Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Hoàng thảo Quảng Tây - Dendrobium guangxiense

Hoàng thảo Quảng Tây - Dendrobium guangxiense

Hoa màu trắng, cựa màu tím nhạt, riềm cánh môi màu trắng, bên trong màu tím đậm và sat gốc màu vàng chanh. Hoa nở từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.

Tên Việt Nam: Lan hoàng thảo lưỡi tím
Tên Latin: Dendrobium mitriferum
Đồng danh: Dendrobium scoriarum W.W. Sm, 1921; Dendrobium guangxiense S.J.Cheng & C.Z.Tang, 1986; Dendrobium mitriferum Averyanov, 2000.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả: Lan mọc phụ sinh, thân cây chia làm nhiều đốt, buông xuống, dài 60 - 70cm, lá dài khoảng 4 - 5cm,  rộng 1 - 1,5cm. Hoa to 1.5cm, mọc từ 2 - 4 chiếc ở thân đã rụng lá, hay ở nách lá trong điều kiện nuôi trồng. Hoa màu trắng, cựa màu tím nhạt, riềm cánh môi màu trắng, bên trong màu tím đậm và sát gốc màu vàng chanh. Hoa nở từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.

Phân bố: Loài mới ghi nhận vùng phân bố ở Việt Nam. Mọc ở độ cao từ 1.000 – 1.500m ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Mô tả loài: Phùng Mỹ Trung
Theo vncreatures.net
Giới: Thực vật
Ngành: Magnoliophyta
Lớp: Liliopsida
Bộ: Orchidales
Họ: Orchidaceae
Chi: Dendrobium
Tên Khoa học: Dendrobium scoriarum W.W. Smith
Đồng danh: Dendrobium guangxiense S.J.Cheng & C.Z.Tang; Dendrobium mitratum Aver.
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Hoàng thảo Quảng Tây

Được tìm thấy ở phía đông nam Vân Nam tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và Việt Nam trên các thân cây và đá trong rừng thưa hoặc ở cạnh rừng ở những độ cao khoảng 1.200 mét như một phụ sinh mọc nơi ấm đến mát, kích thước từ nhỏ đến trung bình với thân đứng, (Chú thích: Having a smooth circular cross-section and a tapering form / Có một mặt cắt ngang tròn mịn và dạng giảm dần) nhiều mắt ngủ, mảnh mai mang các lá hướng đỉnh,dai, thuôn dài mũi mác, tù đến hơi xiên hai thùy, nở hoa vào mùa xuân trên cành hoa dài có 1 đến 2 hoa cở 3cm mọc trên thân trụi lá cũ hơn.

Dendrobium guangxiense là một loài Dendrobium tương đối mới, được tìm thấy ở phía nam Trung Quốc. Cây có kích thước từ 30 đến 70cm. Hoa của chúng rộng khoảng 3 cm, hoa nở vào mùa xuân với thời gian từ 15 - 20 ngày, với mùi thơm nhạt. Cây dễ trồng và dễ chăm sóc, điều kiện ánh sáng từ trung bình tới nhiều.

Như các hoàng thảoloại thân thòng khác, chúng nở hoa vào đầu mùa xuân, nhưng đôi khi hoa sẽ mọc do thời tiết thay đổi đột ngột.
Theo orchid.url.tw/myflowers/dendrobium/guangxiense.htm

Lan hoàng thảo bù đăng - Dendrobium infundibulum

Lan hoàng thảo bù đăng - Dendrobium infundibulum

Lan sống phụ sinh, mọc bụi, cao 20 - 30cm. Lá thuôn hẹp, dài 10cm, rộng 1cm. Hoa lớn màu trắng, cánh môi phình ở giữa và thắt lại, đỉnh chia thùy sâu, mép răn reo.

Tên Việt Nam: Lan hoàng thảo bù đăng
Tên Latin: Dendrobium infundibulum
Đồng danh: Dendrobium Infundibulum Lindl.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả: Lan sống phụ sinh, mọc bụi, cao 20 - 30cm. Lá thuôn hẹp, dài 10cm, rộng 1cm. Hoa lớn màu trắng, cánh môi phình ở giữa và thắt lại, đỉnh chia thùy sâu, mép răn reo.

Phân bố: Cây mọc ở Bù Đăng, Đồng Nai, và phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 91.

Lan mật khẩu rời rạc - Cleisostoma equestre

Lan mật khẩu rời rạc - Cleisostoma equestre

Lan sống bám trên cây gỗ, thân dài 7 - 10 cm. Lá hình mác ngược - thuôn, dài 7 - 8 cm, rộng 1,5 - 2 cm, thót dần, đỉnh nhọn. Cụm hoa dài 14 - 15 cm, cán hoa dài 5 cm, màu tía sẫm.

Tên Việt Nam: Lan mật khẩu rời rạc
Tên Latin: Cleisostoma equestre
Đồng danh: Cleisostoma equestre Seidenf. 1992.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Đặc điểm nhận dạng: Lan sống bám trên cây gỗ, thân dài 7 - 10 cm. Lá hình mác ngược - thuôn, dài 7 - 8 cm, rộng 1,5 - 2 cm, thót dần, đỉnh nhọn. Cụm hoa dài 14 - 15 cm, cán hoa dài 5 cm, màu tía sẫm. Lá bắc rất nhỏ. Cuống và bầu dài 5 - 6 mm. Lá đài và cánh hoa màu trắng, có hai vết lớn màu nâu đỏ sẫm. Lá đài dài 6 mm, rộng 3,5 mm, hình trứng; cánh hoa hơi nhỏ hơn, 5,5 x 3 mm, đỉnh tù. Môi dài 8 mm tính từ đỉnh đến đỉnh cựa; thùy giữa màu trắng có vài chấm đỏ, ngắn, rộng khoảng 3 mm, hình tam giác, không nhọn, ngang với mặt trước của cựa, trên mặt có 1 u lồi ở giữa; thùy bên và phần giữa môi màu vàng, thùy bên hình tam giác, tù, gần đỉnh có nhú nhỏ hình côn. Cựa màu trắng, khá rộng với đỉnh tròn, sâu 4 mm, màng ngăn tiêu giảm. Thùy bên dính với gốc cột; cột ngắn, màu trắng.

Sinh học và sinh thái: Tái sinh bằng chồi và hạt. Bám trên các cây gỗ lớn trong rừng; mọc ở độ cao 300 - 400 m.

Phân bố:

Trong nước: Mới thấy ở Đà Nẵng (Sơn Trà).

Thế giới: Chưa biết.

Giá trị: Loài đặc hữu và hiếm của Việt Nam.

Tình trạng: Loài có khu phân bố và nơi cư trú rất hẹp, hiện chỉ gặp ở một điểm của khu phân bố. Tuy nhiên loài này đang được bảo vệ vì cư trú trong khu vực cấm của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Nếu như việc bảo vệ không được chặt chẽ thì nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng là không tránh khỏi.

Phân hạng: VU B1+2b,c.

Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (Bậc R). Đề nghị xây dựng khu bảo tồn và nhân giống Lan trong các vườn quốc gia và di chuyển một lượng cây sống có thể của loài này về khu vực bảo tồn và chăm sóc.

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 416.

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Chất trồng, giá thể trồng lan

Chất trồng, giá thể trồng lan

Loại chất trồng được chọn tùy thuộc điều kiện ngoại cảnh, nhân lực, loài lan Và qui mô sản xuất. Các chất trồng được sử dụng hiện nay gồm than, gạch, dớn, xơ dừa, rễ lục bình, vỏ thông. Các chất trồng của lan khác với đất dể trồng cây. Các chất trồng này dùng để cải thiện độ ẩm và tác dụng cơ học hơn là cung cấp dinh dưỡng.

+ Than gỗ: Được dùng với mục đích giữ ẩm. Than là một chất trồng tốt nhất vì không có mầm bệnh, không bị mục và có khả năng giữ nước, vì thế than sẽ hấp thụ dinh dưỡng qua quá trình bón phân và thải ra dần qua sức hút rất mạnh của rễ lan. Than được dùng ở đây là loại than gỗ rừng trồng, được nung thật chín. Tránh tuyệt đối dùng các loại than gỗ rừng sác (đước) vì hàm lượng NaCl trong than cao, dễ làm chết lan.

+ Gỗ: Đối với các loại ưa thoáng và có rễ đẹp có thể ghép gỗ, loại gỗ tốt để ghép là các cành cây gỗ nghiến, nhưng do giá thành cao, khó kiếm nên người miền Bắc hay dùng cây gỗ nhãn, dễ kiếm lại khá bền, lâu mục với thời gian, người miền nam hay dùng thân cây vú sữa để ghép. Các khúc gỗ này bạn có thể bóc vỏ để giúp rễ cây tránh bị nhiễm nấm khi vỏ cây bị mục. Nếu được bạn nên chọn những khúc gỗ có hình thù kỳ quái một chút để tăng tính thẩm mỹ. Ngoài ra có một số người trồng dùng gỗ lũa ( thường là lõi của một số loài cây lấy gỗ lâu năm, bị chết vùi trong đất giờ được lấy lên) gỗ này có đặc tính bền với thời gian, lâu mục, hình thù đẹp nhưng bù lại thì giá thành lại rất cao.

+ Gạch: Gạch trồng lan tốt phải nung thật già, nhằm mục đích ngăn chặn rêu mọc. Gạch ngói tốt hơn gạch thẻ vì có độ cong nên chất trồng luôn luôn có độ thoáng thích hợp. Ngoài ra bề mặt rễ bám cũng rộng hơn; nên rễ không phải mọc chồng chất lên nhau, cây sẽ phát triển tốt hơn nhưng nhược điểm của gạch là nặng nên không thích hợp cho việc trồng bằng dây treo.

+ Dớn

Đây là dạng sợi của thân và rễ cây dương xỉ (Cybotium baronletz) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt. Sở dĩ dớn được chọn vì không bao giờ đóng rêu nhưng hút ẩm tốt. Tuy nhiên, nếu chất trồng toàn dớn thì không có độ thoáng.

Có 2 loại dớn:

- Dớn sợi: là loại dớn già, hóa mộc. (Có dạng từng sợi được ưa chuộng để trồng lan ở thành phố).
- Dớn vụn: là phần còn lại của cây dớn sau khi đã lấy loại dớn sợi loại dớn vụn là nhưng phần non của thân cây dớn - loại này sử dụng trồng lan rất tốt ở vùng lạnh vì độ hút ẩm cao, thiếu thoáng khí, nên nhiệt độ trong chậu cao hơn bên ngoài , do đó dớn tạo một độ ẩm nhất định thuận lợi cho sự phát triển của rễ. Trái lại do điều kiện sinh thái ở thành phố có khác, nên các nhà vườn trồng lan tuyệt đối không nên dùng loại dớn vụn, vì nhiệt độ cao và ẩm độ tháp, nên phải tưới nước nhiều, dớn vụn bị bít dễ làm thối rễ lan. Ngoài ra, diều kiện nóng ẩm rất thuận lợi, cho một số loại côn trùng và nấm bệnh chọn dớn làm mục tiêu cắn phá.

+ Xơ dừa: Đây là chất trồng rất cần nếu sản xuất lan đại trà trên qui mô lớn. Xơ dừa có khuyết điểm dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục, nhưng do số lượng nhiều và rất rẻ nên xơ dừa được
trồng thành băng trên vạt tre. Nếu dùng xơ dừa trồng chậu phải hạn chế tưới nước. Tốt nhất là tạo điều kiện ẩm độ bên ngoài hơn là trong chậu. Đối với chất trồng này phải phun thuốc ngừa sâu bệnh thường xuyên. Tuy nhiên xơ dừa lại là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium.

+ Rễ lục bình: Cậy lục bình sống lan tràn mạnh mẽ ở khắp ao hồ, sông rạch trong cả nước, nên rất dễ kiếm, thuận lợi trong việc nuôi trồng hoa lan. Rễ lục bình có dộ hút ẩm cao, có nhiều đạm, giúp cây ra rễ và tăng trưởng rất mạnh trong thời gian đầu, nhưng dễ bị mục rã nên mắc các khuyết điểm như xơ dừa và dớn vụn.

+ Vỏ cây: Ở Việt Nam, có nhiều loại cây eo vỏ để trồng lan rất tốt tùy nhiên, nên chọn loại cây nào có vỏ lâu mục, vì vỏ cây cũng thuộc một' trong số những chất trồng mau hủy hoại . Cây lan được trồng bằng vỏ cây thời gian đầu phát triển rất tốt. Sau 1 năm vỏ bị phân hủy thành mùn, gây úng nước, thối rễ và cũng là môi trường thích hợp cho sự xuất hiện một số loài sâu cẩn phá rễ. Vì vậy với chất trồng bằng vỏ cây, cây lan phải được thay chậu luôn. Trong các loại vỏ cây sau: vú sữa, sao, me, trai, thông... thì vỏ thông là loại vỏ cây được ưa chuộng nhất, vì vỏ thông có chứa resin nên eo tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các nấm hại. Vỏ thông có thể được lấy từ cây Thông 2 lá (Pinus merkusii) hoặc cây thông 3 lá (Pinus khasya) có nhiều ở Bảo Lộc và Đà Lạt. Tuy nhiên vỏ thông cũng rất bí bít, nên cần có lớp than độn dưới đáy chậu cho thông thoáng.
Tôi cũng là một người trồng lan tại nhà, chất trồng tôi thấy tốt nhất là than củi hay gọi là than hoa, ra chợ mua một túi 10kg hết khoảng 80.000đ, với số lượng này thì bạn có thể trồng được hàng chục giò lan, than hoa có đặc tính hút nước giữ ẩm, giữ phân bón lại luôn thông thoáng không mục nát, không nấm mốc, nếu bạn là người cẩn thận có thể ngâm than hoa với nước vôi trong khoảng 1 ngày rồi đem trồng để yên tâm diệt hết các mầm bệnh trong than bị nhiễm trong quá trình vận chuyển. Còn với các dòng hoàng thảo hay giáng hương ghép gỗ tôi chọn gỗ nhãn, những loài ưa ẩm tôi sẽ để nguyên vỏ để chúng giữ nước tốt, những loại ưa khô sẽ bóc vỏ để nhanh thoát nước, chọn những khúc gỗ là các đoạn cành cây có độ to vừa phải, đường kính tối đa 10cm trở xuống, cỡ cốc uống nước là vừa vì gỗ nhãn khá nặng sẽ ảnh hưởng đến khung treo của vườn lan. Các khúc gỗ sau khi được cắt tỉa tạo hình, khoan lỗ để luồn dây qua (tôi chọn khoan lỗ vì khoan lỗ an toàn hơn là đóng đinh rồi buộc dây, khi bạn buộc dây vào đinh sau một vài năm ngoài trời bị nước mưa rồi phân bón làm đinh gỉ thì khả năng giò lan đẹp của bạn sẽ bị rơi bất kỳ lúc nào). Khúc gỗ nhãn phải được rửa sạch, bạn có thể phun lên đó các loại thuốc diệt nấm để phòng bệnh và diệt các mầm bệnh trên khúc nhãn, tôi nghĩ thêm đươc một cách là đốt khúc gỗ trên ngọn lửa, nhiệt độ cao cũng giúp chúng sạch bệnh lại không lo tác hại của thuốc lên da người chăm sóc. Đối với các dòng địa lan bạn có thể dùng xỉ than tổ ong, với lan hài bạn có thể dùng 100% là xỉ than, với các dòng địa lan khác như tứ thời, mạc biên, sa tô, địa lan mộc châu, đông lan, hoàng lan, hạc đính, chu đỉnh, lưỡi cọp ... tôi đang trung thành với công thức: 1 phần đất (đất sạch ngoài ruộng lấy càng sâu càng tốt) + 1 phần vỏ trấu + 1 phần xỉ than tổ ong + 1 vài nắm phân lân loại màu đen giá 5.500đ/ 1 kg, chúng trồng trong đó phát triển rất tốt, sạch bệnh và năm nào tôi cũng có hoa địa lan để chơi Tết.

 

Phương pháp giữ hoa lan lâu tàn

Phương pháp giữ hoa lan lâu tàn

Hoa lan nở đẹp và rất lâu tàn, nhưng tùy từng loại mà có cách giữ hoa bền hơn nữa, dưới đây là một số kinh nghiệm giúp hoa lan lâu tàn mời các bạn cùng đọc và tham khảo.

1. Lan Hoàng Thảo: Đây là giống ưa ánh sáng, độ ẩm. Nhiệt độ tốt nhất cho cây phát triển là 15-25 độ C. Không được để cho cây lan bị ẩm liên tục trong ngày. Nếu thấy đất trồng của lan còn ẩm không nên tưới nước.

Tưới ngày 2 đến 3 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu trong ngày nắng, nóng và gió nhiều thì tãng thêm lần tưới, nhưng tưới thật đậm, nếu không ánh sáng sẽ làm cháy lá cây.

Dùng vòi phun sương nhẹ và phải di chuyển qua một lượt rồi tưới trở lại để cho thấm đều vào đất trồng.

Tưới phân 2 lần trong tuần, liều lượng 2 g/lít (khoảng 1 thìa cà phê). Lưu ý: phải tưới nước trước khi tưới phân.

Các loại phân bón cho lan như sau: phân 30:10:10 dùng cho cây lúc còn nhỏ; phân 20:10:10 dùng cho cây trưởng thành; phân 10:30:10 dùng cho cây lan khi bắt đầu ra nụ. Khi thấy lan nhú hoa thì tưới phân 60:30:30 để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu. Hàng tháng phun thuốc trừ bệnh.

2. Lan Hồ Điệp: Hồ Điệp là cây ưa bóng mát, không được để ngoài ánh sáng trực tiếp sẽ bị cháy lá. Nếu trồng ở ngoài trời, ánh sáng chỉ cần khoảng 30%-40% và phải che bằng lưới nilông. Cây phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 20 độ C - 30 độ C, độ ẩm 60%-80%. Cách tưới nước và bón phân giống như lan Hoàng Thảo.

Tuy nhiên cần chú ý những điểm sau:

Khi hoa gần tàn hay cây có hiện tượng yếu đi phải cắt ngay cành hoa và tưới phân 30:10:10 để dưỡng cây. Hoặc cây khỏe, muốn tiếp tục chõi hoa thì cắt cành hoa, chỉ cắt hết phần hoa đã tàn, tại các mắt của cành hoa sẽ mọc ra các nhành hoa khác.

Khi tưới phân không được pha quá liều lượng quy định, cây sẽ vàng lá và chết.

Mùa đông, nếu nhiệt độ dưới 150C, cây không phát triển, nụ sẽ bị hỏng, phải chuyển đến chỗ ấm hơn hoặc che cho cây.

Vào mùa mưa, lá rất dễ bị giập do nước mưa rỏ trực tiếp vào gây ra bệnh thối lá. Vậy phải tránh mưa bằng cách che nilông hoặc tôn nhựa.

3. Lan Vanda: Giống lan này chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1:
Có lá hình trụ tròn, đòi hỏi ánh sáng nhiều nên phải trồng ở nơi có ánh sáng hoàn toàn không che chắn, rất dễ thích nghi ở những vùng nóng. Trồng lan trong chậu hơi cao từ 20-25 cm, có nhiều lỗ thoát, có cọc to, cao khoảng 70 đến 80 cm để buộc các ngọn lan (không dùng nẹp tre), có thể bó xõ dừa vào cọc này. Buộc các ngọn Vanda có ít nhất 2 tầng rễ dài khoảng 40-60 cm, cách đáy chậu 5-10 cm, rồi cho than, gạch vào đáy chậu (tỷ lệ 1:1). Mỗi chậu trồng chung 3-4 ngọn, nên kê các chậu sát nhau. Cho cỏ khô và xơ dừa vào xung quanh để giữ độ ẩm và cung cấp dưỡng chất cho lan. Khi mới trồng phải che nắng, khi cây phát triển tốt mới tháo ra.

Nhóm 2: Có lá dẹt phẳng, đòi hỏi ít ánh sáng hõn nên có thể trồng ở các xứ khác, chỉ cần 50% ánh sáng trực tiếp. Trồng 2-3 ngọn trong một chậu, cuốn cho rễ nằm trong chậu thật nhẹ nhàng, sau đó cho than củi vào từ từ.

Nhóm 3: Có dạng lá trung gian giữa 2 nhóm trên, cần ánh sáng cao hõn dạng lá dẹt phẳng nhưng thấp hõn lá trụ tròn. Trồng nhóm này như nhóm 2 nhưng khi trồng xong để cây trong bóng mát cho đến khi rễ phục hồi thì tăng ánh sáng lên.

Kinh nghiệm trị bệnh héo rễ hại phong lan

Kinh nghiệm trị bệnh héo rễ hại phong lan

Vào mùa mưa chỉ sau một số đợt mưa dài ngày thì thấy có những rễ bị héo khô xốp, không còn cứng chắc như trước, về sau chúng chuyển dần sang mầu nâu đen rồi mục ra. Xin cho biết đó là hiện tượng gì?

Tôi có chơi một số giò lan Hồ Điệp và Dendor, dáng rất đẹp, bộ rễ khỏe mầu trắng xám nhìn rất hấp dẫn. Nhưng vào mùa mưa vừa qua không rõ tại sao chỉ sau một số đợt mưa dài ngày thì thấy có những rễ bị héo khô xốp, không còn cứng chắc như trước, về sau chúng chuyển dần sang mầu nâu đen rồi mục ra. Xin cho biết đó là hiện tượng gì? Liệu có ảnh hưởng đấn việc ra hoa của cây lan không? Nếu có xin được chỉ dẫn cách khắc phục?
Võ Văn Vấn (Tp. Vũng Tàu)
Và một vài bạn ở Đồng Nai
Trả lời:

Hiện tượng mà các bạn mô tả rất giống triệu chứng của bệnh héo rễ (Wilt), nếu đúng như vậy thì đây là bệnh héo rễ do nấm Sclerotium rolfsii sacc gây ra.

Bệnh thường gây hại nhiều trên một số giống lan như Phalaenopsis (Hồ điệp): Dendrobium (Đăng lan); Cattleya (Cát lan)...Với những giống có bộ rễ to, khỏe, chắc như Vanda (Vân lan)... bệnh thường hại ít hơn. Đối với những cây lan còn nhỏ vừa mới được “ra ngôi” nếu rễ bị hại thì bộ lá sẽ vàng dần, nếu nặng có thể bị chết. Với những cây lan đã trưởng thành đang phát triển tốt thì ít bị chết hơn, nhưng rễ khô và mục sẽ làm cho cây chậm phát triển, yếu ớt, còi cọc và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa sau này.

Thường bệnh tấn công đầu tiên ở đọan rễ gần với gốc cây (nơi mà rễ tiếp xúc nhiều với chất trồng) vì nơi đây có ẩm độ cao (nhất là những người dùng vỏ của trái dừa khô hay cám xơ dừa làm chất trồng, khi mưa hoặc tưới, nước bị giữ lại nhiều trong đó). Còn phần rễ nằm xa gốc do không tiếp xúc với chất trồng, thóang khí, khô ráo nên ít bị bệnh tấn công hơn. Sau khi gây hại ở đọan rễ gần gốc bệnh tiếp tục lan dần xuống phía chóp rễ, làm cho cả bộ rễ bị hư hại (ảnh IV-4a, IV-4b). Những rễ mới bị bệnh nếu không chú ý vẫn tưởng đó là rễ bình thường, vì lúc đó rễ chưa có biến đổi nhiều về mầu sắc, kích thước, nhưng nếu sờ tay bóp nhẹ thì thấy rễ đã bị khô xốp nhe,ï chứ không tươi, cứng chắc như rễ bình thường. Khi tuốt bỏ lớp ngòai của rễ bị bệnh ra thì phần lõi rễ bên trong vẫn còn dai chắc. Nếu gặp thời tiết mưa ẩm nhiều thì chỗ bị bệnh bị mục và chuyển dần sang mầu nâu đen.

Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Nếu trời mưa dài ngày liên tục nên dùng vải Nilon che phía trên giàn lan để hạn chế bớt nước mưa xối xuống chậu lan.

- Về chất trồng, không nên dùng các vật liệu có tính giữ nước lâu dài như vỏ dừa khô, cám xơ dừa...nên dùng dớn sợi, than củi để chất trồng không giữ nước nhiều dễ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh, phát triển.

- Vào những thời điểm có ẩm độ không khí cao nên giảm bớt lượng nước tưới và cữ tưới trong ngày.

- Không nên treo các chậu lan sát sít nhau để giàn lan luôn được thông thóang, giảm bớt ấm độ không khí trong giàn lan, đồng thời hạn chế sự lây lan của bệnh từ chậu này sang chậu khác.

- Không nên che chắn qúa kín xung quanh để giàn lan luôn được thông thóang, có nhiều ánh sáng tán xạ tốt cho cây lan.

- Không nên dùng nhiều phân bón có hàm lượng Đạm cao, làm cho cây xanh mướt, bộ rễ mềm yếu, sức chống đỡ với bệnh kém.

- Khi cây đã nhiễm bệnh cần cắt bỏ hết những rễ đã bị bệnh treo chậu lan cách ly ra một khu riêng sau đó dùng một trong các lọai thuốc như: Benlate 50WP; Fundozol 50WP; Bendazol 50WP; Vicarben 50BTN; Topsin-M 50WP; Derosal 50SC... để phun xịt. Sau khi phun xịt thuốc nên bỏ một vài cữ tưới để thuốc không bị rửa trôi.

Nguồn: http://thongtinkhcn.vinhlong.gov.vn

Lan bạch manh - Biermannia sigaldii

Lan bạch manh - Biermannia sigaldii

Thân dài khoảng 4cm, mang lá xếp thành 2 dãy. Lá có phiến hình mác, dài 4 - 5cm, màu vàng lục nhạt. Cụm hoa mọc ở nách lá, dài 7 - 10cm, mang hoa trên phần lớn chiều dài, xếp thưa

Tên Việt Nam: Lan bạch manh
Tên Latin: Biermannia sigaldii
Đồng danh: Biermannia sigaldii Seidenf, 1992; Biermannia bimaculata auct. non (King et Pantl); King et Pantl., Phamh. 1972; Aver. 1990
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả:

Lan sống bám, nhỏ, có nhiều rễ dày dọc theo thân. Thân dài khoảng 4cm, mang lá xếp thành 2 dãy. Lá có phiến hình mác, dài 4 - 5cm, màu vàng lục nhạt. Cụm hoa mọc ở nách lá, dài 7 - 10cm, mang hoa trên phần lớn chiều dài, xếp thưa, trục cụm hoa có nhiều lông, hơi có gờ hay cánh.

Lá đài với cánh hoa có màu vàng rất nhạt. Các lá đài hình mác, dài 8mm, rộng 2,5mm với 5 gân dọc. Hai cánh hoa bên hình mác ngược, dài 6 - 8mm, rộng 1,5mm, với 3 gân dọc. Cánh môi màu vàng nhạt với các vệt màu tím, lõm hình chén sâu khoảng 4mm, có vạch móng hẹp, không có cựa. Trụ dài 1,3mm. Bầu dài 15 - 20mm, tiết diện ngang hình 3 cạnh, cánh hẹp.

Sinh học: Mùa ra hoa và quả chín chưa rõ.

Nơi sống và sinh thái: Mọc bám trên thân và cành cây gỗ trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao không qúa 600 - 700 m.

Phân bố: Loài đặc hữu rất hẹp của miền Nam Việt Nam, mới chỉ gặp được ở hai điểm lấy mẫu chuẩn thuộc tỉnh Lâm Đồng (Di Linh: Lang Hanh) và Đồng Nai (Nam Cát Tiên).

Giá trị: Nguồn gen qúy, hiếm.

Tình trạng: Loài hiếm. Mức độ đe dọa: Bậc R.

Đề nghị biện pháp bảo vệ: Là đối tượng bảo vệ trong thiên nhiên của vườn quốc gia Cát Tiên và cần gấp rút thu thập cây sống để trồng trong vườn thực vật.

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - trang 307.
 

Lan nhện thái - Archnis labrosa

Lan nhện thái - Archnis labrosa

Lan sống phụ sinh sinh, thân mập, khỏe dài đến 50cm, có nhiều rễ khí sinh. Lá hình giải thuôn dài, đầu có 2 thùy không đều dày. Cụm hoa chùm mọc thẳng, dài cả thước.

Tên Việt Nam: Lan nhện thái
Tên Latin: Archnis labrosa
Đồng danh: Archnis labrosa (Lindl..ex Paxt) Rchb.f; Renanthera bilingguis Rchb.f.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả: Lan sống phụ sinh sinh, thân mập, khỏe dài đến 50cm, có nhiều rễ khí sinh. Lá hình giải thuôn dài, đầu có 2 thùy không đều dày. Cụm hoa chùm mọc thẳng, dài cả thước. Hoa xếp thưa màu vàng xanh có nhiều vệt màu tím nhạt. Cánh hoa cứng dạng thuôn dài, nhọn. Cánh môi dài, dây màu trắng có sọc đỏ. Cột nhụy mập, tròn màu trắng, nắp vàng.

Phân bố: Cây mọc chủ yếu ở các tỉnh Nam trung bộ và Nam bộ từ Daklak, Bảo Lộc đến Đồng Nai và phân bố từ Ấn Độ đến ĐàI Loan.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 27

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Phong lan Ada aurantiaca châu Mỹ

Phong lan Ada aurantiaca châu Mỹ

Đây là loại phong lan được phát hiện vào năm 1851. Ở Colombia. Thân giả của lan có dạng hình trụ và có lá hẹp.

Các tên khác: Ada legmannii, Oncidium cinnabarinum, brassia cinnabarina.
Xuất xứ: Ecuador, Colombia, Venezuela hay những nơi có độ cao trên mực nước biển 2000-3000 mét.

Trồng trọt: Trồng dễ, chúng tăng trưởng ngay cả với thời tiết lạnh.

Đây là loại phong lan được phát hiện vào năm 1851. Ở Colombia. Thân giả của lan có dạng hình trụ và có lá hẹp. Một chuỗi hoa lên đến 30-40 cm, hoa được đặt ra trong những bó hoa hàng đầu với hoa màu cam sẽ nở hoàn toàn. Hoa bắt đầu vào cuối mùa đông - đầu mùa khô.

Cách trồng loài hoa lan Ada aurantiaca: Sử dụng vỏ cây trộn với xơ dừa. Hoa lan cần ánh sáng nhẹ đến trung bình, Hoa lan cần độ ẩm 60% và nhiệt độ từ 10-12 độ. Loài lan rất kháng với lạnh. Mặc dù nhiệt độ thấp nhất là 5 độ, nó vẫn có thể nở hoa.

Lan Càng cua, Xích hủ - Agrostophyllum

Lan Càng cua, Xích hủ - Agrostophyllum

Chi Agrostophyllum có khoảng 90 loài phong lan mọc trên thân hoặc cành những cây cao tại những khu rừng thấp, phân bố tại Nam Á như Ấn độ, Sri Lankan, Mã lai, Thái, Indonesia và tập trung phần lớn tại các hải đảo trong vùng Thái bình duong, đặc biệt là New Guinea với khoảng 45 loài

Tên Lan càng cua, Xích hủ là những tên xa lạ đối với người Việt hải ngoại, kể cả những nhà sưu tập và những người trong giới ‘chơi lan’. Tên Lan càng cua (Agrostophyllum) gây thêm những nhầm lẫn tại Việt Nam vì có cây được gọi là ‘Phong lan càng cua’..nhưng không thuộc họ lan (Orchidacaea).

* Agrostophyllum tại Việt Nam:

- Agrostophyllum brevipes: Xích hủ chân ngắn (PHH); Càng cua thân ngắn (TH)

Tên Tàu: Doan-bing he-ye lan

Mô tả (Lan rừng VN: A-Z): ‘Phong lan thân cao 10-25cm, 3-4 lá trên ngọn. Hoa mọc nhiều ở cuống lá, màu trắng to 4 mm, nở vào mùa Xuân. Nơi mọc: chưa rõ)

Theo Trần Hợp ghi: lan sống phụ, nhỏ, thân rễ có vảy mỏng. thẳng đứng, cao 3-20cm, có 4-5 lá hình giáo ở đỉnh; gốc có bẹ do lá rụng. Cụm hoa ở gốc lá. Hoa nhỏ, màu trắng. Cánh môi ngắn có túi nhỏ. Cây ít phổ biến ở VN.

Flora of India ghi thêm một số chi tiết: Cây cao 18-34cm, Rễ chùm dày 2.8-3mm, chồi mọc xa rễ từ 2.5-3cm, cao 8-13cm phủ bởi nhiều lớp vỏ. Lá 5-15 x 0.5-1cm. Hoa cỡ 4-5mm, cánh đai, cánh hoa và môi màu trắng..trụ và cột phấn màu đỏ-tím.

- Agrostophyllum callosum: Xích hủ thân dẹp (PHH); Càng cua thân dài (TH) ; Xích hủ có chai (VvChi). Tên Tàu: Ying-pe he-ye lan.

Mô tả (Lan rừng VN): ‘Phong lan hay địa lan, thân cao 30-50 cm, lá mọc nhiều ở ngọn, dài 10-15cm, ngang 1cm. Hoa mọc thành chùm ở ngọn, to 5-10 mm, nở vào mùa Hè. Nơi mọc: Đa lạt, Nam Cát tiên, Đồng xoài, Kontum..Lâm đồng.

Flora of China ghi thêm những chi tiết: Cây 30-60cm, hoặc cao hơn. Rễ bò, đường kính 3-4mm. Thân mọc thẳng đứng, phát xuất cách rễ 1-2cm, phần trên dẹp , phần dười hình ống, mang nhiều lá. Lá hình mũi giáo thuôn 8-15 x 0.4-0.8cm, bóng. Hoa màu hơi đỏ hay trắng có vết đỏ tím. Quả nang cỡ 5 x 3.5mm, Cây mọc phụ sinh tên thân cây tại những khu rừng rậm cao độ 900-2400m tại Việt Nam, Thái lan, Trung Hoa (Hải nam, Vân nam) và Đông Á (Bhutan, Ấn, Myanmar, Nepal).

Theo Netherlands National Herbarium: Agrostophyllum bicuspidatum có thể là một trong những tên tương đương với A. callosum (?)

- Agrostophyllum planicaule: Càng cua xích hủ (TH)

Tên tương đương: Agrostophyllum khayisanum

Mô tả (Sinh vật rừng Việt Nam ): ‘ Lan sống phụ sinh, mọc thành bụi dầy vời các giả hành dẹt, xếp sát nhau, gốc có bẹ và đỉnh có 1 lá, mềm, màu xanh bóng, dạng thuôn dài,đầu có thùy nhỏ. Cụm hoa hình đầu, đường kính khoảng 2cm, đính sát nơi gốc cuống lá. Hoa nhỏ, màu trắng, bao bọc bởi nhiều lá bắc màu nâu, khô. Mùa hoa: tháng 3-6. Phân bố: Cây mọc rất phổ biến ở các rừng Nam Trung bộ (Tây nguyên) và Nam bộ (Đồng nai, Bình phuớc..đến đảo Phú Quốc).

Lan rừng VN ghi thêm: Hoa nhỏ 4mm.

 
Ba loài lan trên cũng là những loài được ghi nhận là ‘thường gặp’ trong vùng Himalaya tại Ấn độ và cũng đang là chủ đề nghiên cứu tại Ấn về phương thức nhân giống và nuôi trồng.

* Thành phần hóa học và Công dụng:

- Agrostophyllum brevipes:

Củ chứa những triterpinoids như: agrostophyllinol, agrostophyllinone (Phytochemistry Số 62-2003). Về phương diện hóa học, các triterpinoid này là những chất chuyển hóa loại 9,10-dihydro-phenanthropyrane.

- Agrostophyllus callosum: trong củ có:

- những dimeric phenanthrene: agrostonin, agrostonidin

- triterpinoid: agrostophyllinone

- stilbenoid: callosumin, callosumidin, callosuminin cùng những hợp chất liên hệ đến stilbenoid nhu orchinol, 6-methoxycoelonin, imbricatin, flaccidin, oxoflaccidin, isoxoflaccidin..

- 4-hydroxy-3,5-dimethoxybenzoic acid (Phytochemistry Số 42-1996)

- Đặc tính dược học:

Các triterpenoid và stilbenoid từ Agrostophyllum đang được nghiên cứu và thử nghiệm về khả năng diệt tế bào ung thư (thử in vitro, dùng những dòng tế bào chuyên biệt).

Các thử nghiệm ghi nhận terpinoids có khả năng chặn sự lan tràn của các tế bào ung thư:

- Ung thư ruột do ức chế tiến trình hoạt động của men-kích khời p38 mitogen.

- Ung thư vú do kích khởi tiến trình apoptosis (làm tế bào ung thu tự hủy). Các dòng tế bào ung thư vú được thử là MDA-MB-435; MDA-MB-231; MCF-7.

Ngoài ra triterpenoids (nói chung) còn được ghi nhận là có những hoạt tính chống sưng, làm giảm đau, hạ sốt, bảo vệ gan.. (front Biosciences Số 16-2011).

Các stilbenoids có tác động ức chế sự tái tạo các vi mạch nơi tế bào ung thư, ngăn chặn được sự bội sinh và lan tràn của tế bào ung thư khi thử nghiệm trên các dòng tế bào: Hela, K562, MCF-7 (ung thu vú), NCI-H460 (ung thu phổi)..

Tài liệu sử dụng:

- Lan rừng VN : A-Z (Bùi Xuân Đáng)
- Flora of China : Agrostophyllum
- Medicinal Plants of India (Jain)


Ds Trần Việt Hưng
 

Lan chu đình vàng - Spathoglottis aurea

Lan chu đình vàng - Spathoglottis aurea

Củ hình con quay, rộng 1 - 4cm, nhiều bẹ ở gốc do lá thoái hóa. Lá hình giáo hẹp, dài 20 - 40cm, rộng 3 - 4cm. Xếp nếp theo gân. Cuống dài 10 - 20cm. Cụm hoa cao 60cm, mang 4 - 10 hoa ở đỉnh. Hoa lớn 6 - 7cm, màu vàng đậm có sọc đỏ, hay vàng tuyền.

Tên Việt Nam: Lan chu đình vàng
Tên Latin: Spathoglottis aurea
Đồng danh: Spathoglottis aurea Lindl
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất

Mô tả: Loài lan đất, được gây trồng từ rất lâu đời, mọc bụi. Củ hình con quay, rộng 1 - 4cm, nhiều bẹ ở gốc do lá thoái hóa. Lá hình giáo hẹp, dài 20 - 40cm, rộng 3 - 4cm. Xếp nếp theo gân. Cuống dài 10 - 20cm. Cụm hoa cao 60cm, mang 4 - 10 hoa ở đỉnh. Hoa lớn 6 - 7cm, màu vàng đậm có sọc đỏ, hay vàng tuyền. Cánh môi có 3 thùy, hai thùy bên đỏ thùy giữa vàng hay đỏ, chai màu vàng.

Phân bố: Đây là loài lan được trồng rất nhiều ở các vườn lan cảnh Nam bộ.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 194.

Lan chu đình tím - Spathoglottis plicata

Lan chu đình tím - Spathoglottis plicata

Loài lan đất, trồng, củ giả dạng bầu dục nhỏ, nhẵn. Cây cao 40 - 50cm, có 2 - 3 lá ở gốc, dạng thuôn hẹp, dài 20 - 30cm, thuôn nhọn ở đỉnh, gốc có cuống. Cụm hoa đứng, cao 50 - 90cm, gốc có 3 - 4 bẹ, đỉnh mang 7 - 10 hoa.

Tên Việt Nam: Lan chu đình tím
Tên Latin: Spathoglottis plicata
Đồng danh: Spathoglottis plicata Bl, Calanthe poilanei Gagnep.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất

Mô tả: Loài lan đất, trồng, củ giả dạng bầu dục nhỏ, nhẵn. Cây cao 40 - 50cm, có 2 - 3 lá ở gốc, dạng thuôn hẹp, dài 20 - 30cm, thuôn nhọn ở đỉnh, gốc có cuống. Cụm hoa đứng, cao 50 - 90cm, gốc có 3 - 4 bẹ, đỉnh mang 7 - 10 hoa. Hoa lớn màu tím hay trắng tro. Cánh môi chia 3 thùy, hai thùy bên lớn màu tím đậm, thùy giữa có hai chai màu vàng.

Phân bố: Cây mọc ở miền trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Daklak) và loài này cũng phân bố ở Srilanca, Mianma, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Tân Ghinê.

Tài liệu dẫn: Phong lan Việt Nam - Trần Hợp - trang 194.