Cách diệt trừ rệp sáp hại lan
Đây là giống rệp chỉ có tại Mỹ Châu, sau đó theo các cây lan xuất cảng lan truyền đi khắp thế giới vào thế kỷ thứ 19. Chỉ cần một con rệp cắn vào lá cây để hút nhựa và nhả ra những chất kịch độc sẽ gây ra nhiều đốm mầu vàng, làm cho cây yếu dần và trong một thời gian ngắn chúng sinh sôi nẩy nở sẽ làm cho cây lan còi cọc và chết dần.Tiến sĩ Paul J. Johnson, Phân khoa nghiên cứu về côn trùng (Insect Research Collection) thuộc trường Đại Học South Dakota cho biết như sau:
Vào năm 1994 các khoa học gia đã tìm thấy tất cả 71 giống rệp có vỏ cứng và mềm bám trên các cây lan và rệp sáp là một giống khó trị và tàn hại nhất trong số 21 giống rệp có vẩy mềm. Giống rệp này đã được khoa hoc gia Victor Antoine Signoret tìm thấy vào năm 1869 tại vườn lan Jardin du Luxembourg tại Paris, Pháp Quốc. Mặc dầu sự tàn hại của nó, nhưng không được ai chú ý đến, mãi cho đến năm 1942 mới được Richard Bohart nghiên cứu một cách tường tận.
Đây là giống rệp chỉ có tại Mỹ Châu, sau đó theo các cây lan xuất cảng lan truyền đi khắp thế giới vào thế kỷ thứ 19. Chỉ cần một con rệp cắn vào lá cây để hút nhựa và nhả ra những chất kịch độc sẽ gây ra nhiều đốm mầu vàng to tới 1 phân và làm cho cây yếu dần và trong một thời gian ngắn chúng sinh sôi nẩy nở sẽ làm cho cây lan còi cọc và chết dần.
Phần lớn những người chơi lan tài tử, trong đó có chính tôi đã là nạn nhân của giống rệp quái ác này. Khi tiên nội bị chứng ung thư và qua đời, vườn lan gần 2000 cây bị bỏ rơi không ai săn sóc trong gần 2 năm trời. Mọi việc tưới bón đều nhờ vào hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Khi nỗi buồn đã tạm nguôi ngoai, nhìn vào đám cây vàng úa thì rệp sáp đã tàn phá tới 90% những cây lan mà vợ chồng tôi đã sưu tầm từ 10 năm qua. Những con rệp này bám đầy những cây Cattleya, Laelia, Schomburgkia, Oncidium, Encyclia, Epidendrum, Vanda, Dendrobium chúng không từ một loài nào. Nhưng hình như rệp sáp không mấy ưa thích những cây Paphiopedilum và Phragmipedilum. Tệ hại nhất là những cây Cymbidium, Oncidium và những cây nào có những bẹ lá, rệp không những bám trên lá và còn chui vào nhưng ngõ ngách trong bẹ làm tổ sinh con đẻ cháu trong đó. Hàng trăm cây bị nặng quá không còn hy vọng cứu chữa bị quăng vào thùng rác, những cây còn lại, tôi mang ra cắt bỏ lá, bóc bẹ rồi ngâm vào trong Malathion cũng không diệt trừ được chúng. Sau đó dùng Orthene là một thứ thuốc diệt trùng ngấm vào trong thân lá cây (systemic), mặc dầu hãng chế tạo khuyên phun 4 lần cách nhau khoảng 2 tuần lễ là đủ nhưng tôi đã phun thuốc tới 7-8 lần cũng chỉ vớt một phần nào chứ không tận diệt được.
Sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều thứ thuốc khác nhau hay dùng cồn pha với xà phòng và dầu thực vật rệp thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện. Tai hại nhất là rệp đã diệt xong, nhưng nọc độc của rệp vẫn còn tiếp tục xuất hiện trên lá lan mới mọc thành những đốm vàng như trường hợp của cây Coelogyne mooreana (Thanh Đạm Tuyết Ngọc)
Trong bản nghiên cứu Tiến sĩ Paul J. Johnson còn cho hay đời sống của rệp sáp chỉ có khoảng 50 ngày. Rêp mẹ, đẻ khoảng 200 trứng và đẻ xong rồi chết, những cái trứng được che chở trong một vỏ bọc không một thuốc diệt trùng nào vào lọt. Trong vòng một tuần lễ, trứng sẽ nở và những con rệp con sẽ có thể sẽ đẻ trứng trong 3-4 tuần sau tùy theo thời tiết ấm áp hay không. Như vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn rệp sẽ sinh sôi nẩy nở mau lẹ. Những con rệp này bò từ lá này sang lá khác, hoặc bị gió thổi từ cây này qua cây khác, nhưng không phải do kiến tha đi vì giống rệp này không tiết ra chất mật mà loài kiến ưa thích như các giống rệp, rầy (Aphid)
Những thuốc diệt trùng thông thường chỉ sát hại được những con rệp, nhưng không thể giết được các ấu trùng còn nằm trong vỏ bọc. Và chỉ vài ngày sau các ấu trùng này lại chui ra khỏi vỏ bọc và tiếp tục sinh sản mau lẹ. Chúng không những sinh sản ở thân, lá, bẹ cây mà còn ở dưới rễ và ngay cả các vật liệu nuôi trồng lan nữa.
Nếu chỉ có một vài cây bị rệp sáp, chuyện diệt trừ rất đễ dàng. Chỉ cần để riêng ra một chỗ và phun thuốc đều đặn là đủ, nhưng nếu có nhiều cây bị rệp đó là chuyện không dễ gì tận diệt trong vòng 3-4 tháng.
Theo các khoa hoc gia có 4 cách diệt trừ:
1. Dùng sâu bọ như Ladybugs, ong, tò vò v.v... nhưng những thứ này không kiểm soát nổi vì rệp sinh sản quá mau lẹ.
2. Dùng các chất không độc hại như xà phòng, cồn, dầu ăn v.v... nhưng dùng nhiều lần những thứ này làm cho lá bị vàng và rụng.
3. Dùng các thuốc có chât hóa học, những chất này có thể độc hại cho con người như Malathion, Orthene, Diazinon v.v... và nếu dùng nhiều rệp sẽ lờn thuốc.
4. Dùng những thuốc có các chất hữu cơ nhưng những chất này không mấy phổ thông, ngoại trừ Neem Oil.
5. Trên thị trường hiện nay có quá nhiều thứ thuốc diệt côn trùng, nhưng chỉ có hiệu quả với các loại rệp xanh, rệp đen (aphids), rệp bông (mealy bugs) v.v...
Theo kinh nghiệm của những người đã từng là nạn nhân của giống rêp quái ác này, muốn tận diệt chúng, cần phải:
1. Vất bỏ những cây đã quá nhiễm nặng, vì khi nọc độc đã ngấm sâu vào trong cây, dù có cứu sống được nhưng cây cũng bị còi cọc.
2. Cắt bỏ các thân cây, củ, lá đã bị nhiễm nặng vì đây là ổ rệp có thể còn sót lại ít trứng.
3. Bóc hết các vỏ bọc thân cây, những bẹ lá quá già thường là những nơi rệp trú ẩn.
4. Lấy bàn chải mềm nhúng vào thuốc diệt trùng chà sát vào những nơi rệp làm ổ.
5. Phun thuốc diệt rệp có chất dầu như Neem oil, Volck oil hay Year Round Spray oil v.v..., bởi vì chất dầu này sẽ làm cho rệp sẽ chết ngạt và ung thối các trứng rệp.
Khi phun thuốc nên vào bưổi chiều hay sáng sớm, không nên phun khi có nắng hay khi nóng tới 100°F (37.78°C), phun cho thật kỹ, từ mặt trên, mặt dưới lá thân cây, bẹ lá và tận gốc rễ. Nếu rệp đã làm ổ trong các chất nuôi trồng, tốt nhất là lấy cây ra khỏi chậu, phun vào gốc rễ rồi đem trồng lại với than, gỗ mới. Cách 1 tuần phun lai một lần và cần phải 4-5 lần mới bảo đảm kết quả phòng khi trứng rệp ơ chỗ thuốc chưa phun tới.
Hy vọng bài này sẽ giúp các bạn một liều thuốc nhức đầu hữu hiệu.
BÙI XUÂN ĐÁNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét