Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Các giai đoạn phát triển ở cây lan

Các giai đoạn phát triển ở cây lan

Trong kỹ thuật trồng lan, chúng ta phải kết hợp các yếu tố môi trường với các điều kiện sinh lý của cây lan sao cho thật phù hợp, vì vậy mà có những phương cách trồng khác nhau ở những nơi khác nhau và ngay cả những giống loài khác nhau cũng có cách trồng khác nhau.

Trong kỹ thuật trồng lan, chúng ta phải kết hợp các yếu tố môi trường với các điều kiện sinh lý của cây lan sao cho thật phù hợp, vì vậy mà có những phương cách trồng khác nhau ở những nơi khác nhau và ngay cả những giống loài khác nhau cũng có cách trồng khác nhau. Không có một mô hình cứng nhắc trong việc trồng lan, cho nên cách trồng lan ở Đà Lạt không thể áp dụng cho miền Trung, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay ngược lại. Các sách chỉ dẫn cách trồng ở vùng ôn đới lại càng không thể áp dụng một cách máy móc vào nước ta được. Ngay tại thành phố, việc trồng lan trên sân thượng hay ở sân vườn sát mặt đất cũng phải khác nhau. Vì vậy mà việc trồng lan tốt đẹp ở vườn này lại khó lòng mang lại kết quả tốt ở một vườn lan khác nếu ta áp dụng một cách máy móc. Cho nên chúng ta phải rút ra những quy luật ở mỗi cách trồng để vận dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.

1. Giai đoạn nẩy mầm của hột

Vì hột lan quá nhỏ, không có chất dự trữ để sử dụng lúc nẩy mầm cho nên nó phải lấy thức ăn có sẵn do nấm cung cấp. Vì vậy trong thiên nhiên hột lan chỉ nẩy mầm được khi có nấm phù hợp. Người ta đã thay thế nấm bằng đường trong môi trườn gieo hột.

Sau khi nẩy mầm và chỉ sau khi thành lập được diệp lục tố ở lá, cây lan con mới có khả năng sử dụng CO2 để tổng hợp ra hydrat carbon cần cho sự phát triển của nó qua hiện tượng quang tổng hợp. Giai đoạn gieo hạt này được thực hiện trong các phòng nuôi cấy, nhân giống.

2. Giai đoạn cây lan con

Ở đây tất cả nhu cầu cần thiết cho phản ứng quang tổng hợp xảy ra tốt nhất cần được quan tâm để cho cây lan con phát triển tốt. Nước và muối khoáng được cung cấp trong môi trường nuôi cấy, ánh sáng của các bóng đèn dùng để thay thế ánh sáng của mặt trời. Khi đã đưa cây con ra trồng bên ngoài thì các nhu cầu ấy gia tăng hơn nhưng không lớn hơn giai đoạn cây trưởng thành.

3. Giai đoạn trưởng thành

Từ cây con đến cây trưởng thành, cây lan đã tăng trưởng phát triển theo nhiều phương cách, trong đó ta chú ý đến hai phương cách phát triển chính là phát triển cọng trụ và phát triển độc trụ. Giai đoạn này cây lan ra rễ, nhảy chồi, ra lá cho nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, phân bón gia tăng, cao hơn giai đoạn cây con. Đặc biệt đến giai đoạn trưởng thành chuẩn bị ra hoa thì các nhu cầu ấy lại khắt khe, nghiêm nhặt hơn. Giai đoạn chuẩn bị ra hoa (thời kỳ tượng hoa) xảy ra trước khi ta thấy các chồi hoa xuất hiện trên cây lan. Mọi yếu tố tác động vào việc ra hoa phải được đáp ứng vào giai đoạn này nếu không thì chúng sẽ không có hoa.

Ví dụ: Để cây trưởng thành ra hoa, người ta dùng phân nhiều lân và kali lúc cây chưa đâm chồi hoa chứ không phải lúc cây có nụ hoa. Cũng tương tự như vậy, người ta “phơi nắng” Cattleya để chúng cho hoa khi đến tuổi trưởng thành.

Cũng cần chú ý một hiện tượng khá quan trọng ở lan trong giai đoạn trưởng thành này là thời kỳ nghỉ. Thời kỳ nghỉ có thể xảy ra rất ngắn: một hai ngày hay có thể khá dài như một vài tháng. Thời kỳ ấy có thể xảy ra trước khi có hoa hay sau khi hoa tàn. Thời kỳ nghỉ rất quan trọng trong đời sống của cây lan, nếu không được đáp ứng thì cây lan phát triển không tốt, có thể tàn lụi hoặc không ra hoa, nhất là đối với phần lớn lan rừng.

4. Giai đoạn mang hoa, đậu trái và tạo hột

Các nhu cầu vào giai đoạn này cũng khác so với giai đoạn trưởng thành. Người ta tăng bor để trái đậu có hột khoẻ. Ánh sáng và nhiệt độ phải thấp xuống để hoa lâu tàn …

Thời gian ở mỗi giai đoạn thay đổi tuỳ theo giống loài lan, thí dụ đối với Dendrobium, từ hột nẩy mầm đến cây con mất khoảng 6 tháng, từ cây con đến khi trưởng thành có hoa phải mất khoảng 8-12 tháng, từ hoa đến trái và hột chín đủ khả năng nẩy mầm mất khoảng 3-6 tháng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét