Lan Kiếm lá cứng, một loài lan có thể nói là trồng và chăm sóc nhàn nhã nhất so với các loại lan khác. Phong lan kiếm không đòi hỏi quá khắt khe về khí hậu, vùng miền. Lan cũng không quá chọn lọc trong việc chọn chất trồng
I. Tổng quan về phong lan kiếm lá cứng Việt Nam
Lan Kiếm lá cứng, một loài lan có thể nói là trồng và chăm sóc nhàn nhã
nhất so với các loại lan khác. Phong lan kiếm không đòi hỏi quá khắt khe
về khí hậu, vùng miền. Lan cũng không quá chọn lọc trong việc chọn chất
trồng, phân thuốc BVTV. Hầu như ở bất kỳ vị trí nào có ánh sáng trong
căn nhà bạn đều có thể nuôi được một giò kiếm. Thậm chí những nơi nắng
nóng như sân thượng, ban công hoặc trên trụ cổng lan kiếm vẫn phát triển
bình thường.
Phong lan Kiếm có sức sống mãnh liệt trong tự nhiên. Kiếm ít bị sốc khi
thay đổi môi trường sống. Có những bụi kiếm bị đốn hạ do phá rừng từ cây
cổ thụ cao vút xuống đất vẫn phát triển mạnh mẽ thành bãi kiếm mà trên
rừng từng thấy. Rồi có bụi bị lũ dìm cuốn phăng mắc cạn trên cục đá nào
đó. Sau mùa xuân lại mọc mầm non cho sự sống tái sinh. Trong thực tế ta
thấy có những giò kiếm sống tốt trên vách bờ rào của nhà ai đó mà cơ
duyên nào đó họ có được ( dù họ không biết gì về lan). Khi giò kiếm đã
khỏe, nó tự tồn tại mà không cần chăm sóc. Dù ta có công tác hàng tháng
trời mà không cần sự hỗ trợ gì khác.
Thân lá Kiếm lá cứng
Nói về thân lá, kiếm lúc nào cũng xanh tươi, lá dày, khoẻ vươn vào không
gian. Bộ lá kiếm cũng tự nó tô điểm một màu xanh đầy sức sống. Lá kiếm
sống được vài năm chứ không rụng theo mùa như vài loại lan khác. Trong
tự nhiên, lan kiếm lá cứng tuỳ theo môi trường sống mà thích ứng phù
hợp. Những nơi nắng nóng, khô hạn lá ngắn lại hơi ngả vàng nhạt màu
nắng. Bẹ lá vẫn ôm chặt củ để che chắn bảo vệ tích trữ dinh dưỡng cho
bản thân và dành cho thế hệ sau. Những nơi ẩm, ít ánh sáng lá dài hơn
mét, bản to, dày hơn màu xanh đậm và mềm hơn nhưng vẫn khoẻ khoắn. Củ
lớn hơn cùng tốc độ phát triển mạnh hơn.
Hoa phong lan Kiếm
Nói về hoa, cấu tạo hoa thì như hầu hết loài lan khác, bản thân lan kiếm
cũng có nhiều dòng. Nhưng tựu chung lại thì bông kiếm xuất phát từ nách
lá trên hành kiếm tạo thành cần (phát, vòi) hoa, trên cần hoa có khoảng
20-50 hoa. Hầu hết cần hoa thòng xuống kéo dài đến hoa cuối cùng. Cấu
tạo hoa gồm cuống hoa, có 3 đài, 2 cánh, 1 trụ nhuỵ, 1 lưỡi ( thuỳ lớn),
2 thuỳ nhỏ ôm trụ nhuỵ. Mùi hương của hoa thì nhẹ nhàng, ngọt mật
(theo mình giống thoảng mùi mít chín mộc mạc, vương vương).
Hoa kiếm cũng rất đa dạng chỉ nêu lên đây những dòng phổ thông thường thấy như:
Lan Kiếm Tiên vũ:
Hoa đường kính 4-6 cm, màu cánh và đài gần giống vàng hơi xỉn nâu, trụ
nhuỵ nâu đậm. Lưỡi kiếm có hình khuyết lưỡi liềm màu nâu thẫm trên nền
trắng đục.
Lan Kiếm Lô hội:
Hoa đường kính 3-5 cm, cánh và đài hoa có xọc đỏ nâu chạy giữa nền
trắng đục. Lưỡi hoa kiếm đỏ nâu có những xọc trắng nhỏ từ họng ra, trụ
nhuỵ đỏ nâu.
Rễ Kiếm lá cứng
Nói về rễ kiếm lan: rễ kiếm thuộc loại lớn. Rễ to như đầu đũa ăn cơm,
mọc chùm quanh gốc củ. Rễ kiếm có thể tách chia thành nhiều rễ con toả
đi. Rễ kiếm thích thoáng và bò trên chất trồng. Rễ kiếm cũng có thể chui
trong mùn dừa một cách mạnh mẽ do chịu được môi trường ẩm cao.
Tựu chung lại, khi chơi lan kiếm lá cứng ta có một khu vườn xanh mướt
quanh năm. Chính bộ lá khỏe và cứng như những thanh kiếm đã tô điểm cho
nét đẹp của giò lan. Khi chăm tốt, kiếm lan cho bộ lá hoàn chỉnh có thể
tồn tại vài 3 năm kể từ khi hình thành. Một chậu kiếm đẹp phải tỏa đều
hướng từ giữa chậu ra, với củ lớn lá bản to, dày và cứng cáp. Kiếm cần
cường độ nắng cao (80%) để cho những mặt hoa với màu sắc ấn tượng và
hương thơm dịu dàng. Hoa chỉ ra trên cây kiếm đã trưởng thành ( thường
là sau 1 năm sau khi được sinh từ cây mẹ trưởng thành), một thân kiếm có
thể ra 2-3 cần hoa.
II. Các loại phong lan kiếm lá cứng rừng Việt Nam
Kiếm lá cứng là loài lan bán sơn địa thuộc chi Cymbidium. Được phân bố
tự nhiên khắp các rừng Việt Nam và các nơi trên thế giới. Lan kiếm lá
cứng được ghi nhận tại Việt Nam chúng ta có 4 loại và một biệt dạng.
1. Nói về biệt dạng của lan Kiếm trước:
Là một dạng của lô hội hoa phân nhánh thành chùm như ở những dòng
sinense kiểu đa bông, phân nhánh, hỉ cúc. Loại này là một dạng hiếm
trong họ kiếm lá cứng. Được tìm thấy ở đất Hải Phòng năm 1997 chỉ được
ghi nhận trong dân gian mà chưa có sách vở nào ghi chép lại.
2. Lan Kiếm Lô Hội: Cymbidium. aloifolium
Đây là loài phân bố chủ yếu ở vùng núi phía bắc. Thân lá nhỏ mọng, rộng
đến 3cm, dài đến 60-70cm. Lá cứng vươn thẳng hơi cong, củ nhỏ khoảng
2-3cm. Hoa nở vào mùa từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, chùm hoa dài tới
60cm, khoảng hơn 40 hoa. Hoa to khoảng 2-4cm, nở khoảng 3-4 ngày, mùi
thơm dịu nhẹ. Màu cánh hoa có những sọc đỏ nâu biến thiên rất rộng, từ
đậm đến nhạt, dày đến mỏng
3. Lan Kiếm Tiên Vũ: Cymbidium. finlaysonianum
Đây là loài kiếm có kích cỡ lớn nhất trong dòng kiếm, cành hoa cũng dài
nhất. Loài phong lan này có những chiếc lá dày cứng có thể rộng đến
5-7cm, dài đến hơn 1m. Đường kính củ to lên đến 6cm. Cành hoa dài từ
50cm lên đến hơn 1m, hoa thưa, chỉ khoảng 20-30 chiếc. Hoa kiếm to lên
đến 4cm, mùi thơm nhẹ, nở khoảng 3-4 ngày vào mùa hè thu.
4. Lan Kiếm Hai Màu: Cymbidium. bicolor
Loài phong lan này có lá cứng, dày, rộng đến 3cm, dài đến 70cm. Giả hành
nhỏ, tròn hoặc giọt lệ, lá đanh cứng, hoa hai màu thường là viền vàng
và nâu đỏ. Cột phấn lộ lưỡi khảm ko kẻ như dạng lô hội. Chùm hoa dài đến
70cm, chuỗi thòng hoặc cong thòng xuống. Hoa có thể lên đến 30 chiếc,
to đến 4cm, nở vào mùa xuân. Đặc biệt có cây ở thể hoa dựng, chứ không
thòng như các em kiếm lá cứng thường thấy.
5. Lan Kiếm treo hay còn gọi là lan kiếm dừa: Cymbidium. atropurpureum
Kiếm này có nguồn gốc Tây nguyên. Loại này đặc biệt hơn 3 loài còn lại
bởi hoa đỏ thơm mùi dừa. Lá kiếm nhọn sắc, nhỏ rất cứng có thể dài đến
1m. Chùm hoa ngắn, chỉ khoảng 30-40cm, cá biệt có cây lên đến 60cm. Hoa
chỉ khoảng 10-20 chiếc to đến 5cm. Hoa nở khoảng 5 ngày vào mùa xuân mùi
hoa rất thơm, như mùi kẹo dừa, nên còn được gọi là Kiếm dừa. Hoa thường
mang màu bã trầu đến nâu đỏ. Môi gần giống với tiên vũ, nền môi trắng,
điểm đỏ, họng vàng.
Vâng, tất cả những điều trên chỉ là tương đối về lan Kiếm. Sau này giữa
những dòng lan kiếm đã có sự lai tạo tự nhiên và sản sinh ra những thế
hệ kiệt xuất đột biến tuyệt đẹp. Các loại đột biến có thể kể ra hàng
trăm cái tên và mặt hoa cực đẹp như: Kiếm hoàng long, Kiếm Phan Trí,
Kiếm Xanh Huế, Kiếm Vị Hoàng, Vàng Củ Chi
III. Hình ảnh Một số loại lan kiếm đột biến
1. Kiếm vàng Củ chi
2. Lan kiếm vàng Tây Ninh
3. Lan kiếm Hoàng Long
4. Kiếm Vị Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét