Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Phong lan Kiếm lá cứng Việt Nam và những điều cần biết

 Lan Kiếm lá cứng, một loài lan có thể nói là trồng và chăm sóc nhàn nhã nhất so với các loại lan khác. Phong lan kiếm không đòi hỏi quá khắt khe về khí hậu, vùng miền. Lan cũng không quá chọn lọc trong việc chọn chất trồng

I. Tổng quan về phong lan kiếm lá cứng Việt Nam

Lan Kiếm lá cứng, một loài lan có thể nói là trồng và chăm sóc nhàn nhã nhất so với các loại lan khác. Phong lan kiếm không đòi hỏi quá khắt khe về khí hậu, vùng miền. Lan cũng không quá chọn lọc trong việc chọn chất trồng, phân thuốc BVTV. Hầu như ở bất kỳ vị trí nào có ánh sáng trong căn nhà bạn đều có thể nuôi được một giò kiếm. Thậm chí những nơi nắng nóng như sân thượng, ban công hoặc trên trụ cổng lan kiếm vẫn phát triển bình thường.

Phong lan Kiếm có sức sống mãnh liệt trong tự nhiên. Kiếm ít bị sốc khi thay đổi môi trường sống. Có những bụi kiếm bị đốn hạ do phá rừng từ cây cổ thụ cao vút xuống đất vẫn phát triển mạnh mẽ thành bãi kiếm mà trên rừng từng thấy. Rồi có bụi bị lũ dìm cuốn phăng mắc cạn trên cục đá nào đó. Sau mùa xuân lại mọc mầm non cho sự sống tái sinh. Trong thực tế ta thấy có những giò kiếm sống tốt trên vách bờ rào của nhà ai đó mà cơ duyên nào đó họ có được ( dù họ không biết gì về lan). Khi giò kiếm đã khỏe, nó tự tồn tại mà không cần chăm sóc. Dù ta có công tác hàng tháng trời mà không cần sự hỗ trợ gì khác.

Phong lan Kiếm lá cứng Việt Nam và những điều cần biết

Thân lá Kiếm lá cứng

Nói về thân lá, kiếm lúc nào cũng xanh tươi, lá dày, khoẻ vươn vào không gian. Bộ lá kiếm cũng tự nó tô điểm một màu xanh đầy sức sống. Lá kiếm sống được vài năm chứ không rụng theo mùa như vài loại lan khác. Trong tự nhiên, lan kiếm lá cứng tuỳ theo môi trường sống mà thích ứng phù hợp. Những nơi nắng nóng, khô hạn lá ngắn lại hơi ngả vàng nhạt màu nắng. Bẹ lá vẫn ôm chặt củ để che chắn bảo vệ tích trữ dinh dưỡng cho bản thân và dành cho thế hệ sau. Những nơi ẩm, ít ánh sáng lá dài hơn mét, bản to, dày hơn màu xanh đậm và mềm hơn nhưng vẫn khoẻ khoắn. Củ lớn hơn cùng tốc độ phát triển mạnh hơn.

Hoa phong lan Kiếm

Nói về hoa, cấu tạo hoa thì như hầu hết loài lan khác, bản thân lan kiếm cũng có nhiều dòng. Nhưng tựu chung lại thì bông kiếm xuất phát từ nách lá trên hành kiếm tạo thành cần (phát, vòi) hoa, trên cần hoa có khoảng 20-50 hoa. Hầu hết cần hoa thòng xuống kéo dài đến hoa cuối cùng. Cấu tạo hoa gồm cuống hoa, có 3 đài, 2 cánh, 1 trụ nhuỵ, 1 lưỡi ( thuỳ lớn), 2 thuỳ nhỏ ôm trụ nhuỵ. Mùi hương của hoa  thì nhẹ nhàng, ngọt mật (theo mình giống thoảng mùi mít chín mộc mạc, vương vương).

Hoa kiếm cũng rất đa dạng chỉ nêu lên đây những dòng phổ thông thường thấy như:

Lan Kiếm Tiên vũ: Hoa đường kính 4-6 cm, màu cánh và đài gần giống vàng hơi xỉn nâu, trụ nhuỵ nâu đậm. Lưỡi kiếm có hình khuyết lưỡi liềm màu nâu thẫm trên nền trắng đục.

Lan Kiếm Lô hội: Hoa đường kính 3-5 cm, cánh và đài hoa có xọc đỏ nâu chạy giữa nền trắng đục. Lưỡi hoa kiếm đỏ nâu có những xọc trắng nhỏ từ họng ra, trụ nhuỵ đỏ nâu.

Rễ Kiếm lá cứng

Nói về rễ kiếm lan: rễ kiếm thuộc loại lớn. Rễ to như đầu đũa ăn cơm, mọc chùm quanh gốc củ. Rễ kiếm có thể tách chia thành nhiều rễ con toả đi. Rễ kiếm thích thoáng và bò trên chất trồng. Rễ kiếm cũng có thể chui trong mùn dừa một cách mạnh mẽ do chịu được môi trường ẩm cao.

Tựu chung lại, khi chơi lan kiếm lá cứng ta có một khu vườn xanh mướt quanh năm. Chính bộ lá khỏe và cứng như những thanh kiếm đã tô điểm cho nét đẹp của giò lan. Khi chăm tốt, kiếm lan cho bộ lá hoàn chỉnh có thể tồn tại vài 3 năm kể từ khi hình thành. Một chậu kiếm đẹp phải tỏa đều hướng từ giữa chậu ra, với củ lớn lá bản to, dày và cứng cáp. Kiếm cần cường độ nắng cao (80%) để cho những mặt hoa với màu sắc ấn tượng và hương thơm dịu dàng. Hoa chỉ ra trên cây kiếm đã trưởng thành ( thường là sau 1 năm sau khi được sinh từ cây mẹ trưởng thành), một thân kiếm có thể ra 2-3 cần hoa.

II. Các loại phong lan kiếm lá cứng rừng Việt Nam

Kiếm lá cứng là loài lan bán sơn địa thuộc chi Cymbidium. Được phân bố tự nhiên khắp các rừng Việt Nam và các nơi trên thế giới. Lan kiếm lá cứng được ghi nhận tại Việt Nam chúng ta có 4 loại và một biệt dạng.

1. Nói về biệt dạng của lan Kiếm trước:

Là một dạng của lô hội hoa phân nhánh thành chùm như ở những dòng sinense kiểu đa bông, phân nhánh, hỉ cúc. Loại này là một dạng hiếm trong họ kiếm lá cứng. Được tìm thấy ở đất Hải Phòng năm 1997 chỉ được ghi nhận trong dân gian mà chưa có sách vở nào ghi chép lại.

2. Lan Kiếm Lô Hội: Cymbidium. aloifolium

Đây là loài phân bố chủ yếu ở vùng núi phía bắc. Thân lá nhỏ mọng, rộng đến 3cm, dài đến 60-70cm. Lá cứng vươn thẳng hơi cong, củ nhỏ khoảng 2-3cm. Hoa nở vào mùa từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, chùm hoa dài tới 60cm, khoảng hơn 40 hoa. Hoa to khoảng 2-4cm, nở khoảng 3-4 ngày, mùi thơm dịu nhẹ. Màu cánh hoa có những sọc đỏ nâu biến thiên rất rộng, từ đậm đến nhạt, dày đến mỏng


3. Lan Kiếm Tiên Vũ: Cymbidium. finlaysonianum

Đây là loài kiếm có kích cỡ lớn nhất trong dòng kiếm, cành hoa cũng dài nhất. Loài phong lan này có những chiếc lá dày cứng có thể rộng đến 5-7cm, dài đến hơn 1m. Đường kính củ to lên đến 6cm. Cành hoa dài từ 50cm lên đến hơn 1m, hoa thưa, chỉ khoảng 20-30 chiếc. Hoa kiếm to lên đến 4cm, mùi thơm nhẹ, nở khoảng 3-4 ngày vào mùa hè thu.

Lan kiếm tiên vũ

4. Lan Kiếm Hai Màu: Cymbidium. bicolor

Loài phong lan này có lá cứng, dày, rộng đến 3cm, dài đến 70cm. Giả hành nhỏ, tròn hoặc giọt lệ, lá đanh cứng, hoa hai màu thường là viền vàng và nâu đỏ. Cột phấn lộ lưỡi khảm ko kẻ như dạng lô hội. Chùm hoa dài đến 70cm, chuỗi thòng hoặc cong thòng xuống. Hoa có thể lên đến 30 chiếc, to đến 4cm, nở vào mùa xuân. Đặc biệt có cây ở thể hoa dựng, chứ không thòng như các em kiếm lá cứng thường thấy.

Lan kiếm hai màu

5. Lan Kiếm treo hay còn gọi là lan kiếm dừa: Cymbidium. atropurpureum

Kiếm này có nguồn gốc Tây nguyên. Loại này đặc biệt hơn 3 loài còn lại bởi hoa đỏ thơm mùi dừa. Lá kiếm nhọn sắc, nhỏ rất cứng có thể dài đến 1m. Chùm hoa ngắn, chỉ khoảng 30-40cm, cá biệt có cây lên đến 60cm. Hoa chỉ khoảng 10-20 chiếc to đến 5cm. Hoa nở khoảng 5 ngày vào mùa xuân mùi hoa rất thơm, như mùi kẹo dừa, nên còn được gọi là Kiếm dừa. Hoa thường mang màu bã trầu đến nâu đỏ. Môi gần giống với tiên vũ, nền môi trắng, điểm đỏ, họng vàng.

Vâng, tất cả những điều trên chỉ là tương đối về lan Kiếm. Sau này giữa những dòng lan kiếm đã có sự lai tạo tự nhiên và sản sinh ra những thế hệ kiệt xuất đột biến tuyệt đẹp. Các loại đột biến có thể kể ra hàng trăm cái tên và mặt hoa cực đẹp như: Kiếm hoàng long, Kiếm Phan Trí, Kiếm Xanh Huế, Kiếm Vị Hoàng, Vàng Củ Chi

Lan kiếm treo

III. Hình ảnh Một số loại lan kiếm đột biến

1. Kiếm vàng Củ chi

Lan kiếm vàng Củ Chi
Lan kiếm vàng Củ Chi

2. Lan kiếm vàng Tây Ninh

Lan kiếm vàng Tây Ninh

3.  Lan kiếm Hoàng Long

Lan kiếm hoàng long

4. Kiếm Vị Hoàng

Lan kiếm vị hoàng

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Kỹ thuật trồng lan Thanh Đạm

Kỹ thuật trồng lan Thanh Đạm

Lan Thanh Đạm là chủng loại thường xanh tự nhiên, thuộc loại biểu sinh, có rất nhiều tại Ấn Độ, trung Quốc và hầu hết các đất nước Malaysia. Những cây nào ở trên dãy Himalaya thì cần được trồng trong nhà mát và được coi như cây kiểng lý tưởng. Loại từ Malaysia thì thường tăng trưởng mạnh hơn lại thích hợp với nhiệt độ hơi cao hơn. Còn có một số lớn chủng loại được trồng cũng như lai giống, một số đã được thực hiện cách đây nhiều năm nhưng vẫn còn được hâm mộ.

Màu chính của Lan Thanh Đạm là màu trắng tuyền điểm màu môi như tô thêm sắc, hoa thường có mùi thơm dịu dàng, Cũng có lúc màu nâu hung và lục. Cây nhiều cỡ, có thân giả màu lục, mập và bóng khi còn non, khi già thì nhăn nheo. Cây lan Thanh đạm nào cũng có lá hẹp hình trái xoan và cọng hoa từ những chồi non đang nhú ra. Cọng hoa có thể rất ngắn và chỉ nở một đóa hay cọng dài rủ xuống mang một chùm đến cả 12 đóa.

Lan Thanh đạm nở hoa vào cuối mùa đông và mùa xuân.

Cùng tham khảo Kỹ thuật trồng lan Thanh đạm mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Nhiệt độ

Mùa hè, ban ngày từ 75-80°F hay 24-27°C và ban đêm vào khoảng 62°F hay 17°C với sự cách biệt giữa ngày và đêm từ 10-14°F hay 6-8°C

Mùa đông ban ngày từ 75-80°F hay 24-27°C và ban đêm 53-55°F hay 12-13°C với sự cách biệt từ 23-25°F hay 13-14°C.

Ánh sáng: Từ 1500-2000 ánh nến (fc) tức là phải để ở chỗ rợp mát từ mùa xuân cho đến mùa thu. Tại môi trường thiên nhiên, mùa đông là mùa cây lan có nhiều ánh nắng hơn, bởi vì các cây cối chung quanh đã bị rụng lá.

Độ ẩm: Mùa hè lan cần độ ẩm thật cao từ 70-80%, mùa đông có thể hạ xuống 40-50%

Thoáng gió: Lan cần phải thật thoáng gió nếu không sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Tưới nước

Tại Việt Nam, suốt mùa mưa từ tháng 4-6 cây lan lúc nào cũng ướt đẫm và lại rất khô vào mùa đông. Theo quy luật chung, tưới nhiều khi cây non mọc và bớt tưới vào mùa thu khi cây đã ngưng tăng trưởng. Mùa đông chỉ tưới sơ qua hoặc phun nước vào buổi sáng. Khi thấy củ bị nhăn nheo hay lá bị héo, đó là dấu hiệu của sự thiếu nước và thiếu độ ẩm. Trái lại nếu củ lúc nào cũng mập tròn sẽ không ra hoa.

Đừng bao giờ để lan bị khô rễ vào mùa hè và mùa xuân bắt đầu tưới trở lai khi thấy mọc rễ mới hay ra mầm non.

Bón phân: Bón phân 30-10-10 với dung lượng ¼-½ thìa cà phê cho 4 lít nước và đổi sang 10-30-20 khi bắt đầu mùa thu, hay có thể dùng phân 15-15-15 quanh năm với liều lượng như trên. Lan không ưa bị đọng muối trong chậu, cho nên mỗi tháng cần xả nước một lần cho sạch, tức là tưới như thường lệ và 1-2 giờ sau tưới thêm một lần nữa, rồi mới bón phân. Khi cây mọc mạnh bón mỗi tuần một lần, khi cây ngưng tăng trưởng bón mỗi tháng một lần.

Vật liệu trồng: Các nhà vườn, thường trồng lan Thanh Đạm và nhiều giống lan khác với rêu (sphagnum moss) để bớt phải tưới nước.

Loai rêu này chóng mục nên phải thay chậu tối thiểu 2 năm một lần. Nên nhớ: Thanh Đạm không ưa bị đụng chạm đến bộ rễ và chỉ nên thay chậu khi rễ bắt đầu mọc. Nhiều người trồng rất thành công với vật liệu như sau:

70% rễ cây dương sỉ (tree fern)
10% than vụn
10% đá bọt (perlite)
10% rêu vụn (sphagnum moss)


Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

Kinh nghiệm trồng lan Hài

Kinh nghiệm trồng lan Hài

Lan hài không chịu được nhiều nắng, ưa râm mát, nên đặt chậu dưới gốc cây hoặc dưới lưới che tuy nhiên sắp xếp sao cho có nắng sớm chiếu xiên vào cây 1-2 tiếng mỗi ngày thì rất tốt.

– Tại sao Hài cần 1 lớp đá dưới lớp mùn: các cụ vô rừng thì thấy, sờ vào đá luôn mát lạnh, điều này giúp cho rễ hài luôn mát, không bị thay đổi đột ngột nhiệt độ rễ trong ngày. Lớp đá ngay dưới 1 lớp mùn mỏng sẽ thoát nước nhanh để k bị úng rễ nhưng đá luôn lạnh để hơi nước ngưng tụ đọng sương khi trời nóng, điều đó đảm bảo độ ẩm trong mùn luôn tương đối ổn định. Túm lại là đá chỉ là máy điều hoà nhiệt độ và độ ẩm cho bộ rễ chứ chả có tí trung vi lượng gì cả.

– Tại sao hài luôn cần có lớp mùn hoai mục: rễ hài là dạng rễ lông nên giá thể phải tơi xốp để rễ tiếp xúc lý tưởng nhất, cứng hay dẻo chặt đều không tốt.

– Tại sao hài hay mọc dưới tán cây: vì hài không ưa nắng, thân không có bộ phận tích trữ nước đủ lớn nếu gặp nắng sẽ bay hơi nhanh dẫn đến mất nước.

Sau khi rút ra đc các kết luận trên thì em đưa ra giải pháp trồng hài như sau :

– Giá thể: dùng tất cả các loại mùn hoai mục để trồng như xơ dừa, dớn chile, dớn xay, rơm rạ, lá cây ( tất cả phải ủ cho hoai mục và sau đó xử lý nấm vi khuẩn ) nếu giá thể chưa hoai mục thì trồng xong phải thường xuyên bổ sung axit Humic. Các cụ chả cần phải cho đá vô làm chi cho nặng chậu. Nếu bảo đá cung cấp canxi thì tháng các cụ cho 1 liều aminoCa hoặc Canxinitrat là quá dư thừa.

– Điều hoà nhiệt độ và độ ẩm của giá thể: Lớp mùn không nên để quá mỏng hoặc quá dầy, mỏng nhanh khô nhanh nóng, dầy dễ đọng nước. Tầm 10cm là vừa đủ. Để chậu dưới tán cây hoặc che nắng 100% chỉ dùng ánh sáng tán xạ. Có thể để trên khay nước để làm mát nhưng nước không tiếp xúc với lớp mùn, ngăn cách bằng bỏ xốp đáy chậu. Hoặc có điều kiện thì dùng tưới nhỏ giọt.

– Chăm sóc: các cụ có thể dùng phân hữu cơ rải nhẹ trên mặt chậu, có thể phun phân hoá học liều bằng 1/2 với thân thòng. Và điều quan trọng nhất không thể thiếu đó là Humic và B12.

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Cách làm GE bón cho lan hiệu quả

Cách làm GE bón cho lan hiệu quả

GE là từ viết tắt của Garbage enzyme tạm dịch là enzym từ rác. GE là hỗn hợp các chất hữu cơ như chuỗi protein, muối khoáng, hooc môn tăng trưởng. Hiện nay GE được sản xuất dễ dàng từ các phế thải hữu cơ trong nhà bếp như vỏ hoa quả, trái cây, rau quả

GE Là gì?

GE là từ viết tắt của Garbage enzyme tạm dịch là enzym từ rác. GE là hỗn hợp các chất hữu cơ như chuỗi protein, muối khoáng, hooc môn tăng trưởng. Hiện nay GE được sản xuất dễ dàng từ các phế thải hữu cơ trong nhà bếp như vỏ hoa quả, trái cây, rau quả,… Người làm nông nghiệp nói chung, người chơi lan nói riêng thường gọi GE chính là phân bón hữu cơ GE, một cách chuẩn xác hơn thì nó là các phân bón từ rác thải hữu cơ.

Vậy là ta đã biết GE là gì rồi nhé. Chúng là một dạng phân bón hữu cơ tạo ra từ chuối, nha đam, gừng, quế… Nói chung là từ các loại hoa quả hay phế phẩm của chúng. Những nguyên liệu này chúng ta đem ngâm, ủ, đậy kín để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển hoặc thậm chí cấy vi khuẩn và nấm vào đấy để tạo ra phân hữu cơ GE.

Cơ chế tác dụng của GE trên hoa lan

Trong phân hữu cơ GE có các thành phần dinh dưỡng đã được phân hủy và có các vi sinh vật có lợi giúp cây lan dễ hấp thụ. Về các chất dinh dưỡng thì tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu hữu cơ mà ta đem làm GE. Nhưng đa số chúng đều có đầy đủ đa trung, vi lượng, các loại vitamin hoặc kích thích tố rồi. Tùy loại nguyên liệu hữu cơ phân hủy mà tỉ lệ này khác nhau. Ví dụ: trong chuối có nhiều vitamin b1, kali. Đậu tương có nhiều đạm, trứng, có nhiều canxi và nước vo gạo nhiều vitamin nhóm B…

Các vi sinh vật ngoài việc phân rã các nguyên liệu hữu cơ còn có khả năng tổng hợp ra một số chất như chất kích thích sinh trưởng, vitamin, acidamin.. Thậm chí có khả năng tổng hợp đạm từ không khí và đất cho cây trồng. Ví dụ như các loại cây họ đậu cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm ở rễ. Ngoài ra nó còn có khả năng đối kháng ức chế các loại vi sinh vật có hại khác. Những vi sinh vật này cũng có nhiều loại. Có loại chuyên phân hủy đạm, có loại chuyên về lân, có loại chuyên về Kali, có loại ưa khí, có loại kị khí, yếm khí…

Vậy quay lại cây lan với GE. Chúng ta thấy rằng tất cả mọi tác dụng của GE trên lan là do thành phần dinh dưỡng của các loại nguyên liệu hữu cơ và dinh dưỡng từ sự tổng hợp của các loại vi sinh vật làm ra phân bón. GE dùng để bón lan thì đã nói như trên. Nhưng GE còn có tác dụng chữa bệnh cho lan, diệt côn trùng và dùng làm nước tẩy rửa.

GE sau khi đươc tạo ra có tính acid, có mùi men rượu (cồn) do đó có tính sát khuẩn nhẹ. Nên khi diệt côn trùng sâu bệnh thì ta hay dùng GE làm từ các nguyên liệu hữu cơ như: vỏ cam, chanh, gừng, tỏi, ớt, xả.. đó là tác dụng của tinh dầu. Còn tính tẩy rửa thì là tác dụng do tính acid của GE. Ví dụ chúng ta dùng chanh tẩy rửa rất sạch.

Đó là lý do các bạn thấy hiện nay có rất nhiều công thức về GE. Nhiều cách làm GE từ các loại trái cây và sản phẩm hữu cơ khác nhau. Ví dụ: GE làm từ nha đam có khả năng sát khuẩn và bổ sung vi lượng cho lan. GE quế dùng để đuổi sên và phòng chống bệnh. GE chuối bổ sung dưỡng chất và Kali cho lan, kích thích rễ mọc nhanh.. vv. Sau đây mình xin chia sẻ một trong những cách làm GE với nguyên liệu từ chuối

Cách làm GE chuối bón lan hiệu quả

Nguyên Liệu: 300g chuối, hoặc vỏ chuối. 100 ml nước mía sạch nguyên chất. Có thể thay bằng mật mía hoặc đường đen + 1 lít nước sạch.

Cách làm: Chuối hoặc vỏ chuối rửa sạch, sắt lát mỏng bỏ vào bình nhựa, tiếp tục cho nước mía vào. Tiếp theo cho nước vào. Đóng kín nắp để vào nơi không có ánh sáng ngâm 90 ngày sẽ thành phân. Đem lọc sạch lấy phần nước bạn sẽ có được 1 thành phần phân gọi là GE Chuối.

Đây là 1 sản phẩm dạng phân NPK 10-30-30 mà các bạn hay xịt để làm hoa trên lan. Tuy nhiên GE chuối còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng khác mà trong phân hóa học không có. Chất dinh dưỡng cho cây có hình kèm bên dưới

Công dụng: Đây là 1 loại GE dùng để tăng cường bổ sung dinh dưỡng giúp cho cây ra hoa và nuôi hoa tốt khi cây đã trưởng thành.

Cách dùng: Phun GE vào buổi chiều tối sẽ hiệu quả hơn. Phun GE pha cùng phân thì buổi sáng sớm sẽ hiệu quả hơn. Pha 3ml GE chuối với 1 lít nước sạch để tưới lan. Tưới xịt 1 tuần 1 đến 2 lần cho cây trưởng thành làm hoa.

Lưu ý khi làm GE chuối

Bình nhựa ngâm GE phải vặn kín để tránh không khí tràn vào.

Bình ngâm GE phải để chỗ tối không có ánh sáng mặt trời để khí hiếm hoạt động phân giải hữu cơ.

Khoảng 10 ngày kiểm tra 1 lần. Nếu bình căng lên thì vặn nắp xả bớt khí.

Ngâm nhiều hơn thì cứ căn theo công thức nhân lên.

Sản phẩm đạt yêu cầu sau 90 ngày sẽ có mùi chua thơm nhẹ của chuối. Có màng trắng hoặc không có màng trắng. Sản phẩm sau 90 ngày lấy ra có màng đen, không thơm thì sản phẩm đã hư. Với trưởng hợp này các bạn không nên bỏ đi mà tiếp tục đổ lượng nước mía ngâm vào lại bình như ban đầu sau 90 ngày sẽ tạo ra sản phẩm nhé

Giới thiệu các loại GE khác

GE chuối bổ sung dưỡng chất và Kali cho lan, kích thích rễ mọc nhanh, pha thêm phân 6-30-30 nếu muốn kích hoa, pha kèm 30-10-10 nếu muốn kích ki tỷ lệ pha phân 1g/10 lít nước.

GE làm từ đậu tương như 1 loại đạm thực vật có thể thay thế 1 phần phân kích thích sinh trưởng cho cây phát triển.

GE làm từ nha đam bổ sung vi lượng và sát trùng cho cây lan. Thực tế mình đã xay như sinh tố để phun phủ bề mặt lá bệnh thối nhũn thấy ok. Nhưng lưu ý không đảm bảo 100% không thối mà chỉ giảm tỷ lệ thôi.

GE làm từ gừng dùng để kích rễ, kích ki. Không có GE gừng thì xay 100g với 500ml nước thấy có kết quả

GE làm từ quế dùng để đuổi sên và phòng chống bệnh cho cây. Có thể rắc bột quế lên bề mặt chậu để đuổi sên, rắc cùng bột thuốc Asperin để chữa thối nhũn. Loại này mình thấy đuổi sên chứ chưa thấy giết sên.

GE làm từ dứa có tác dụng lưu dẫn phân. Thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây và làm sạch bề mặt cây trồng. Ngoài ra còn có tác dụng xua đuổi côn trùng (không làm chết được sên và kiến)

Trên đây là toàn bộ kiến thức về GE mà mình biết, cùng các loại GE phổ biến mà mọi người hay dùng. Có thời gian mình sẽ giới thiệu chi tiết từng cách làm mỗi loại.