Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Nhân giống Phong Lan

Nhân giống Phong Lan

Nhân giống phong lan tiến hành vào mùa xuân là thời vụ thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây này, phương pháp nhân sinh dưỡng bằng tách những mầm chồi phát ra từ xung quanh cổ rễ

Khác với các cây trồng cạn, trồng trong môi trường nước (thủy sinh), các loài phong lan (họ lan Orchidae) lại có đời sống khí sinh, bì sinh (không cần đất) nhờ bộ rễ "ăn nổi" bám vào vỏ cây rừng nhiệt đới hoặc hút chất dinh dưỡng từ mùn hữu cơ đang hoai mục tích tụ trong các hốc đá cheo leo để hoàn tất vòng đời

Là họ tiến hóa cao trong thế giới thực vật, phong lan thích nghi hoàn hảo với thụ phấn nhờ sâu bọ nên có nhiều đặc điểm rất hấp dẫn thị hiếu con người: Sắc màu, hương thơm đa dạng và phong phú, mật ngọt, phấn bùi v.v... lại không cần đất, không đòi hỏi hướng phơi sáng trực tiếp do thích nghi với khí hậu nóng ẩm, dưới bóng râm nên cây này rất thích hợp cho mọi nơi chốn, nhất là chung cư, đô thị. Vì vậy nhu cầu về giống vượt trội so với khả năng cung cấp của lan tự nhiên (lan rừng).

Do đó cần phải chọn lọc giống tốt, chủ động nhân ươm để cung kịp cầu trong phong trào chơi sinh vật cảnh rầm rộ như hiện nay và tăng trưởng mạnh hơn khi công cuộc xóa đói giảm nghèo tiến triển.

Nhân giống phong lan tiến hành vào mùa xuân là thời vụ thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây này, phương pháp nhân sinh dưỡng bằng tách những mầm chồi phát ra từ xung quanh cổ rễ (gốc) của cây mẹ trong bụi – đó là những "giò" lan. Cũng giống như chuối (cùng lớp một lá mầm có gân lá song song hoặc hình vòng cung, rễ chùm), trong việc chọn giống và nhân cần lấy từ những khóm (bụi) lan đã bói hoa, còn đang sung sức, không bị sâu bệnh để cây giống sẵn có kích thích tố (auxin) sinh sản vừa lớn nhanh, lại sớm trổ hoa trở lại sau khi trồng.

Dùng dao hoặc kéo hay mũi đục sắc đã hơ lửa, nhúng cồn để sát trùng tách giò lan giống sát gốc cây mẹ, kèm theo bộ rễ mới và giá thể (đặc biệt cần với lan rừng để cây giống sẵn có thức ăn ban đầu giúp thích nghi dần với nơi ở mới). Chấm gốc giò giống vào tro bếp hoai mục (tro "xó bếp") hoặc hỗn hợp tro + bùn hẩu đã khuấy kỹ theo tỷ lệ 1:1 về khối lượng để "hồ" – kích thích rễ mới ăn ra nhanh và nhiều (như kinh nghiệm "hồ" rễ mạ và nhiều loài, giống cây trồng khác), rồi cho vào lồng, cố định với giá thể (và cũng là thức ăn nuôi lan).

Giá thể cho lan bám và hút chất khoáng dễ tiêu chính là những mẩu gỗ vụn còn nguyên vỏ đang hoai mục đã bị hơ xém vỏ ngoài để tiệt trùng và hấp dẫn, kích thích rễ lan "ăn ra" bám vào đó. Nên lấy ở những cây không nhựa mủ thích hợp với nhu cầu đồng hóa của rễ phong lan (tốt nhất là cây vỏ dầy chứa nhiều hữu cơ tinh luyện đang phân hủy). Có thể trộn thêm với những mẩu than gỗ nhỏ và xỉ than, bã chè hoai mục... theo tỷ lệ 7:1:1:1 (theo khối lượng) đảm bảo cân đối và đầy đủ khoáng đa, vi lượng nuôi lan.

Treo "lồng" lan giống dưới tán cây, bóng râm hoặc đặt dưới giàn che, điều hòa ẩm độ cho giá thể và môi trường không khí bao quanh thường xuyên ẩm và mát. Tuyệt đối không để bộ rễ sũng nước hoặc khô quắt.

Phun tưới cho cây theo kinh nghiệm: "Hai ướt – một khô" trong ngày, nhất là khi thu về hanh lạnh. Đó là sáng sớm (trước bình minh) và chiều tối (sau hoàng hôn) để cây được mát gốc, chồi và lá không bị cháy khảm (lỗ rỗ) do các giọt nước hội tụ ánh nắng gây ra

Có thể "bồi dưỡng" cho lan bằng nước gạo tươi (mới vo chưa chua), không lạm dụng phân hóa học vì dễ gây "tốt lá xấu hoa" hoặc "thâm rễ thối mầm".

Khi thấy lá ngọn rụt lại (cũng giống như chuối và hầu hết các cây 1 lá mầm) cần tăng thời gian phơi sáng thêm 1 – 2 giờ trong ngày thì hoa sai, thắm sắc, đậm hương hơn
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét