Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Lan bầu rượu xuân - Calanthe rubens

Lan bầu rượu xuân - Calanthe rubens

Loài lan đất, củ giả mập, thuôn dài thường thắt lại như bầu rượu hay thuôn con quay. Lá bầu dục thuôn dài đến 40cm, rộng 15cm. Cụm hoa xuất hiện trước khi có lá. Hoa trung bình màu hồng pha tím, cánh hoa dạng trái xoan nhọn, xòe rộng.

Tên Việt Nam: Lan bầu rượu xuân
Tên Latin: Calanthe rubens
Đồng danh: Calanthe rubens Ridl..
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh Epiphytically, Saprophytes

Mô tả: Loài lan đất, củ giả mập, thuôn dài thường thắt lại như bầu rượu hay thuôn con quay. Lá bầu dục thuôn dài đến 40cm, rộng 15cm. Cụm hoa xuất hiện trước khi có lá. Hoa trung bình màu hồng pha tím, cánh hoa dạng trái xoan nhọn, xòe rộng. Cánh môi có 2 thùy bên lớn, dạng bầu dục tròn,thùy giữa rộng ở đỉnh và chia 2 thùy tròn. Cựa dạng ống hẹp, dài 1cm. Hoa nở vào mùa xuân

Phân bố: Cây được gây trồng rất rộng rãi ở các tỉnh Nam bộ và mọc rộng từ miền Trung vào miền Nam, loài này còn phân bố ở Thái Lan, Malaysia, Philippin.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 54.
 

Lan bầu rượu tím - Calanthe vestita

Lan bầu rượu tím - Calanthe vestita

Loài lan đất, có lông mềm, củ giả cao 6cm, rộng 4cm, rễ dài. Lá xuất hiện sau khi hoa tàn, phiến lớn dài đến 45cm, rộng 7 - 12cm, có 5 gân, cuống lá 10cm. Cụm hoa dài đến 1m cong, có lông nhung, màu hung. Hoa lớn màu hồng hay tím nhạt, cánh môi rộng có 4 thùy.

Tên Việt Nam: Lan bầu rượu tím
Tên Latin: Calanthe vestita
Đồng danh: Calanthe vestita Lindl.. Calanthe regnieri Rchb.f..
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh Epiphytically, Saprophytes

Mô tả: Loài lan đất, có lông mềm, củ giả cao 6cm, rộng 4cm, rễ dài. Lá xuất hiện sau khi hoa tàn, phiến lớn dài đến 45cm, rộng 7 - 12cm, có 5 gân, cuống lá 10cm. Cụm hoa dài đến 1m cong, có lông nhung, màu hung. Hoa lớn màu hồng hay tím nhạt, cánh môi rộng có 4 thùy. Cựa dài 2 - 3,5cm.

Phân bố: Cây mọc ở Đồng Nai (Trị An, Chứa Chan, Biên Hòa) và phân bố ở Mianma, Malaysia, Inđônêxia.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp- trang 55.
 

Lan bầu rượu nếp ba - Calanthe triplicata

Lan bầu rượu nếp ba - Calanthe triplicata

Loài lan đất, cao đến 1m, củ giả lớn, thân giả mập, dài 5cm. Lá 5 - 7 chiếc, xếp sát nhau. Hoa ở đỉnh, màu trắng có tâm vàng hay đỏ, dài đến 2cm. Cánh môi có 4 thùy cựa dài 2cm.

Tên Việt Nam: Lan bầu rượu nếp ba
Tên Latin: Calanthe triplicata
Đồng danh: Calanthe triplicata (Willem.) Ames; Calanthe veratripfolia (Willd.) Ker - Gawl
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh Epiphytically, Saprophytes

Mô tả: Loài lan đất, cao đến 1m, củ giả lớn, thân giả mập, dài 5cm. Lá 5 - 7 chiếc, xếp sát nhau, dạng thuôn rộng dài 30 - 40cm, rộng 6 - 8cm, có sọc trắng và 5 gân rõ, mép răn reo. Cuống dài 10cm. Cụm hoa dài 60 - 80cm, mọc ra giữa đám lá. Hoa ở đỉnh, màu trắng có tâm vàng hay đỏ, dài đến 2cm. Cánh môi có 4 thùy cựa dài 2cm.

Phân bố: Cây mọc rộng rãi từ Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh), qua miền Trung (Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nha Trang) và Nam Trung bộ (Đà Lạt. Langbian) đến Nam bộ (Đồng Nai, Châu Đốc. Hà Tiên...) Loài còn phân bố ở Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và các bán đảo Thái Bình Dương.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp- trang 55.
 

Lan bầu rượu môi đàn - Calanthe lyroglossa

Lan bầu rượu môi đàn - Calanthe lyroglossa

Loài lan đất, mọc bụi, thân rất ngắn, có bẹ. Lá hình giảI rộng, thuôn, dài 40cm, rộng 6cm, đầu nhọn, gốc thuôn hẹp thành cuống, gân bên 4 - 5. Cụm hoa thẳng dạng chùm, cao đến 40cm, hoa xếp sát nhau, màu trắng hay vàng, dài 1cm.

Tên Việt Nam: Lan bầu rượu môi đàn
Tên Latin: Calanthe lyroglossa
Đồng danh: Calanthe lyroglossa Rchb.f. Calanthe nephroidea Gagnep..
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh Epiphytically, Saprophytes

Mô tả: Loài lan đất, mọc bụi, thân rất ngắn, có bẹ. Lá hình giảI rộng, thuôn, dài 40cm, rộng 6cm, đầu nhọn, gốc thuôn hẹp thành cuống, gân bên 4 - 5. Cụm hoa thẳng dạng chùm, cao đến 40cm, hoa xếp sát nhau, màu trắng hay vàng, dài 1cm. Cánh đài bên rộng hơn cánh đài lưng, dạng thuôn bầu dục nhọn, cánh tràng thuôn hẹp. Cánh môi có 2 thùy bên nhỏ, cựa dài bằng bầu.

Phân bố: Cây mọc chủ yếu ở Nam Trung bộ: Lâm Đồng và còn phân bố ở Mianma, Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Malaysia.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 53.
 

Kiều lan, lan bầu rượu - Calanthe và Dược tính

Kiều lan, lan bầu rượu - Calanthe và Dược tính

Chi lan Calanthe có khoảng trên 200 loài địa lan, mọc tại Á châu, Phi châu, Trung Mỹ và Úc châu trong đó chỉ có một it loài nguyên thủy và vài loài lai tạo là được trồng tương đối phổ biến.

Theo "Lan Rừng VN: Từ A-Z" (Bùi xuân Đáng) tại Việt Nam có 24 loài. "Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam" (Võ văn Chi) liệt kê 21 loài và "Từ điển Cây thuốc Việt Nam" (VvChi) chỉ ghi một loài có dược tính. Flora of China ghi nhận Tàu có 51 loài (trong đó nhiều loài cũng có tại VN).

Tên Calanthe, do tiếng Hy lạp : kalos= đẹp ; anthos = hoa.

Theo Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đáng thì GS  Phạm Hoàng Hộ đã đặt tên cho loài lan này là Kiều lan theo ý nghĩa là hoa đẹp, và GS Trần Hợp gọi tên lan bầu rượu do giả hành hơi thắt ở giữa.(có tác giả viết về lan, còn gọi là..lan 'tửu binh', tuy nhiên cũng có những cây calanthe mà giả hành không..thắt ở bụng. Flora of China gọi nhóm calanthe dưới tên Xia chi lan (chuyển thành Hán- Việt : Xia = Hà (tôm), ji = tật, còn có thể là lương (?)= lưng)

Calanthe được xem là giống lan đầu tiên được các nhà thực vật lai tạo: Cây lan Calanthe Dominyl, lai tạo giữa Cal. Furcata x Cal. Masuta được Ông Domini một nhà thực vật tại Vielch tạo ra vào năm 1853, do sự cố vấn của GS  Harris (Exeter, Anh)..Cây lan Calanthe lai tạo thứ nhì được 'đăng ký'là cây Cal. Veitchii  (lai tạo giữa Cal. rosea x vestita)..

Calanthe là loài lan rất được ưa chuộng tại Nhật, cây được nghiên cứu khá kỹ và gần như 'hoàn chỉnh' để lai tạo ra những loài tuyệt đẹp, nở hoa cả trong mùa hè..

Đặc điểm chung:

Lan Calanthe có thể chia một cách đơn giản thành 2 nhóm: rụng lá và không rụng lá.

Những loài rụng lá, được nuôi trồng rộng rãi hơn, thường có giả hành lớn màu trắng bạc, lá to, mở rộng có gân. Lan mau tàn và thường chết vào năm thứ nhì. Vào những mùa Thu, Đông, trong thời gian cây nghỉ, cây trổ hoa (thường màu trắng hay tím), nở rải rác dọc theo một cành cao, uốn cong; cần hoa này mọc lên từ gốc của giả hành đã rụng lá. Những cây lai tạo thuộc nhóm này, có thể cho hoa màu màu đỏ thắm khá đẹp  (như Calanthe Gorey X Grouville, hoa đỏ, bền, mọc trên một cần hoa dài đến 1 m)

Nhóm thứ nhì, có lá xanh quanh năm, không rụng thường là những loài nguồn gốc từ Nhật, Korea, Trung Hoa. Nhóm này có giả hành nhỏ, lá mọc thành tán trải rộng. Cành hoa mọc từ gốc, mang trên cần nhiều hoa sặc sỡ với những màu thường gặp là vàng, hồng, trắng, xanh..Những nhà trồng hoa tại Nhật đã lai tạo được nhiều chủng rất giá trị

Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đáng trong "Calanthe R. Brown 1821" (hoalanvietnam.org) đã ghi lại về lan Calanthe như sau :

"..Củ lan Calanthe cao khoảng 5-10 cm, đáy hơi phình ra, đầu thu nhỏ lại và chỉ sống được trên một năm. Trên đầu củ mang từ 1 đến 4 chiếc lá to bản, dài chừng 30-50 cm, rộng 10-15 cm màu xanh nõn chuối. Lá lan thường vàng úa và rụng vào cuối mùa mưa hay vào thu khi trời bắt đầu lạnh. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chồi hoa mọc ra từ đáy củ, cao từ 20 cm đến 1 m, có từ vài hoa đến 20 chiếc. Hoa thường có màu trắng, vàng đỏ hay hồng tùy theo giống, hoa đẹp nhưng không thơm thường nở vào mùa Xuân, nhưng cũng có khi vào mùa Đông. Khi hoa tàn, mầm non mơi, có khi là một hay hai mọc ra, nhưng cũng có khi mọc ra cùng một lúc với chồi hoa..".

Calanthe có dược tính tại Việt Nam:

Calanthe triplicata

Calanthe triplicata: Kiều hoa xếp ba (PHH), Bàu rượu nếp ba (TH), Lan đất hoa trắng.

Tên tương đương: C.veratrifolia, Calanthe furcata, Orchis triplicata, Calanthe veratrifolia var. australis.

Tên thông thường: Christmas Orchid (Úc), Thrice Folded Calanthe

Trung Hoa (Flora of China): san zhe xia-ji lan; Nhật: tsuru ran

Mô tả: (Lan Rừng VN): "Địa lan, củ hình trụ, lá 5-6 chiếc to bản, mọc sát đất, dò hoa trên cao, đến 1 m, hoa 20-30 chiếc, to 2-3 cm"

Flora of China có thêm những chi tiết: Cây cao 40-100 cm, giả hành hình trụ-thuôn bầu, 1-3 x 1-2 cm, có 2-3 lá bẹ. Lá to không rụng thuôn dài hình mũi giáo 20-60 x 5-12 cm, nhám. Hoa thường màu trắng-tuyết, đôi khi đỏ tím  chuyển thành vàng cam, và khi khô thành đen..

Theo Australian Tropical Rainforests Plants: Quả thuộc loại nang hình trứng hay thuôn thành ống dài chừng 4 cm, vỏ tách theo chiều dọc nhưng vẫn dính ở đáy và ngọn. Hạt rất nhỏ, có cánh; trong có phôi màu kem.

Calanthe triplicata phân bố rộng nơi rừng ờ cao độ 700-2400 m tại Ấn độ, Bhutan, Thái, Mã lai, Nam Trung Hoa, Đông Dương (Việt, Miên, Lào), Nhật, Indonesia, Philippines, Úc, Madagascar. Tại VN: gặp khắp Bắc, Trung, Nam.

Dược học dân gian Ấn độ dùng trị bệnh bao tử và ruột. Rễ phơi khô, nhai chung với hạt cau để trị tiêu chảy và kiết lỵ. Tại Indonesia, cây dùng đăp trị vết thương, nhai trị đau răng; hoa giã nát nhét vào hốc răng bị sâu.

Thành phần hóa học:

Các phân chất tại Khoa Dược, ĐH Sri Ramachandra (Tamil Nadu, Ấn độ) ghi nhận (1 gram dịch chiết chứa ):

Phenol tổng cộng    12-29 mg
Alkaloid tổng cộng: 18- 65 mg
Flavonoids:        57-90 mg
Tannins:           38-82 mh

Hàm lượng các hoạt chất thay đổi tùy theo dung môi dùng khi chiết xuất: Dịch chiết bằng ethyl acetate cho những kết quả cao nhất  như phenol tổng cộng 29.43, tannins 82.92, alkaloids 65.34, flavonoids 90.24 (Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry Số 2-2014)

Dịch chiết bằng ethyl acetate có hợp chất flavonol 4H-pyran-4one, 2,3-dihydro-3,5-dihydroxy-6-methyl có hoạt tính chống sưng rất đáng kể.

Nghiên cứu khoa học:

Các nghiên cứu khoa học về Calanthe triplicata tập trung vào hoạt tính chống sưng của các dịch chiết từ toàn cây bằng các dung môi khác nhau bao gồm nước, petroleum ether, chloroform, ethyl acetate, methanol, thử nghiệm về khả năng an định màng tế bào hồng cầu và ức chế sự suy thoái protein ghi nhận khả năng chống sưng ở những nồng độ khác nhau, so sánh  được với diclofenac (dùng làm chuẩn). Dịch chiết bằng ethylacetate (1000 microg/ml)  được xác nhận là có hoạt tinh mạnh nhất (Journal of Pharma Research Số 2, 2013)

Calanthe vestita

Calanthe vestita: Củ chuối (PHH); Bàu rượu tím (TH)

Tên tương đương: Calanthe grandifolia

Tên Việt khác: Lan củ chuối, củ súng ; Lan bầu rượu tím

Mô tả: (VV Chi): "Cây thảo địa sinh, có lông nhung mềm ở tất cả các bộ phận, với giả hành hình cầu dạng củ to đến 6 x 4 cm mang rễ dài và dễ bẻ vỡ. Lá xuất hiện sau khi có hoa, phiến dài 45 cm rộng 10-12 cm, dạng mảng rất nhọn, cuống lá dài 10 cm, dẹp. Cần hoa cao 80 cm, mang hoa ở 10-13 cm về phia ngọn. Hoa trắng, hồng hay hơi tím.."

Lan Rừng VN: A-Z có thêm những chi tiết: 'Địa lan, củ hình như quả bầu nậm, cao 6-8 cm, lá 3-4 chiếc dài 30-40 cm, rụng khi nở hoa. Dò hoa cao 70-90 cm có lông mềm; hoa 6-15 chiếc, to 6-7 cm, nở vào mùa Xuân.

Vùng phân bố:
Myanmar, Thái lan, Mã lai, Indonesia, Việt Nam (vùng Đồng Nai : Trị an, Djarai, Chứa Chan)

Cây được tổ chức CITES  xếp vào loại giới hạn mua bán để tránh bị tận diệt.

Củ dùng giã nát, đắp trị đau nhức xương.

Calanthe lyroglossa

Calanthe lyroglossa: Kiều lan lưỡi hình đờn (PHH), Bàu rượu môi đàn (TH)

Tên tương đương: Calanthe liukinensic (tên thường dùng trong các nghiên cứu khoa học) C. forsythifolia. Alismorchis lyroglossa

Tên Trung Hoa: nan fang xia-ji lan (nan fang= nam phương)

Mô tả (Lan Rừng VN: A-Z ) "Điạ lan, lá mọc sát gốc, dài 40 cm, rộng 6 cm. Dò hoa cao 45 cm, hoa 25-30 chiếc, to 1 cm, có hương thơm, nở vào mùa Hè, Thu"

Chi tiết bổ túc (Flora of China): Cây cao 30-50 cm, Rễ ngắn. Giả hành thuôn bầu 2-3 cm. Lá 3-5 chiếc, không rụng, hình dao thuôn dạng mũi giáo 30-60 (có khi đến 100) cm  x 3-8.5 cm, thô nhám. Hoa nhỏ màu vàng đổi thành đen khi héo.

Phân bố: Dọc ven suối trong rừng hay thung lũng, cao độ dưới 1500 m tại Đông-Bắc Ấn, Nhật, Nam Trung-Hoa (Vân Nam, Hải Nam) Nhật, Thái, Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

Tại VN: gặp trong vùng Lai châu, Cao bằng, Lạng Sơn, đảo Phú Quốc.

Nghiên cứu khoa học:

Cây chứa nhiều hoạt chất phức tạp như calanthoside (loại indol), glucoindican, calaliukiuenoside, calaphenanthrenol; ngoài ra còn có tryptanthrin, indirubin, isatin và indican

Calanthoside khi bị thủy giải bằng men beta-glucosidase cho tryptanthrin, indirubin và isatin. (indirubin còn gọi là indigo red, một phẩm màu cũng có trong cây chàm: indigofera tinctoria)

Dịch chiết bằng methanol từ C. liukinensic và C. discolor cho thấy có hoạt tính tái tạo sự mọc tóc và giúp gia tăng sự lưu thông của máu nơi da. (Chemical & Pharmaceutical Bulletin (Tokyo) Số 46-1998)

Trypthanthrin , một alkaloid loại quinazoline, được ghi nhận là có khả năng ngăn chặn sự tạo nitric oxide và prostaglandin E2 nơi tế bào macrophage RAW 264.7. Hoạt tính ngăn chặn này có thể do ức chế tiến trình tổng hợp NO, và ức chế hoạt động của men cyclooxyganase. Do đó trypthanthrin có khả năng được dùng làm thuốc chống sưng. Ngoài ra tryptanthrin còn có hoạt tinh diệt vi khuẩn Helicobacter  pilori  khi thử cả in vitro lẫn in vivo nơi chuột bọ gerbil bị gây loét bao tử khi bị cấy vi trùng này (NPR , The Royal Society of Chemistry Số 19-2002) Vài loài Calanthe dùng làm thuốc khác:

Ngoài 3 loài Calanthe kể trên, còn có những loài được nghiên cứu về hoạt tính trị liệu và những loài được dùng trong thuốc dân gian:

Calanthe arisanensis: (đặc hữu của Taiwan)

Những hợp chất ly trính từ cây bằng ethanol như Calaquinone A, B và C (thuộc loại phenanthrenequinone) ; Calanhydroquinones A-C, calanphenanthrenes có những hoạt tính diệt tế bào ung thư khi thử trong ống nghiệm (in vitro) trên các dòng tế bào ung thư phổi (A 549), ung thư nhiếp hộ tuyến (PC-3 và DU 145), ruột (HCT-8), vú (MCF7), thanh quản (KB), ung thư thanh quản đã kháng vincristine (KB-VIN) Liều IC50 được ghi nhận là < 0.5 microg/mL). Điểm đáng chú ý là các hợp chất trên có thể giúp cải thiện sự kháng thuốc của tế bào ung thư đối với thuốc trị ung thư paclitaxel (Bioorganics & Medicinal Chemistry Letters Số 18-2008)

Calanthe dùng làm thuốc tại Ấn độ:

Calanthe plantaginea và C. puberula:

Calanthe plantaginea: Rễ phơi khô, tán thành bột, uống với sữa để làm thuốc bổ và tráng dương.

C. puberula = Kiều lan lá liềm, lan đất lá liềm, lan bầu rượu lông mềm.

Calanthe sylvatica : Kiều hoa rừng . Chang ju xia-ji lan (chang-du=trường cự). Nước chưng cất từ hoa dùng đắp và nhỏ mũi trị chảy máu cam.

Calanthe tricarinata: Lá, giả nát dùng đắp trị lở loét, ezema ngoài da. Củ và lá sắc làm thuốc bổ, tráng dương.

Calanthe tại Nhật: Calanthe discolor

Tại những vùng rừng có khí hậu ấm áp tại Nhật, một số loài Calanthe đã được tìm gặp và sau đó nuôi trồng, phát triển và lai tạo thành những cây trưng bầy rất được ưa chuộng. Hai cây quan trọng nhất là Calanthe discolor  và Calanthe sieboldii , một cây thứ ba, loại lai tạo C x bicolor  cũng được sưu tầm đến mức gần như bị tuyệt giống..

Calanthe discolor, thuộc loại không rụng lá. Giả hành thường mang 2 lá ( có khi 4 lá)  cỡ 10-30 X 5-10 cm. Giả hành nhỏ nằm dưới đất , tròn và có nếp, mọc thành chuỗi liên tục, trông giống như lưng tôm (tên tại Nhật là ebine = rễ dạng tôm). Cần hoa cao 15-35 cm, mang từ 5-20 hoa lớn chừng 3 cm, hoa hai màu: môi thường trắng có những đốm tím..

Calanthe discolor thường gặp trong khu vực từ Kyushu xuống đến vùng Nam Hokkaido.

(C. discolor cũng phân bố tại Trung Hoa và Korea. Một số dược tính được nghiên cứu chung với C. liukinensis)

Calanthe sieboldii

Calanthe sieboldii lớn hơn C. discolor. Lá có hình dạng tương tự, to hơn có thể 15-40 cm x 8-12 cm. Cần hoa cao đến trên 45 cm, mang 5 đến 25 hoa màu vàng cỡ 3-5 cm., màu có thể vàng toàn diện đến vàng-chanh. Đài hoa và cánh hoa nhọn hơn C. discolor ; môi chia 3 thùy, thùy bên rộng, thùy giữa hơi có nếp xếp. Hoa có mùi thơm dịu. Cây thường gặp tại vùng Tây Nhật, trong khu vực Kyushu đến Honshu..và tại Korea. Được xem là loài lan 'tuyệt đẹp' tại Nhật, thich hợp với tên 'Kiều hoa'. Tên Tàu là da-huang hua xia-ji lan (đại hoàng hoa)

C. x bicolor là cây lai tạo tự nhiên giữa C. sieboldii và C. discolor, hình dạng rất giống với các cây 'cha-mẹ', chỉ hơi khác biệt ở màu hoa. Hoa thường màu vàng nhạt và nâu-đỏ. Đài và cánh nâu đỏ, môi vàng nhạt và có khi gần như trắng hay có khi vàng xậm.

Tại Nhật, còn có loài Calanthe reflexa , nở hoa vào mùa Hè, cây được gọi là natsuebine (lan rễ lưng tôm mùa hè). Giả hành có 2-3 lá cỡ 15-25 cm x 5-8 cm. Dò hoa cao 35 cm mang 6-25 hoa trắng có môi tím  từ nhạt đến xậm.

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Cách chăm sóc lan bầu rượu

Cách chăm sóc lan bầu rượu

Lan bầu rượu - Calanthe thường mọc ở Trung Hoa hay Nhật Bản với hai nhóm chính là nhóm rụng lá và không rụng lá. Hiện nay loài lan này cũng được khá nhiều người Việt Nam ưa chuộng vì vậy để giúp bạn có thêm được kinh nghiệm trong việc chăm sóc cũng như trồng lan bầu rượu chúng tôi đã tổng hợp những thông tin sau đây.

Không giống với các loại lan khác, ban bầu rượu chỉ sống được trên một năm, đặc điểm của lan bầu rượu là củ cao khoảng 5 đến 10cm, ở đáy củ hơi phình to ra và phần đầu lại thu nhỏ. Trên đầu mỗi củ có khoảng 1 đến 4 chiếc lá to bản, dài chừng chừng 35-50 cm, rộng 10-15 cm mầu xanh nõn chuối.

Với cuối mùa mưa hay trời thu bắt đầu chuyển lạnh là lúc lá lan vàng rụng, sau một thời gian chúng mới bắt đầu mọc ra chồi mới từ đáy củ cao khoảng 20cm đến 1m. Số lượng hoa của nó dao động từ một vài hoa đến 20 chiếc, hoa có màu trắng, vàng, đỏ hay hồng tùy theo sở thích của người trồng mà chọn giống màu khác nhau.

Hoa không có mùi thơm nhưng rất đẹp, thời điểm trổ bông là mùa xuân nhưng thi thoảng bạn cũng sẽ thấy những cánh hoa bầu rượu nở vào mùa đông. Khi hoa tàn những mầm non mới sẽ được mọc ra khoảng một đến hai mầm tuy nhiên cũng có thời điểm cây mọc ra những chồi hoa.

Cách chăm sóc lan bầu rượu:

+ Nhiệt độ: Khi trồng lan bầu rượu bạn phải đảm bảo nhiệt độ cho cây là 55°F đến 90°F hay 12.8-32°C

+ Ánh sáng: Vì lan không chịu nơi có ánh nắng gắt nhất là thời điểm nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều chính vì vậy bạn phải để cây ở chỗ râm mát. Nếu trồng đại trà bạn phải làm mái che bằng nilong hoặc lưới cho cây. Tạo độ thông thoáng cho cây quang hợp, tránh nơi có 2000 đến 2400lx.

+ Ẩm độ: Bạn phải đảm bảo độ ẩm 60-80%

+ Tưới nước và bón phân:  Khi mầm cây mọc mạnh bạn phải tưới nước thật nhiều, trung bình là 2 đến 3 lần mỗi tuần đi kèm với việc bón phân một lần trong tuần bằng loại 15-15-15 hay 20-20-20. Vào mùa thu cây rụng lá thì bạn nên quan sát xem khi nào không hẵn tưới cho cây. Để cây chỗ mát và thỉnh thoảng phun sương một lần, khi chồi hoa xuất hiện bạn cũng chỉ tươi sơ thôi.

+ Thay chậu: Mầm non cây xuất hiện bạn cắt bỏ cuống hoa và rễ chết rồi thay chậu bằng một phần đất, (potting soil), 1 phần phân bò đã mục, 1 phấn bổi rêu (peat moss) hoặc vỏ thông nhỏ và 1 phần perlite. Ban đâu bạn chỉ được tươi sơ lớp đất trên mặt, đến khi cây có rễ mới được tưới nhiều. Không được vùi củ quá sâu vì nó có thể gây thối rễ. Bạn có thể dùng chậu đất hoặc chậu nhựa miễn nó không cao quá 10cm.

Chơi Địa lan: Dễ đâu, khi thiếu kiên tâm

Chơi Địa lan: Dễ đâu, khi thiếu kiên tâm

Địa lan là các loại lan trồng trong đất, chúng tồn tại khắp các vùng đồng bằng, trung du và miền núi nước ta. Ngoài ra còn có một số loại Địa lan được nhập từ các nước trên thế giới. Đời xưa gọi lan là vương giả lương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm...

Tính ra, Địa lan có tới vài trăm loài, mà hiện vẫn chưa có thống kê đầy đủ. Trong số ấy, không phải loài nào cũng có hương và đều được người đời ưa chuộng. Một số loại có sắc đẹp nhưng không có hương; một số khác có hương, nhưng hoa ngắn thấp lẫn vào lá mà người xưa gọi là cỏ rả, hoặc một số loại lá lại quá to, thân cây thô cứng, nên những loại ấy đều không được coi trọng và không được xếp vào hàng quý hiếm.

Các loại lan quý hiếm thường phải có hương và đặc biệt phải nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Những loại này có ở Hà Nội, một số tỉnh thành phố, hoặc ở một số triền núi như Sapa, Yên Tử, chùa Hương Tích... Thông thường, một chậu Địa lan dưới mười cành có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy loại. Và tất cả đều được trồng vào các chậu đẹp, được chăm bón, giữ gìn cẩn thận. Có thể kể một số lớn Địa lan được ưa chuộng như: Thanh Lan, Mạc Lan hay Mặc Lan, Hoàng Vũ, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Đại Hoàng, Ngân Biên, Bạch Ngọc, Trần Mộng, Đông Lan, Tứ Thời…

Trong Thanh Lan lại có ba loại: Đại Thanh, Trường Thanh và Đoản Thanh thường nở vào dịp Tết Nguyên đán. Đại Thanh là loại có màu xanh trong như ngọc, dò hoa to có đường kính gần 1cm, dài 80cm đến 1m, có nhiều hoa trên một dò, nở từng bông một từ dưới lên trên, kéo dài ba tuần mới tàn. Cây Đại Thanh có lá dài trên 60 cm, xanh biếc, cây uốn cong mềm mại, hương thoảng và lan xa. Còn Trường Thanh lại có lá dài tương tự Đại Thanh nhưng mỏng hơn chút ít, nhìn kỹ cũng không xanh biếc bằng Đại Thanh, hoa dầy và nhỏ hơn Đại Thanh, hương thơm; dò hoa có đường kính khoảng 0,8cm, cao 70-80cm. Riêng Đoản Thanh, hoa và lá đều ngắn nhỏ hơn hai loại Đại Thanh và Trường Thanh; lá dài 40cm màu diệp lục nhạt hơn Trường Thanh, dò hoa chỉ cao khoảng trên dưới 40cm; hương tỏa lan xa.

Mạc Lan có hai loại chính là Đại Mạc và Mạc Biên, ngoài ra còn có vài loại mọc trên núi, có hương, lá dài hơn hai loại hoa trên. Đại Mạc có hoa màu nâu đen (đen nhạt); lá dầy và xanh, dài 40-50cm; dò hoa cao 50-60cm. Mạc Biên, tương tự loại Đại Mạc nhưng khác ở chỗ lá có điểm trắng ở hai mép. Các cánh hoa cũng có điểm trắng mờ. Các loại Mạc Lan đều nở vào dịp Tết Nguyên đán và có hương đậm, lan xa.

Hoàng Lan có ba loại: Đại Hoàng, Hoàng Vũ, Hoàng Điểm. Trong dòng Hoàng Điểm lại chia ra làm hai loại: Hoàng Điểm họng đỏ và Hoàng Điểm họng vàng. Hoàng Điểm họng vàng có người còn gọi là Hoàng Nhị Điểm vì cánh hoa, họng hoa có hai chấm nâu nhạt. Hoàng Điểm họng đỏ có lá dài nhưng nhỏ hơn Đại Hoàng. Dò hoa bé và thấp hơn, khi hoa nở trong họng có chấm đỏ, cành vàng. Loại này không qúy bằng loại Hoàng Điểm họng vàng xẫm. Trong ba loại Hoàng Lan thì Hoàng Vũ quý hiếm hơn cả. Hoàng Vũ có màu vàng, ngọn và cánh hoa quay theo ánh sáng cong lên như múa. Lá dài trên 40 cm, hình kiếm hơi quăn nên người ta gọi là phản kiếm. Dò hoa cao và nhỏ bằng Đoản Thanh. Đại Hoàng lá to và dài tương tự Đại Thanh nhưng mỏng và màu lá nhạt hơn, về mùa hè hơi hanh vàng. Hoa thưa, mới nở màu xanh nhạt, khi nở hết màu vàng.

Lan Cầm Tố dò hoa cao từ 1-1,2m, đường kính to trên dưới 1cm. Có nhiều bông hoa trên một dò hoa. Màu hoa xanh, họng vàng, viền trắng mờ ở trên hai mép cánh. Lá bản to hơn lá Đại Thanh, dài từ 80-100cm. Hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt hoa thưa, mịn màng đẹp như màu tơ thiên tạo, hương thơm nhẹ nhàng hấp dẫn.

Lan Ngân Biên lá nhỏ uốn cong mềm mại, hai mép lá có viền trắng; hoa vượt cao trên lá, có hương thơm lạ; chiều dài của lá khoảng 40 cm, chiều rộng 1cm vút nhỏ dần. Hoa nở vào đầu thu. Có một loại lan giống lan Ngân Biên chỉ khác lá cứng hơn thường trổ thẳng như lưỡi lê, đó là lan Kim Biên không giá trị bằng Ngân Biên.

Lan Bạch Ngọc là loại lan có hoa trắng nở vào cuối hè, lá to và ngắn hơn Ngân Biên chút ít. Có hai loại Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Đại Diệp và Bạch Ngọc Tiểu Diệp. Loại Đại Diệp lá và hoa to hơn so với loại Tiểu Diệp, ngoài ra còn một loại Bạch Ngọc có tên gọi Bạch Ngọc Chân Hương, hoa có chấm như tàn hương phẩy vào, loại này có củ to như củ hành ta, du nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam từ lâu nên rất hiếm. Hoa nở vào mùa hạ, hương thơm lạ thường. Khách tới nhà vừa đến ngõ đã ngửi thấy hương lan nhẹ nhàng.

Lan Trần Mộng là loại lan có dò hoa dài, màu nâu nhạt, nở vào mùa đông sang tới đầu xuân; lá dài và to ngang với lá cầm tố nhưng thon hơn và không bóng. Đông Lan là loại lan có hoa nở vào mùa đông, lá giống lá Thanh Trường nhưng không mềm mại, uyển chuyển như Thanh Lan, hoa đốm nâu vàng. Còn lan Tứ Thời là loại lan có hoa nở bốn mùa, nhưng rộ hơn vào mùa xuân; lá nhỏ và dài như lan Kim Biên nhưng không có diềm trắng ở mép lá; màu hoa nâu nhạt hơi ngả sang vàng mờ. Hoa thấp, nhưng hương rất thơm...

Khi trồng và chăm sóc Địa lan người xưa có câu “cửu nguyệt phân lan”, tức là tháng chín tách lan để trồng và thay đất. Tuy nhiên, nếu cứ tháng chín đưa lan ra để tách thì sẽ mắc sai lầm, vì có những loại lan vào thời điểm ấy đang ra hoa hoặc mầm đang nẩy, nếu ta tách lan, phân lan để trồng sẽ bị thui chột hoa và mầm. Về nguyên tắc chung khi tách lan, trồng lan là phải chơi hết rồi mới tách nên chơi một dò hoa khoảng hai tuần là vừa phải. Nếu tách cây phải xem xét kỹ sức của lan và mầm nhú lan khỏe, mầm vươn dài khoảng mười phân (10cm) mới tách. Tháng chín âm lịch là vào cuối thu, tiết trời mát dịu, vào thời điểm này các loại lan nở vào mùa hè như: Bạch Ngọc, Ngân Biên, Kim Biên, Tứ Thời… hoa đã tàn, mầm đã già có thể tách, san tỉa, sang chậu được thuận lợi. Với các loại lan nở vào dịp Tết Nguyên đán như: Thanh Lan, Mạc Lan, Cầm Tố, Hoàng Lan… thì đây là lúc cây đang ươm nụ, thậm chí có dò chăm bón tốt nụ đã trổ dài tới năm mười phân; vì vậy không nên phân lan mà chỉ cho thêm đất và bón cho chúng. Cần chú ý tuyệt đối không tưới nước tiểu thời điểm này vì mầm còn non sẽ bị xót, ắt sẽ dễ thui.

Khi trồng Địa lan không để dí đất, úng nước hoặc bị sâu rệp, lan sẽ còi cọc không phát triển được hoặc bị phá hủy. Ta nên cho một lớp vỏ ốc ở dưới, đặt lan nhẹ nhàng, với các lá theo hướng đã định. Đất càng nhẹ, làm càng kỹ càng tốt. Lớp đất trên cùng có thể to hơn các lớp đất dưới. Phần đất ấp sát củ cao trên miệng chậu để sau một thời gian tưới, đất tụt xuống dần là vừa. Nếu đất tụt xuống dưới miệng chậu, cần xếp thêm đất cho rễ và củ được mát. Chọn chậu cần chọn các chậu thoát nước, giữ được mát cho gốc cây. Có thể chọn các loại chậu cổ, nhất là chậu sành Tầu thường là cốt xốp không bị nóng chậu không làm ảnh hưởng tới lan.

Muốn cho lan tốt, khi trồng cần làm vệ sinh, bỏ hết các rễ thân thối, cọ sạch các lá sâu rệp, tách bỏ các dò bị vàng lá; dùng đất bùn ao phơi khô tẩm đạm, nước tiểu hoặc nhào đất với bùn, với phân ủ rồi mới phơi khô. Hàng tuần tưới cho lan một, hai lần bằng nước gạo, nước tiểu pha loãng, hoặc lấy nước trong từ ốc, cá ngâm không có mùi ôi thối; cần có thuốc chống sâu rệp, tránh các tia nắng hướng tây rọi vào làm táp lá; luôn nhặt các lá rụng phủ ở các gốc để tránh không bị rệp trú ẩn. Thượng tọa Huệ Đăng, người chuyên doanh Địa lan cho hay, trồng Địa lan cần phải kinh qua việc chăm sóc cây vào ngày “trái gió, trở trời”. Lan phụ thuộc rất lớn vào thời tiết lạnh, nóng và cách bón phân. Kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố này, lan sẽ ra hoa vào đúng dịp Tết, đạt tỷ lệ 80%.

Trồng lan là một nghệ thuật, có người chơi lâu cũng chưa thuộc chúng. Chơi Địa lan cần phải biết giá trị các loại lan khác nhau. Những loại lan quý, hoa phải cao vượt trên lá, hoa to và có sắc thì càng quý; hoa lâu tàn, hương lan xa; lá nhỏ, ngắn và mềm mại; dò hoa vươn lên uyển chuyển, thanh cao.
 

Dược tính lan một lá - Nervilia

Dược tính lan một lá - Nervilia

Vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, làm dịu đau, tán ứ.

Lan một lá, Lan cờ, thanh thiên quỳ, Trâu châu - Nervilia fordii (Hance) Schltr., thuộc họ Lan- Orchidaceae.

Mô tả: Ðịa lan nhỏ, cao 10-30cm, sống nhiều năm, lụi vào mùa khô và mọc lên hằng năm vào mùa xuân. Thân rễ tròn dạng củ. Phần trên mặt đất rất ngắn. Chỉ có một lá duy nhất; phiến hình tim tam gác, rộng 4-8cm, trên cuống dài. Cụm hoa hình bông, thường xuất hiện trước khi mọc lá; lá bắc nhọn dài 6-7mm; hoa màu trắng, đốm tím hồng, phiến hoa hình dầm, dài 1cm, môi tam giác, thuỳ nhọn tròn, có lông dày, cột cao 5-7mm.

Hoa tháng 3-4, Quả tháng 5-6.

Bộ phận dùng: Toàn cây hay củ, có khi chỉ dùng lá - Herba Nerviliae thường gọi là Thanh thiên quỳ.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Ở nước ta lan một lá mọc trên kẽ đá, nơi rợp vùng núi đá vôi và ở nơi ẩm vùng chân núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình. Thu hái vào mùa thu, rửa sạch, phơi khô, vò nhẹ rồi phơi lại. Phơi và vò ngày 2-3 lần cho tới khô hẳn. Cũng có thể thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, làm dịu đau, tán ứ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở nước ta đồng bào sử dụng lá làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm. Người ta dùng 2-3 lá phơi khô thái nhỏ, hãm với nước sôi trong ít phút rồi chiết nước uống. Ngày uống 2 lần. Người ta cũng dùng nó làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, thuốc bổ và mát phổi, chữa lao phổi, ho. Ngày dùng 10-20 lá dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hấp đường hoặc chế biến thành cao lỏng để uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát, đắp lên các chỗ đau nhức hoặc đắp mụn nhọt các vết lở.

Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị 1. Ho lao phổi, viêm phế quản; 2. Viêm miệng, viêm họng cấp tính, tạng lao; 3. Trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém; 4. Rối loạn kinh nguyệt; 5. Ðòn ngã tổn thương, viêm mủ da. Liều dùng 10-15g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài giã củ tươi vừa đủ đắp vào chỗ đau.

Ðơn thuốc:

1. Viêm miệng, viêm họng cấp tính: cây tươi lan một lá dùng nhai.
2. Tạng lao: Lan một lá 15g nấu với thịt lợn làm canh ăn.

3. Trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém: Củ lan một lá 5-10g nấu với thịt lợn nạc hoặc trứng gia cầm và ăn như thức ăn.

Ghi chú: Ở nước ta còn có một số loài khác cùng chi như Nervilia crispata (Blunne) Schltr. N.plicata (Andr) Schltr. N.prainiana (King et Pant) Seidenf, cũng có thể sử dụng.
 

Lan một lá - Nervilia

Lan một lá - Nervilia

Lan Nervilia - Diệp Tâm Lan là một loài lan sống sát mặt đất, được tìm thấy tại các vùng châu Phi, châu Úc và Châu Á và Trung Quốc như Nhật Bản, Trung và Đông Nam Á. Loài lan này có khoảng 65 giống đã dược ghi nhận cho đến ngày nay.

Việt Nam có 5 giống: Nervilia aragoana, Nervilia crispata, Nervilia fordii,Nervilia plicata và Nervilia prainiana. Cây Nervilia đầu tiên được Roptrostemom phát hiện vào năm 1828. Sở dĩ cây này có tên là Nervilia do chữ Nerve nói về những đường gân trên lá. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đặt tên là Trân Châu và Trần Hợp gọi là Thanh Thiên Quì. Nhưng tôi nghĩ lá cây có hình trái tim, vì vậy tên Việt nên gọi là Diệp Tâm Lan. Sau đây là những cây thường thấy ở vùng Đông Nam Á Châu:

 

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Lan sậy, Sậy lan - Arundina và Bamboo orchid

Lan sậy, Sậy lan - Arundina và Bamboo orchid

Arundina được gọi theo Anh ngữ là Bamboo Orchid và khi chuyển sang tiếng Việt thì một số vấn đề được đặt ra: Lan tre, Lan trúc=Trúc lan?

Chi lan Arundina là một chi nhỏ,  trên thế giới chỉ có khoảng 4 loài. Loài lan nhiệt đới này phân bố rộng rãi từ Ấn độ, Nepal, Thái lan, Mã lai, Singapore, Trung hoa, Đông Nam Á qua vùng Indonesia, và các hải đảo Thái bình Dương, sau đó du nhập đến vùng Caribbean (Puerto Rico, Panama..) và cả Hawaii

Arundina được gọi theo Anh ngữ là Bamboo Orchid và khi chuyển sang tiếng Việt thì một số vấn đề được đặt ra (?) : Lan tre, Lan trúc = Trúc lan ?

GS  Phạm Hoang Hộ gọi Arundina là Sậy lan, và GS Trần Hợp ghi là Lan sậy. GS Võ văn Chi trong 'Sách tra cứu tên Cây cỏ Việt Nam' (trang 107) ghi Arundina là Lan sậy, Trúc lan và Nhà nghiên cứu lan Bùi xuân Đáng trong bài 'Trúc lan' (hoalanvietnam.org), sau khi liệt kê những loài lan có thân như tre, trúc Epidendrum, Oerstedella, Sobralia..đã kết luận :'Những cây Trúc lan ở VN chắc chắn phải là cây Den. hainanensis hay Den.  hancockii' Ông Đáng không đề cập đến Arundina.

(Dendrobium được gọi chung tại VN là lan Hoàng thảo, và nhiều loài Dendrobium khác nhau còn được đặt thêm những tên riêng như 'giả hạc, hạc vĩ, long tu, trúc mành v.v..Tên Tàu gọi chung là Thạch hộc. Riêng Dendrobium hainanense có tên là Hoàng thảo trúc (tên Tàu là  hai-nan shi-hu = Hải nam Thạch hộc) và D. hancokii gọi là Hoàng thảo trúc vàng (Tàu : xi-ye shi-hu= Tế diệp thạch hộc) và trong vài bài báo Anh ngữ còn được ghi là Golden bambu orchid và được giải thích là do có thân tròn và cứng, khi khô màu vàng tươi, bóng hình dạng giống đốt  trúc vàng (?), hoa vàng. Khi có đủ khoảng không gian và diện tích để phát triển, D. hancokii có thể mọc cao đến 2 m, thành bụi khá dầy để giống như một bụi trúc.)

Flora of China gọi Arundina là zhu-ye lan, theo Hán-Việt là Trúc diệp lan

Arundina, theo tiếng Hy lạp: Arundo= lau, sậy

Cũng theo "Lan Rừng VN: A-Z" thì tại VN có 2 loài: Arundina graminifolia và A. caesespinosa..Sự phân biệt giữa 2 loài chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận, Flora of China xem A caesespiona như một loài biến dạng..

Arundina graminifoli:

Tên thực vật tương đương: Arundina bambusifolia, Bletia bambu sifolia, Arundina chinensis

Tên Anh: Bamboo orchid, Bird orchid ; Pháp: Orchidée bambou  Tapah weeds (Singapore)

Mã lai: Orkid buluh ; Bangladesh : ghasphul

Mô tà:

"Lan rừng Việt Nam: A-Z" (Bùi xuân Đáng ) mô tả rất đơn giản "Địa lan, cao trên 1 m; thân mập, cứng mọc thẳng. Hoa 2-3 chiếc to 6-6.5 cm, nở từng chiếc một, mau tàn. Gặp khắp Bắc, Trung, Nam"

"Cây cỏ có vị thuốc ở Việt Nam" (Phạm Hoàng Hộ) trang 649 có thêm một số chi tiết: Arundina graminifolia (D. Don) Hochr. (A. bambusifolia Lindl. A. chinensis  Bl.  Donacopsis laotica  Gagn.). Sậy lan. "Địa lan cao 0.5-2 m, thân to 6-7 mm. Lá như hòa bản, rộng 8-15 mm, dài 20 cm. Chùm đứng đơn hay kép, 3-5 hoa, phiến hoa hơi tím; cánh hoa to hơn lá đài; môi đẹp đỏ hay tía, có bớt vàng và 3 sóng dọc đầu chẻ hai, phấn khối 8. Nang to, dài 5 cm. Nơi đầm lầy và trồng khắp cao độ"

"Từ điển Cây thuốc Việt Nam" (Võ văn Chi), trang 659: Lan trúc, Arundina gramifolia "Cây cao 40-80 cm, địa sinh. Lá hẹp trông như lá trúc, dài 5-12 cm, rộng 8-15 mm, có 5 gân lồi, bẹ lá lồng vào nhau. Cụm hoa là chùm đơn ở ngọn. Lá bắc dài 1 cm. Hoa màu trắng, hay màu hồng, lá đài có 9 gân, cánh hoa hình mũi mác có nhiều gân, cánh môi màu hồng có đốm vàng ở gốc, 3 thùy thùy giữa gần vuông. Cột mảnh. Quả nang."

Orchid Species Society (Brisbane, Quensland, Úc)  cho biết thêm là hoa tuy có mùi thơm nhưng chỉ tồn tại có 3 ngày, nở từng hoa trên cần và rất hiếm khi gặp 2 hoa cùng nở một lượt. Hoa cũng có nhiều màu sắc (tùy cây, tùy vùng) từ đỏ-tím , hồng, màu da phấn và có khi trắng; môi màu xậm hơn cánh hoa và lá đài. Cây mọc nơi cao độ thường ra hoa màu trắng, trong khi đó cây vùng đồng bằng có hoa to hơn màu hồng, đỏ tím. Tại Java có cây cho hoa màu trắng, họng vàng hiếm gặp. Tại Sarah, Borneo còn có chủng đặc biệt, môi được thay thế bằng một cánh hoa thứ 3, và hoa màu toàn trắng. (Orchid Species Bulletin Sept 2009)

Quả nang chứa nhiều hạt rất nhỏ; mầm từ hạt thụ tinh  thường phát triển tại những hoa ở trên đỉnh cần, sau khi hoa nở.

TS Leonid Averyanov ghi nhận loài Arundina lùn (A. stenopetala)  có thể chỉ là một chủng lai tạo tự nhiên, gặp tại VN

Vùng phân bố: Nepal, Đông-Bắc  và Nam Ấn độ, Bhutan, Trung Hoa (Tứ Xuyên, Taiwan, Vân Nam, Triết giang..), Sri Lanka, Đông Nam Á (Việt, Miên, Lào), nơi vùng sườn đồi phủ cỏ, ven suối, rừng rậm cao độ 400-2000 m. Tại Việt Nam, gặp hầu như trên toàn quốc. Tại Singapore do môi sinh bị phá hại nên trong thiên nhiên  chỉ còn khoảng 200 cây tồn tại..

Công dụng làm thuốc trong dân gian:

Trung Hoa và Việt Nam: Dược học cổ truyền Tàu-Việt dùng toàn cây làm thuốc. Vị thuốc được xem là có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, giảm đau, lợi thấp. Dùng trị sưng gan vàng da; bệnh đường tiểu, phù thũng ; đau xương khớp. Giã nát đắp trị mụn nhọt, trị rắn cắn.

Ấn độ: Rễ dùng trị đau nhức xương cốt. Giả hành  giã nát đắp trị các vết nứt nẻ ngoài da.

Bangladesh: Rễ trị rắn cắn, đau bụng; Lá và rễ ép lấy nước cốt trị phong thấp.

Thành phần hóa học và dược tính:

Cây được nghiên cứu nhiều ở Trung hoa và Nhật.

Trong cây có (khoảng 34 hợp chất):

Tannins, Saponins, Heptacosane, Flavonoids, Sterols, Acid hữu cơ, Glycosides, Lignins

Những hợp chất loại phenanthrenes: như lusianthridin

Rễ, trich bằng alcohol, cho 5 hợp chất loại dihydro và methoxy phenanthrenes

Những hợp chất loại stilbenoids như Isoarundinin I và II, loại bibenzyl-stilbenoid như Arundinan, arundinin, arundinaol (Phytochemistry Số 35-1993)

Triterpenoids

Rễ củ chứa: 2-propenoic acid, 3-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-decosyl ester ; p-hydroxybenzyl alcohol ; tricontanol ; p-hydroxy benzylethyl ether; 3-hydroxy-5-methoxybibenzyl (Trung quốc Trung dược Tạp chí Số 29-2004). Hợp chất loại bibenzyl có hoạt tinh diệt bào trên tế bào ung thư khi thử 'trong ống nghiệm'

Các hợp chất loại phenolic trong cây: Gramniphenol A và B, Vladinol, vladinol-pyranoside.. có hoạt tính diệt siêu vi trùng gây bệnh trên cây thuốc lá Nicotiana tobaccum (mosaic tobacco virus) ở nồng độ IC50 từ 20.8 đến 57.7 microg/M và trên siêu vi HIV-1 với chỉ số trị liệu (therapeutic index) trên 100:1 (Journal of Natural Products Số- 25-2013)

Các hợp chất loại deoxybenzoins và diphenylethylenes ly trích từ cây, có hoạt tính ngăn chặn sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư, khi thử trong ống nghiệm. Những dòng tế bào ung thư được thử nghiệm gồm PC3, NB4..(Journal of Asian Natural Products Research Số 6-2004). Hoạt tính diệt tế bào ung thư được ghi nhận là mạnh hơn khi hợp chất có nhóm bibenzyl,vòng mở. Nhóm vòng bibenzyl kín hoạt động yếu hơn (Bulletin of the Korean Chemical Society Số 11-2013).

Hợp chất phenolic trong cây có khả năng chống oxy hóa, thu nhặt các gốc tự do khi thử theo mô hình phản ứng Fenton và phản ứng mẫn cảm ánh sáng riboflavin (Journal of Yunnan University Số 2-2009)

Arundina caespitosa: Lan sậy hoa chùm

Theo "Tra cứu Sinh vật Rừng Việt Nam":

"Lan đất mọc thành bụi lớn, thân rất cao, đến 60 cm, lá mọc thành 2 dãy dọc theo thân; lá nhỏ như lá cỏ dài 18 cm x 6 cm. Hoa mọc ở đỉnh, mọc từng cái một. Chồi hoa dài 10-20 cm. Hoa to 3 cm, màu tím, cánh môi tím đậm, họng màu vàng có sọc, cựa màu trắng. Hoa nở vào các tháng 4-7. Gặp tại Gia lai, Quảng Nam, A lưới, Thừa thiên, Huế.. Loài hiếm, nhỏ hơn A. graminifolia"

Arundina caespinosa đã được TS  Leonid Averyanov mô tả trong The Orchid of VietNam Illustrated Survey, Part 4.

Từ mẩu cây thu hái tại Rừng Trà vệ (Hương Nguyên, A lưới, Thừa thiên), Ông đã cho biết đây là một cây khác biệt với A. graminifolia.

Tài liệu sử dụng:

Lan Rừng VN : A-Z (Bùi xuân Đáng)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)
Flora of China : Arundina
Les plus belles orchidées :Arundina graminifolia
Phillipine Medicinal Plants : Bamboo Orchid

Lan Trúc - Arundina graminifolia

Lan Trúc - Arundina graminifolia

Giới thiệu Lan Arundina graminifolia - Bamboo Orchid hay Lan Trúc – Lan Tre – Lan Sậy. Hoa khá lớn mềm, màu hồng với họng tím. Cánh hoa mở rộng. Cánh môi cuộn lại dạng ống, màu hồng tím đeậm với đốm vàng ở giữa.

Tên Việt Nam: Lan sậy
Tên Latin: Arundina graminifolia
Đồng danh: Arundina graminifolia (D.Don) Hochr.. Arundina stenopelata Gagnep.; Trần Hợp 1988
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả: Loài Loài lan đất, mọc thành bụi cao đến 1m, thân mảnh. Lá xếp 2 dãy dọc từ gốc thân, dạng lá cỏ. Cụm hoa ở đỉnh, có nhiều hoa nhưng nở dần. Hoa khá lớn mềm, màu hồng với họng tím. Cánh hoa mở rộng. Cánh môi cuộn lại dạng ống, màu hồng tím đeậm với đốm vàng ở giữa. Hoa nở gần như quanh năm.

Phân bố: Cây mọc rộng rãi từ Bắc vào Nam trung bộ và được gây trồng ở nhiều tỉnh. Ngài ra chúng còn phân bố từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Malaysia, Tahiti...

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 28.
RUNDINA GRAMINIFOLIA

Trúc lan còn gọi là Sậy lan, trông giống như cây lau, sậy nhưng lá ngắn hơn, mặt lá nhẵn. Tên khoa học là: Arundina raminifolia.

Trong thiên nhiên, cây mọc hoang rải rác ở ven các sườn đồi, đỉnh núi trên 200m vùng miền Đông Nam Bộ

Trúc lan thuộc nhóm địa lan, cao khoảng 0,8-1m, dễ trồng, cho nhiều hoa. Cây con trưởng thành khoảng một năm sẽ nhú chồi hoa. Chồi hoa có từ 5-10 nụ, thay nhau nở liên tục. Hoa màu trắng tím, môi hoa màu tím nhung. Nhìn từ xa, hoa trông rất giống đàn bướm rừng

Hoa bền và nở liên tục bốn mùa trong năm. Cây trúc lan không ưa bóng râm (ánh sáng thích hợp: 70-80%), chịu nhiệt độ cao từ 37-38°C, Ẩm độ vừa phải (khoảng 40%). Cây thích hợp nhất là loại đất sét có độ pH trung tính, ưa lân, lá cây hoại mục thành mùn. Hỗn hợp chất trồng không quá 30% với đất, chậu trồng phải thoát nước tốt.
 

Lan Chu đỉnh - Lan Cau - Spathoglottis

Lan Chu đỉnh - Lan Cau - Spathoglottis

Lan Chu Đinh hay có người gọi là Lan Chu Đình, Lan Lá Cau có danh pháp quốc tế là Spathoglottis được Blume đặt tên và phân loại vào năm 1825. Spathoglottis mọc tự nhiên ở Ấn Độ, Philippines, Đông-Nam Á, Nam Trung Quốc, New Guinea, New Caledonia, Solomon, Borneo và Cape York (bán đảo ở Cực Bắc Queensland, Úc).

Chi lan Spathoglottis có khoảng 63 loài trong tự nhiên rất gần với các chi lan khác như Acanthephippium, Bletia, Calanthe và Phaius. Chi lan Paxtonia được Lindley phân loại năm 1838 chính là Spathoglottis.
Nhìn chung lan Chu Đinh thuộc loài lan đất, cao đến 1m. Lá nhiều mọc ở gốc, có bẹ ở đáy và tạo thành thân giả cao 7cm, cuống dài 10-15cm, phình ở gốc, hẹp ở đoạn giữa, phình rộng đầu về phía trên thành hình phiến dài 20-40cm, rộng 2-4cm, đỉnh nhọn, và mỗi lá có từ 5 đến 7 gân sọc.
Phát hoa thẳng cao 50-70cm mang 3-4 lá như vẩy, nhiều hoa ở đỉnh. Hoa lớn khoảng từ 3-5cm. Cánh môi có 3 thùy, thùy giữa đỉnh chia thành hình tim, gốc hẹp có hai móng nhỏ. Lan Chu đinh thích hợp khí hậu nóng, ẩm và nhiều nắng.
Ở Việt Nam có 5 giống Chu Đinh là:
Spathoglottis regneri, Spathoglottis aurea, Spathoglottis eburnea và pubescens thường được gọi chung là Chu đinh vàng. Hoa lớn khoảng 4cm, màu sắc thay đổi từ trắng ngà, vàng nhạt cho tới vàng tươi tùy loài. Chúng được tìm thấy ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa-Đồng Nai.
Spathoglottis plicata hay Chu đinh tím. Chu đinh tím rất phổ thông ở Việt Nam. Giả hanh mang 3-4 lá dài đến 40cm. Phát hoa có thể cao đến 90cm mang nhiều hoa to 3-4cm, màu tím rất đẹp. Hoa nở vào mùa xuân và hạ.
 

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Dược tính của lan Bạch Cập

Dược tính của lan Bạch Cập

Dược tính của lan Bạch cập được sử dụng nhiều trong đông y, sau đây là bài viết nói về dược tính và sử dụng của lan Bạch Cập

Tên khác: Liên cập thảo

Tên khoa học: Bletilla hyacinthina R. Br. = Bletilla striata (Thunb.) Reichb.f., họ Lan (Orchidaceae).

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao độ 0,9m, rễ phình lên thành củ, lá mọc từ rễ lên chừng 3 đến 5 lá hình mác dài từ 18-40cm, rộng 5cm, hè màu đỏ tím. Quả hình thoi có 6 cạnh dài khoảng 3cm đường kính 1cm.

Dược liệu: Thân rễ hình cầu dẹt, không đều, hầu hết có ngạnh dạng móng, dài 1,5- 5 cm, dày 0,5-1,5 cm. Mặt ngoài trắng ngà hoặc trắng xám, bên trên có vài vòng đồng tâm, có các nốt màu nâu là sẹo của rễ con, các sẹo của thân nhô cao lên, mặt dưới có vết của củ khác nối liền. Chất cứng chắc khó bẻ gẫy. Mặt cắt ngang màu hơi trắng trong như sừng. Thân rễ không mùi, vị đắng, nhai dính, dẻo.

Phân bố: Cây mọc hoang ở vùng núi cao hoặc trồng làm thuốc và làm cảnh.

Bộ phận dùng: Thân rễ chế biến, phơi hay sấy khô của cây Bạch cập (Bletilla hyacinthina R. Br. = Bletilla striata (Thunb.) Reichb.f.), họ Lan (Orchidaceae).

Thu hái: Thu hoạch vào mùa hạ, mùa thu, đào lấy thân rễ, bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, luộc hoặc đồ lên đến khi mặt cắt ngang thân rễ không còn lõi trắng, phơi đến khô một nửa, bỏ vỏ ngoài rồi phơi tiếp đến khô.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng cầm máu: Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu của thỏ, gia nhanh tốc độ lắng máu. Chích dịch nhầy Bạch cập vào tĩnh mạch chủ dưới của ếch, quan sát thấy hồng cầu ngưng kết trong mạch máu ngoại vi hình thành máu khối có tác dụng bịt những mạch máu bị tổn thương mà không gây tắc các mạch lớn. Bạch cậâp ít gây kích thích tại chỗ, những huyết khối do Bạch cập gây nên tự tiêu trong vòng 5 ngày. Người ta cắt ngang đùi thỏ, kẹp các động mạch lớn lại rồi đắp nước Bạch cập lên, máu đang chảy được cầm ngay.

Tác dụng cầm máu của Bạch cập có liên quan đến thành phần chất nhầy (Trung Dược Học).

- Tác dụng của thuốc đối với thủng dạ dầy và hành tá tràng: Thực nghiệm trên chó gây mê, thực nghiệm chọc thủùng nhân tạo dạ dầy và tá tràng mỗi chỗ một lỗ đường kính 1cm, bơm vào 9g bột Bạch cập, sau 15 giây, bột Bạch cập lấp kín, 40 giây sau hình thành một màng phủ kín lỗ thủng. Nhưng nếu cho chó ăn no và lỗ thủng to thì thuốc không có tác dụng (Trung Dược Học).

Tác dụng đối với dạ dầy và ruột viêm: Bột Bạch Cập được dùng trong 69 ca loét xuất huyết. Trong tất cả các trường hợp này máu đều cầm lại (trung bình 5-6 ngày). Bột Bạch Cập được dùng trong nhiều trường hợp loét và thủng. Trong 1 lô 29 trường hợp thì 23 cas khỏi, 1 ca phải mổ, 4 ca khác chết (1 ca bị sốc xuất huyết khi đang điều trị, 3 ca khác bị rủi ro). Điều này cho thấy Bạch Cập Bạch Cập được dùng điều trị những cas chọn lọc về loét dạ dầy tá tràng. Việc điều trị này chống chỉ định trong các trường hợp sau:

a) Không có chỉ định đúng là loét dạ dầy tá tràng.

b) Những bệnh nhân vừa mới ăn xong.

c) Những người xét nghiệm thấy bị sưng, sôi bụng hoặc đau khi khám qua đường hậu môn.

d) Những người không ổn định vì nhiều lý do. Một số bệnh án cho thấy rằng Bạch Cập không được dùng đối với các vết loét vì các lý do sau:

- Bột Bạch Cập có thể làm tăng nhu động và vì vậy có thể làm tăng vết loét.

- Bột Bạch Cập có thể làm tăng nhu động gây ra nôn mửa nhiều, có thể làm tăng lỗ rò.

- Vì bột Bạch Cập có chất dính nên nó có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng nếu nó xâm nhập vào ổ bụng (Trung Dược Học).

- Tác dụng kháng khuẩn: Trong ống nghiệm, Bạch cập có tác dụng ức chế vi khuẩn Gram (+), có tác dung ức chế mạnh trực khuẩn lao ở người. Thuốc có tác dụng ức chế tụ trực khuẩn trắng và liên cầu A, làm tăng sinh tổ chức hạt, giúp cho vết thương chóng lành miệng (Trung Dược Học).

- Tác dụng thay huyết tương: Gây choáng mất máu trên súc vật thực nghiệm, 2% dịch thuốc có tác dụng thay huyết tương. Trên lâm sàng cũng chứng minh thuốc có tác dụng duy trì dung lượng máu và nâng cao huyết áp (Trung Dược Học).

Điều Trị Lao Phổi: Bột Bạch Cập được dùng cho 60 trường hợp lao mạn tính không đáp ứng được với thuốc điều trị thông thường. Sau khi uống thuốc 3 tháng, 42 trường hợp được khỏi (kết quả X.quang giảm, hang khép lại, ESR bình thường, đờm âm tính, các triệu chứng biến mất), 13 trường hợp tiến triển khả quan, 2 trường hợp không có biến chuyển. Các nghiên cứu khác cũng có kết quả tương tự (Trung Dược Học).

Điều Trị Dãn Phế Quản:
Dùng dài ngày (3-6 tháng) Bạch Cập cho 21 trường hợp dãn phế quản thấy đờm và ho có giảm, kiểm soát được ho ra máu (Trung Dược Học).

Đối với vết bỏng và chấn thương:
Dùng dầu + bột Bạch Cập đắp tại chỗ cho 48 cas bị bỏng và chấn thương (dưới 11% của cơ thể), 5-6 ngày thay băng 1 lần. Tất cả đều khỏi trong vòng 1-3 tuần (Trung Dược Học).

- Tác dụng chống ung thư: Chất nhầy cửa Bach cậâp là thành phần có tác dụng chống ung thư (Trung Dược Học).

Độc tính: Độc tính của Bạch cậâp lúc phối ngũ với Phụ tử, Xuyên ô và Thảo ô, v/ới cách sắc, phương pháp cho uống và liều lượng như nhau thì Bạch cập phối hợp với từng vị thuốc trên và riêng lẻ từng vị cho uống thì độc tính của thuốc và số súc vật thí nghiệm tử vong không thấy tăng (theo sách cổ thì Ô đầu phản Bạch cập) (Trung Dược Học).

Thành phần hoá học: Chất nhầy.

Công năng: Thu liễm, chỉ huyết, sinh cơ, tiêu thũng

Công dụng: Làm thuốc cầm máu trong trường hợp viêm phổi ho ra máu, chảy máu cam, trĩ, chữa bỏng, chân tay nứt nẻ.

Cách dùng, liều lượng: Thường phối hợp trong các đơn thuốc chữa bệnh phổi, ho ra máu. Ngày 2-6g, dạng thuốc sắc hoặc nghiền bột rắc vào vết bỏng.

Bào chế: Lấy Bạch cập sạch, hấp cho mềm đều, thái phiến phơi khô.

Bài thuốc:

+ Trị chân tay nứt nẻ: nhai thuốc bôi vào (Tân Tu Bản Thảo).

+ Trị mụn đinh nhọt, lở: Bạch cập nửa chỉ tán bột khuấy với nước, gạn bột trên giấy mỏng rồi dán lên (Tụ Trân Phương).

+ Trị bị đánh đập trị gãy xương:
trộn Bạch cập 8g với rượu thì công hiệu của nó không kém gì Tự nhiên đồng (Vĩnh Loại Kiềm Phương).

+ Trị da tay chân nứt lở vì lạnh: Bạch cập tán bột, trộn nước bôi vào, tránh nhúng nước (Tế Cấp Phương).

+ Trị bỏng lửa: Bạch cập tán bột trộn với dầu bôi lên (Triệu Chân Nhân Phương).

+ Trị chân khí đau nhức: Bạch cập, Thạch lựu bì, mỗi thứ 8g nghiền bột trộn với mật làm viên bằng hạt đậu xanh lần uống 3 viên với nước lá Ngải pha với tí dấm (Sinh Sinh Biên Phương).

+ Trị lưỡi sưng cộm lên như lưỡi ngỗng:
dùng Bạch cập tán bột, tẩm sữa, đắp vào lòng bàn chân (Thánh Huệ Phương).

+ Trị phụ nữ tử cung sa:
Bạch cập, Xuyên ô hai vị bằng nhau, nghiền nhỏ gói vào lụa 4g, đút vào trong âm hộ chừng 1 ngón trỏ, có cảm giác nóng trong bụng dưới thì rút ra, ngày làm một lần (Quảng Tế Phương).

+ Trị vết dao thương chém đứt:
Bạch cập, Thanh cao (nung) hai vị bằng nhau đắp vào chỗ đó có thể làm cho nhúm miệng (Thánh Huệ Phương).

+ Trị ra máu cam không cầm: Bạch cập tán nhỏ lấy nước trộn đắp ở giữa sơn căn, bên trong uống 4g (Kinh Nghiệm Phương).

+ Trị phế ung, nôn ra máu: Bạch cập nghiền nhỏ uống lần 12g với nước cơm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị phế bị hang lâu ngày không liền, ho ra máu mủ: Bạch Cập tán bột mịn, mỗi lần uống 10g với nước ấm trước khi đi ngủ. Trang Kiệt Thuần cho 13 bệnh nhân lao uống Bạch cập 9g, ngày 3 lần, phần lớn từ 1 đến 3 ngày hết ho ra máu (Độc Thánh Tán - Phúc Kiến Trung Y Dược Tạp Chí 1964, 9 (4) 32).

+ Trị lao phổi trong đàm có tí máu: Bạch cập 8 phần, Tam thất 4 phần,tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần với nước (Bạch Cập Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị ho ra máu: Bạch cập 40g, Tỳ bà diệp 12g, Ngẫu tiết 20g, tán bột. Ngoài ra lấy A giao sao với Cáp phấn 12g, Nấu nước Sinh địa xong, trộn các vị thuốc ấy vào làm viên. Mỗi lần uống 8g, với nước (Bạch Cập Tỳ Bà Hoàn -Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị chứng phế ung, ho ra máu: Bạch cập 12g, Xuyên bối mẫu 6g, Bách hợp 12g, Dĩ mễ 20g, Phục linh 12g, Sắc uống. (Bạch Cập Thang - (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+Trị vết thương do té ngã, kim khí chém: Bạch cập, Thạch cao (nung) 2 vị tán bột dán lên chỗ lở (Sinh Cơ Liễm Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).).

+ Trị giản phế quản, ho ra máu: Từ Tử Bình dùng Bạch cập trị 21 cas gĩan phế quảùn, ho ra máu: mỗi lần cho uống bột Bạch cập 2-4g, ngày 3 lần. 3 tháng là một liệu trình. Theo dõi 1-2 liệu trình, chứng ho, đàm đều giảm nhiều, hết ho ra máu (Sơn Đông Y Học Tạp Chí 1960, 10: 9).

+ Trị xuất huyết tiêu hóa trên: tác gỉa dùng bột Cầm Máu Số I (Nhi trà, Bạch cập, A giao, Vân Nam Bạch Dược) trị 140 ca có kết quả 133 ca, tỉ lệ 95%, thử phân, máu, chuyển sang âm tính bình quân 6, 1 ngày. Dùng bột Cầm Máu Số 2 (số 1 bỏ \/ân Nam Bạch Dược) trị 20 ca, 18 ca khỏi, 90% phân chuyển sang âm tính. Bình quân 4 ngày. Dùng bột Cầm Máu Số 3 (bột Cầm Máu Số 2 thêm Sâm Tam thất), trị 60 ca có kết quả 56 ca, tỉ lệ 93,3%, thử phân và máu thấy chuyển sang âm tính. Bình quân 5,7 ngày. Phần lớn bệnh nhân hết chảy máu lâm sàng trong 1-3 ngày (Báo Cáo Của Khoa Nội Bệnh Viện Công Nông Binh Bắc Kinh, Tạp Chí Tân Y Dược Học 1978, 3:28).

+ Trị xuất huyết do loét dạ dày:
Tiền Nhạc Niên dùng Bạch cập, Ôâ tặc cốt, mỗi thứ 2g, ngày uống 3-4 lần, trị 108 ca xuất huyết dạ dày, 3 ngày phân đen chuyển thành vàng 47,4%, 7 ngày chuyển mầu vàng 89 5%, phản ứng máu và phân chuyển sang âm tính sau 3 ngày 20, 6%, 7 ngày chuyển âm tính 76.4% (Tạp Chí Trung Y Giang Tô 1965. 11: 3).

+ Trị tiêu ra máu do rách hậu môn: Lương Thl dùng chất nhầy Bạch cập thêm vào bột Thach cao, chế thành cao Bach cập, trị 11 ca rách hậu môn ra máu, dùng gac tấm cao đắp vào vùng đau, mỗi ngày thay 1 lần trong 10- 15 ngày, theo dõi sau 3 tháng đều có kết quả. 9 ca sau, 1 gạclần đắp hết ra máu, đắp thuốc ngày thứ nhất và ngày thứ hai toàn bộ không đau hoặc gỉam đau nhiều, sau 6- 10 ngày, nhìn vết rách thấy lành (Trung Hoa Ngoại Khoa Tạp Chí 1959, 7 (7): 661).

+ Trị phế ung (áp xe phổi) ho khạc ra máu: dùng Bạch Cập Thang (Bạch cập 12g, Xuyên bối 6g, Bách hợp 12g, Y dĩ 20g, Phục linh 12g sắc nước uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị thủng dạ dày tá tràng cấp: Truyền Bôi Bưu và cộng sự dùng Bạch cập trị chứng thủng dạ dày cấp 29 ca như sau: trước hết dùng ống dạ dày hút sạch dạ dày xong, rút ống cho uống nhanh bột Bạch cập với nước sôi nguội, không quá 90ml, sau 1 giờ uống 1 lẩn nữa như lần trước. Ngày thứ 2, lượng thuốc Bach cập mỗi lần 3g, ngày 3 lầân. Ngày đầu phải nhịn hoàn toàn, ngày thứ 2 uống ít nước và ăn lỏng, ngày thứ 3 chế độ bán lỏng. Kết quả khỏi 23 c, không kết quả phải mổ 1 ca, biến chứng áp xe dưới cơ hoành 1 ca, tử vong 4 ca (Trung Hoa Ngoại Khoa Tạp chí 1963, 11(7): 511).

+ Trị bệnh lao: Viện phòng trị bệnh lao Cẩm Châu đã trị 60 ca các loại lao phổi đã lờn thuốc chống lao, bằng thuốc chống lao thêm Bạch cập, kết quả tốt. Mỗi ngày uống bột Bạch cập 6g. Kết quả sau 3 tháng kiểm tra lại: khỏi lâm sàng 42 ca (chụp X quang phổi, vết tổn thương tiêu hoặc xơ hóa, hang liền miệng, đàm BK âm tính (-), tốc độ lắng máu bình thường, triệu chứng lâm sàng hết), tiến bộ rõ 13 ca, 2 ca không khỏi (Trung Quốc Phòng Lao Tạp Chí 1960, 2 .75).

- Trị lao hang xơ hóa mạn tính: Dùng Bạch cập 1000g, Bách bộ 300g, Xuyên bối mẫu 300g, Bách hợp 300g, Mẫu lệ 300g, luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 2 hoàn, sáng và chiều. Hoặc ngày uống 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần 1 hoàn, uống liên tục 6 tháng. Đã trị 20 ca, kết quả tổn thương lao mới bị biến mất 1/3- 1/2 là 15ca, không kết quả 5 ca, tổn thương xơ cũ không thay đổi (Báo cáo của Triệu Quang Thanh (Trung Quốc Phòng Lao Tạp chí 1966, 7(3):209).

- Trị lỗ dò do lao: Dùng bột Bạch cập đắp ngoài, tùy theo tình hình chảy nước nhiều ít mà đắp hàng ngày hoặc cách nhật, lúc chất xuất tiết giảm, thay đắp 1 tuần 1-2 lần, phần lớn vết thương sau 15 lần đắp có xu hướng bớt. Đã trị cho 10 ca có dò lao, sau 15-30 lần khỏi (Báo cáo của Bệnh Viện Lao Nội Mông. Trung Quốc Phòng Lao Tạp chí 1960, 2: 1106).

- Trị ho gà: Hoàng Dụ Xương dùng Bạch cập tri 87 ca ho gà, liều lượng dưới 1 tuổi: 0, 1- 0, 15g/kg, từ 1 tuổi trở lên: 0,2 - 0,25g/kg. Kết quả có 37 ca sau 5 ngày uống thuốc triệu chứng giảm rõ, 15 ca trong 10 ngày giảm, 6 ca không kết quả, 37 ca bỏ dở (Sơn Tây Y Học Tạp Chí 1957, 2: 53).

- Trị bụi phổi: Tác giả dùng thuốc Bạch cập trị 34 ca bụi phổi đơn thuần, mỗi lần cho uống 5 viên (1 viên có 0,3g sinh dược, ngày uống 3 lần. Sau 3 tháng đến 1 năm, các triệu chứng như đau ngực, thở gấp, ho, khạc đờm đen, ho ra máu giảm rõ hoặc mất, chức năng phổi được cải thiệân, lên cân, nhưng phối chụp X quang không thay đổi rõ rệt (Trung Hoa Bệnh Lao Tap Chí 1959, 7(2):149).

- Trị bỏng lửa, nước sôi và chấn thương ngoại khoa:
Dùng chất nhớt Bạch cập bôi ngoài, bôi đắp xong, đắp gạc Vaseline lên, bọc lại. Trường hợp nặng 5-7 ngày thay 1 lần, trường hợp bội nhiễm, thay băng cách nhật. Tra Thần Khang đã dùng cách này trị cho 9 ca bỏùng (diện tích bỏùng 8%), 2 ca vết mổ sau viêm ruột thừa và 38 ca chấn thương ngoại khoa (bình quân diện tích tổn thương 11%), đều khỏi sau từ 1 đến 3 lần bôi đắp thuốc (Trung Y Tạp Chí 1965 (7):37).

- Dùng Bạch cập thay huyết tương trị sốc do mất nhiều máu:
dùng chất nhầy Bạch cập chế thành dung dịch 2% thay huyết tương, thứ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, mất máu do chấn thương ngoại khoa xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết do xo gan, lượng dùng 250 - 500ml, có tác dụng duy trì dung lượng máu và nâng huyết áp (Báo cáo của khoa nhiễm Bệnh viện số 1 Trường đại học y khoa Cát Lâm, Thông Tin Trung thảo Dược 1973, 1'34)

- Trị nứt nẻ chân tay: Tăng Xung đã dùng Bạch cập 30g, Đại hoàng 50g, Băng phiến 3g đều tán bột mịn, thêm mật ong, khuấy thành hồ bôi ngoài, ngày 3 lần. Đã trị 13 ca toàn bộ khỏi, nhẹ thời gian 2-3 ngày, nặng 5~7 ngày (Hà Nam Trung Y Tạp Chí 1985, 2:21).

Kiêng kỵ: Không kết hợp với các loại thuốc Ô đầu (Ô đầu, Phụ tử, Thiên hùng).

Lan Bạch cập - Bletilla Rhizoma

Lan Bạch cập - Bletilla Rhizoma

Lan Bạch cập - Bletilla Rhizoma Cây thảo sống lâu năm, cao độ 0,9m, rễ phình lên thành củ, lá mọc từ rễ lên chừng 3 đến 5 lá hình mác dài từ 18-40cm, rộng 5cm, hè màu đỏ tím. Quả hình thoi có 6 cạnh dài khoảng 3cm đường kính 1cm

Tên khác: Liên cập thảo
Tên khoa học: Bletilla hyacinthina R. Br. = Bletilla striata (Thunb.) Reichb.f., họ Lan (Orchidaceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao độ 0,9m, rễ phình lên thành củ, lá mọc từ rễ lên chừng 3 đến 5 lá hình mác dài từ 18-40cm, rộng 5cm, hè màu đỏ tím. Quả hình thoi có 6 cạnh dài khoảng 3cm đường kính 1cm.
Dược liệu: Thân rễ hình cầu dẹt, không đều, hầu hết có ngạnh dạng móng, dài 1,5- 5 cm, dày 0,5-1,5 cm. Mặt ngoài trắng ngà hoặc trắng xám, bên trên có vài vòng đồng tâm, có các nốt màu nâu là sẹo của rễ con, các sẹo của thân nhô cao lên, mặt dưới có vết của củ khác nối liền. Chất cứng chắc khó bẻ gẫy. Mặt cắt ngang màu hơi trắng trong như sừng. Thân rễ không mùi, vị đắng, nhai dính, dẻo.
Phân bố: Cây mọc hoang ở vùng núi cao hoặc trồng làm thuốc và làm cảnh.
 

Lan Bạch cập - Bletilla striata

Lan Bạch cập - Bletilla striata

Địa lan Bạch cập - Bletilla striata, cao 30-40 cm, lá 4-5 chiếc. Chùm hoa cao 50 cm mọc cùng với cây non có từ 5-10 hoa to 3-5 cm, có hương thơm, nở liên tiếp vào mùa Xuân

Đồng danh: Bletilla elegantula (Kraenzl.) Garay & G.A. Romero 1998, Bletilla striata f. gebina (Lindl.) Ohwi 1953.
Tên Việt: Bạch cập, Bạch cập tím.
Mô tả: Địa lan, cao 30-40 cm, lá 4-5 chiếc. Chùm hoa cao 50 cm mọc cùng với cây non có từ 5-10 hoa to 3-5 cm, có hương thơm, nở liên tiếp vào mùa Xuân.
Nơi mọc: Đà Nẵng, Nha Trang, Long Khánh, Bình Tuy.
 

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Lan Bạch cập - Bletilla ochracea

Lan Bạch cập - Bletilla ochracea

Địa lan Bạch cập - Bletilla ochracea, cao 40-50 cm, lá dài 20-25 cm rộng 3-4 cm. Chùm hoa mọc ở ngọn, hoa 5-15 chiếc to 5 cm nở vào đầu Xuân 1-2 chiếc một lần.

Đồng danh: Bletilla striata
Tên Việt: Bạch cập
Mô tả: Địa lan, cao 40-50 cm, lá dài 20-25 cm rộng 3-4 cm. Chùm hoa mọc ở ngọn, hoa 5-15 chiếc to 5 cm nở vào đầu Xuân 1-2 chiếc một lần.
Nơi mọc: Các tỉnh sát biên giới Trung Hoa
 

Lan bầu rượu - Calanthe rubens Ridl

Lan bầu rượu - Calanthe rubens Ridl

Calanthe Rubens - Lan bầu rượu. Đặc điểm của cây lan này là giảm tất cả các lá trước khi ra hoa, và các giả hành tạo thành một hình dạng giống như một chai rượu Trung Quốc, do đó nó là tên Lan bầu rượu tại Việt Nam

Lan bầu rượu - Calanthe rubens Ridl

Tên Việt Nam: Lan bầu rượu
Tên khoa học: Calanthe rubens Ridl

Mô tả: Loài lan đất, củ giả mập, thuôn dài thường thắt lại như bầu rượu hay thuôn con quay. Lá bầu dục thuôn dài đến 40cm, rộng 15cm. Cụm hoa xuất hiện trước khi có lá. Hoa trung bình màu hồng pha tím, cánh hoa dạng trái xoan nhọn, xòe rộng. Cánh môi có 2 thùy bên lớn, dạng bầu dục tròn,thùy giữa rộng ở đỉnh và chia 2 thùy tròn. Cựa dạng ống hẹp, dài 1cm. Hoa nở vào mùa xuân

Phân bố: Cây được gây trồng rất rộng rãi ở các tỉnh Nam bộ và mọc rộng từ miền Trung vào miền Nam. Tìm thấy ở Thái Lan, bán đảo Malaysia và Philippines ở độ cao khoảng 300 mét với một kích thước trung bình, từ nóng đến ấm đang phát triển trên mặt đất với 4 giả góc cạnh được chế hơn đối với các đỉnh mang theo lá rụng quăn lại và những bông hoa phong lan vào mùa thu trên một thân thẳng, cơ sở , 20 "[50 cm], dài, có lông tơ, nhiều cụm hoa mà dài ra với thời gian trên giả hành không lá.

Cách trồng: Nên trồng vào chậu đất nơi thoáng mát.

Kích thước hoa: 1 1/4" [3 cm]
 

Lan Hạc đính nâu vàng - Phaius indigoferus

Lan Hạc đính nâu vàng - Phaius indigoferus

Cụm hoa chùm thẳng. Hoa lớn, dài 5 - 7cm, thưa. Cánh hoa trắng ở mặt ngoài, màu nâu đậm ở mặt trong. Cánh môi màu vàng có nhiều vạch màu nâu đậm, chia 3 thùy rộng, có lông dài.

Tên Việt Nam: Lan hạc đính nâu vàng
Tên Latin: Phaius indigoferus
Đồng danh: Phaius indigoferus Hassk
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Mô tả: Loài lan đất, lá lớn dài 30 - 40cm, rộng 4 - 5cm, xếp nếp theo gân, thuôn nhọn ở đỉnh, cuống dài ở gốc. Cụm hoa chùm thẳng. Hoa lớn, dài 5 - 7cm, thưa. Cánh hoa trắng ở mặt ngoài, màu nâu đậm ở mặt trong. Cánh môi màu vàng có nhiều vạch màu nâu đậm, chia 3 thùy rộng, có lông dài.

Phân bố: Cây mọc ở vùng núi: Phú Thọ, Ninh Bình, Gia Lai, Kontum, Đồng Nai và phân bố ở Thái Lan, Indonesia.

Mô tả loài: Trần Hợp - Phùng mỹ Trung.
Tìm thấy ở Thái Lan, Malaysia và Java ở độ cao từ 300 đến 1500 mét với một kích thước trung bình, phụ sinh tăng trưởng từ nóng đến ấm, không có giả hành nhưng kín, hình vuông trong sự giao nhau, thân có thể nằm dọc theo mặt đất trước khi chuyển lên trên và mang 3-4 hoa, quăn lại, từng bước thu hẹp phía dưới các cuống lá cơ sở, nở vào mùa hè trên một thân cứng, nhiều [7-10] cụm hoa.
 

Lan Hạc đính tím - Phaius longicornu

Lan Hạc đính tím - Phaius longicornu

Cánh môi ở giữa có màu vàng có nhiều vạch màu tím đỏ, chia 3 thùy rộng, đầu cánh môi có 1 đoạn kéo dài.

Tên Việt Nam: Lan hạc đính tím
Tên Latin: Phaius longicornu
Đồng danh: Phaius longicornu Guill.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Mô tả: Loài lan đất, lá lớn dài 30 - 40cm, rộng 4 - 5cm, xếp nếp theo gân, thuôn nhọn ở đỉnh, cuống dài ở gốc. Cụm hoa chùm thẳng. Hoa lớn, dài 5 - 7cm, thưa. Cánh hoa trắng ở mặt ngoài, màu vàng ở mặt trong. Cánh môi ở giữa có màu vàng có nhiều vạch màu tím đỏ, chia 3 thùy rộng, đầu cánh môi có 1 đoạn kéo dài.

Phân bố: Cây mọc ở vùng núi: Lâm Đồng (Vườn quốc gia Bi Đúp - Núi Bà) và phân bố ở Thái Lan, Indonesia.
 

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Lan Hạc đính hồng - Phaius mishmensis

Lan Hạc đính hồng - Phaius mishmensis

Hoa lớn, dài 5cm, màu hồng nhạt khi mời nở, cánh môi màu hồng tươi, khi già chuyển thành màu vàng cam, cựa dài 3cm.

Tên Việt Nam: Lan hạc đính hồng
Tên Latin: Phaius mishmensis
Đồng danh: Phaius mishmensis Rchb. f.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Mô tả: Loài lan đất, củ giả lớn, cao 8 - 10cm, rộng 3 - 5cm, thuôn tròn, xếp sát nhau. Thân cao 0,5 – 0,8m. Lá 3 - 8 chiếc, dài 20 - 25cm, xếp nếp theo gân, màu xanh đậm. Cụm hoa cao 50 - 60cm, cuống chung mập. thường có 4 – 7 hoa. Hoa lớn, dài 5cm, màu hồng nhạt khi mời nở, cánh môi màu hồng tươi, khi già chuyển thành màu vàng cam, cựa dài 3cm.

Phân bố: Loài mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Tam Đảo, Hoà Bình, Cúc Phương và Lâm Đồng. Loài này còn phân bố ở Trung Quốc., Campuchia, Thái Lan...

Mô tả loài: Trần Hợp - Phùng mỹ Trung – Nguyễn thị Liên Thương.
Tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ Assam, phía đông dãy Himalaya, Myanamar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và các Ryukyu ở độ cao của 500-2000 mét trong bóng mát, môi trường sống ẩm ướt với các nền đá và là một kích cỡ lớn, từ nóng đến ấm áp, lan đất với giả hành tối, nhiều thịt, hình thoi, hình trụ hẹp bao bọc bởi vỏ bọc cơ sở và mang 6-8 hoa, đỉnh, quăn lại, thay thế,-mũi mác elip thuôn hình trứng to-, nhọn hoặc lá cấp tính, nở vào mùa thu trên một nách lá, dài 12 đến 24 "[30 tới 60 cm], hoa nở thành chùm lỏng lẻo, ngắn hơn hoặc bằng chiều dài phát hoa lá có hình mũi mác, lá bắc cauducous và những bông hoa không nở trọn vẹn.
 

Hạc đính trắng, Bạch hạc trắng - Thunia alba

Hạc đính trắng, Bạch hạc trắng - Thunia alba

Những hoa màu trắng tinh khiết với môi được đánh dấu màu vàng và cam. Hoa có mùi thơm. Thunia trắng được tìm thấy đến độ cao từ 100 đến 2200 m ở vùng đông bắc Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Nepal, Bhutan, quần đảo Andaman, Myanmar, Malaysia và Việt Nam.

Giống hoa đẹp và hiếm này chủ yếu là loài yêu bóng mát. Người ta thường thấy nó trên mặt đất với một vài biểu sinh và thường thích ẩm và thậm chí còn thích tưới nước. Những hoa màu trắng tinh khiết với môi được đánh dấu màu vàng và cam. Hoa có mùi thơm. Thunia trắng được tìm thấy đến độ cao từ  100 đến 2200 m ở vùng đông bắc Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Nepal, Bhutan, quần đảo Andaman, Myanmar, Malaysia và Việt Nam.
Chúng đã từng nằm trong chi Phaius (Hạc đỉnh) khi các hoa giống lẫn nhau, nhưng có sự khác biệt quan trọng. Có khoảng 6 loài được công nhận hợp lệ.
Một yếu tố thú vị của loài này là - thân sẽ phân hủy trong năm thứ ba khi phần còn lại của cây hấp thụ thân (bị phân hủy) và sử dụng nó làm các chất dinh dưỡng. Các thân cũng có thể được đặt trên một lớp dớn mềm và nhiều cây sẽ được sản xuất từ các mắt ngủ, nhưng các lan mới sẽ không nở hoa trong khoảng 3 năm đầu.
 

Lan Hạc đính nâu - Phaius tankervilleae


Lan Hạc đính nâu - Phaius tankervilleae

Loài lan đất, củ giả lớn dạng chóp có nhiều bẹ. Thân cao 50 - 60cm. Lá lớn dài 30 - 50cm, rộng 5 - 10cm, có 7 gân, màu lục nhạt, thuôn hình giáo, nhọn ở đỉnh, gốc có cuống.

Tên Việt Nam: Lan hạc đính nâu
Tên Latin: Phaius tankervilleae
Đồng danh:
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Mô tả:

Loài lan đất, củ giả lớn dạng chóp có nhiều bẹ. Thân cao 50 - 60cm. Lá lớn dài 30 - 50cm, rộng 5 - 10cm, có 7 gân, màu lục nhạt, thuôn hình giáo, nhọn ở đỉnh, gốc có cuống. Cụm hoa thẳng, cao 30 - 70cm. Hoa lớn, dài 10cm, cánh hoa trắng ở mặt ngoài, nâu ở mặt trong. Cánh môi màu đỏ có vạch vàng, chia 3 thùy, hai thùy bên cuộn lại, thùy giữa có 2 vạch dọc.

Phân bố:

Cây mọc ở đất sình lầy: Nình Bình, Huế, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia lai, Kontum, Daklak), Đồng Nai và phân bố Lào, Srilanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Tân Ghi Nê, Australia.
 

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Lan Hạc đính vàng - Phaius flavus

Lan Hạc đính vàng - Phaius flavus

Bông hoa với thật nhiều cụm hoa với lá bắc kéo dài và thật nhiều hoa thơm, lâu tàn, màu vàng, nở vào mùa đông và mùa xuân.

Tên Việt Nam: Lan hạc đính vàng
Tên Latin: Phaius flavus
Đồng danh: Phaius flavus (Bl.) Lindl. Limodorum flavum Bl.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Một kích thước trung bình, lan đất phát triển từ nơi mát mẻ đến ấm từ các tầng râm ẩm của rừng thường xanh cây lá rộng chủ yếu trên các vùng bị che phủ bởi sương mù trên rêu được ghi trong chà và dọc theo suối dốc ở Assam, phía đông dãy Himalaya, Nepal, Myanamar, Thái Lan , Malaysia, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Java, Moluccas, Philippines, Sulawesi, Sumatra, New Guinea, New Caledonia, Samoa, Vanuatu, Đài Loan, Ryukyu Isalnds và Nhật Bản ở độ cao của 200-3400 mét, với giả hành có hình nón với hình trứng, mang 3-8 lá hình elip-mũi mác, nhọn, quăn lại, vàng đốm trắng, nở hoa lỏng lẻo trên một thân cao đến 3 ' [ 90 cm], thẳng, cơ bản, thật nhiều cụm hoa với lá bắc kéo dài và thật nhiều hoa thơm, lâu tàn, màu vàng, nở vào mùa đông và mùa xuân.
 

Lan Hạc Phaius wallichii Lindl

Lan Hạc Phaius wallichii Lindl

Tìm thấy ở Ấn Độ, Sri Lanka phía đông dãy Himalaya, Assam, Bangladesh, Myanamar, Thái Lan, Việt Nam, Vân Nam Trung Quốc và có thể Sumatra trong rừng rậm dọc theo khe núi ở độ cao 900-1300 mét

Tên thường gặp Wallich's Phaius [Danish Botanist and Orchid Collector 1800's / nhà sưu tầm lan & thực vật học Đan Mạch 1800]
Tìm thấy ở Ấn Độ, Sri Lanka phía đông dãy Himalaya, Assam, Bangladesh, Myanamar, Thái Lan, Việt Nam, Vân Nam Trung Quốc và có thể Sumatra trong rừng rậm dọc theo khe núi ở độ cao  900-1300 mét với một lan đất tăng trưởng nơi ấm áp, kích cỡ lớn với một giả hành hình thoi để hình trụ, hình trứng giả mang 4 lá mũi nhọn hình chữ nhật, elip, quăn lại, màu xanh lá cây, nở vào mùa xuân sau đó trên một thân đứng không lông, dài đến 40 "[100 cm], hơn 10 hoa nở rộ mọc lên từ các mắt thấp hơn các giả hành và có lá bắc có hoa nhẵn, hình trứng-mũi mác, mau tàn và mang các hoa nở lớn.
Các lan rất khác nhau từ P tankervilleae 1. Chúng lớn hơn nhiều, giả hành cao đến 12 cm 2. cụm hoa cao hơn 6 feet, mang theo 16 hoặc nhiều hơn hoa lớn 3. Những bông hoa mặt hướng về phía trước trong khi tankervilleae nhìn xuống 4. Màu cơ bản của hoa là màu hoàng thổ vàng-với một màu vàng nâu che phủ - tankervilleae là màu trắng 5. môi khác nhau
 

Hạc Đính - Phaius

Hạc Đính - Phaius

Hạc Đính, Hạc Đỉnh, Hạc Đĩnh - Phaius Một chi đặc quyền của bán đảo Đông Dương.. Việt Nam gồm ba loài : Hạc Đĩnh Nâu Phaius Tankervilleae, Hạc Đĩnh Tím Phaius Tankevilleae Violet , Hạc Đĩnh Vàng Phaius Plavus

1. Phaius tankervilleae: Lan Hạc đính nâu

2. Phaius longicornu: Lan Hạc đính tím

3. Phaius mishmensis: Lan Hạc đính hồng

4. Phaius indigoferus: Lan Hạc đính nâu vàng

5. Phaius flavus: Lan Hạc đính vàng

6. Phaius wallichii Lindl. 1831
+ Đặc điểm : Cây đa thân, hành giả giạng củ tròn, sống địa sinh( thường mọc ven bờ suối lẫn với lau sậy). Lá rất to ( rộng 7-10 cm, dài 80-90 cm) cây thường rụng lá vào mùa khô, ra bông vào dịp tết rất thơm.

+ Cách Trồng : Trồng trong chậu đất hoặc thành luống ven đường nước nhiều (chịu úng tốt). dến khoảng tháng chín âm lịch giảm nước từ từ rồi ngưng hẳn tưới nước cho đến khi là bắt đầu héo thì tưới lại cây sẽ ra hoa vào dịp tết (mà còn lá).

+ Cách chăm sóc: trừ đất trồng đầu tiên có nhiều mùn, phân ủ hoai thì khi cây đã phát triển tốt thì đừng thêm bón thêm gì cả bởi chăm bón càng tốt thì càng khó ra hoa. Nhưng nước thì cần nhiều đấy (vì lá quá lớn mà)