Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Bệnh Thối Đen – Black Rot

Bệnh Thối Đen – Black Rot

Bệnh do Nấm Pythium và Phytophthora gây ra, bệnh này còn gọi là bệnh CHẾT NHANH trên cây phong lan

Tác nhân gây hại: Do nấm Phytophthora palmivora và  đôi khi có cả nấm Pythium ultimum gây ra.

Điều kiện phát triển:

Thường thì do độ ẩm giá thể quá cao như mưa dầm hoặc giá thể bị mục, giò lan hơn 3 năm không thay giá thể, rễ sống trùm lên rễ chết… nấm sinh sôi dưới gốc, chúng xâm nhập vào cây lan từ rễ, cổ rễ, gốc gây ra thối dưới gốc, sau đó từ từ lan lên trên gây tóp giả hành

Sau đây chúng tôi xin chia sẻ bài viết của anh Nguyễn Ngọc Hà biên dịch và biên soạn cùng các hình ảnh rõ ràng, cận cảnh về căn bệnh này:

Bệnh xảy ra trên tất cả các giống lan, nhưng thường gặp hơn cả là trên các giống lan ĐA THÂN có giả hành như Dendrobium, Vũ Nữ, Cattleya, Địa Lan…

Nấm Phytophthora và Pythium là nấm thủy sinh, nên khi độ ẩm không khí cao, độ ẩm giá thể cao vào mùa mưa hoặc tưới đọng nước qua đêm, nấm sẽ sinh sôi nảy nở và xâm nhập hại cây lan nhà bạn.

Chúng xâm nhập qua vết xước, vết côn trùng chích hút, cọ sát hoặc lay gâp dập các mô biểu bì….

Thường thì do độ ẩm giá thể quá cao như mưa dầm hoặc giá thể bị mục, giò lan hơn 3 năm không thay giá thể, rễ sống trùm lên rễ chết… nấm sinh sôi dưới gốc, chúng xâm nhập vào cây lan từ rễ, cổ rễ, gốc gây ra thối dưới gốc, sau đó từ từ lan lên trên gây tóp giả hành. Giả hành từ từ chuyển qua màu vàng như bị luộc chín sau đó màu như rơm ngâm nước, rồi từ từ khô tóp lại, gục ngọn và chuyển sang màu đen. Chính vì thế mới gọi là thối đen.

Hoặc có 1 số giống lan gần như khi bị thối đã màu đen và vết đen lan ra xung quanh dần dần.

Sau một vài ngày khi bạn phát hiện gốc bị thối ủng và lan dần lên trên thì lúc này đã muộn, không còn cách nào cứu được nữa. Bạn chỉ có thể vớt vát một chút ít phần giả hành phía ngọn nếu chỗ đó chưa bị thối ủng để giành ươm kei.

Những giống lan thường bị tình trạng này là Giả Hạc (Phi Điệp), Kiều (Thủy Tiên), Dendro, Cattleya, Đùi Gà, Kèn, các giống lan có lông đen, Kim Điệp, Ngọc Thạch, Trúc Quan Âm….

Khi giò lan nhà bạn bị tình trạng này thì bạn nên nhổ lên trồng lại nếu thấy bệnh tình tiến triển cùng 1 lúc trên nhiều giả hành hoặc giò lan đã hơn 2 năm chưa thay giá thể. Nếu bị ít thì bạn nên tách triệt để phần giả hành bị bệnh đi và mang ra khỏi vườn ngay lập tức.

Nấm đã tấn công và bạn nhìn thấy bằng mắt thường thì phải làm vậy thôi, muốn cứu giả hành bệnh gần như không tưởng. Nếu bạn cứ cố nuôi hy vọng và chỉ phun thuốc chữa bệnh thì có khi lây lan chết cả giò.

Nguyên tắc chung đó là tách sát gốc giữa giả hành bệnh và giả hành không bệnh (dùng kéo mỏng sắc và mũi thật nhọn hoặc dao dọc giấy để tách), sau đó phun thật đẫm, thậm chí là ngâm cả giò lan vào dung dịch thuốc diệt nấm. Sai lầm cơ bản của các bạn đó là lan bị bệnh từ gốc mà chỉ tập trung phun thuốc vào giả hành hoặc lá. Nguyên nhân nằm ở giá thể (chậu lan, khúc gỗ, miếng dớn…) và nằm ở bộ rễ, vì thế bạn phải xử lý triệt để nguyên nhân.

Sai lầm thứ 2 là khi bạn thấy cây lan lá nhăn nheo, giả hành tóp lại mà không chịu quan sát gốc và rễ xem nó có thối không, cứ nghĩ là lan thiếu độ ẩm rồi cố gắng tưới cho thật nhiệt tình. Đến khi từ giả hành non lây sang tới giả hành mẹ, rồi từ từ lây qua giả hành bà. Cho tới khi cả giò lan gục hoàn toàn, chỉ có thể vứt bỏ toàn bộ.

Sai lầm thứ 3 là tưới nước với vòi phun áp suất cao, vừa làm xước lan, mở cửa cho nấm và vi khuẩn xâm nhập, vừa tạo điều kiện cho nấm theo hạt nước bắn sang giò khác làm lây cả giàn lan.

Nếu nấm xâm nhập vào chỗ nào đó giữa giả hành lan, thì lan nhà bạn bị gục ở giữa giả hành, gốc không bị gì cả, ngọn không bị gì cả. Lúc này bạn đi hỏi các thầy, thầy thì phán nó bị ăn nắng chiều rồi gục, thầy nói nó nóng quá gục, thầy kia nói nó bị vi khuẩn thối nhũn, thầy nọ nói nó bị gió quật gục…. Bao nhiêu thầy sẽ có bấy nhiêu ma. Nếu bị nóng tự gục thì màu sắc chỗ gục sẽ nhạt và trong hơn so với bị nấm.

Nếu nấm xâm nhập vào ngọn thì sẽ sinh ra thối ngọn, thối lá non. Vết thối màu vàng nâu, vàng ủng như bị luộc, viền giữa vùng bệnh và không bệnh không xác định rõ ràng. Bạn có thể rút ngọn hoặc vặt lá dễ dàng khi nấm lan tới giả hành. Sau 1 thời gian, chỗ bị bệnh sẽ chuyển sang màu đen.


Đặc điểm nhận dạng để không bị nhầm lẫn giữa thối đen và thối nhũn là: THỐI ĐEN KHÔNG CÓ MÙI THỐI. Có cố gắng bóp nát, vắt nước của vùng bị bệnh ra ngửi cũng không thấy mùi thối. Mùi chỉ hơi hơi (chút xíu thôi nhé) tanh tanh. Mùi tanh không phải kiểu tanh của cá. Kết hợp 1 chút mùi ủng như kiểu rau bạn ngâm nước 2 ngày cho nó úng chết vậy.
   
VIỆC ĐẦU TIÊN CẦN LÀM LÀ CÁCH LY VÀ NGỪNG TƯỚI, DỪNG BÓN PHÂN CÓ NHIỀU ĐẠM.
Nếu chỉ bị trên thân hoặc trên ngọn hoặc lá thì cách xử lý rất dễ, bạn chỉ cần lấy dao thật mỏng, sắc (dao dọc giấy, dao bổ cau, dao lam, dao mổ…) cắt 1 viết XÉO (đừng cắt vuông góc dễ đọng nước) CÁCH CHỖ BỆNH 3cm (3 xen ti mét), sau đó bôi thuốc diệt nấm sền sệt vào.
Trong quá trình điều trị bệnh bạn nên bỏ hết phân tan chậm ra hoặc là tuyệt đối không phun phân có đạm (Vì đạm làm màng tế bào và tế bào biểu bì rất mỏng, dễ bị tổn thương theo kiểu nhà giàu đi chân đất giẵm phải gai mùng tơi cũng thấy đau). Bên cạnh đó nên ngừng tưới hoặc che mưa vài ba ngày.
(Nguyễn Ngọc Hà)


Để hạn chế tác hại của bệnh, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

- Không nên trồng những cây lan có triệu chứng đã bị nhiễm bệnh.
- Không nên dùng giá thể là những chất liệu hút nước nhiều, giữ nước lâu như vỏ dừa khô...
- Trước khi trồng, chậu và giá thể phải được khử trùng bằng dung dịch FUGI NANO-Cu pha với nước theo tỷ lệ 40ml/16 lít nước. 1 ngày sau quá trình khử trùng, ta bắt đầu trồng lan vào chậu.
- Ngưng tưới nước và bón phân khi cây đã nhiễm nấm bệnh.

Phòng bệnh thối đen (black rot) trên cây phong lan: Pha FUGI NANO-Cu với tỷ lệ 40ml/16 lít nước, định kỳ 7 ngày/lần. Phun đều lên thân cành và gốc.

Trị bệnh thối đen (black rot) trên cây phong lan: Bước đầu tiên là loại bỏ mô bệnh như trong bài viết của anh Hà. Sau đó pha FUGI NANO-Cu với tỷ lệ 60ml/16 lít nước và phun đẫm từ rễ tới lá, thậm chí là ngâm cả giò lan vào dung dịch. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp cuối hầu mong cứu chữa những giả hành khó có khả năng sống sót dù đã áp dụng đúng các biện pháp xử lý nêu trên.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Gục thân lan nguyên nhân và cách khắc phục

Gục thân lan nguyên nhân và cách khắc phục

Vào đầu hè là lúc lan bắt đầu chu kỳ phát triển mạnh nhất nhưng cũng là lúc thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển gây bệnh cho lan. Bạn cần chú ý chăm sóc tốt cho lan và phòng trừ bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra bệnh gục thân thối ngọn ở lan.

Nguyên nhân

Lan bị nắng chiếu quá lâu.
Virut, vi khuẩn, nấm.
Đạm quá cao làm mỏng thành biểu bì, vi khuẩn dễ xâm nhập.
Nắng mưa thất thường, lan sốc nhiệt.
Nước đọng buổi sáng gặp nắng to như luộc lan.
Khắc phục

+ Hạ thấp giò lan.

Nếu giàn lan quá thấp (ví dụ dưới 3m), sẽ rất nóng và hầm hơi, bí, không khí kém lưu thông, khi đó lan của bạn rất dễ bị nấm khuẩn gục ngọn teo thân, đốm lá… Phong Lan – bản thân cái tên đã nói lên rằng lan cần gió, thường thì tốc độ gió lưu thông từ 5-15km/h sẽ giúp lan phát triển mạnh và ít bệnh. Nguyên tắc: Thông thoáng nhưng không gió quá mạnh.

Nếu diện tích trồng lan hẹp thì giàn càng phải cao (dĩ nhiên là không quá cao tới mức thang với không tới và không ngắm được lan).

Treo lan cách lưới càng xa thì lan càng được mát mẻ, treo sát lưới thì khả năng lan bị hấp chín, vàng lá, héo rũ dù bạn có tưới vài lần 1 ngày cũng là bình thường. Thời gian qua, tôi thấy có 1 số bạn trồng lan trên sân thượng mà vị trí cây lan tới lưới có 60cm, buổi trưa, bạn sẽ thấy cảnh lan nhà bạn chịu nhiệt độ trên 40 độ C. Nên cho cây lan cách lưới che nắng ít nhất 1,2m và tốt nhất là 1,5m nếu bạn ở vùng nóng.

Nếu Nhiệt độ vào mùa nắng quá cao, bạn nên làm 2 lớp lưới, cách nhau 10-30cm để giữa 2 lớp 1 khoảng không để cách nhiệt, nhiệt độ trong giàn bạn đảm bảo giảm xuống mức rất dễ chịu. Thay vì làm 1 lớp lưới che 50-60% ánh nắng, bạn nên chọn 2 lớp mà mỗi lớp chỉ che 30% ánh nắng. Nguyên tắc: Nắng nhưng không nóng
Độ ẩm trong vườn quá cao và không thông thoáng chính là môi trường lý tưởng cho nấm và vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Mỗi loài sinh vật đều có môi trường tối ưu nhất để phát triển, các loại nấm khuẩn gây bệnh thán thư, đốm mắt cua, đốm nâu, thối đen thân, thối nhũn… cần phải có độ ẩm không khí cao mới phát triển mạnh. Nguyên tắc là Ẩm nhưng không ướt.
Độ thoáng: mùa khô hay ít mưa thì bạn nên treo lan gần nhau, có khi giò này treo sát vào giò kia. Tuy nhiên khi bắt đầu mùa mưa, bạn nên treo xa nhau ra (thường thì khoảng cách bằng 0,5 – 1 lần kích thước giò, ví dụ giò đường kính giò lan là 50cm, thì nên treo cách nhau ít nhất 25cm, tốt nhất là 50cm), vừa tránh va đập vỡ chậu khi gió to, đỡ lây bệnh cho nhau và tạo độ thoáng cho vườn.

Chất lệu gi tốt nhất nên làm bằng thép không rỉ hoặc tuýp nước hoặc thép nhúng kẽm, tuy mắc nhưng chắc chắn, bền. Đảm bảo sên không thể leo lên chậu lan của bạn được. Nếu làm bằng tre, tầm vông, gỗ thì sên, ốc… sẽ leo lên giò lan rất dễ dàng, ngoài ra nước rỉ ra từ ống tre nứa cũng chính là ổ nấm khuẩn hại lan.

Lưới che nắng của Thái hoặc Đài Loan luôn là lựa chọn hàng đầu. Tốt nhất là không dùng lưới đen rẻ tiền độ bền chưa được 2 năm khi chơi lan. Vì khi lưới rách hoặc nát, việc thay lưới sẽ rất khó và hư hại lan.

Thường xuyên quét rác, lá rụng, nhổ cỏ dại và rắc vôi dưới nền giàn.

Giàn lan chuẩn sẽ tạo ra một Tiểu Khí Hậu chuẩn.
+ Phun thuốc phòng bệnh định kỳ. (Ridomil Gold; Starner; Physan…)

+ Mưa đâu mùa, mưa cuối mùa và mưa bất chợt cần xả tưới lại một lần sau mưa. Nên sử dụng mái che cho lan mùa mưa.

+ Sử dụng phân tan chậm Nhật (14.13.13; 13.11.11 + ME). Giảm lượng đạm bón lan.

+ Cách ly, xử lý cây bị gục.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Tưới nước đúng cách cho lan vào mùa hè

Tưới nước đúng cách cho lan vào mùa hè

Biết cách tưới nước giữ vai trò quan trọng số 1 trong chăm sóc phong lan; nhất là khi mùa nắng nóng đang kéo dài, dễ gục ngọn, gục thân, cháy nắng.


NGUYÊN TẮC CHUNG

Tùy vào độ ẩm vườn, loại giá thể, giống lan, chu kỳ sinh trưởng mà ta có cách chăm tưới phù hợp.

1. Cách tưới theo loại giá thể:

Mỗi loại giá thể có khả năng giữ nước khác nhau; chậu lan càng lớn sẽ giữ ẩm càng tốt, ta cần phân biệt để tiện chăm tưới: Vỏ thông, dớn mềm giữ ẩm tốt; lũa, gỗ giữ ẩm kém…

2. Cách tưới theo cách trồng và loại lan:


Hầu hết các loại lan đều áp dụng nguyên tắc giá thể hơi khô mới tưới, để kích thích rễ phát triển.

Với loại trồng chậu: Không nên tưới quá nhiều, tránh làm rễ ít thông thoáng, dễ sinh ra vi khuẩn làm thối rễ. Lan Hài, Địa Lan thường dùng giá thể: đá thấm thủy, vỏ thông, đá bọt,… Lan Hoàng Thảo thường dùng giá thể: vỏ thông, dớn mềm…

Với loại trồng ghép gỗ, lũa truyền thống: Với lan đơn thân (ngọc điểm, cáo, sóc…) yêu cầu vườn trồng phải có độ ẩm cao; với lan hoàng thảo nên kèm thêm chất liệu giữ ẩm tốt như dớn mềm chile, lưu ý tránh vùi mắt ngủ ở gốc.

Với loại trồng bán thủy canh: thường áp dụng cho lan hài và hoàng thảo, không cần tưới nước thường xuyên, chỉ cần xác định vị trí đục lỗ thoát nước để xác định mức nước cao nhất.
3. Cách tưới theo chu kỳ sinh trưởng

Cây trong kỳ sinh trưởng mạnh cần tưới nước nhiều, kết hợp phân bón.

Với lan hoàng thảo vào mùa nghỉ thì nên cách ly riêng và không tưới khi thân giữa phình to đủ nước, cắt nước đúng kỹ thuật sẽ cho ra hoa sai hơn,

Khi hoa nở tránh tưới nước vào hoa, tránh hoa nhanh tàn; tăng độ ẩm vườn.

THỜI ĐIỂM TƯỚI TRONG NGÀY VÀ THEO MÙA

Quan sát giá thể khô thì tưới, còn ẩm thì chưa cần.

Thời điểm tưới và bón phân là khi nhiệt độ không quá nóng, cường độ sáng không quá mạnh, lỗ khí khống mở (mở sáng, nhỏ dần lúc chiều tối).

1. Tưới sáng

Tưới sáng giúp rửa trôi sương muối.

Mùa thu hanh khô thì nên tưới lại 1 lượt nữa sau 15-20p, ở miền bắc thì nên tưới thường xuyên tránh thân lá teo tóp, rễ chậm phát triển.

Mùa đông tưới lúc trời ấm lên, dưới 10°C không tưới.

Tưới lan đúng cách vào mùa hè: mùa hè sáng tưới sớm hơn và lượng nước phải làm ướt toàn bộ thân rễ và chậu; tưới ít hơn vào chiều tắt nắng, mát trời.
2. Tưới trưa

Vào mùa hè nắng nóng, nếu nhiệt độ trong vườn dưới 32°C, độ ẩm dưới 55%, vườn thông thoáng thì sử dụng nguồn nước mát, tưới thật đẫm. Hoặc chỉ tưới ẩm gốc và chậu không tưới lên ngọn và lá non phun nước dạng sương và dùng quạt hoạc gió trời để làm mát không khí.

Hoặc có thể tăng độ ẩm cho vườn như tưới nước vào chậu đất, tưới nền vườn, hay làm hồ cá, bể nước phía dưới…Sân thượng thì không nên để máng nước vì trưa nắng nóng làm nước bốc hơi nóng như hấp cách thủy không tốt cho lan.

3. Tưới chiều tối

Hè nóng thì tưới muộn, thu đông lạnh tưới sớm hơn.

Tưới đêm không hiệu quả bằng tưới ban ngày.
NGUỒN NƯỚC TƯỚI

Yêu cầu nguồn nước mát và sạch, tương đồng với nhiệt độ giá thể.

Độ pH: 5,5-6,8; độ muối thấp hơn 500ppm; không chứa kim loai nặng.

Có thể tưới trực tiếp nước máy để lắng 1-2 tuần hoặc nước mưa sau khi để lắng 4-5 ngày (tránh nước mưa đầu mùa và cuối mùa, do nước mưa có tính axit nên hàng tháng cần phun thêm nước vôi pha thật loãng).

Nước sông, nước ao màu vàng lục có độ phì tốt nhưng cần xử lý để tránh nấm bệnh gây hại cho cây.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Kinh nghiệm trồng lan dưới mái hiên

Kinh nghiệm trồng lan dưới mái hiên

Với kinh nghiệm trồng lan chơi nhà phố, không gian hạn hẹp là một bất lợi cho thú chơi lan. Tuy nhiên không gì là không thể miễn sao có đam mê thì các bạn có thể vẫn thỏa đam mê được. Bài viết giúp bạn biết được những điều tối thiểu để trồng lan nhà phố với không gian hẹp như mái tôn, hiên nhà.


Xác định điều kiện trồng

Để trồng được phong lan, với không gian nhà mình các bạn xác định được yếu tố đầu tiên của không gian nhà mình xem có hướng nắng, gió không? Đây là yếu tố rất quan trọng cho việc trồng phong lan.

- Mái bê tông, mái tôn, mái hiên không cần lo lắng bởi vì mưa đối với phong lan có hay không có không phải là điều kiện tiên quyết, cái đó chúng sẽ khắc phục được…

- Chỉ cần có ánh nắng xiên vào chỗ treo lan (Tối thiểu ánh nắng chiếu xiên vào lan được 3-4h là quá ổn rồi, còn về gió có hướng gió vào và gió ra là ok).

- Tìm hiểu kỹ về loài lan định trồng, lựa chọn loài lan có đặc tính có thể phù hợp với điều kiện trồng dưới mai hiên, chú ý trồng cây hướng về phía ngoài nhiều ánh sáng để tốt cho sự phát triển của cây.

Kinh nghiệm trồng lan dưới mái hiên

Với mái hiên chúng ta treo lan gần sát phía ngoài để lan được tận dụng ăn nắng hết sức có thể, trồng lan trên cao không quá gần với mái hiên thường khoảng cách tối thiểu phải là 60cm.

- Mái hiên thì giá thể phù hợp nhất là trồng chậu gốm, chậu nhựa nan thưa và chất trồng bao gồm lớp đáy là đá nhẹ Indo, lớp giữa là vỏ thông, lớp trên cùng là dớn mềm Chile.

- Qua trải nghiệm thì mình trồng chậu nhựa nan thưa vì điều kiện trên cao lộng gió nên có sự va đập chậu gốm dễ vỡ, rơi sẽ gây nguy hiểm cho phía dưới. Còn chậu nhựa nan thưa sẽ giải quyết được yếu điểm này. (Còn vẫn thích chậu gốm thì cần định vị cố định chắc chắn, khoảng cách va đập không chạm, quang treo bằng inox để đảm bảo an toàn).

Lý do trồng Lan trong chậu bởi trên cao lộng gió cây mất nước nhanh, chậu + chất trồng như chia sẻ sẽ giữ ẩm cho làn tốt hơn.

Mùa hè nắng chói chang chúng ta sợ lan bị cháy nắng thì cách giải quyết vấn đề ở chỗ rất đơn giản là

Tăng tưới ẩm cho gốc lan để khi nắng đốt hơi ẩm của thân lá cây vẫn có nguồn nước hút bù để lá không bị mất nước sẽ bị cháy lá.

Có thể căng lưới che nắng xiên để khắc phục việc cháy nắng những ngày cao điểm. Tuy nhiên việc căng lưới sẽ bất tiện vì trên cao khó làm cũng như còn mỹ quan ngôi nhà.

Theo trải nghiệm cá nhân thì những ngày nắng nóng cao điểm tưới đẫm gốc. Có thể tưới bù khi khô nhưng KHÔNG tưới thân lá mùa hè buổi sáng, trưa, có nghĩa là mùa hè 7h sáng đã nắng chang chang rồi thì cứ gốc chậu chúng ta tưới, còn thân lá là nói không.

Kinh nghiệm trồng lan dưới mái tôn

Trồng lan dưới mái tôn, mái bằng thì cách chăm sóc như trồng trên mái hiên.

- Chỉ có điều mái tôn nếu không phải là tôn lạnh (Tôn có lớp chống nóng) thì chúng ta cần ép tấm xốp dưới tôn để tránh độ hầm nóng không khí mùa hè,

- Còn lại mái tôn và mái bê tông chúng ta treo lan cách mái từ 50cm với đk không thể xa hơn, còn lại 80cm – 1m là lý tưởng,

- Treo lan định hướng cố định để lan ưu tiên về hướng có ánh nắng xiên, tránh gió đung đưa làm ngọn lan xoay tít mùa cây sẽ kém phát triển bởi lý do suốt quá trình phát triển ngọn lan bị đảo hướng, không ổn định…ngọn sẽ nhỏ, thóp nhọn ngọn….

Tóm lại, để chơi được phong lan trên những khoảng trống của mái hiên, mái tôn mái bê tông đều được miễn làm sao có nắng xiên và gió. Còn lại những gì còn thiếu còn yếu nếu có đam mê chúng ta vẫn có thể có cách để các em ấy tỏa sáng được, hãy cứ chơi cứ yêu miễn có đam mê và các em ý sẽ không phụ công đâu nhé.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Phòng trừ bệnh cho lan vào mùa mưa

Phòng trừ bệnh cho lan vào mùa mưa

Phòng trừ bệnh cho lan vào mùa mưa là vô cùng cần thiết, nó ngăn chặn và hạn chế rất lớn sự xâm nhập của bệnh vào vườn lan, giảm thiệt hại do bệnh gây lên cho lan. Trong quá trình trồng lan đặc biệt phong lan cứ mỗi mùa mưa đến là một mùa mà người trồng lan phải lo lắng vì dịch bệnh.


1. Thiết kế giàn lan đúng tiêu chuẩn Phòng trừ bệnh cho lan

Việc đầu tiên để phòng trừ sâu hại và các loại bệnh trên lan chính là thiết kế một giàn lan chuẩn khoa học và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nơi bạn sống.

- Nếu giàn lan quá thấp (ví dụ dưới 3m), sẽ rất nóng và hầm hơi, bí, không khí kém lưu thông, khi đó lan của bạn rất dễ bị nấm khuẩn gục ngọn teo thân, đốm lá...

- Nếu diện tích trồng lan hẹp thì giàn càng phải cao

- Treo lan cách lưới càng xa thì lan càng được mát mẻ, treo sát lưới thì khả năng lan bị hấp chín, vàng lá, héo rũ dù bạn có tưới vài lần 1 ngày cũng là bình thường. ên cho cây lan cách lưới che nắng ít nhất 1,2m và tốt nhất là 1,5m nếu bạn ở vùng nóng.

Điều kiện sinh trưởng của lan treo giàn

- Độ ẩm trong vườn quá cao và không thông thoáng chính là môi trường lý tưởng của nấm và khuẩn sinh sôi nảy nở. Các loại nấm khuẩn gây bệnh thán thư, đốm mắt cua, đốm nâu, thối đen thân, thối nhũn... phát triển mạnh khi độ ẩm không khí cao.

- Độ thoáng: khi bắt đầu mùa mưa, bạn nên treo giò lan xa nhau ra (thường thì khoảng cách bằng 0,5 - 1 lần kích thước giò, ví dụ giò đường kính giò lan là 50cm, thì nên treo cách nhau ít nhất 25cm, tốt nhất là 50cm). Vừa tránh va đập vỡ chậu khi gió to, đỡ lây bệnh cho nhau và tạo độ thoáng cho vườn.

- Chất liệu giàn tốt nhất nên làm bằng thép không rỉ hoặc tuýp nước hoặc thép nhúng kẽm, tuy mắc nhưng chắc chắn, bền. Đảm bảo sên không thể leo lên chậu lan của bạn được. Nếu làm bằng tre, tầm vông, gỗ thì sên, ốc... sẽ leo lên giò lan rất dễ dàng. Ngoài ra nước rỉ ra từ ống tre nứa cũng chính là ổ nấm khuẩn hại lan.
2. Xử lý giống trước khi trồng để phòng trừ bệnh cho lan

Sau khi mua về dù là trồng lan ra chai hay bóc rừng hoặc thay chậu thì bắt buộc phải xử lý giống cho cẩn thận. Nếu mua về mà chỉ cắt rễ, lá dập nát sơ sơ rồi ghép ngay, không xử lý ngâm thuốc gì cả. Tỷ lệ lan chết rất cao (trung bình 30%, thậm chí có lô chết 80% - Hải Yến, Bạch Hỏa Hoàng, Thanh Hạc...).

Bạn nên ngâm lan của bạn trong dung dịch Physan 20 liều 1ml pha 1 lít nước để diệt nấm khuẩn trong 10-15 phút.
Khi bạn mang ra để ráo nước rồi ngâm các chất kích thích ra rễ nảy chồi sau đó ghép thì tỷ lệ lan bị thối nhũn là rất thấp.
Bạn có thể thay thế Physan20 bằng Nano bạc hoặc Benkona.

3. Bón phân cho lan

Bón phân cân đối chính là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Làm cây lan to mập rất dễ, chỉ cần đạm nhiều thì giả hạc to phát triển tốt. Tuy nhiên tế bào biểu bì sẽ ít và thành tế bào rất mỏng manh, vi khuẩn và nấm xâm nhập 1 cách đơn giản dễ dàng.

Chính bởi vậy, nếu bạn trồng vài chục giò hay vài trăm giò không vì kinh doanh, thì chỉ nên dùng NPK các chỉ số đều hoặc gần bằng nhau là ổn hơn cả (Ví dụ NPK 20-20-20Te của Growmore) hoặc phân tan chậm của Nhật 14-13-13, và 10-15 ngày phun một lần.
4. Xử lý giá thể phòng trừ bệnh cho lan

Xử lý giá thể quyết định thành bại của giò lan. Nếu bạn không muốn bị cỏ dại, sên nhớt, nấm khuẩn, nấm trắng ký sinh... tấn công cây lan thì phải xử lý kỹ. Tốt nhất vẫn là ngâm Physan hoặc đun sôi trong 15 phút hoặc ngâm nước vôi 2-4 ngày sau đó rửa lại.

Nếu vùng bạn mưa dầm nhiều ngày thì nên chọn giá thể thoáng như vỏ thông, dớn vụn đá, viên đất nung hoặc dớn bảng, lũa.
Nếu giàn chuẩn và chế độ phòng bệnh tốt thì mới nên chọn rêu hoặc dớn cù lần xay hoặc dớn trắng Chile nếu không lan sẽ thối hết rễ và mầm.

5. Tìm hiểu kỹ đặc tính của giò lan bạn trồng

Tùy mỗi loài lan mà ta có chế độ chăm sóc khác nhau. Nếu cho chúng vào điều kiện không thuận lợi, thì nhất định chúng sẽ kém phát triển hoặc bệnh tật. Vì thế khi mua lan về, bạn phải tìm hiểu xem giống lan đó:

- Ăn nắng bao nhiêu phần trăm %.

- Nên sống khô hay thích ướt.

- Nên che nilon hay không che.

- Nên bón nhiều hay bón ít.

- Thích mát hay thích nóng.

- Thích gió nhiều hay đứng gió.
6. Quy trình xử lý bệnh hại trên cây lan

-  Nếu lan đã bị bệnh, nên cách ly ngay, mang mầm bệnh ra khỏi vườn. Ngừng tưới nước (1-2 ngày sau khi phun thuốc) và ngừng bón phân để xử lý triệt để bệnh, sau đó mới mang ra giàn chăm sóc lại bình thường.

- Luân phiên phun Nano bạc hoặc Benkona hoặc Agrifos 400 liều như trên bao bì. Cứ 15-30 ngày 1 lần vào mùa ít mưa và 7-15 ngày 1 lần vào mùa mưa.

- Cứ 2 tháng 1 lần phun thuốc phòng diệt bọ trĩ, nhện đỏ, kiến đen có cánh, ruồi vàng, cuốn chiếu, gián, muỗi, rệp... một lần. Các loại thuốc như (Movento + Pesieu; SK Enspray 99 + Fendona; thuốc sinh học tự chế từ Tỏi Ớt Gừng...). Tốt nhất nên có lưới quây che chắn côn trùng bay vào giàn. Các vết chích, giữa, hút và đẻ trứng của côn trùng chính là cánh cửa chào đón nấm và vi khuẩn.

- Chu kỳ 2 tháng 1 lần rải bả sên nhớt 1 lần.

Trên đây là toàn bộ giải pháp phòng trừ bệnh cho lan và cách khắc phục, xử lý lan bị bệnh. Bạn cần phải kết hợp toàn bộ 6 yếu tố để đem lại hiệu quả cao nhất cho cây trồng được phát triển tốt nhất.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Cách chăm sóc lan Cattleya vào mùa hè

Cách chăm sóc lan Cattleya vào mùa hè

Lan Cattleya vào mùa hè khá khắc nghiệt, nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp có thể khiến lan bị chết vì nhiệt độ cao hoặc thiếu nước. Vì thế, cần có biện pháp chống nóng cho cây cũng như bổ sung lượng nước tưới và phân bón phù hợp.


Vị trí trồng lan Cattleya thích hợp

Mùa hè là thời điểm lan Cattleya đẻ nhánh nhưng không hoàn toàn.

- Vì thế, không nên bố trí cây ở nơi có ánh sáng trực tiếp hoặc ánh nắng gắt.

- Thay vào đó là nơi râm mát hoặc ánh sáng ban mai vào sáng sớm.

- Nếu trong phòng ấm, có thể mở cửa sổ và lắp đặt thêm tấm lưới để gia tăng 50% lượng ánh sáng.

- Quan sát, nếu lá có màu xanh đậm thì ánh sáng không đủ, nếu lá xuất hiện các đốm vàng thì ánh sáng quá nhiều. Cả 2 trường hợp này đều khiến cây khó ra hoa.

Tưới nước chăm sóc lan Cattleya vào mùa hè

Mùa hè là thời điểm lan Cattleya dễ bị mất nước do nhiệt độ cao và cây phát triển mạnh mẽ. Do đó, cần tưới nước hàng ngày, tưới nước ngấm vào đáy chậu để cây không bị khô.

- Các cây trồng trong giò dễ bị khô hơn trồng trong chậu nên cứ 30 phút hoặc 1 tiếng thì tưới nước một lần. Thậm chí có thể ngâm giò trong chậu nước đến khi cây ngấm nước thì nhấc ra.

- Lúc chạng vạng hoặc đêm xuống, tiến hành tưới nước xung quanh chậu hoặc phun sương lên mặt lá để giảm khí nóng quanh cây. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cây tập trung hô hấp, tiêu hao dinh dưỡng nên rất dễ bị suy yếu, do đó, cần đảm bảo tưới nước nhiều và đủ để gia tăng sức khỏe cho cây.

Chế độ Bón phân

Việc bón phân sẽ được tiến hành liên tục trong 9 tháng, mỗi tuần một lần. Không sử dụng phân bón có nồng độ đậm đặc để tránh ảnh hưởng đến gốc, thay vào đó là pha loãng phân bón theo tỷ lệ 1:2000 lần hoặc sử dụng bột đậu, bột sương để rắc đều lên bề mặt giá thể.

Phòng trừ Sâu bệnh

Không giống như mùa mưa, mùa hè ít sâu bệnh nên việc phòng trừ sâu bệnh cho lan đơn giản hơn.

- Chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu và nấm Ridomil gold, Physan,Nano Bạc hoặc Benkona phun định kỳ 2 lần một tháng là được hoặc phun vào đầu mùa mưa.

- Lưu ý, nên phun vào thời điểm trước 9 giờ sáng, nhiệt độ 30 độ C và không có ánh sáng trực tiếp lên cây để hạn chế tác dụng phụ. Song song đó, nên lưu ý đến việc nhổ cỏ trong chậu để tránh sự lây lan.

Như vậy, chăm sóc lan Cattleya nói riêng và các loài phong lan nói chung vào mùa hè đơn giản hơn mùa mưa, chỉ cần lưu ý bổ sung nước và điều chỉnh lượng ánh sáng phù hợp là được.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Cách trồng và chăm sóc lan cù lao minh

Cách trồng và chăm sóc lan cù lao minh

Lan cù lao minh Christensonia Vietnamica còn gọi là lan Bạch Môi (do môi hoa màu trắng) là loài phong lan đơn thân có kích thước nhỏ bé. Hoa Cù Lao Minh có hương thơm nhẹ, kết cấu hoa rất đẹp như con chim đang bay với môi màu trắng có răng cưa xòe ra, đặc biệt đây là loại lan rừng hiếm hoi có cánh hoa màu xanh ngọc.


Phân bố

Lan Cù Lao Minh là một loài lan đặc hữu của Việt Nam, mới được phát hiện vào năm 1993 và được đặt tên khoa học theo tên một nhà phân loại học người Mỹ, ông Eric A. Christenson.

Mặc dù mang tên tiếng Việt là Cù Lao Minh (một địa danh thuộc tỉnh Bến Tre), nhưng loài lan này lại mọc ở Ninh Thuận, Phan Rang, Khánh Hòa. Trong thiên nhiên, Lan Cù Lao Minh được tìm thấy ở những cánh rừng khô và thấp, độ cao dưới 700m so với mặt nước biển, và những vùng rừng tương tự thảo nguyên.

Cách trồng Lan cù lao minh Christensonia Vietnamica

Lan Cù Lao Minh sinh trưởng ở vùng khí hậu khô và nóng, nhưng trồng Cù Lao Minh để ra hoa ở thành phố cũng cần chú ý. Giò lan này phát triển rất xanh tốt trong vườn nhà với bộ rễ to khỏe, thế nhưng cây chỉ mới ra hoa lần đầu sau gần 2 năm chăm sóc.

Trong tự nhiên, Lan cù lao minh được tìm thấy ở những cánh rừng khô và thấp, độ cao dưới 700m so với mặt nước biển, và những vùng rừng tương tự thảo nguyên. Do vậy trồng loại lan này ở thành phố sống và ra hoa không có gì là khó.

- Có thể trồng chậu gỗ mà không cần giá thể (kiểu này với điều kiện vườn ẩm)

- Hoặc nửa chậu đất nung là giá thể dớn cục/dớn bảng chặt cục cỡ quả trứng gà hoặc dớn vụn;

- Hoặc ghép vào khúc gỗ lũa nhỏ rồi đặt vào lòng chậu gỗ/chậu đất nung, hay ghép lên gỗ lũa và treo thẳng lên giàn.

Chú ý là khi ghép/trồng ta phải cố định các thân Cù Lao Minh chắc chút. Cây chịu ánh sáng trung bình, vậy nên trồng dưới 1 lớp lưới, treo xa lưới và gần mặt đất hơn để có bộ rễ nhiều.



Chăm sóc Lan cù lao minh

Đối với khu vực miền bắc và bắc trung bộ

- Vào mùa hè (tháng 4 đến hết tháng 9 dương) các bạn cố gắng giữ môi trường ẩm đều liên tục (đủ nước chứ ko đến nỗi gây úng, tùy kinh nghiệm và tiểu khí hậu nơi trồng hôm đó mưa hay nắng nóng mà bạn tưới hay không, tưới thì bao nhiêu lần) thì cây sẽ sung, phát triển mạnh hơn.

- Sang mùa thu đông (tháng 10 đến hết tháng 3 dương lịch) trời chuyển lạnh và hanh khô, khoảng 3 ngày ta lại nên tưới một lần, đừng để cây khô hạn rụng lá.

Đối với Nam Trung bộ và miền Nam

- Nhiệt độ quanh năm thường trung bình khoảng 25-30 độ là ấm áp,

- Còn về lượng mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 dương là mùa mưa, hôm nào mưa thì không cần tưới,

- Nếu trồng sân thượng nóng mà có mái che ko dính mưa dc thì phải tưới, còn hôm nào nắng không mưa thì cũng nên tưới.

- Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa khô, nhiệt độ ngoài trời rất cao, nắng chiếu gay gắt, cái nóng khô hanh như thiêu như đốt khiến người người, nhà nhà cảm thấy muốn “bốc khói” thì các bạn chú ý tưới hàng ngày 1-2 lần.

Phân bón

- Đầu tháng 6 dương ta phun phân bón NPK nhiều Lân (10-50-10 hay 10-30-10), đại loại hàm lượng P cao, mỗi tuần 1 lần theo chỉ dẫn trên nhãn,

- Đến khi nụ sắp nở thì không phun phân bón, đợi tàn hoa thì cắt ngồng đi, phun NPK 20-20-20 mỗi tuần một lần loãng hơn chỉ dẫn trên nhãn (ví dụ nhãn bảo 1g NPK với 1 lít nước lã thì ta pha 1g NPK với 1.5-2 lít nước).

- Hay bạn nào dùng phân chậm tan, hoặc phân trâu, bò, dê, dơi, cá khô... bón gốc rồi thì thi thoảng mới bón thêm NPK thôi.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Hướng dẫn cách trồng lan Sơn thủy tiên nở đẹp

Hướng dẫn cách trồng lan Sơn thủy tiên nở đẹp

Sơn thủy tiên có tên khoa học Dendrobium Chrysotoxum var. Suavissimum là một biến thể của lan Hoàng lạp. Họng hoa của bông hoa Sơn thủy tiên có màu đỏ nâu hoặc nâu tím hoặc tím thẫm hoặc tím đỏ hoặc đỏ thẫm khác với hoa hoàng lạp màu vàng nhạt.

Chuẩn bị

- Giống cây lan Sơn thủy tiên

- Giá thể trồng

- Chậu trồng

Hoa Sơn Thủy Tiên màu đậm hơn, môi tua và thân lớn hơn hẳn so với Hoàng Lạp
1. Chọn và Xử lý giống

Nên chọn giề (khóm, bụi) lá còn xanh, cứng cáp, không dập nát hoặc bị lở loét, lá không đốm, rách thủng, và càng nhiều giả hành có lá càng tốt. Và khi chọn mua, bạn nhớ là nên chọn hàng khô, nếu thấy bộ rễ ướt nhách thì khả năng lan đã bị ngâm nước cho nặng ký. Bạn mang về trồng thì tỉ lệ chết rất cao.

Nhớ soi gốc, mầm gốc, bộ lá, bộ rễ và tốt hơn hết nên chọn mua giò lan mà giả hành thế hệ sau to và dài hơn thế hệ trước.

Thời điểm ghép Sơn thủy tiên

Mùa ghép thích hợp là lúc mầm non ở gốc chưa bung hoặc đã nhú nhưng chưa có rễ non. Tuy nhiên lúc nào ghép cũng được, vấn đề là bạn phải biết cách chăm.

Khi giả hành con đã ra rễ dài và đầy đủ mới bị bóc từ rừng về, bạn mua về thì phải chấp nhận là nó sẽ không mọc thêm rễ nữa hoặc rất khó ra rễ mới.

2. Xử lý giá thể

Gỗ và lũa:

Chọn giá thể là gỗ hoặc lũa càng cứng càng tốt. Nếu là gỗ thì nên bóc vỏ đi (vỏ chỉ được 1-2 năm là mục, khi đó nó sẽ là hang ổ của mấy con ốc sên, sâu bọ, nấm khuẩn và vỏ bong ra thì lan bong ra luôn).

Chậu đất nung

Giá thể có thể chọn là chậu đất nung có nhiều lỗ, bạn trồng lan trong chậu cũng được mà cho nó bao bọc xung quanh chậu cũng được. Bên trong nên bỏ dớn vụn hoặc vỏ thông.

Dớn bảng, dớn cục (dớn dương sỉ sợi hoặc cù lần) cũng là 1 sự lựa chọn tuyệt vời, tôi rất thích ghép lên dớn bảng và cục vì dễ ghép, dễ chăm và dễ đóng thùng bán đi xa.

3. Xử lý giống

Cắt rễ già, dập nát, rửa sạch với nước lã. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan 5-20 phút (ngâm 1 tiếng vẫn được nhưng hại cây). Có thể thay thế Physan bằng Nano Bạc hoặc Benkona.

Sau khi ngâm Physan, ta để khô ráo rồi ngâm vào dung dịch Hùng Nguyễn 6 trong 1 (hoặc chế phẩm kích mầm, kích kei, chống sốc, hoocmôn super Thriver, B1+Atonik ….) trong 30 – 60 phút. Nếu số lượng ít bạn có thể xịt mà không ngâm cũng được.

Chăm sóc

Ghép xong treo chỗ mát, ánh sáng khoảng 50% là được. Tưới 1 ngày 2 lần sáng và chiều, chờ cây hồi và quen khí hậu giàn (khoảng nửa tháng) thì treo dưới 1 lớp lưới Thái (hoặc Đài). Bạn nên cho ăn nắng như vậy ngay khi lan còn chưa nảy mầm và ra rễ.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Vandopsis

Vandopsis

Trên thế giới có 5 giống, Việt Nam có 3 giống


1. Vandopsis gigantea (Lindley) Pfitzer 1889

Đồng  danh: c  Rolfe  1907; *Stauropsis gigantea Benth. ex Pfitzer 1882; Vanda gigantea Lindl. 1828; Vanda lindleyana  Griff. ex Lindl. & Paxton 1851-2; Vandopsis chinensis Schlechter 1911.

Tên Việt: Huệ đồng (PHH, TH).

Mô tả: Phong lan rất lớn cao tới 1 thước, lá dài 40-50 phân, rộng 7-8 phân. Chùm hoa 1-2 chiếc, dài 20-30 phân, hoa 7-10 chiếc, to 7 phân, hơi thơm, lâu tàn, nở vào mùa Xuân-Hạ.

Nơi mọc: Quản Ba, Hà Giang, Nam Cát Tiên.

2. Vandopsis parishii (Rchb. f.) Schltr. 1912

Đồng  danh: Hygrochilus  parishii  (Rchb.  f.)  Pfitzer  1897; Stauropsis parishii (Rchb.  f.)  Rolfe;  *Vanda  parishii Rchb. f. 1868

Tên Việt: Cẩm báo (PHH, TH).

Mô tả: Phong lan thân cao 10-15 phân, lá dài 20, rộng 5-6 phân, chùm hoa dài 40 phân, hoa 5-6 chiếc, to 6 phân, nở vào mùa Xuân.

Nơi mọc: Quan Ba, Hà Giang, Đà lat, Lâm Đồng.

3. Vandopsis undulata Lindley] J. J. Sm. 1912

Đồng danh: Fieldia undulata Rchb. f. 1862; Stauropsis polyantha W. W. Sm. 1921; Stauropsis undulatus Benth. ex Hook. f. 1895; *Vanda undulata Lindl. 1859.

Mô Tả: Phong lan hay địa lan, thân cao 1.2-1.4m, lá dầy, cứng dài 10-14cm, rộng  2-3.5 cm, chùm hoa có nhánh dài 30-45 cm, hoa nở tiếp tục từ dưới lên trên, mỗi chùm hoa có từ 7-15 chiếc. Hoa to chiều ngang của 2 cánh là 8 cm, từ cuống hoa cho tới đầu cánh hoa là 8 cm. Cánh hoa mầu trắng, lưỡi hoa mầu tím hồng có họng sọc đỏ, lâu tàn, có huơng thơm nở vào mùa Xuân.

Nơi Mọc: Chu Xuân Cảnh thấy ở vuờn một người bạn ở Lai Châu 3-2014.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Cách nhận biết lan korat koki

Cách nhận biết lan korat koki

Korat koki thường được người chơi lan gọi với cái tên ngắn gọn là koki. Đây là một loài lan giáng hương lai thường được lai giống từ bên Thái Lan nên nhiều người còn gọi là korat Thái hay Koki Thái. Tên tiếng anh: Aerides korat koki


Koki là loại lan công nghiệp được sinh ra từ nguồn gen của lan hoàng nhạn và lan Cửu bảo tiên. Chính vì vậy, korat koki có lá đẹp, tương đối ngắn giống như lan hàng nhạn nhưng lại có mặt bông khá tương đồng với lan cửu bảo tiên. Korat khá siêng hoa nên rất thích hợp để trang trí nhà cửa.

Nhận biết lan korat koki qua thân lá

Như trên tôi đã nói, lan korat koki được nhân giống từ loài nhạn (loài lan có lá ngắn) và lan cửu bảo tiên, chính vì thế nó sở hữu những đặc điểm mà hai loài lan này kết hợp.

Korat koki có lá tương đối ngắn trong dòng giáng hương. Lá của chúng dài chỉ khoảng 1 gang tay ( tầm 20 cm), nhỉnh hơn lá hoàng nhạn nhưng lại ngắn hơn lá cửu bảo tiên ( cửu bảo tiên lá dài khoảng 30 cm và thòng xuống).

Lá lan korat koki tương đối cứng nên thường hướng lên trên chứ không hề ẻo lả xuống kiểu như lan tam bảo sắc hay quế lan hương. Các lá koki xếp khá sát nhau, thân vươn dài nên về tổng thể, lan korat sở hữu một ngoại hình khá hoàn hảo trong dòng lan dáng hương. Ở những giò lan koki lớn, thân của chúng có thể dài từ 40 đến 60cm, thậm chí có thể hơn.

Lá của giáng hương lai Korat Koki ngắn và dầy
Nhận biết lan korat koki qua mặt hoa

Korat koki cho hoa thơm, mùa hoa thường vào tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Một điều dễ nhận biết lan korat koki đó chính là màu sắc trắng tím đặc trưng với những chùm hoa sai chĩu. Koki là loài lan công nghiệp những khá siêng hoa, hoa thơm, cây đẹp nên được nhiều người cực kì ưa thích.

Lan koki có khuôn bông to tròn, 5 cánh khá cân đối nhau và có các chấm màu tím nhạt hoặc hồng ở đầu cánh. Phần lưỡi của korat khá to, mùa tím và bung ra bên ngoài khoe sắc.


Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy sự khác nhau về lưỡi hoa, Korat Koki lưỡi hoa to mở rộng
Phân biệt lan korat koki và lan cửu bảo tiên như thế nào cho chuẩn

Thứ nhất, về thân lá

Lan korat koki có đặc điểm lá tương đối ngắn và cứng, tràn đầy sức sống, thân vươn thẳng đứng đón lấy ánh mặt trời.

Lan cửu bảo tiên có đặc điểm lá tương đối dài, bản hơi nhỏ và cong lả đầu lá xuống phía dưới, thân cửu bảo tiên khá dài và uốn éo.

Lá lan cửu bảo tiên nhỏ dài và mềm có xu hướng rủ xuống không cứng và dầy như Korat
Thứ hai, về mặt hoa

Lan korat koki có khuôn bông to, tròn, các cánh đều nhau, phần lưỡi hoa to, tím xòe rộng.

Lan cửu bảo tiên có khuôn bông không được tròn, phần đuôi cong vút, phần lưỡi hoa nhỏ màu tím ôm ấp chứ không xòe rộng như koki. Các cánh hoa có phần nhỏ hơn và cong ra phía đằng sau tương đối giống lan hồng nhạn.

Chùm bông lan cửu bảo tiên có phần nhạt hơn so với lan korat koki

Lưỡi hoa cửu bảo tiên - Aerides lawrenceae nhỏ không xòe rộng như Lan Aerides Korat Koki và màu cũng nhạt hơn

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Cách trồng và chăm sóc lan Đuôi cáo

Cách trồng và chăm sóc lan Đuôi cáo

Hoa lan đuôi cáo Aerides Rosea hay còn được gọi với tên là hoa lan rừng là giống lan không chỉ đẹp mà còn có hương thơm đầy cuốn hút. Mỗi khi ra chùm từng chùm dài tỏa xuống khiến ai cũng mê đắm, rất thích hợp trồng trước cửa nhà hay ngoài ban công.

Đặc điểm nhận biết hoa lan đuôi cáo

Lan đuôi cáo hay còn gọi là lan cáo bắc. Đây là loại lan khá phổ biến ở các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên. Là loài hoa thuộc họ giáng hương. Cây có đặc trưng là loại thân thảo có trụ tròn to cỡ ngón tay cái đến ngón chân cái. Với phần gốc của cây được bao bọc bởi các bẹ lá lớn xếp thành từng chồng lên nhau.

Cây lan đuôi cáo có chiều cao trung bình khoảng tầm 50 cm. Trong tự nhiên, người ta còn bắt gặp những loại cây lan đuôi cáo cao tới hơn 1 mét. Lá lan đuôi cáo nhẵn và phẳng, chiều dài khoảng 30 cm và đường kính rộng chừng 4 cm.

Điểm thu hút nhất của loại lan này chính là những chùm của hoa. Cũng vì chùm hoa nhìn giống đuôi cáo mà loại hoa này có tên như vậy.

Hoa khi nở sẽ thành từng chùm dài khoảng tầm 20 cm. Mỗi chùm bao gồm khoảng 20 bông hoa có kích thước khoảng 2 cm và màu trắng điểm đốm tím khá đẹp mắt.

Hoa lan đuôi cáo thường nở hoa vào mùa hè, khoảng tháng 5 – 7 hàng năm. Khi nở hoa, chúng còn mang đến mùi hương thơm, có thể lan xa và đậm nhất lúc thời điểm buổi trưa.

Cách trồng và chăm sóc chi tiết nhất về hoa lan đuôi cáo

1. Đặc tính của hoa lan đuôi cáo

Để có thể trồng cũng như chăm sóc hoa lan đuôi cáo này một cách đúng chuẩn và khoa học nhất, thì trước hết phải tìm hiểu đặc tính của loài hoa này.

Phong lan đuôi cáo rất ưa ẩm mát, chỉ ẩm mát thôi chứ đừng nên để gốc cây lan lúc nào cũng ướt nhé.

Mặc dù đa số phong lan đều thích ẩm, nhưng không co nghĩa cây nào cũng thích ướt cả, và hoa lan đuôi cáo cũng vậy. Rễ cây của lan ngoài việc hút nước, chất dinh dưỡng thì còn hô hấp nên bạn cần phải đảm bảo độ thoáng khí. Và đây cũng chính là cái khó khiến người chơi lan nản lòng.

Có nhiều người muốn cây phát triển nhanh chóng mà tưới nước thật nhiều, bón thật nhiều phân hay phun thật nhiều thuốc kích rễ, kích lá,… Nhưng nếu làm như vậy cây lan sẽ bị ngộ độc, héo ủ rũ mà chết.

Chính vì thế, trước khi quyết định trồng thì bạn cũng cần nắm rõ những nguyên tắc đó.

2. Cách trồng hoa lan đuôi cáo

Hoa lan đuôi cáo nhìn chung là loại hoa được đánh giá là khá dễ trồng. Cây ưa ẩm nên cũng khá thích hợp với điều kiện khí hậu của nước ta. Tuy nhiên, bạn cũng cần đáp ứng một số yêu cầu về điều kiện môi trường bên ngoài thích hợp để trồng và chăm sóc lan đuôi cáo.

Ánh sáng: 50%
Nhiệt độ: 20-25%
Độ ẩm: 40-70%

Với những loại lan mua ở ngoài cửa hàng thì cây đã có giá thể và trồng thuần rồi nên khi đem về nhà, chỉ cần ngưng tưới nước 2 ngày và treo nơi thoáng mát; sau đó mới tưới lại để cây quen với khí hậu vườn nhà. Bón thêm chút B1 hoặc nước gạo vo để cây không bị mệt khi thay  đổi môi trường sống

Còn với những cây hoa lan đuôi cáo được lấy từ rừng về trồng, thì đòi hỏi nhiều công đoạn hơn. Là bạn cần phải ngâm qua thuốc nấm, treo ngược nơi thoáng mát tránh mưa chờ khi cây nhú rễ mới tiến hành cấy vào giá thể trồng tiếp.

Giá thể trồng của hoa lan đuôi cáo

Lan đuôi cáo có thể trồng bằng giá thể bằng gỗ lũa hoặc trồng bằng chậu đất nung, thì cây vẫn đều phát triển tốt. Tuy nhiên, cần phải trồng và để giá thể nơi thoáng mát có độ ẩm vừa đủ.

Thời gian đầu khi mới ghép vào giá thể, bạn nên tránh để gặp mưa; nếu không cây sẽ bị thối ngọn.

Thời điểm ghép cây nên vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 dương lịch. Bởi vì thời điểm này có độ ẩm cao, không quá rét và có mưa phùn nên rất thích hợp để bạn ghép cây lan đuôi cáo vào giá thể.

Cây sau khi mua về, thì cần phải cắt tỉa bớt rễ thối, rễ khô. Tiến hành xối cả cây qua nước sạch rồi sau đó ngâm vào dung dịch thuốc kích rễ khoảng 2 giờ. Vớt ra rồi đem ghép lên gỗ. Dùng dây nhựa cố định cành cây và treo nơi thoáng mát.

Nếu như bạn quyết định trồng cây trong chậu đất nung; bạn tiến hành chọn những cục than hoa bằng quả trứng và đặt vài miếng xơ dừa vào trong chậu để giúp tăng cường giữ ẩm.

Dùng dây buộc cố định chân lá gốc với giá thể sạch cho gốc cách mặt giá thể khoảng 2 đốt ngón tay là được. Sau khi trồng xong bạn tiến hành đặt chúng ở nơi thoáng mát, ánh sáng khoảng 50%.

3. Chăm sóc chi tiết nhất về lan đuôi cáo

Tưới nước: Một khi cây đã ra rễ và xanh tốt thì bạn cần cung cấp nước và độ ẩm hàng ngày cho cây. Khi thấy giá thể bị khô bạn cần tưới nước cho thích hợp. Vào mùa nắng bạn nên tiến hành tưới nước thành nhiều lần, vào mùa mưa bạn nên tưới khi thấy giá thể đã khô ráo. Thông thường một ngày cần tưới hai lần vào đầu sáng và cuối chiều, những ngày mưa thì không tưới.

Phân bón: Để cây phát triển xanh tốt và hoa nở to, đẹp thì bạn nên tiến hành cung cấp thêm một lượng phân bón cho cây. Với các loại lan đuôi cáo ở trong rừng thích phân hữu cơ hơn các loại phân vô cơ. Khi tưới bạn nên tưới nước với liều lượng loãng và có thể bón phân hàng tuần, bón phân vô cơ kiểu cân đối 20-20-20, ngoài ra khi chăm sóc cây phải sử dụng phân bón vô cơ thì bạn chú ý đến các giai đoạn phát triển của cây để chọn loại phân cho phù hợp, tùy tỉ lệ mà có tác dụng khác nhau(N cho lá, P cho rễ, K cho hoa); 15 ngày 1 lần để cây phát triển bộ tán lá cân đối và lá to, đẹp. Bạn có thể sử dụng các loại phân dê, phân dơi để làm phân chậm tan, giúp cây phát triển tốt và không phải sử dụng phân hóa học.

Sâu bệnh: Đây là loại hoa được xếp vào nhóm cây có sức đề kháng mạnh. Tuy nhiên, cây vẫn còn mắc một số loại nấm bệnh khác nhau như bệnh thối ngọn, bệnh thối rễ và bệnh nhện đỏ. Nên tưới và phun thuốc diệt trừ nhện đỏ và rệp sáp khoảng 1 tháng 1 lần.

Xử lý ra hoa:


Đặc tính của cây hoa lan đuôi cáo là thường ra hoa vào đầu mùa mưa sau một khoảng thời gian chịu khô hạn. Lợi dụng đặc điểm này người trồng có thể điều chỉnh điểm nở hoa cho cây một cách phù hợp với mục đích sử dụng.

Khi muốn cây ra hoa thì giảm nước từ từ, cho đến khi ngừng hẳn. Bạn nên treo cây ở nơi thoáng mát để kích thích cây ra nụ. Treo cây ra chỗ đón mưa đầu mùa chỉ khoảng 1 tuần sau bạn đã có thể thấy những vòi bông nhú lên.

Bình thường cây trồng khi được đáp ứng đủ các điều kiện sẽ tự ra hoa không nhất thiết phải sử dụng biện pháp kích thích làm hại cho cây, cây có thể ra hoa muộn một chút cũng không sao, quan trọng là hoa đẹp và cây khỏe là tốt.