác, tách các lá mầm bằng dao nhọn vô trùng. Dùng kìm nhọn tách các lớp lá, cắt đỉnh sinh trưởng ra khỏi mô và cấy vào môi trường nhân giống ban đầu.

2. Nhân giống:

Môi trường nhân giống thường là môi trường MS (Murashige Skoog, 1962) có bổ sung các chất điều hoà tăng trưởng (auxin, cytokinin,…) với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Nồng độ các chất điều hoà sinh trưởng nên giảm dần trong các lần cấy chuyền sau đó. Các chất chiết trái cây cũng được đề nghị dùng như nước cốt cà chua, nước dừa, nước chuối, nước khoai tây... nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong các lần cấy chuyền và thể tích cũng không quá 10% thể tích môi trường.

Nhiệt độ lý tưởng để nhân giống Lan là 22°C - 26°C và tuỳ vào mỗi loài.

Sau 4-8 tuần, đỉnh sinh trưởng chuyển sang màu xanh lục và tạo ra các khối tròn gọi là thể chồi. Thể chồi được lấy ra khỏi môi trường cấy ban đầu, dùng dao nhọn cắt làm 4-6 miếng tuỳ kích thước của chồi. Lát cắt được chuyển vào môi trường duy trì (môi trường phát triển chồi). Mỗi đỉnh sinh trưởng sẽ phát triển ra một thể chồi mới sau khoảng 4 tuần, có thể cắt tiếp và cấy chuyền sang môi trường mới.

3. Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro:

Khi đạt đến số cây giống cần thiết, ta chuyển thể chồi sang môi trường tạo rễ (môi trường có lượng auxin tăng lên để kích thích ra rễ). Sau 4 -5 tháng, các thể chồi sẽ phát triển thành cây con.

4. Chuyển cây ra vườn ươm:


Cây con cao 5-7 cm và có từ 3-4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định ta đem chuyển vào chậu. Sau khi chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân, lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Như vậy, từ một mô hoa Lan được chọn nuôi cấy cho đến ra cây con có 3-4 lá chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng.

Với phương pháp nhân giống vô tính như trên sẽ đảm bảo tạo ra cây con mang đặc tính giống hoàn toàn với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền), cây con không nhiễm bệnh và tạo được một số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc cấy mô phải được thực hiện thật nghiêm túc và tỉ mỉ theo đúng quy trình, phải có điều kiện về trang thiết bị đầy đủ, môi trường nhân tạo thích hợp, đặc biệt là điều kiện vô trùng phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Cần chú ý thêm, đối với các loài không phải là cây bản địa, phải được thuần hoá tại vùng mới chọn mẫu đem nuôi cấy, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến trồng ngoài vườn ươm.
Theo www.rauhoaquavietnam.vn

Cách ươm chồi non - Keiki cho Lan thân thòng

Cách ươm chồi non - Keiki cho Lan thân thòng

Với các dòng lan thân thòng, nhân giống bằng cách ươm chồi cây non mọc ra từ thân - Keiki - cây ki là cách làm đơn giản và phổ biến nhất. Với cách này bạn sẽ có thể tạo ra số lượng cây con tương đối nhiều trong điều kiện trồng trong gia đình.

Cách 1: Theo Kinh Nghiệm và chia sẽ của BÁC Trần Thanh Hải

1/ Không nên sử dụng Atonik

Lý do mà tôi khuyên các bạn không nên dùng Atonik với những cây mà trước đó đã cho hoa là trong cây còn nhiều chất dinh dưỡng sẽ dễ làm cây bị thối thân.


Về bản chất của cây khi tới mùa hoa, tùy điều kiện thuận lợi nào đến trước như: dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng… cây sẽ cho hoa nhiều hay ít hoặc sẽ không cho hoa mà cho ra toàn chồi non. Tóm gọn như vậy để cho các bạn dễ nắm bắt vấn đề hơn.
Do mùa hoa của giả hạc chủ yếu vào mùa hè, thời tiết có sự thay đổi rõ rệt từ Xuân sang Hè, ngoại trừ một số như Giả Hạc Di Linh Xuân thì đa số ra hoa vào mùa hè. Mặc khác, ở miền Nam khi chuyển từ Xuân sang Hè thì thời tiết bắt đầu nắng và nóng hơn (đã qua nhiều lần đối chứng, kiểm nghiệm) kết quả là nếu dùng Atonik liều thấp 1ml/2-3lít nước pha chung với B1 thì không sao nhưng với liều cao hơn thì chúng rất dễ làm cho những thân non, thân mới trưởng thành và vừa cho hoa rất dễ thối thân, còn thân già trên một đến 2 năm trở lên thì không ảnh hưởng nhiều lắm.

2/ Thời gian thuận lợi để ươm chồi non.

Thời điểm thuận lợi nhất là sau khi cây ra hoa, chồi non mọc dài, rễ đả nhiều và bám vào giá thể. Lúc này ta cắt thân đã ra hoa xuống ương chồi non là thuận lợi vì chất dinh dưỡng vẫn còn nhiều trong thân lan. Nếu sợ thân chồi non yếu thì ta đành phải để lại cho nuôi thân non, đến khi thân non khỏe mạnh ta vẫn có thể cắt xuống ươm chồi, nhưng đến lúc này thân già đã teo tóp lại, vẫn có thể ươm chồi được nhưng tỷ lệ thành công sẽ giảm xuống ít nhiều.

3/ Xử lý thân mẹ dùng để ươm chồi

Sau khi cắt thân mẹ định ươm chồi non xuống, nên cắt thành từng đoạn khoản 20-30cm. Nên cắt bằng vật thật sắc bén để tránh làm dập vết cắt,(vết cắt xong thì bôi keo liền sẹo Mỹ Tiến hoặc keo 502/vôi/sơn móng tay…) để vết cắt khô khoản một ngày rồi mới đem ngâm vào dùng dịch dưới đây:
1,5ml B1 + 2ml TERRA SORD 4 cho 1 lít nước
Lưu ý: Không dùng Atonik nếu thân cây mới ra hoa vì dễ làm thối thân như đã nói bên trên
Ngâm thân cây mẹ đã cắt từng đoạn vào dung dịch trên khoản 1 giờ, sau đó để thật khô khoản 4-5 giờ rồi ngâm lại lần nữa.

4/ Tiến hành ươm thân non

Đặt những đoạn thân này vào chỗ mát và ẩm. Quan trọng nhất là phần này. Với vườn nhà thì chỗ mát và ẩm thì rất đơn giản, với người trồng và chơi lan ở nhà phố thì tìm được chỗ mát và ẩm để ươm chồi non thì thật không đơn giản, nhie62ukhi loay hoay mãi mà không tìm được chỗ nào lại tốn tiền mua nguyên vật liệu để ươm chồi non.
Nhiệt độ từ 25-28 độ C rất phù hợp và thuận lợi cho việc ươm chồi non. Thế nên tốt nhất là tìm một chậu đất trồng cây trong nhà như chậu mai để ngoài sân hoặc trên sân thượng chẳng hạn, đặt vào đấy là ổn vì nền đất luôn đảm bảo có độ ẩm tương đối, tán lá của cây đảm bảo sự thoáng mát. Ta vẫn tưới cho chậu cây cảnh bình thường, nhờ đó luôn có độ ẩm đảm bảo sự sinh trưởng của chồi non. Sau từ 5 đến 8 tuần (nếu thân mẹ là thân mới) hoặc lâu hơn là 2 đến 3 tháng ( nếu là thân cũ) ta sẽ thấy từ các mắt ngủ chồi non sẽ nhú lên.
Lưu ý: Trong thời gian ươm thân non thì khoản 15 ngày một lần ta lại ngâm thân cây mẹ vào dung dịch B1 pha như trên.

5/ Chăm sóc chồi non

Nếu như chồi non đã nhú ra từ mắt ngủ thì ta sẽ tưới B1 + TERRA SORB cho chúng với liều thật loãng nhầm giúp chúng mau ra rễ hơn. Thông thường thì sau một tháng kể từ khi chồi non nhú lên sẽ ra rễ
Khi rễ ra khoản 1cm ta có thể mang ghép vào dớn hoặc gỗ nhưng phải để ở chỗ thoáng mát ( nên ghép nguyên đoạn thân mẹ) vì lúc này chồi non vẫn còn yếu nếu đem ra nắng thì chúng dễ bị chết khô.
Dinh dưỡng vào lúc này cũng là điều cần thiết, nên ta phải mạnh dạn tưới NPK 30-10-10 + B1 liều thấp khoản 1 tuần – 10 ngày một lần cho chồi non giúp chúng sinh trưởng và phát triển mạnh hơn.
Khi chồi non phát triển từ 2-3cm trở lên ta nên tăng cường ánh sáng giúp chúng phát triển nhanh hơn. Khi này thì bộ rễ cũng đã phát triển mạnh và bám chặt vào giá thể, lúc này ta cần kết hợp phân hữu cơ và vô cơ cho cây.
Nếu chăm sóc tốt thì năm đầu tiên hoặc 18 tháng sau cây sẽ cho hoa bói.

Cách 2: Theo Kinh Nghiệm và chia sẽ của BÁC GH TaLi
 
Giá thể: Than, dớn, sơ dừa, than…

Cho vụn giá thể vào hộp nhựa nắp đã có sẳn lỗ rùi, chỉ cần đục lỗ đáy ly.
Chỉ cần xịt nước, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp mầm non (Keiki) sẽ lên hết.
Muốn nhanh có thể pha thêm etonik hoặc  B1
Để vào tối nhanh lên hơn, nhưng mầm thiếu sáng sẽ yếu ớt. Chú ý khi nào thấy giá thể trong ly gần khô mới phun sương cho ẩm lại, không được phun nhiều thân ươm có thể sẽ bị thối. tùy thuộc  vào độ khó của mắt ngủ mà thời gian nảy mầm là khoảng 1 tuần hoặc hơn.

Cách 3: Theo Kinh Nghiệm và chia sẽ của BÁC Trần Thanh Đam


Tạo keiki cho lan có nhiều cách mình có cách tạo 1 cách tự nhiên chia sẻ với ACE (mình đã thử nghiệm trong 2 năm đều thành công có thể chỉ phù hợp với diều kiện trong vườn nhà )

1. Chọn cây phát triển tốt.
2. Giai đoạn cây sắp rụng lá lấy sợi dây buộc chặt gần gốc cây (lưu ý ko làm tổn thương cây).
3. Giai đoạn cây nghỉ bình thường không tưới nước.

(*) Kết quả nó tạo ra sự ức chế tự nhiên 1 gốc có thể ra 2,3 mầm cây, còn các mắt hầu như nhảy keiki.

P/S: khó khăn nhất là dưỡng cây giai đoạn sau này, có bác nào sử dụng thuốc dưỡng keiki rồi giúp mình, mua ở đâu? hoặc cách truyền thồng thường dưỡng keiki.

* Các lưu ý khi làm theo cách này

– Thắt đủ chặt nhớ ko làm tổn thương cây nhé
– Giai đoạn đã đâm ra keiki phải tháo dây ra cho cây keiki hút được dưỡng chất từ thân mẹ

Chia sẽ của bạn Hạc Khuyên về cách nuôi keiki
Ý kiến riêng của mình về dưỡng keiki, là dùng nước vo gạo để tưới nhẹ lên ki, mình toàn dưỡng ki kiểu đó, mình đá thử được 1 năm vào cho thấy ki phát triển rất nhanh và mập, lưu ý 2 ngày tưới 1 lần vào lúc chấp tối khoảng 5-6 giờ, rất tốt vì nước vo gạo rất nhiều dưỡng chất. Khi nấu cơm hãy dùng nước vo gạo đó đổ châu riêng sau 20/30phút để nó lắng cạn bột rùi đổ nhẹ lấy phần nước trên màu hơi nâu trắng xong rùi tưới những em ki. Nếu tưới cả hoặc ngay thì bột cạn gạo chưa dk lắng thì nó dính vào gốc ki hay rễ và lúc đó sẽ là miếng mồi ngon của những lũ kiến bò đến ăn, đồng thời nó sẽ cắn hết rễ non của ki, đó là thực tế mình đá vướng phải, nếu a e thấy hợp lý thử làm theo mình kiểu gì sau 2 tuần sẽ thấy nhưng e ki mập mạp bất ngờ.

Theo LeSanh.com sưu tầm và tổng hợp