Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Thối nâu do vi khuẩn Pseudomonas

Thối nâu do vi khuẩn Pseudomonas

Ban đầu là những đốm nhỏ màu xanh lá cây hơi nhạt hơn khu vực xung quanh, sau đó những đốm này mở rộng ra và hợp lại với nhau thành những chấm hoặc những khoang vùng bệnh màu nâu hoặc đen, những vết này khô đi và lõm hẳn xuống.

Tác nhân vi khuẩn Pseudomonas (Cụ thể là Acidovorax (syn. Pseudomonas))

Triệu chứng: Những điểm nhỏ ngậm nước có thể xuất hiện bất cứ khu vực nào của lá. Ban đầu là những đốm nhỏ màu xanh lá cây hơi nhạt hơn khu vực xung quanh, sau đó những đốm này mở rộng ra và hợp lại với nhau thành những chấm hoặc những khoang vùng bệnh màu nâu hoặc đen, những vết này khô đi và lõm hẳn xuống. Xung quanh có thể là VẦNG HÀO QUANG MÀU VÀNG hoặc VÀNG NHẠT hoặc XANH NHẠT tùy giống lan, vầng hào quang này có thể chỉ bao xung quanh đốm nâu (đen) nhưng có khi lan rộng ra cả chiếc lá (ĐÂY CHÍNH LÀ ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG ĐẶC TRƯNG CỦA BỆNH THỐI NÂU VI KHUẨN để phân biệt với bệnh đốm do nấm. Đốm do nấm thường không LÕM ĐEN VÀ CÓ VẦNG HÀO QUANG RÕ RÀNG).

Tuy nhiên mọi thứ chỉ là tương đối nếu giả sử lan nhà bạn bị cùng 1 lúc cả nấm và vi khuẩn tấn công thì chỉ có mang chiếc lá đi xét nghiệm mới biết chính xác được. Vì biểu hiện của bệnh thối nâu do vi khuẩn và đốm đen do nấm Cercospora khá giống nhau. Lúc này lại phải xét tới các yếu tố khác như độ lõm của vết đốm, màu sắc của quầng hào quang… Nói chung là rất phức tạp và ngay cả các chuyên gia cũng đôi khi còn nhầm lẫn. Vậy điều duy nhất bạn có thể làm là xịt cả thuốc trị nấm và vi khuẩn cùng 1 lúc (ví dụ trộn Topsin M với Kasumin).

Nó giống như việc bạn ăn bánh mỳ và uống nước mía, sau đó bị đau bụng. Thật sự là không thể biết do bánh mỳ hay nước mía hay cả hai nếu ta không xét nghiệm cái bánh và ly nước. Việc lúc này không phải là chờ kết quả xét nghiệm mà là cấp cứu kịp thời tống cả nước mía và bánh mỳ ra khỏi cơ thể.

Vi khuẩn gây bệnh thối nâu này nhiễm vào lan theo nhiều cách, có thể là từ miệng, chân của côn trùng, từ các vết xước, từ khí khổng của lá…. Ta cần tìm nguyên nhân sau đó sẽ đi giải quyết nguyên nhân và giải quyết vi khuẩn. Ví dụ khi lan bị nhện đỏ cắn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào lá sinh ra bệnh, bạn chỉ phun thuốc trị nấm và khuẩn Pseudomonas mà không hề chú ý tới nhện. Thì có ích gì đâu? Cứ cho là vết bệnh cũ khỏi thì sẽ lại có vết bệnh mới ngay thôi.

THUỐC CHỮA THỐI NÂU DO VI KHUẨN PSEUDOMONAS

– Physan 20 là 1 giải pháp người Mỹ thường dùng, tuy nhiên hàng Việt Nam thì hiệu quả hơi thấp. Dùng để phun hoặc ngâm phòng bệnh thì tốt. Nếu bạn không có thuốc gì khác ngoài Physan thì tốt nhất nên ngâm luôn cả giò lan trong thuốc 10 phút, phun không hiệu quả lắm.

– Hydrogen peroxide chính là ÔXY GIÀ sát trùng vết thương, ta có thể khều với 1 cây kim vết đốm, sau đó nhỏ trực tiếp Oxy già vào. Nếu vẫn chưa hiệu quả sau vài lần thì bạn có thể chuyển dùng sang các loại thuốc bên dưới.

Trong số các loại thuốc trị khuẩn thì loại nào cũng trị được vi khuẩn Pseudomonas, nhưng không phải loại nào cũng dùng tốt cho tất cả các loại lan. Ví dụ như Poner (Streptomycin) tốt nhưng nếu có lan Vanda thì sẽ làm cây chậm phát triển. Hay thuốc Kasuran hoặc New Kasuran rất tốt để diệt nấm và khuẩn, nhưng do thuốc có chứa hợp chất Đồng nên sẽ ảnh hưởng xấu tới rễ của các giống lan trong chi Hoàng Thảo (Dendrobium) nếu bạn xịt liên tục với hàm lượng hơi cao 1 chút.

CHỐT:

– KASUMIN 2L – Hoạt chất: Kasugamycin 2% (ƯU TIÊN LOẠI NÀY NHẤT, chính xác là ưu tiên hoạt chất Kasugamycin % càng cao càng tốt)

– STARNER 20WP – Hoạt chất Oxolinic acid 20%

Lưu ý: Cùng 1 loại nấm hoặc khuẩn nhưng khi chúng phát bệnh ra trên từng giống lan lại có kiểu hình khác nhau, điều này đòi hỏi bạn phải soi kỹ từng hình và trồng nhiều giống lan cộng với sự trải nghiệm nghề lan của tháng năm cuộc đời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét