Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Lan kim tuyến - kim cương

Lan kim tuyến - kim cương

Lan kim tuyến, Lan kim tuyến lông cứng, Kim tuyến, Kim tuyến tơ, Giải thủy tơ, Lan gấm, Cỏ nhung, Kim cương (Anoectochilus setaceus) là một loài thực vật điển hình của chi cùng tên (Anoectochilus).


Lan kim tuyến là một loài lan đất có mặt ở Vân Nam, Lào và Việt Nam. Chúng sinh sống trên các triền núi đá vôi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 mét.

Cây ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, yêu cầu đất nhiều mùn, tơi xốp, thoáng khí. Cây cao 10–20 cm, thân màu tím, mọng nước, phần cây non có nhiều lông mềm, mang 2-6 lá mọc cách, xòe trên mặt đất. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, gần tròn ở gốc và nhọn ở đầu, dài 3–4 cm và rộng 2–3 cm, trên mỗi chiếc lá có 3-5 sọc gân dọc. Mặt trên màu nâu sậm có vệt vàng ở giữa và mạng gân màu hồng nhạt, mặt dưới màu nâu nhạt. Cuống lá dài 2–3 cm, gốc cuống tạo thành bẹ lá ôm lấy thân. Hoa mọc thành từng cụm, với cụm hoa dài 10–15 cm, mang 5-10 hoa màu hồng phủ lông đỏ, dài 2,5 cm với cánh môi dài 1,5 cm mang 6-8 ria mỗi bên, đầu môi chẻ thành 2 thùy thuôn đầu tròn. Bầu dài 13 mm, có lông thưa. Cây ra hoa vào tháng 10-12 và mùa quả chín vào tháng 12 tới tháng 3 năm sau. Có thể sinh sản vô tính chủ yếu bằng chồi và thân rễ.

Trong y học, Lan kim tuyến được sử dụng làm thuốc trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mãn tính, viêm khí quản, viêm gan mãn tính, suy nhược thần kinh; giúp tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn. Thành phần hóa học của lan kim tuyến bao gồm các chất như quercetin, isoharmnetin-3-O-beta-D-glucopyranosid, kaempferol-3-O-beta-D-glucopyranosid, 5-hydroxy-3'-4'-7'-trimethoxyflavonol-3-O-beta-D-rutinosid và isorhamnetin-3-O-beta-D-rutinosid.

Với đặc tính quý giá về dược liệu, lan kim tuyến được thị trường thu mua với giá khá cao, hơn 120.000 đồng VN/kg. Do số lượng ít, mọc rải rác và còn bị khai thác quá nhiều (với hình thức khai thác chặt cả cây) nên cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét