Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Cách trồng và chăm sóc lan Chuỗi ngọc Điện Biên - Dendrobium findlayanum

Cách trồng và chăm sóc lan Chuỗi ngọc Điện Biên - Dendrobium findlayanum

Giống lan chuỗi ngọc có tên khoa học là Dendrobium Findlayanum được phát hiện cách đây khá lâu. Chúng phân bổ ở nhiều nơi trên thế giới từ Châu Âu sang Châu Á. Chúng được coi là một loại hoa đẹp, lạ trong thế giới các loài lan và được ưa chuộng trồng ở khắp mọi nơi ở nước ta.


Loài hoa này mang vẻ đẹp tự nhiên và hình thức đẹp nên rất được ưa chuộng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Ở nước ta loại lan này được trồng nhiều nhất ở tỉnh Điện Biên nên được gọi với tên gọi gắn liền với địa danh lan chuỗi ngọc Điện Biên.

Đặc điểm hình thái của lan chuỗi ngọc Điện Biên

Lan chuỗi ngọc Điện Biên là loại cây thân thảo có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Thân tuy là dạng thân thảo nhưng khá cứng và mập. Đặc điểm nổi bật của loại cây này chính là hình dạng thân khá lạ có nhiều đốt phình to ra nhìn xa trông rất giống một chuỗi ngọc xanh đẹp mắt.

Hoa lan chuỗi ngọc Điện Biên khá đẹp thường mọc ra ở đốt của thân. Khi nở từng cánh bung tỏa ra với nhiều màu sắc khác nhau cùng hương thơm ngào ngạt khiến ai nhìn ngắm cũng bị mê mẩn bởi vẻ đẹp của từng bông hoa (có một số loại không có mùi thơm, đặc điểm màu sắc và mùi thơm do đặc điểm tùy từng vùng của cây lan mọc). Màu sắc hoa có một vài loại khác nhau. Có loại có màu trắng pha tím môi có màu nâu, có loại màu trắng pha vàng khá đẹp.

Không chỉ đẹp mà loài hoa lan này còn được ưa chuộng vì chúng được coi như là biểu tượng của sự giàu có và tình yêu hoàn mĩ. Nhiều đám cưới đã chọn lựa loại hoa này làm hoa cưới cũng vì lẽ đó.

Thời vụ trồng: Lan chuỗi ngọc Điện Biên có thể trồng quanh năm tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất là vào mùa xuân. Thời điểm cây vừa qua thời gian nghỉ, mùa xuân đến độ ẩm và nhiệt độ cao sẽ giúp cây ra hoa và sinh trồi cây mới. Nếu bạn muốn chơi hoa thì khi hoa nở sau khi chụp vài kiểu ảnh cần cắt hoa để cho cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi các mầm cây mới.

Điều kiện ánh sáng: Lan chuỗi ngọc Điện Biên có yêu cầu ánh sáng khá cao. Nếu thiếu sáng lan sẽ không ra hoa. Khi được chiếu ánh sáng ban ngày cây sẽ phát triển mạnh và hoa nở to và đẹp hơn.

Điều kiện độ ẩm: Lan chuỗi ngọc Điện Biên có yêu cầu độ ẩm khá cao khoảng 80%. Vào mùa hè chúng cần có độ ẩm khoảng 60%. Những cây mọc ở nơi có độ ẩm cao thường mọc cao hơn và tán lá to và đẹp hơn cây trồng ở những nơi có độ ẩm thấp.

Chế độ tưới nước cho cây lan chuỗi ngọc Điện Biên: Định kì nên tưới nước cho lan một lần một tuần. Mùa hè có thể tăng lên 2 lần một tuần. Khi tưới chú ý không nên tưới nước vào ngọn cây sẽ khiến cho cây bị thối ngọn. Khi cây phát triển hết cỡ thì tưới nước thưa dần và gần như ngưng hẳn vào mùa đông. Không nên để cây ngoài trời vì những cơn mưa xuân hoặc mưa rào mùa hạ sẽ làm thối hết các ngọn cây non, cần để dưới mái che bằng kính hoặc nhựa trong, có thể dùng thêm lưới để giảm bớt ánh sáng khi mùa hè đến.

Bón phân cho cây: Để lan ra hoa đều và đẹp đòi hỏi bạn cần phải bón phân định kì cho cây. Khi bón nên sử dụng 1/2 thìa cà phê cùng với 4 lít nước hòa vào nhau và tưới cho cây. Nên bón phân vào thời điểm cây non đang phát triển mạnh . Loại phân phù hợp nên là loại phân 3-10-10 và thời điểm bón nen tập trung vào đầu mùa xuân- hè. Bón bằng phân chuồng nên bón thật loãng và không bón vào mùa thu vì phân này nhiều chất đạm (Nitrogen).

Không chỉ là loại lan đẹp độc đáo mà lan chuỗi ngọc Điện Biên còn mang nhiều ý nghĩa may mắn và tài lộc nên được ưu ái chọn trồng trong vườn nhà. Trên đây là những kiến thức về loài lan độc đáo này cho bạn tham khảo. Hy vọng bạn sẽ trồng được những chậu lan chuỗi ngọc Điện Biên đẹp.


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Cách trồng và chăm sóc lan nhất điểm hoàng - dendrobium cariniferum

Cách trồng và chăm sóc lan nhất điểm hoàng - dendrobium cariniferum

Nhất điểm hoàng có tên tiếng anh là Dendrobium cariniferum với mật độ phân bố ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia trong đó có cả Việt Nam.


Cây trong tự nhiên bạn sẽ bắt gặp chúng trong những khu rừng ẩm ướt hỗn giao lá kim. Cây thường mọc trên độ cao từ 500 đến 1800 mét. Lan sống phụ sinh mọc thành bụi với chiều cao thân từ 20-50cm  thân thẳng và hơi cong xuống. Lá thuôn hình giáo dài khoảng 10cm và hình thuôn nhọn ở đỉnh.

Hoa của lan nhất điểm hoàng mang vẻ đẹp ấn tượng với cụm hoa ngắn trên các đốt già có từ 2-5 hoa lớn màu vàng rơm. Cánh môi dạng bầu dục nhọn dài khoảng 4cm có màu vàng cam và có sọc đỏ hay nâu đỏ ở giữa. Hoa thường nở vào mùa xuân ở trên những hành giả vẫn còn lá và mỗi khi nở sẽ tỏa hương thơm có mùi giống giống mùi cam khá dễ chịu.

Cách trồng và chăm sóc nhất điểm hoàng: Cách trồng loại lan này không quá khó tuy nhiên đòi hỏi bạn phải biết và am hiểu kĩ thuật trồng cũng như hiểu đặc tính của nhất điểm hoàng. Một chú ý khá cần thiết đó chính là khi trồng và chăm sóc chúng cần phải tạo ra trong vườn mùa khô rõ rệt bằng cách giảm bón phân tưới nước ít nhất một tháng và ngưng hoàn toàn tưới nước trong mùa đông.

Chọn lựa giá thể trồng cây: Theo kinh nghiệm của nhiều người thì việc trồng Nhất Điểm Hoàng nên chọn giá thể bằng gỗ lũa hoặc trồng trong chậu đất nung với nhiều lỗ và xếp than cục vào đó. Mỗi loại đều có vẻ đẹp và ưu điểm riêng. Trồng trong chạu tuy đẹp và tiện chăm sóc hơn nhưng khó chăm phần rễ của chúng và cây dễ bị thối mầm hơn.

Kĩ thuật ghép cây: Với những bó lan bạn mua ở hàng cây giống về bạn tiến hành để khô và cắt hết phần rễ bị thối và dập. Sau đó ngâm rễ trong dung dịch Physan trong vòng 20 phút rồi vớt ra và để ráo nơi thoáng mát khoảng 7 tiếng là có thể ghép được.

Khi ghép vào giá thể xong bạn treo nơi thoáng mát có chế độ chiếu sáng khoảng 50% cho tới khi mầm non ra rễ bám vào giá thể thì từ từ mang ra nơi có ánh nắng nhiều hơn.

Bón phân cho lan nhất điểm hoàng: Loại phân bón thường thấy nhất và dẫn dã nhất vẫn là phân NPK 20-20-20. Khi bón bạn nên hòa vào nước cho thật loãng rồi dùng bình xịt tưới đều cho cây tránh tưới vào hoa. Dĩ nhiên là dùng phân hữu cơ sẽ tốt hơn là hóa học (các bạn có thể mua phân hữu cơ cho hoa lan tại các cửa hàng bán phân bón và thuốc bvtv…)

Chế độ tưới nước: Nước tưới là điều cần thiết để cho lan phát triển một cách tốt nhất. Ngày tưới từ 1-2 lần là được, tùy theo điều kiện nhiệt độ từng ngày, những ngày nắng nóng trên 30ºC nên tưới 2 lần vào thời điểm sáng sớm và chiều muộn

Phòng và trị bệnh cho cây lan nhất điểm hoàng: Loại lan này được đánh giá là khỏe mạnh nhưng vẫn mắc một số bệnh như rệp và rầy nâu và nấm. Chính vì thế mà việc phòng bệnh sẽ tốt hơn là trị bệnh. Sử dụng một số chế phẩm sinh học như Antracol hoặc Nativo hoặc Score phòng nấm, teo mầm non. Luân phiên thay thuốc là tốt nhất.

Lan nhất điểm hoàng cũng hay bị mắc rầy và rệp chính vì thế cần chăm sóc xem xét kĩ càng phần lá, gốc và bộ phận rễ để kịp thời phát hiện biểu hiện của bệnh. Nếu thấy những biểu hiện bị bệnh bạn nên mua thuốc và xịt rầy sẽ giúp trị bệnh một cách hiệu quả nhất.

Nếu như trồng ở điều kiện khí quá nóng thì bạn nên che thêm 2 lớp lưới đen và treo lan ở xa lưới và càng xa càng tốt cho em nó thật mát mẻ là em nó tươi tốt quanh năm. 

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Cách trồng và chăm sócLan bạch hỏa hoàng – dendrobium bellatulum

Cách trồng và chăm sócLan bạch hỏa hoàng – dendrobium bellatulum

Lan bạch hỏa hoàng hay còn có nhiều tên gọi khác nhau như hoàng thảo đốm đỏ hay thạch hộc lùn, tiểu mĩ thạch hộc ...


Trong số những loài lan hiếm ở nước ta hiện nay thì lan bạch hỏa hoàng là một trong những loại lan đẹp và lạ nhất hiện nay. Không chỉ có hình dáng nhỏ nhắn xinh xắn mà hoa của chúng có màu sắc độc đáo khiến ai nhìn ngắm cũng dều bị mê mẩn trước vẻ đẹp của chúng.

Loài lan này là giống lan quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam năm 1996 cần được bảo tồn. Trên thế giới chúng được tìm thấy ở một số nước Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Dãy Himalaya và thường xuất hiện ở độ cao từ 700-2100 m so với mực nước biển. Tại Việt Nam bạch hỏa hoàng thường phân bố ở các tỉnh như Kon Tum, Lâm Đồng.

Đặc điểm hình thái của bạch hỏa hoàng

Lan bạch hỏa hoàng thuộc loại lan phụ sinh bám trên cây gỗ hoặc giá thể. Chiều cao thân dài khoảng 3-6cm là đã có thể cho ra hoa. Lá của loại lan này khá dày và cứng. Chiều dài lá khoảng 10cm màu xanh đậm hơi cong xếp khít vào nhau tạo thành 2 hàng dọc thân. Bên trong lòng phiến lá cong lõm vào hình chữ V.

Điểm độc đáo làm lên tên tuổi của loại lan này chính là vẻ đẹp của những bông hoa khi nở. Hoa bạch hỏa hoàng mọc vươn cao khoảng 10cm. Hoa thường mọc ra ở phần nách lá. Hoa có kích thước nhỏ khoảng 2,5-4,5cm có màu trắng và môi đỏi sóng giữ môi có gợn. Hoa thường nở vào khoảng tháng 2-3 hàng năm mỗi khi nở cho hương thơm nhẹ và giữ được khoảng 1 tháng mới tàn.

Giá trị của bạch hỏa hoàng: Không chỉ là loài hoa đẹp và quý nổi tiếng được giới chơi Lan ưa chuộng. Loài lan bạch hỏa hoàng này còn được cho là một trong những bài thuốc chữa được một số bệnh như nhiệt thương tổn đến tân dịch, miệng khô, mắt nhìn kém và đau dạ dày khá tốt.

Cách trồng và chăm sóc hoa bạch hỏa hoàng: Loại cây này thường phân bố ở miền nam nhiều hơn miền bắc. Nhất là vùng đồng bằng tây nguyên vì ở đó khí hậu khô và ấm nên rất thích hợp cho bạch hỏa hoàng phát triển.

Giá thể trồng: Lan bạch hỏa hoàng có thể trồng trong chậu, giỏ gỗ hoặc có thể ghép trên giá thể gỗ lũa đều được. Loại lan này có cách trồng khá giống như lan Vanda có thể trồng được trong chậu đất nung đục lỗ có xếp than hoa được.

Yêu cầu ánh sáng: Lan bạch hỏa hoàng có yêu cầu chế độ ánh sáng khá cao khoảng 60%. Khi quyết định trồng loại lan này bạn nên đặt ở nơi thoáng gió và có ánh sáng dồi dào để cây được phát triển tốt nhất.

Chế độ tưới nước cho cây: Lan bạch hỏa hoàng có yêu cầu lượng nước ở mức trung bình. Mùa mưa nên tăng lượng nước tưới cho cây vào khoảng tháng 5 đến tháng 11. Mùa đông bạn giảm lượng nước tưới cho đến lúc ngừng để cây đi vào thời kì tượng hoa. Đến khoảng tháng 2 hoa sẽ bắt đầu nở lúc này bạn mới tưới nước trở lại.

Chế độ bón phân cho cây: Để cây được xanh tốt và ra nhiều hoa bạn nên bón thêm phân bón cho cây. Chế độ bón phân cho cây tương tự như chế độ tưới nước. Một năm bón phân cho cây chia làm 3 lần mỗi lần cách nhau khoảng 3 tháng. Phân nên là loại phân hữu cơ ủ hoai mục phối trộn thêm phân vi lượng để bón cho cây. Ngoài ra bạn có thể hòa với nước để phun đều lên trên cây.

Chú ý: Tuy là loại cây ưa ẩm và có nhu cầu nước cao tuy nhiên cần phải tưới một cách có kĩ thuật. Nếu như tưới nước và bón phân quanh năm thì cây sẽ rất xanh tốt và mập nhưng lại không ra hoa. Khi cây ngừng tưới trong mùa khô mà cây vàng và rụng lá thì phải chuyển chúng vào nơi mát mẻ nếu không chúng sẽ kiệt sức mà chết.

Trên đây là một số kiến thức để trồng và chăm sóc lan bạch hỏa hoàng một cách tưới tốt và hoa nở đẹp. Để có được một chậu lan bạch hỏa hoàng đẹp không quá khó nhưng cần phải áp dụng kĩ thuật đúng cách. Chúc các bạn sẽ có được những chậu bạch hỏa hoàng đẹp và thơm hương.

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Đặc điểm và cách trồng hoa lan bạch câu - Dendrobium crumenatum

Đặc điểm và cách trồng hoa lan bạch câu - Dendrobium crumenatum

Lan bạch câu có tên khoa học là Dendrobium crumenatum. Cây với nhiều tên gọi khác nhau như hoàng thảo bạch câu, trúc lan, tuyết mai hay thạch hộc. Chúng là một loài phong lan thuộc chi Lan hoàng thảo.


Loại lan bạch câu này dễ sống, dễ trồng và có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Chưa hết, loại hoa này có màu sắc đẹp và tỏa hương thơm ngát cả một góc vườn.

Nếu bạn là người giản dị và ưa thích những loại lan có màu sắc nhẹ nhàng mộc mạc thì chắc chắn sẽ thích loại cây này. Lan bạch câu với hình dáng đẹp và màu trắng nhẹ nhàng nên được nhiều người ưa thích khi nhìn thấy lần đầu tiên.

Loại lan này thường được phân bổ ở nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan  và cả Việt Nam. Tại nước ta loại bạch câu này thường tìm thấy được trong các khu rừng nhiệt đới thuộc các tỉnh như Kin Tum, Khánh Hòa cho đến Sài Gòn.

Đặc điểm hình thái loại lan bạch câu

Lan bạch câu là loại lan mọc thành bụi to như bụi trúc. Cây có giả hành nhỏ bên dưới giống như các cái hộc nên có tên gọi khác là thạch hộc. Cây có chiều cao trung bình từ 40 cm cho đến 1m. Cây có hoa mọc đều trên một cành với mỗi bông hoa có màu trắng với môi vàng hương thơm khá mạnh. Mỗi khi hoa nở nhìn từ xa bạn sẽ thấy trồng giống như những chú chim bồ câu vươn cánh trên trời cao. Chính vì thế mà cây được đặt tên là bạch câu vì lẽ đó. Tuy hoa nở nhiều nhưng lại khá nhanh tàn chỉ trong khoảng 48 giờ.

Cách kích thích lan bạch câu ra hoa

Loài cây này muốn nở hoa bạn cần phải tác động vào nhiệt độ trồng. Nếu như bạch câu có sự sụt giảm nhiệt độ độ ngột từ 5-6 độ C trong khoảng vài ngày thì khoảng 9 ngày sau chúng sẽ nở hoa đồng loạt. Trong Tự nhiên thông thường sau những cơn mưa nhiệt độ giảm đột ngột thì cây sẽ cho ra những bông hoa sau đó vài ngày. Do nắm được dặc điểm này mà bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh dược thời gian ra hoa của chúng tùy theo mục đích sử dụng.

Một số chú ý khi trồng lan bạch câu

Giá thể trồng cần được xử lý sạch sẽ trước khi trồng để cây không bị nhiễm bệnh từ các giá thể lây sang.
Nguồn nước tưới cây cần sạch sẽ và không bị nhiễm kim loại nặng.
Khi lan ra hoa cần chú ý tưới nước không tưới trực tiếp vào cánh hoa sẽ khiến hoa nhanh bị héo và thối không giữ được đồ bền của cánh hoa.

Trên đây là một số những kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây lan bạch câu. Một loại lan lạ và đẹp của nước ta. Hy vọng bạn sẽ có thể tự tay trồng và sở hữu những chậu lan to và đẹp nhất trưng bày trong sân vườn và trong không gian sống của mình. Chúc bạn thành công!

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Cách trồng và chăm sóc lan cẩm báo - Vanda parishii

Cách trồng và chăm sóc lan cẩm báo - Vanda parishii

Lan cẩm báo là giống hoa phong lan thuộc nhóm lan Vanda và họ Vandopsis. Đây là loại lan thường thấy ở khắp Châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và cả Việt nam. Ở nước ta giống lan đặc biệt này được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt, Tây Nguyên và các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Nguồn gốc phát hiện ra lan cẩm báo

Cây lan cẩm báo đầu tiên được phát hiện vào năm 1822 do một nhà truyền giáo người Anh ông Charles Samuel Pollock Parish tại Myanmar. Để vinh danh ông thì năm 1867 một tờ báo đã đăng tải loài lan này và đặt tên là Vanda parishii.

Đặc điểm của lan cẩm báo

Lan cẩm báo thuộc nhóm lan thân trung bình với chiều cao thân khoảng 20-30cm. Phiến lá của chúng dài khoảng 30cm và chiều rộng rơi vào khoảng 5-6 cm và có chùm hoa dài tới 45 cm. Điểm nổi bật nhất cũng là điểm làm nên thương hiệu của chúng là sắc hoa tuyệt đẹp. Hoa mọc thành chùm mỗi chùm dài đến 45cm và có khoảng 5-6 bông trên một chùm. Hoa có đường kính khá to với những cánh dầy có điểm đốm khắp lá giống như đốm của loài báo gấm rất đẹp. Cánh môi nhỏ nạc, thùy bên màu trắng có vạch vàng cam, thùy giữa màu đỏ mép trắng, hoa thơm.Hoa cũng thường nở vào mùa xuân nên được nhiều người ưa chuộng trồng hoặc mua về làm cảnh trưng ngày tết.

Ngoài loại lan cẩm báo thường thấy có màu vàng ra thì Việt Nam còn có thấy loại lan cẩm báo màu tím cũng rất nổi bật và độc đáo. Được biết trên thế giới cũng có loại lan màu đỏ thẫm hoặc nâu đỏ pha tím cũng rất đẹp và độc đáo.

Cách trồng và chăm sóc lan cẩm báo đúng cách: Lan cẩm báo có bộ rễ khá dày và nhiều. Cây ưa ánh sáng dồi dào và môi trường thông thoáng khô ráo. Cây thích hợp nhất là được trồng trong những giá thể gỗ lũa được ghép thêm rễ dương xỉ và vỏ thông lớn dễ thoát nước. nhiệt độ nóng ấm, mùa hè tưới nuớc hàng ngày và bón phân hàng tuần.

Giá thể trồng lan cẩm báo: Như đã nói ở trên thì loại lan này vốn thuộc loại lan rừng nên giá thể trồng tốt nhất là trên gỗ lũa đã được xử lý sẵn bằng việc ngâm qua vôi bột để xử lý hét mầm bệnh trong gỗ và bóc hết lớp vỏ ngoài của gỗ.

Cách chọn lan giống

Lan giống bạn mua ngoài chợ về phải là những bó lan lành lặn và khô ráo không bị ẩm ướt. Lan mang về treo khô và cắt bớt rễ dập rễ bị thối. Ngâm lan qua dung dịch Physan 15-20 phút rồi treo ở nơi khô ráo thoáng mát trong vòng 1 ngày. Tiếp đến bạn ghép vào giá thể đã chuẩn bị trước đó.

Trước khi trồng lan cẩm báo vào giá thể bạn có thể khoan trên gỗ một vài lỗ nhỏ để sau này rễ lan phát triển sẽ bám vào lỗ hổng nhỏ giúp cố định lan được chắc hơn. Khi ghép lan cần dùng dây nhựa buộc chặt giá thể lan vào gỗ. Treo lan vào chỗ thoáng mát trong tuần đầu tiên cho lan ra rễ quen với điều kiện sống sau đó mới đem ra ngoài trời có ánh sáng để trồng tiếp.

Với việc trồng trong chậu: Lan được ghép trong chậu bạn nên chọn loại chậu đất nung có nhiều lỗ thoáng khí. Tiếp đến đặt vào trong đáy chậu một vài miếng xốp nhỏ. Tiếp đến là đặt những viên than nhỏ lên trên. Bạn đặt cây lan giống vào và giữ cố định lan bằng những dây thép buộc chặt phần rễ vào thành chậu.

Cuối cùng bạn rải đều lên bề mặt một lớp dớn lên trên cùng. Việc bỏ dớn đều lên bề mặt sẽ giúp giữ ẩm cho cây.

Chăm sóc lan cẩm báo

Nhiệt độ, ẩm độ, sự tưới nước: Lan cẩm báo thích hợp với điều kiện khí hậu khoảng từ 25-30 độ C. Các chậu lan này nên được trồng với độ ẩm cao tuy nhiên ẩm độ trong chậu cần được thoáng mát.

Chăm sóc lan cẩm báo: Cây mới trồng cần phải được giữ ẩm thường xuyên hơn. Không nên để cây bị khô hạn vì nếu khô hạn bất chợt cây sẽ mất ổn định về ẩm độ và sẽ rụng dần lá và chết.Chính vì thế mà chế độ tưới nước cho lan cẩm báo tốt nhất tưới hàng ngày trong thời gian đầu. Khi tưới nên tưới bằng bình xịt hơi sương để cho cây không bị ảnh hưởng.

Ánh sáng: Lan cẩm báo thuộc giống ưa sáng. Trên thực tế môi trường giàu ánh sáng sẽ khiến cho lan nở hoa to và đẹp hơn. Cường độ ánh sáng nên ở mức 60% sáng là thích hợp nhất.

Nhu cầu phân bón: Lan cẩm báo là một trong số những loại giống cây có nhu cầu về loại phân bón khá cao. Ngay sau khi trồng nửa tháng bạn đã nên bổ sung thêm phân bón cho chúng đầy đủ. Loại phân bón thích hợp nhất đó chính là phân chuồng, phân bò hoai mục.

Chế độ bón phân cho cây: Ngoài ra bạn cũng có thể bón phân cho chúng với loại phân hóa học với công thức 3-10-10 tưới 2 ngày/lần với nồng độ 1 muỗng càphê/4 lít nước.

Sâu bệnh: Cẩm báo có dạng lá khá to nên thường hay bị một số loài rệp dính màu vàng tấn công. Nới xuất hiện thường là ở trên bề mặt lá của chúng. Ngoài ra còn có biểu hiện của những loại bệnh khác như bệnh thối đọt. Nếu như bệnh biểu hiện ra bạn cần phải dùng kéo cắt bỏ phần đọt lan ra sau đó bôi vôi bột lên và khử trùng hết để cắt cây lan khác. Nên phòng ngừa sâu bệnh cho lan bằng cách định kì phun các loại thuốc ngừa nấm như , Benomyl nồng độ 1/400 khoảng nửa tháng 1 lần

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Cách trồng và chăm sóc Hoàng thảo Kèn - Dendrobium Lituiflorum

Cách trồng và chăm sóc Hoàng thảo Kèn - Dendrobium Lituiflorum

Hoàng Thảo Kèn tên khoa học là Dendrobium Lituiflorum. Hoàng Thảo Kèn là một trong những loại lan tuyệt đẹp và quý hiếm. Cần có biện pháp bảo vệ và lời khuyên với người mới chơi lan là không nên trồng loại này, hãy để chúng nở hoa ở trên rừng trong môi trường tự nhiên của nó.


Hoàng thảo kèn hiện cũng được liệt kê vào 1 loại lan rừng thuộc loại "khó thuần" nên khi trồng và chăm sóc, chúng ta cần chú ý hơn để không bị bỏ học phí cao vì đây cũng là một trong những loại lan thuộc hàng đắt tiền hơn nhiều loại lan rừng khác.

Do tác giả bài viết này là người miền Bắc (tỉnh Cao Bằng) nên xin đưa ra những kinh nghiệm của cách trồng này áp dụng đối với khí hậu miền bắc có mùa đông với thời tiết giá lạnh, còn bác nào ở miền nam thì có thể áp dụng phương pháp cắt nước giống như phi điệp.
Thời gian trồng tốt nhất trong năm từ Tháng Hai đến khoảng tháng 4 dương lịch (có thể muộn hơn tùy thời tiết từng năm).

Cây mới lấy về cắt sạch rễ già (các bác đừng xót vì bộ phận hút nước của rễ già đã hỏng khi lột chúng khỏi giá thể khi cây đang mọc trong rừng, hoặc từ nơi khác... chỉ có đầu rễ mới làm chức năng sinh trưởng và phát triển hệ thống hấp thụ thức ăn và nước mà đầu rễ thì mất rồi nên chính cái rễ đó là nơi tích nước gây thối thân mẹ

Có thể dùng cồn 90 độ phun vào các vết cắt, bác nào có nước vôi thì nhúng nước vôi trong rồi treo ngược vài ngày cho quen môi trường rồi mới phun sương ẩm.

Cách chọn giá thể: Theo tôi thì bác nào mới tập chơi thì nên ghép chậu cho chắc ăn, còn bác nào có kinh nghiệm kha khá rồi có thể ghép gỗ vì ghép gỗ thường đạt độ thẩm mỹ cao hơn.

Quá trình ghép: Ghép cho thân hướng lên trên trời (theo tôi thì nó đạt độ thẩm mỹ cao hơn) trừ trường hợp thân quá dài và nặng thì phải ghép ngược thòng xuống như phi điệp và long tu hay hạc vỹ. Cố định gốc sao cho không bị di chuyển khi rung lắc giá thể. Nên treo cao nơi thoáng gió tránh nắng trực tiếp (chịu nắng kém hơn phi điệp). Khi ghép vào gỗ cần chú ý không ghép gốc vào các chỗ hốc lõm vì chúng sẽ tích nước làm thối gốc cây non.

Khi lan mới đem ở rừng về (hoặc nếu mua trên mạng thì sau khi nhận hàng) mà đang có nụ thì các bác chưa vội ghép, hãy cứ treo ngược lên khoảng 2 ngày, không tưới nước, không bón phân. Sau đó cắt rễ cách gốc khoảng 1cm đến 2cm rồi mới đem ghép. Nếu thời tiết khô ráo thì 1 tuần tưới nước (phun sương ẩm) khoảng 2 lần cho ẩm gốc, nếu thời tiết ẩm như những hôm trời mưa thì thôi.

Sau khi cây đã ra hoa, chúng ta hãy chụp ảnh hay quay phim (nếu cần) rồi sau đó cắt hết hoa đê cây tập trung dinh dưỡng nuôi mầm gốc và thân mẹ sẽ khỏe hơn. (Việc này chỉ thực hiện khi cây chưa ra rễ)
Các tưới nước: Các bác cứ tuân thủ quy tắc là giữa 2 lần tưới nước là phải để cho nó thật khô ráo, cộng thêm số lần tưới nước theo mùa, theo thời tiết (như đã nói ở trên) thì là tốt nhất. Nguyên tắc khi tưới nước là không được để gốc ướt quá 6 tiếng, cần chú ý treo chỗ thoáng gió để giúp gốc cây đảm bảo yếu tố này.

Phân: Mùa tăng trưởng phát triển của lan là sau mùa hoa, chồi non bắt đầu mọc từ gốc lên, lúc này dùng phân bón NPK 30-10-10 hoặc dùng phân cân đối có NPK 20-20-20 hàng tuần, pha loãng hơn liều lượng một chút để phun, thỉnh thoảng bổ sung thêm B1.

Phòng ngừa sâu bệnh: Vào mùa hè hay bị nhiễm một số bệnh như thắt gốc, thối nón, đốm lá, vàng lá, thối nhũn do mùa này thời tiết oi bức, mưa nắng thất thường. Mùa mưa nên phun Ridomil pha loãng bằng 1/2 liều chỉ định và phun 1 tháng 2 lần. THường bệnh phát sinh nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 cho đến tháng 9, mưa rào nắng lửa, khí hậu oi bức cây hay bị thắt gốc, thối ngọn

Trời vừa mưa to lan vừa bị ướt sũng mà lại nắng gắt luôn thì cây lan không thể thích nghi kịp thời nên phải để lan ra chỗ thoáng gió, gió lùa mạnh, và tránh ánh nắng trực tiếp.

Vào mùa lạnh là giai đoạn để lan nghỉ ngơi nên chỉ khi thấy cây bị teo , héo thì mới tưới nước. Đến đầu thời kỳ lập xuân (cuối tiết đại hàn đầu tiết lập xuân) thì bón thêm phân kích hoa 10-30-10 đến khi cây nhú nụ thì thôi.
Tuy nhiên thì cái này là tùy chọn cho các bác, nếu quá trình chăm sóc cây tốt thì tôi nghĩ cũng chả cần thuốc kích hoa thì cây cũng vẫn cứ ra hoa bình thường.
Hoàng Thảo Kèn tên khoa học là Dendrobium Lituiflorum.
Phong lan biểu sinh trong rừng lá rộng trên thân cây ở độ cao khoảng 300-1600m, phát triển trong nhiệt độ mát đến ấm nóng, loài Kèn còn có khả năng chịu lạnh xuống đến 1,2ºC. Chúng cần ánh sáng trung bình, ko ưa nắng trực tiếp. Do đặc điểm này nên khi trồng ở đồng bằng với điều kiện khí hậu quá nóng và nhiều nắng cây sẽ khó tích nghi, thường thì sau khi chơi hoa xong cây ra rất nhiều cây con ở gốc và rễ ra nhiều nhưng rồi sau đó lại chết. Hoàng thảo Kèn là loài hoa đẹp thơm và quý nhưng thực sự ở đồng bằng rất khó chăm sóc, phải những người thực sự am hiểu thực sự đam mê thì mới có thể thành công. Theo thống kê thì những người am hiểu sẽ trồng ở trên cao, đôi khi là các tầng cao của tòa nhà nơi thoáng gió và đã xử lý không để nắng chiếu trực tiếp, trồng ở dưới thấp không thoáng gió tỷ lệ chết cao hơn.
Thông tin liên hệ:

Website: http://Vuonhoalan.net
Blog: https://vuon-lan.blogspot.com/ 

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Dendrobium polyanthum, Den.cretaceum hay Den.primulinum?

Dendrobium polyanthum, Den.cretaceum hay Den.primulinum?

Tìm hiểu về những cây lan này, thực là muốn điên cái đầu. Theo The Plant List, một tổng hợpc ủa nhiều tổ chức với các chuyên gia về lan, thì cây Dendrobium primulinum(1858) hay Dendrobium cretaceumLindl. 1847 chỉ là những đồng danh của cây Den. polyanthum đã được công bố từ 20 năm về trước (1830).


Những cây lan này mọc ở các nước như Assam(Assam là một bang nằm ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, tọa lạc ở phía nam của dãy Himalaya), Hồi, Miến Điện, Trung Hoa, Thái, Lào và Việt Nam. Đây là những giống phong lan thuộc nhóm rụng lá vào mùa Đông.

Den. primulinum, tên Viêt gọi là Long Tu, thường mọc ở trên các núi cao độ từ 500 đến 1000m, (vùng núi phía Bắc, Bảo Lộc, Lâm Đồng). Thân dài khoảng 30-50 cm, buông thõng  xuống. Lá dài 8-10 cm, rộng 2 cm. Hoa 1-2 chiếc, ngang to 5-8 cm, mọc từ các đốt của thân cây đã rụng lá. Hoa nở vào mùa Xuân và mùa Hạ, có hương thơm và tàn trong 2 tuần lễ. Hoa có nhiều mầu sắc: cánh hoa mầu hồng nhạt, lưỡi hoa có mầu vàng chung quanh mầu trắng ngà hay phớt hồng.

Den. polyanthum hay là Den. cretaceum, tên Việt là Hoàng thảo vôi (Trần Hợp, Phạm Hoàng Hộ), Hoàng thảo sương mờ (Dương Đức Huyến), là một giống phong lan thân mập mạp và dài 30-40 phân, mọc ỏ Biên Hòa, Định Quán. Hoa to 3-5 phân, mọc một chiếc từ các đốt trên thân cây đã rụng lá, có hương thơm và nở vào cưối Đông, đầu Xuân.



Những cây lan kể trên mầu sắc và hình dáng có đôi chút khác nhau, nhưng cấu trúc giống y như nhau cho nên việc nhân diện thực là khó khăn nhất là những cây mọc ở Assam, Hồi, Miến Điện, Trung Hoa, Thái Lan và Lào
Xem đến đây mà bạn chưa thấy hoa mắt xin hãy vào Google gõ mấy chữ Den.cretaceum, Den. polyanthum và Den. primulinum sẽ thấy hình ảnh 3 cây lan này lẫn lộn với nhau như lạc vào mê hồn trận. Tốt hơn hết là cứ dùng cái tên chung: Den. polyanthum cho khỏi rắc rối, nhưng nếu vẫn còn sáng suốt xin hãy dùng cái tên cũ cho chính xác hơn.

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Nghệ Tâm - Dendrobium loddigesii Trồng và chăm sóc

Nghệ Tâm - Dendrobium loddigesii Trồng và chăm sóc

Hoa Lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm dòng lan hiện được rất nhiều người ưa chuộng vì đặc tính rất dễ ra hoa, siêng hoa và màu sắc rất bắt mắt. Hiện nay giá thành cây cũng rất hợp lí và cũng rất đáng để sưu tầm vào vườn hoa của nhà bạn.


TÊN GOỊ: HOA LAN HOÀNG THẢO NGHỆ TÂM
Tên khoa học: Dendrobium loddigesii
Lớp cao hơn: Chi Lan Hoàng Thảo
Cấp độ: Loài

PHÂN BỐ VÙNG MIỀN

Hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm có nguồn gốc xuất sứ từ rất nhiều nơi đặc biệt vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam mọc dải rác từ Miền Bắc vào đến Miền Nam Bộ dọc theo dãy Trường Sơn giáp với nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Ở Việt Nam xuất hiện tại các tỉnh như Hòa Bình, Thái Nguyên, Lâm Đồng...
HÌNH DÁNG CÂY

Thân: Phong lan thân thòng, thân nhỏ và ngắn thường mọc hướng lên trên hướng ánh nắng sau đó dài ra và rủ xuống. Thân cây thường cao có thể đến 40 cm, đường kính thân nhỏ khoảng 0.2-0,3 cm tùy vào loại thân nhỏ (còi) và loại thân to (cây trưởng thành) và vùng xuất sứ cây, thân cây thường có màu xanh đậm và xanh ánh vàng, trên thân cây cũng có thể có sọc trắng mờ dọc theo thân. Thân cây có những đốt ngắn, mỗi đốt sẽ có 1 lá. Cây nảy mầm và ra lá từ gốc vào dịp đầu năm đến cuối năm thì thường sẽ ngừng phát triển.

Lá: Loại này ra rất nhiều lá, lá mọc trên thân cây, lá dạng so le cách nhau khoảng từ 1-2 cm, lá dài từ 2-3cm và rộng khoảng 1,5-2 cm (hoặc có thể to hơn 2cm, loại đặc biệt, rất hiếm), đuôi lá nhọn, dáng lá giống hình thoi. Màu của lá thường có màu xanh đậm, màu xanh vàng tùy thuộc vào tình trạng cây đủ nắng hoặc thiếu nắng. hoặc thiếu nắng, cổ lá có khấc màu xanh trắng, trên lá cây có thể sẽ có nhiều gân và có thể có  sọc trắng mờ dọc theo lá, cuối từng chiếc lá sẽ có những vết khuyết nhỏ chéo giữa nửa lá này và nửa lá bên kia.

Thường cây đến cuối năm sẽ ngừng phát triển và rụng lá từ gốc sau đó lan dần lên ngọn nhưng cây vẫn hút nước qua rễ để nuôi thân và cho hoa năm tới.

Rễ cây: Rễ cây thuộc loại rễ chùm, đầu rễ thường có màu xanh trắng, Thân rễ thường có màu trắng ngà và ít khi có màu khác. Cây ra rễ ở gốc và ở các cây ki con mọc ra trên thân cây cũ. Với khí hậu nóng và không lạnh thì rễ mọc quanh năm, còn nếu có mùa đông rễ cây sẽ ngừng phát triển hoăc phát triển rất chậm. Rễ cây bắt đầu ra sẽ có rất nhiều đầu rễ sau đó theo năm tháng sẽ dài ra và tiếp tục ra nhiều rễ phân nhánh con bám vào chất trồng để đi tìm hơi ẩm.

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Mùa nở hoa: Mùa Hoàng Thảo Nghệ Tâm  nở hoa thường vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè,ra hoa vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 5.Hoa nở dải rác và dựa theo vùng miền nuôi trồng cây.

Cần hoa và bông hoa: Hoa dạng chùm, cần mọc ra ngay ở mắt thân cây có chiều dài khoảng 2-3cm, thường mỗi cần sẽ có từ 1-3 bông hoa. Độ dày hoa phụ thuộc vào cây to hay nhỏ, thường cần hoa ra ở mỗi mắt của thân cây. Hoa mọc rất dày trên thân, thường mỗi thân sẽ có hoa khoảng 1/3 chiều dài của thân. Mỗi bông hoa có đường kính từ 2-3 cm(có thể to hơn do tình trạng cây nhưng rất ít thấy).

Màu Sắc và Hương thơm: Màu sắc của Hoa Lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm chỉ có là màu trắng tím vàng (cánh hoa màu trắng tím và lưỡi màu họng vàng viền trắng, màu 5 cánh trắng họng vàng (hoa đột biến semi alba rất hiếm) và có màu trắng tuyền (hoa đột biến var alba rất hiếm).

Hoa Lan Nghệ Tâm rừng cánh hoa rất đa dạng như cánh sen, cánh bay... cánh hoa rất đa đạng làm cho người sưu tầm rất lâu mới có thể khám phá hết, hơn nữa một số cây cũng mùi hương cũng rất nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Thường những người chơi lâu năm sẽ sưu tầm những loại có hoa đột biến vì loại này có rất ít. Độ bền của hoa khoảng 3-5 ngày nếu ở trong điều kiện nóng và khô, cũng có thể lên đến đến khoảng > 5 ngày nếu thời tiết mát mẻ .
ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÂY HOA LAN HOÀNG THẢO NGHỆ TÂM PHÁT TRIỂN TỐT

Hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm là loại hoa lan ưa ẩm và thoáng gió. Ánh sáng từ 20-50% và độ ẩm trong không khí 70%-80% là cây phát triển tốt. Bạn chỉ cần có 1 khu vườn nhỏ với có ánh nắng khoảng 3h đồng hồ trở lên. Độ ẩm phù hợp để trồng và nuôi cây thì có thể tạo ra bằng cách đặt những khay nước phía dưới dàn để tạo độ ẩm cho vườn. Nếu vườn không ít gió hoặc hoàn toàn không có thì nên lắp một chiếc quạt thông gió vừa giúp thông gió vừa làm mát cho cả vườn.

CÁCH TRỒNG CÂY HOA LAN HOÀNG THẢO NGHỆ TÂM

Khi mua cây lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm về cần làm những bước sau:

1. Chuẩn bị giá thể trồng cây: Giá thể trồng cây nên dùng cục gỗ, dớn miếng, chậu các loại, rêu giữ ẩm... quan trọng nhất là giá thể cần phải sạch.

2. Cách tách cây ra khỏi chậu: Cần tưới thật nhiều nước liên tục vào giò lan chuẩn bị tách cây ra, sau đó để khoảng 20-30 phút thì bóc từng rễ ra và cắt hết những rễ bị khô hoặc bị sâu bệnh sau đó chuyển sang giá thể mới.

Trồng Hoa Lan Hoàng Thảo NGhệ Tâm hàng rừng mới khai thác: khi mang về nên cắt hết rễ hỏng, bôi keo liền sẹo vào những vết dập và phun 1 lần thuốc chống nấm bệnh, sau đó treo lênn khoảng 2-3 ngày thì ghép.

3. Trồng và ghép cây: Trồng cây vào chậu hay vào ghép gỗ cũng phải đặt thẳng để ngọn cây hướng về phía ánh nắng giúp cây quang hợp tốt, giữ cho gốc thật chắc phòng khi va chạm vào gỗ rễ không bị lung lay khiến bị thui rễ. Thường thì trồng vào cục gỗ hoặc cây sống thì không giữ được độ ẩm tốt bằng trồng chậu. Thế nhưng loại này nên trồng vào cục gỗ hoặc cây vì loài này ưa thoáng gió, nắng. Vậy cây sẽ phát triển tốt hơn.
CÁCH CHĂM SÓC CÂY HOA LAN HOÀNG THẢO NGHỆ TÂM

Lượng sáng:

Vì lượng ánh sáng cần cho hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm là khoảng 20%-50% nên để cây phát triển tốt nhất chúng ta dùng lưới che nắng. Hiện nay có rất nhiều loại lưới dùng để che nắng cho hoa lan được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu như của Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…Khi mới trồng cây (cây chưa thuần) ánh nắng hợp lí cho cây khoảng dark 600-800 light tức là khoảng 20% ánh nắng khi nhiệt độ ở trên 30°C và 40% ánh nắng khi nhiệt độ ở dưới 30°C. Khi cây thuần tức là chúng đã bám rễ và khỏe mạnh, bạn chỉ cần để cây dưới lượng ánh nắng trung bình là khoảng 30% là cây có thể phát triển khỏe mạnh quanh năm.

Tưới nước:

Quan trọng nhất là tưới nước tưới thể nào để cây đủ ẩm vừa đủ độ sạch lá để cây quang hợp tốt, giá thể thông thoáng để bộ rễ phát triển mạnh. Đối với cây lan ghép trực tiếp vào cục gỗ hoặc thân cây sống thì ít nhất mỗi ngày phải tưới 1 lần trời nắng nhiệt độ ở dưới 30°C và tưới 2 lần khi nắng nóng khi nhiệt độ ở trên 30°C kiểu trồng này thoát nước rất nhanh, giữ độ ẩm rất kém. Còn đối với cây trong chậu thì trung bình sẽ tưới ít hơn ở cục gỗ vì  khi trồng vào chậu sẽ giữ độ ẩm tốt hơn và lượng nước cần tưới cũng sẽ giảm đi một chút.

Chú ý không nên tưới mạnh quá khiến lá cây, thân cây và rễ bị dập hoặc tổn thương rất dễ gây bệnh cho cây. Tốt nhất dùng vòi nhiều chế độ để thay đổi khi tưới xa hoặc gần và mua 1 chiếc máy đo nhiệt độ, độ ẩm cho vườn.

Điều kiện để cây Hoàng Thảo Nghệ Tâm ra hoa: Dòng cây này thường đến cuối năm sẽ rụng hết lá, như vậy lá rụng hết sẽ đạt được lượng hoa nhiều nhất. Dù cây trồng đã thuần hay chưa thì chỉ cần đáp ứng đủ độ ẩm, ánh sáng, lưu thông gió để rễ cây phát triển tốt. Và đặc biệt đến cuối mùa đông khi cây đã chậm phát triển hơn thì nên để cây ra chỗ thoáng gió giúp cây hấp thụ ánh nắng và phát triển để  năm tới cây ra hoa bình thường.
Một số cây nghệ tâm vẫn ra hoa khi lá còn nguyên, bạn cần chú ý đến mùa nghỉ của cây khi vào giai đoạn cuối mùa thu và mùa đông, cần cắt phân và giảm nước tưới.

Bón phân và phun thuốc:

Thời điểm bón phân cho hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm: Bón cho cây vào thời điểm cây đã và đang phát triển bộ rễ, có thể dùng phân tan chậm hoặc dùng phân bón qua lá. Bón phân cho cây quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa phát triển mạnh về lá và thân giúp cho cây khỏe mạnh và nhanh lớn. Vào dịp đầu năm chúng ta nên bón phân đều đặn để tích lũy đủ lực để cây phát triển tốt và năm tới cho hoa đẹp. Những tháng mưa nhiều nên dừng bón vì nước mưa đã có rất nhiều chất thúc đẩy cây phát triển tốt. Những tháng còn lại để giữ cho cây phát triển đồng đều tăng sức đề kháng và chống lại bệnh tật.

Thời điểm phun thuốc phòng và trừ bệnh cho hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm: để cây hấp thụ thuốc tốt nhất thì nên phun vào buổi chiều mát và không có mưa. Mỗi tháng nên phun một lần để phòng bệnh cho lan. Vào những tháng mưa nhiều nên phun liên tục từ 10-15 ngày 1 lần. Khi thấy thời tiết sắp mưa dài ngày là phải phun trước phòng để tránh trường hợp cây bị bệnh.

Cách bảo quản hoa của cây hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm:

Hoa lan Hoàng Thảo Nghệ Tâm muốn nở  nhanh thì để vào chỗ độ ẩm cao, tránh mưa, kín gió, thắp đèn để ánh sáng suốt cả ngày và đêm để cây hoa phát triển nhanh hơn. Tưới nước và phun kèm phân để thúc đẩy cây hoa phát triển.

Còn muốn giữ hoa lâu tàn nên để vào chỗ độ ẩm lớn tránh mưa, làm giảm ánh sáng, tưới nước ít hơn và không phun phân thuốc. Khi tưới nước tránh tưới vào hoa, nên tưới vào xung quanh để cây dùng rễ và lá hấp thụ hơi nước.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Hướng dẫn cách chăm sóc hoa Phong lan Hỏa Hoàng

Hướng dẫn cách chăm sóc hoa Phong lan Hỏa Hoàng

Giống lan hỏa hoàng được biết đến nhiều nhất với chiều cao khiêm tốn từ 6-10cm và ra hoa rất nhiều, với những bông hoa mọc dài khoảng 20cm , Lá rất dày, cứng xanh đậm, hơi cong, xếp khít nhau thành 2 hàng dọc thân. Lòng phiến lá cong lõm hình chữ V. Đỉnh lá có hai thùy với răng nhọn như kiểu Vanda.

Cây hoa lan hỏa hoàng thường phát hoa ở nách lá, dựng đứng, với các mang hoa xếp khít nhau, Hoa nhỏ 1,8 cm màu vàng cam với 3 lá đài và 2 cánh hoa gần bằng nhau. Môi hình lưỡi ở thùy giữa, 2 thùy bên nhỏ, đứng; túi cựa dài hình trụ hơi cong về phía trước và hơi dẹp 2 bên.

Trong túi cựa không có phụ bộ gì cả. Trụ nhỏ với nắp nhụy đực màu đen nổi bật lên giữa màu vàng của hoa. Màu vàng của hoa từ vàng lửa (Hỏa Hoàng) cho đến màu vàng chanh (gọi là Var. citrinum). hoa không thơm nhưng bền khoảng trên 1 tuần.

Cây hoa hỏa hoàng thường phát triển trải đều trên nước ta và thường mọc tập tập trung ở các khu vực rừng nhiệt đới và cây thường mọc thành từng bụi rất lớn, cây phát triển rất nhanh

Cách trồng lan Hỏa Hoàng

Cây dễ trồng với chậu bằng giỏ gỗ hoặc ghép trên khúc gỗ hay trên thân cây gỗ như trồng Vanda. Cũng có thể trồng trong chậu đất nung với than to. Ánh sáng cần thiết phải nhiều, trên 60%. Tưới nước và bón phân vào mùa dinh dưỡng trùng vào mùa mưa khoảng tháng 5 đến tháng 11. Đến mùa khô, khoảng tháng 12 đến tháng 2 thì giảm thiểu hoặc ngừng tưới nước để cây đi vào thời kỳ tượng hoa và chúng sẽ nở hoa từ tháng 2 đến tháng 4.
Cách chăm sóc lan Hỏa Hoàng

Trong quá trình chăm sóc  bạn nên để ý những lư ý sau:

Nếu cứ tưới nước và bón phân quanh năm thì cây sẽ tươi tốt mập mạnh mà không cho hoa. Nếu ngừng tưới trong mùa khô mà cây vàng và rụng lá thì phải chuyển chúng vào nơi mát mẻ, nếu không chúng sẽ kiệt sức mà chết luôn.

Chọn giá thể thích hợp: Hỏa Hoàng nên ghép cây, nhất là ghép gỗ lũa (dạng nhỏ – trung bình), không nên ghép chậu hoặc dớn.Đảm bảo không thua kém bất kỳ loại nào, kể cả Cat. (hehe, hình như mình nói hơi quá!)

Trồng đúng cách: tùy theo dạng gỗ ghép mà chúng ta nên ghép ít hay nhiều cây trên 1 khúc gỗ.

Chọn hướng: chọn hướng mà cây ghép sẽ ra hoa, nhằm tránh trùng lắp hoặc trồng chéo, làm giảm vẻ đẹp và mau hư hoa.

Chọn không gian: chọn vị trí đặt để sao cho cây được thông thoáng mọi hướng, thường là treo dưới bàn thờ hoặc để trên 1 giá gỗ hoặc ghế gỗ!

Hỏa Hoàng thường ra hoa vào đầu hạ, khoảng tháng 4, tháng 5. Năm nay mùa hạ đã qua mà Hỏa Hoàng không có hoa, giữa lúc tôi không còn hy vọng được ngắm hoa nữa, sau hơn một tuần mưa dầm dề, tôi chợt phát hiện giò Hỏa Hoàng có một vòi hoa. Hỏa Hoàng ra hoa vào tháng 10, thật lạ!