Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ở cây lan (phần 2)

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ở cây lan (phần 2)

 
Tiếp theo bài viết trước về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ở cây lan mà chúng ta đã đề cập là ánh sáng, bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là nhiệt độ.

B. Nhiệt độ trồng lan



Nhiệt độ liên quan đến ánh sáng vì cây cỏ thu tóm nhiệt lượng từ ánh sáng sáng mặt trởi và kế đến là toả ra được thì diệp lục tố sẽ bị thiêu huỷ, lá sẽ ngả vàng và phản ứng quang hợp bị đình chỉ. Nhiệt độ ở lá dưới ánh nắng  vào bất kỳ thời gian nào cũng luôn luôn cao hơn nhiệt độ của không khí quanh nó. Sự tổn thương do nhiệt độ tuỳ vào thời gian phơi bày ra nắng. Không khí luân chuyển sẽ giúp tránh được điều đó. Phần lớn cây lan chịu được nhiệt độ thấp của ban đêm, ngắn hạn thôi chứ không dai dẳng. Ngược lại nhiệt độ cao dai dẳng trong đêm không tốt cho cây vì tiến trình hô hấp gia tăng. Chúng ta mong muốn tăng tỷ lệ quang hợp để tạo dự trữ cho sự tăng trưởng và trổ hoa của cây lan, nhưng sự hô hấp cao sẽ dùng hết chất đường và nhựa cũng nhanh bằng lúc phản ứng quang hợp tạo ra chúng. Quang hợp thì diễn tiến suốt ngày còn hô hấp thì diễn ra suốt ngày và đêm. Bằng cách làm chậm đi sự hô hấp về đêm, thì các chất tổng hợp được ban ngày sẽ không bị sử dụng hết! Có thể làm giảm sự hô hấp ấy bằng cách hạ nhiệt độ ban đêm xuống. Như vậy sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm (biên độ nhiệt) có ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lan.
Nhiệt độ tác động ở cây lan qua con đường quang tổng hợp. Ta biết rằng cường độ quang hợp gia tăng theo nhiệt độ: thường khi nhiệt độ tăng 10 độ C thì tốc độ quang hợp tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy mà nhiệt độ cao làm gia tăng sự phát triển dinh dưỡng ở cây lan. Vì lý do này mà vào mùa nắng ta tăng lượng phân bón cho lan để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng gia tăng ấy.
Nhiệt độ còn ảnh hưởng đến sự ra hoa của một số lan: ở lan Bạch câu Dendrobium crumenatum đòi hỏi giảm nhiệt độ đột ngột khoảng 5-6 đô C trong vài giây đồng hồ thì khoảng 9 ngày sau chúng sẽ nở hoa đồng loạt. Ở 18,5 độ C Paphiopedilum insigne và Dendrobium nobile chỉ tiếp tục tăng trưởng mà không ra hoa nhưng chúng sẽ ra hoa khi nhiệt độ hạ xuống 13 độ C hay thấp hơn. Ở Cymbidium cũng vậy, nhưng ở đây có sự tham gia của ánh sáng. Phalaenopsis schileriana chỉ ra hoa khi nhiệt độ ban đêm giảm xuống dưới 21 độ C.

Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá thấp thì sẽ làm cho nước trong tế bào của cây kết tinh thành nước đá, làm gia tăng thể tích, phá vỡ các cấu trúc tế bào. Ngược lại, nhiệt độ tăng quá cao thì sự quang hợp ngừng lại vì nguyên sinh chất trong tế bào đặc quánh lại do mất nước, cây ngừng hô hấp và chết đi.

Và như vậy, chúng chỉ phát triển tốt nhất ở trong khoảng nhiệt độ cực đại là 35 độ C, nhiệt độ tối hảo là 27 độ C.

Rõ ràng nhu cầu nhiệt độ ở cây lan có khác nhau nên ta gặp chúng tập trung thành những nhóm lan khác nhau ở những vùng nhiệt độ khác nhau: lan vùng núi cao, lan vùng đồng bằng, lan vùng nhiệt đới, lan vùng ôn đới ….

Căn cứ vào nhu cầu nhiệt độ, ta chia lan ra thành 3 nhóm:

Nhóm ưa nóng: chịu nhiệt độ ban ngày không dưới 21 độ C, ban đêm không dưới 18,5 độ C. Chúng thường ở vùng nhiệt đới.

Nhóm ưa lạnh: chịu nhiệt độ ban ngày không quá 14 độ C, ban đêm không quá 13 độ C. Chúng thường ở vùng hàn đới, ôn đới và các chỏm núi cao vùng nhiệt đới.

Nhóm chịu nhiệt độ trung bình: thích hợp với nhiệt độ ban ngày không dưới 14,5 độ C, ban đêm không dưới 13,5 độ C.

Do đó, ở thành phố Hồ Chí Minh không dễ gì trồng có hoa các giống Lycaste, Cymbidium … của vùng lạnh. Ngược lại, ở Đà Lạt lại khó phù phợp với Arachnis, Dendrobium … của vùng nóng. Trong khi đó, Cattleya thích hợp cho cả thành phố Hồ Chí Minh lẫn Đà Lạt, vì chúng là giống lan xuất xứ của vùng cận nhiệt đới nên có thể trồng ở vùng nhiệt đới lẫn ôn đới, nơi nóng cũng như xứ lạnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét