Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Giới thiệu về hoa lan


Giới thiệu về hoa lan

Cấu tạo của hoa lan cực kỳ phong phú và hấp dẫn, mỗi loại có những đặc điểm chung và riêng đặc trưng cho loài, khi tìm hiểu về lan đến một lúc bạn sẽ thấy yêu loài hoa này từ lúc nào không hay.

Tên tiếng anh/Tên khoa học: Orchid/Orchidaceae
A. Đặc điểm thực vật học Hoa Lan

1. Cơ quan dinh dưỡng

1.1. Giả hành (thân giả)

Chỉ xuất hiện trên các loài lan đa thân. Giả hành (giẻ hành) là bộ phận rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của lan. Giả hành tuy là thân nhưng lại chứa diệp lục, đây là bộ phận dự trữ nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của giả hành mới. Giả hành cũng là cơ quan dự trữ nước, do vậy cây lan có thể sống lâu hơn các loài lan đơn thân. Giả hành của các loài khác nhau thì rất khác nhau, ngay trong một loài thì cũng có sự khác nhau giữa các giống: giả hành hình thoi đối với các giống thuộc loài Cattleya hoặc giả hành hình tháp như các giống thuộc loài Cymbidium.

Đặc điểm của hoa lan đa thân và hoa lan đơn thân
1.2. Thân cây lan

Thân vảy giả có nhiều hình dáng khác nhau tùy theo giống lan. Trên thân có đốt, trên mỗi đốt mọc một nhánh lá hoặc là lá bao. Thân là cơ quan dự trữ nước và chất dinh dưỡng, mầm hoa và mầm lá đều mọc từ phần gốc của bộ phận thân rễ. Chỉ có các loài đơn thân và một số loài của giống Dendrobium và Epidendrum vừa có giả hành, vừa có thân. Các loài lan có thân thường không có cơ quan dự trữ nước và chất dinh dưỡng. Thân lan thường biến động lớn, to nhỏ khác nhau từ vài cm đến vài chục cm. Thân thường mang rễ và lá, ở nhóm đơn thân, rễ và lá thường mọc theo 2 chiều thẳng góc nhau, chồi hoa thường xuất hiện trên thân từ các nách lá.

1.3. Lá cây lan

Phiến lá thường có hình lưỡi kiếm dài, số lượng và hình dạng lá khác nhau tùy chủng loại lan khác nhau. Lá có thể mọc đối xứng hoặc không đối xứng qua gân chính, lá sát nhau ở gốc là cơ quan dinh dưỡng của hoa lan, là xưởng chế tạo chất dinh dưỡng hay xếp cách có bẹ úp lên nhau, chia đốt đều đặn, có khi thoái hóa thành vẩy hay phình lên, mọng nước, hình dạng rất khác nhau.

1.4. Căn hành(thân-rễ)


Chỉ gặp ở lan đa thân. Căn hành thật sự là thân cấp 1 và từ đó hình thành thân cấp 2, chúng có thể dài ra và mang lá được gọi là thân, hoặc bị thu ngắn lại, dày lên tạo thành giả hành. Căn hành là nơi cấu tạo của các cơ quan dinh dưỡng mới, trên căn hành có nhiều mắt sống, chết hoặc mắt ngủ, chính ở nơi giả hành tiếp xúc với căn hành có từ 1-2 mắt, mắt lá nơi hình thành nhiều rễ để nuôi sống cây lan. Do đó căn hành là bộ phận quan trọng nhất cho việc duy trì và phát triển số lượng lan theo phương pháp tách nhánh thông thường.

1.5. Rễ cây lan

Ở lan đa thân, rễ thường được hình thành từ căn hành. Ở các loài đơn thân thì rễ mọc thẳng từ thân và thường xen kẽ với lá. Rễ trên không của các loài lan phụ sinh có một trục chính bao quanh bởi mô không chặt, giống bọt biển bao quanh gọi là mạc. Mạc có thể hấp thụ hơi nước của không khí, cũng như tích trữ nước mưa và sương đọng. Do mạc che phủ lớp rễ nên lan có thể hút ẩm nhanh và giữ ẩm trong một thời gian dài.

2. Cơ quan sinh sản của cây  lan

2.1. Hoa lan

Cấu tạo của hoa lan cực kỳ phong phú và hấp dẫn, ta có thể gặp nhiều loài mà mỗi mùa chỉ có một đóa hoa nở hoặc có nhiều cụm hoa mà mỗi cụm chỉ đơm một bông. Tuy nhiên đa số các loài lan đều nở rộ nhiều hoa, tập hợp thành chùm. Phân bố ở đỉnh thân hay nách lá, gốc cuống chính, thường có lá bắc dạng vảy hay dạng mo. Cuống chính đôi khi rút ngắn lại làm cụm hoa có dạng tán giả, hay cuống chính vừa ngắn lại vừa mập, cụm hoa có dạng gần như hình đầu. Ở nhiều loài có cuống rất ngắn nên chùm hoa có dạng bông hay cuống chính vặn xoắn để hoa xếp theo đường xoắn ốc.

Hoa lan thuộc loại hoa mẫu 3. Có 6 cánh hoa, trong đó có 3 cánh hoa ngoài cùng gọi là 3 cánh dài. Nằm kề bên trong có xen kẽ với 3 cánh dài là 3 cánh hoa. Hai cánh bên thường giống nhau, cánh còn lại nằm ở phía trên hay phía dưới của hoa, thường có màu sắc và hình dạng đặc biệt khác hẳn 2 cánh kia được gọi là cánh môi. Chính cánh môi quyết định giá trị thẩm mỹ hoa lan.

Ở giữa hoa có một cái trụ nổi đó là bộ phận sinh dục của hoa. Trụ đó gồm cả 2 phần sinh dục đực và sinh dục cái nên được gọi là trục - hợp - nhụy. Phần đực nằm ở bên trên của trục, thường có nắp che chở, bên trong chứa khối phấn màu vàng. Số lượng khối phấn biến đổi từ 2, 4, 6 đến 8, có dạng thuôn hay cong lưỡi liềm, đôi khi thuôn dài có đuôi. Hoa phong lan có bầu hạ, thuôn dài kéo theo cuống. Bầu hoa lan có 3 ô gọi là 3 tâm bì (hoặc đính noãn trung trụ) hoặc đính noãn bên. Trong bầu chứa vô số các hạt nhỏ li ti gọi là tiểu noãn nằm trên 3 đường dọc theo chiều dài của 3 mép tâm bì. Sau khi thụ phấn, thụ tinh, các tiểu noãn sẽ biến đổi và phát triển thành hạt, trong khi đó bầu noãn sẽ to phát triển thành quả.

Cấu tạo hoa lan
2.2. Quả và hạt lan

Quả lan thuộc loại quả nang, nở ra theo 3-6 đường nứt dọc, có dạng từ quả cải dài đến hình trụ ngắn phình ở giữa. Khi chín quả nở ra và mảnh vỏ còn dính lạ với nhau ở phía đỉnh và phía gốc.

Hạt lan rất nhiều, nhỏ li ti. Trọng lượng toàn bộ hạt trong một quả nang chỉ bằng 1/10 đến 1/1000 miligam và hầu như không có trọng lượng.

B. Phân loại hoa lan

1. Phân loại theo hệ thống thực vật học

Cây hoa Lan (Orchid sp.) thuộc họ Phong lan (Orchidaceae); bộ lan (Orchidales); lớp một lá mầm Monocotyledoneac.

Họ phong lan phân bố rộng từ 680 vĩ Bắc đến 560 vĩ Nam, từ gần Bắc cực như Thụy Điển, Alaska, xuống tận các đảo cuối cùng ở cực Nam của Oxtralia. Tuy nhiên tập trung của họ lan chủ yếu ở các vĩ độ nhiệt đới, đặc biệt ở châu Mỹ và Đông Nam Á.

Đến nay loài người đã biết được trên 750 chi với 25.000 loài lan tự nhiên và 75.000 loài lan do kết quả chọn lọc và lai tạo.

Ở Việt Nam có hàng trăm loài lan, trong đó các loài lan sau được trồng rộng rãi trên khắp đất nước.

2. Phân loại theo đặc điểm hình thái thân cây

Căn cứ vào đặc điểm hình thái thân cây có thể chia lan làm hai nhóm:

- Nhóm đơn thân: đây là nhóm chỉ tăng trưởng về chiều cao làm cho cây dài ra mãi. Nhóm đơn thân chia thành 2 nhóm phụ:

- Nhóm phụ lá mọc đối (Sarcanthinae): nhóm này lá được xếp thành 2 hàng mọc đối nhau, lá trên một hàng xen kẽ với lá của hàng kia. Gồm các giống như: Vanda, Aerides, Phalaenopsis...

- Nhóm phụ lá dẹp thẳng hay tròn (Campylocentrinae): Papilionanthe, Luisia...

- Nhóm đa thân: đây là nhóm gồm những cây tăng trưởng liên tục. căn cứ vào cách ra hoa nhóm này chia thành 2 nhóm phụ:

- Nhóm ra hoa phía trên: Cymbidium, Dendrobium, Oncidium...

- Nhóm ra hoa ở đỉnh: Cattleya, Laelia, Epidendrum...

Ngoài ra còn có một số giống mang tính chất trung gian như: Centropetatum, Phachyphllum, Dichaea...

3. Phân loại theo môi trường sống của lan

Căn cứ vào môi trường sống của lan cũng có thể chia thành 3 loại:

Địa lan: cây lan sống trong đất hoặc trong giá thể có đặc điểm gần như đất
Phong lan: cây lan sống trong không khí.
Bán địa lan: cây lan có thể sống trong môi trường không khí và trong đất


Thông tin liên hệ:

Website: http://Vuonhoalan.net
Blog: https://vuon-lan.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét