Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Tìm hiểu về lan Thanh Đạm Tuyết Ngọc - Coelogyne moorena

Thanh Đạm Tuyết Ngọc là một cây đặc hữu của Việt Nam, thường mọc ở Đà Lạt, Nha Trang và Quảng Trị, trên cao độ khoảng 1300 m.
Tên Việt: Thanh Đạm Tuyết Ngọc, Cam Đạm

Tên khoa học: Coelogyne mooreana, Rolfe, Sander 1907

Đồng danh: Coelogyne mooreana f. alba Roeth & O, Gruss 2001; Coelogyne psectrantha, Gagnep 1930

Thanh Đạm Tuyết Ngọc là một cây đặc hữu của Việt Nam, thường mọc ở Đà Lạt, Nha Trang và Quảng Trị, trên cao độ khoảng 1300 m. Wilhelm Micholitz đã tìm thấy ở ngọn núi Langbian, gần Đà Lạt và gửi về cho Sander và người con tại St. Albans, Anh quốc. Cây lan này nở hoa và đoạt giải nhất của Hòang gia (FCC/RHS) vào năm 1905. Frederick Sander đặt tên Coelogyne moorena để vinh danh F. W. Moore, Giám đốc vườn thảo mộc Glasnevin tại Dublin. Robert Rolfe là người đã mô tả cây lan này trên thông tri của viện thảo mộc Kew, Anh quốc vào năm 1907 với tên Coelogyne mooreana ‘Brockhurst’. Điều lạ lùng nhất là cây lan đẹp và dễ trồng như vậy mà mãi đến năm 1972 nguyệt san Orchid của Hội Hoa Lan Hoa Kỳ và tờ Orchid Digest mới có hình ảnh của cây lan này.

Thanh đạm Tuyết ngọc mọc từng cụm. Củ cao 5-7 cm có 2 chiếc lá mềm, xanh bóng dài từ 30- 40 cm, rộng 2.5- 3.5 cm. Dò hoa mọc từ giữa mầm non, lên thẳng cao 25-40 cm mang theo 4-8 hoa ngang từ 6-10 cm. Hoa trắng nhị vàng cam có hương thơm, nở vào mùa xuân.

NHIỆT ĐỘ

Mùa hè, ban ngày từ 75-80°F hay 24-27°C và ban đêm vào khoảng 62°F hay 17°C với sự cách biệt giữa ngày và đêm từ 10-14°F hay 6-8°C

Mùa đông ban ngày từ 75-80°F hay 24-27°C và ban đêm 53-55°F hay 12-13°C với sự cách biệt từ 23-25°F hay 13-14°C.

ÁNH SÁNG

Từ 1500-2000 ánh nến (fc) tức là phải để ở chỗ rợp mát từ mùa xuân cho đến mùa thu. Tại môi trường thiên nhiên, mùa đông là mùa cây lan có nhiều ánh nắng hơn, bởi vì các cây cối chung quanh đã bị rụng lá.

ĐỘ ẨM

Mùa hè lan cần độ ẩm thật cao từ 70-80%, mùa đông có thể hạ xuống 40-50%

 THOÁNG GIÓ

Lan cần phải thật thoáng gió nếu không sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

TƯỚI NƯỚC

Tại Việt Nam, suốt mùa mưa từ tháng 4-6 cây lan lúc nào cũng ướt đẫm và lại rất khô vào mùa đông. Theo quy luật chung, tưới nhiều khi cây non mọc và bớt tưới vào mùa thu khi cây đã ngưng tăng trưởng. Mùa đông chỉ tưới sơ qua hoặc phun nước vào buổi sáng. Khi thấy củ bị nhăn nheo hay lá bị héo, đó là dấu hiệu của sự thiếu nước và thiếu độ ẩm. Trái lại nếu củ lúc nào cũng mập tròn sẽ không ra hoa.

Đừng bao giờ để lan bị khô rễ vào mùa hè và mùa xuân bắt đầu tưới trở lai khi thấy mọc rễ mới hay ra mầm non.

BÓN PHÂN

Bón phân 30-10-10 với dung lượng ¼-½ thìa cà phê cho 4 lít nước và đổi sang 10-30-20 khi bắt đầu mùa thu, hay có thể dùng phân 15-15-15 quanh năm với liều lượng như trên. Lan không ưa bị đọng muối trong chậu, cho nên mỗi tháng cần xả nước một lần cho sạch, tức là tưới như thường lệ và 1-2 giờ sau tưới thêm một lần nữa, rồi mới bón phân. Khi cây mọc mạnh bón mỗi tuần một lần, khi cây ngưng tăng trưởng bón mỗi tháng một lần.

VẬT LIỆU TRỒNG

Các nhà vườn, thường trồng lan Thanh Đạm và nhiều giống lan khác với rêu (sphagnum moss) để bớt phải tưới nước. Loai rêu này chóng mục nên phải thay chậu tối thiểu 2 năm một lần. Nên nhớ: Thanh Đạm không ưa bị đụng chạm đến bộ rễ và chỉ nên thay chậu khi rễ bắt đầu mọc. Nhiều người trồng rất thành công với vật liệu như sau:

70% rễ cây dương sỉ (tree fern), 10% than vụn, 10% đá bọt (perlite), 10% rêu vụn (sphagnum moss).
 

Đoản kiếm hai mầu - Cymbidium bicolor

Phong lan, lá dài 40-50 cm, dò hoa dài 60-70 cm, uốn cong hay rủ xuống, hoa 20-25 chiếc, to 4.5 cm, thơm nở vào Xuân-Hạ.
Tên Latinh: Cymbidium bicolor Lindl. 1833

Đồng danh: Cymbidium aloifolium var. pubescens [Lindl.] Ridl. 1911; Cymbidium bicolor subsp. obtusum Du Puy & P.J. Cribb 1988; Cymbidium bicolor subsp. pubescens (Lindl.) Du Puy & P.J. Cribb 1988.

Tên Việt: Đoản kiếm hai mầu (PHH), Lan Kiếm hai mầu (TH).

Mô tả: Phong lan, lá dài 40-50 cm, dò hoa dài 60-70 cm, uốn cong hay rủ xuống, hoa 20-25 chiếc, to 4.5 cm, thơm nở vào Xuân-Hạ.

Nơi mọc: Tây Nguyên, Lâm Đồng.
 

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Bón phân qua lá là cách bón phân tốt nhất cho cây?

Bón phân qua lá là cách bón phân tốt nhất cho cây?

Theo các nhà khoa học, bón phân qua lá thậm chí còn tốt cho cây hơn là bón qua rễ, bởi đây là cách nhanh nhất mà chất dĩnh dưỡng được cây hấp thụ.
 
 
* Những ưu điểm khi bón phân qua lá:

Khi bón qua lá, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng qua hệ thống khí khổng ở bề mặt lá. Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng qua lá đạt tới 95%. Trong khi đó, bón qua đất, cây chỉ sử dụng được 45-50% chất dinh dưỡng. Sở dĩ như vậy là vì tổng diện tích bề mặt các lá trên một cây rộng gấp 15-20 lần diện tích đất được che phủ bởi cành và lá, nghĩa là diện tích hấp thụ chất dinh dưỡng của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích hấp thụ chất dinh dưỡng của rễ. Qua khí khổng, các chất dinh dưỡng được dẫn đến các tế bào, mô cây để sử dụng.

Trong thành phần chất dinh dưỡng của phân bón lá ngoài các nguyên tố đa lượng như đạm, lân, kali còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng như Fe, Zn, Cu, Mg,… các nguyên tố này tuy có hàm lượng ít nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng vì trong môi trường đất thường thiếu hoặc không có. Do đó, khi bổ sung các chất này trực tiếp qua lá sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu và cân đối dinh dưỡng cho cây nên tạo điều kiện cho cây phát triển đầy đủ trong từng giai đoạn sinh trưởng. Phân bón lá có tác dụng đặc biệt trong những trường hợp cần bổ sung khẩn cấp chất dinh dưỡng đạm, lân, kali hay các nguyên tố trung, vi lượng.

Trong thành phần của phân bón lá còn tăng cường điều hòa sinh trưởng, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất kích thích đâm chồi, đẻ nhánh, ra hoa, đậu trái, giảm hiện tượng rụng trái non, trái to đẹp, phẩm chất ngon và tăng cường khả năng đề kháng chống chịu sâu bệnh.

* Khi nào bắt buộc phải bón phân qua lá:

– Rễ còn đầy đủ nhưng cây không hấp thu được dinh dưỡng. thường là do một số nguyên nhân nhân như sau:

+ Chất dinh dưỡng bị bất động hóa do các vi sinh vật;
+ Chất dinh dưỡng bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ;
+ Sự nhiễm mặn (độ EC quá cao sẽ giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây);
+ Sự bất động liên hệ tới độ pH (sự oxy hóa kim loại ở độ pH cao hoặc sự bất động của Mo ở pH thấp);
+ Sự bất cân đối dinh dưỡng trong đất (sự đối kháng giữa các ion như K và Ca);
+ Thiếu oxy (đất ngập nước);
+ Sự hoạt động của rễ thấp (nhiệt độ thấp quanh vùng rễ trong thời kỳ ra hoa và đậu trái);  + Thiếu nước để các chất dinh dưỡng ngấm vào (khô hạn).

– Rễ bị tổn thương hoặc không còn do côn trùng, nấm bệnh tấn công hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ).

– Rễ vẫn hấp thu nhưng cây đang cần một lượng lớn chất dinh dưỡng vào thời kỳ ra hoa, kết trái. Muốn cây tăng năng suất, phải phun thêm qua lá.

– Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phân phối dinh dưỡng bên trong cây.

+ Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu và liên quan tới cả hai sự kiện là nhu cầu tập trung cao độ vào một vùng chuyên biệt nhiều nguyên tố trong trái cây như N, K và hệ quả của khả năng cơ động thấp ở các mô libe đối với một số nguyên tố nào đó, như Ca, B chẳng hạn.

+ Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá và do đó dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.

+ Trong các thời kỳ hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động bởi các mô libe.

* Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá:

– Chất hòa tan di chuyển qua lớp cutin thông qua những lỗ hổng gọi là vi rãnh. Mức độ hấp thu ion từ việc phun qua lá thường cao hơn vào ban đêm. Để việc hấp thu dinh dưỡng cho lá có hiệu quả:

+ Phải đảm bảo nồng độ bên trong lá nhỏ hơn bên ngoài lá.

+ Trước khi phun qua lá thì tạm thời không bón qua rễ.

+ Nồng độ chất phun phải cao hơn nồng độ có sẵn trong lá. Tuy nhiên, nếu nồng độ phun quá cao sẽ gây cháy lá, hoặc cây bị bội thực (gây độc) và chết, nếu bón nồng độ thấp thì hiệu lực không rõ. Trong trường hợp này có thể khắc phục bằng cách pha nồng độ dung dịch lên cao từ từ, phun thử nghiệm, đến khi cháy lá thì quay lại nồng độ trước đó, chọn nồng độ đó để phun đại trà cho cây. Đơn giản hơn là khi sử dụng phân bón lá phải ở những nồng độ thích hợp (theo hướng dẫn in trên bao bì).

+ Phải thắng được hàng rào cản của lớp cutin:

+ Phun lúc lá cây còn non khi sử dụng dụng những chất dinh dưỡng lưu động (mobile nutrients), lá còn đang phát triển thì sự chuyển dịch xuống rễ chậm hơn, điều này kích thích sự hấp thu dinh dưỡng từ rễ do bộ lá phát triển và quang hợp tốt hơn. Với các chất dinh dưỡng bất động (immobile nutrients) thì sử dụng trên cả lá già và lá non vì cả hai đều chuyển dịch chậm xuống rễ, như vậy không gây nên sự thay đổi nào hoặc có thể làm gia tăng lượng dinh dưỡng hấp thu từ rễ.

+ Thêm chất trải có nguồn gốc silicon là cách làm tăng hiệu quả khi phun, đặc biệt là lá có lớp cutin dày. Việc thêm chất trải cũng làm giảm thiệt hại lá vì vào ban ngày, khi nhiệt độ không khí gia tăng làm giảm ẩm độ, dẫn đến sự bốc hơi nhanh chóng dung dịch phun lá và làm khô nhanh dung dịch này trên bề mặt lá.

+ Khi phun urê ở nồng độ cao sẽ gây tổn thương lá nhưng có thể khắc phục bằng cách phun đồng thời đường sucrose.

+ Phun nhiều lần trong một vụ để tăng hiệu quả.

* Cây hấp thụ phân bón lá qua khí khổng

– Nên phun lên bề mặt lá có nhiều khí khổng nhất:

• Ở lúa: mặt trên lá mật độ khí khổng cao hơn mặt dưới lá;
• Ở ngô, cà chua, khoai tây mặt trên lá mật độ khí khổng thấp hơn mặt dưới lá;
• Những cây thân gỗ, đa số lỗ khí khổng đều được bố trí ở mặt dưới lá.

– Phun phân bón lá vào lúc khí khổng đang mở: Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến sự đóng mở khí khổng. Do đó, nên phun khi nhiệt độ từ 10-30 độ C, trời không nắng, không mưa, không có gió khô; phân bón lá chỉ phát huy tác dụng khi cung cấp đủ nước qua rễ.

– Phải đảm bảo dung dịch phun không bị rửa trôi hoặc bốc hơi quá nhanh, cần đủ thời gian để lá hấp thu:

+ Không phun vào lúc trời nắng to, nhiệt độ cao, gió khô… mà phải phun ở nhiệt độ không khí dưới 30 độ C, trời không nắng, ít gió và phải cung cấp nước đầy đủ cho cây qua rễ.

+ Tránh phun trước và sau khi mưa

* Trước: dung dịch sẽ bị rửa trôi, hiệu ứng kém hoặc không có hiệu ứng. Sau khi mưa có thể phun lại, tuy nhiên sẽ gây tốn kém và mất thời gian.
* Sau: khả năng hấp thụ dung dịch kém do cây đã no nước.

– Phun đúng thời điểm:

+ Thời điểm thích hợp để phun phân là vào lúc trời râm mát như khi chiều tối hoặc sáng sớm vừa tránh tổn hại cho cây trồng vừa tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (vào lúc trời sẩm tối, hệ thống khí khổng ở bề mặt lá mở to hơn). Thời gian phun: 9-10h sáng và 2-3h chiều về mùa đông; 7-8 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều về mùa hè.

+ Mỗi phân bón lá định hướng cho từng giai đoạn phát triển của loại cây như: Cây lấy hoa, lấy củ, lấy hạt… phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất, phun đúng thời điểm cây cần.

* Cần chú ý:

– Có thể pha chế phẩm với thuốc trừ sâu bệnh để tiết kiệm công phun khi phát hiện cây có sâu bệnh (chỉ pha lẫn vào nhau ở nồng độ loãng).

– Trường hợp cây phát triển kém có thể phun chế phẩm nhiều lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày.

– Bề mặt lá phải nguyên vẹn khi sử dụng phân bón lá, vì lá rất dễ tổn thương cơ học do gió lớn hoặc khi dùng bình bơm máy, đặc biệt ở chóp và mép lá dễ bị tổn thương nhiều hơn.

Bón phân qua LÁ là cách bón phân tốt nhất cho cây? nguồn agriviet

Đã từ rất lâu thì đại đa số ai cũng biết rễ cây làm nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây. Sau đó người ta nghiên cứu và nhận ra rằng lá cũng có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.

Theo mình riêng đối với cây lan hiện nay đa số phân bón đều là phân bón lá. Khi ta xịt thì xịt luôn cả chậu (thân, lá, gốc, rễ) để tận dụng tối đa khả năng hấp thụ phân của cây nhằm đem lại hiệu quả cao nhất có thể.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Lan kiếm treo - Cymbidium atropurpureum

Lan kiếm treo - Cymbidium atropurpureum

Địa lan hay thạch lan cỡ lớn, củ mọc sát nhau, lá dài và mềm. Dò hoa rủ xuống dài tới 1 m, hoa to 3.5-4.5 cm, 10-33 chiếc thơm mùi dừa, nở vào mùa Hạ-Thu.
Đồng danh: Cymbidium atropurpureum var. olivaceum J.J. Sm. 1910; Cymbidium finlaysonianum var. atropurpureum [Lindl.] Veitch 1894.

Tên Việt: Đoản kiếm đen dỏ (PHH), Lan kiếm treo (TH).

Mô tả: Địa lan hay thạch lan cỡ lớn, củ mọc sát nhau, lá dài và mềm. Dò hoa rủ xuống dài tới 1 m, hoa to 3.5-4.5 cm, 10-33 chiếc thơm mùi dừa, nở vào mùa Hạ-Thu.

Nơi mọc: Gia Lai, Kon Tum.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Cymbidium Polanei Gagn - Lan Kiếm Tử Cán

Cymbidium Polanei Gagn - Lan Kiếm Tử Cán

Cọng phát hoa từ đáy giả hành, đứng cao 20-40 cm có đốt màu đỏ tím, mang 6-8 hoa, to 3-3,5 cm, hoa thơm, có lá bắc màu nâu.
Địa sinh, giả hành nhỏ, đường kính 1,5 - 2cm. Lá hẹp, nhọn, dài 40 cm, rộng 0,7-0,8 cm, gân giữa rõ và cứng.

Cọng phát hoa từ đáy giả hành, đứng cao 20-40 cm có đốt màu đỏ tím, mang 6-8 hoa, to 3-3,5 cm, hoa thơm, có lá bắc màu nâu. Lá đài thon dài, nhọn, màu vàng nhạt với nhiều sọc đỏ tím. Cánh hoa thon dài, ôm lấy trục hợp nhụy. Cánh môi 3 thùy, 2 thùy bên màu vàng xanh, thùy giữa uốn ra sau, nhọn, rải rác có đốm đỏ tím ở 2 mép. Trục hợp nhụy màu vàng nâu.

Ra hoa tháng 2-5. Phân bố ở độ cao 1.500 m, dưới tán rừng thưa xen lẫn trong cỏ.
Lan Tử Cán còn có tên gọi là lan Tì Cán

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Cymbidium Gigateum Wall - Hoàng Lan

Phát hoa từ đáy giả hành, gần thẳng, đầu hơi cong dài 60-100 cm, mang 7-12 hoa. Hoa to 6,5-12 cm. Cánh hoa và lá đài dạng mũi mác nhọn, màu vàng xanh có sọc nâu nhạt, mép uốn lượn, dài 4,5 cm, rộng 1-1,5 cm
Tên khác: Cym. grandifolium Griff; Cym. Hookerianum R.

Do Wallich tìm thấy năm 1821 trong các vùng nhiệt đới ở Hymalaya, cùng cao độ với Nepal, Đông Dương.

Địa sinh hay phụ sinh, giả hành cao 10-15 cm. Lá xanh đậm, dạng gươm, dài 50-90 cm, rộng 2-3 cm, các gân phụ kéo dài 1/2 đến 2/3 lá ( khác với các loài khác).

Phát hoa từ đáy giả hành, gần thẳng, đầu hơi cong dài 60-100 cm, mang 7-12 hoa. Hoa to 6,5-12 cm. Cánh hoa và lá đài dạng mũi mác nhọn, màu vàng xanh có sọc nâu nhạt, mép uốn lượn, dài 4,5 cm, rộng 1-1,5 cm. Cánh môi 3 thùy, 2 thùy bên nhọn, màu vàng nhạt có sọc đỏ nâu, thùy giữa dạng tam giác nhọn, cong, uốn lượn màu vàng nhạt, có vệt đỏ dạng chữ V và vạch đỏ dọc ở giữa. Trục hợp nhụy màu vàng xanh, phần bụng có vết đỏ nhạt. Hoa thơm hay không.

Ra hoa tháng 2-5. Phân bố ở độ cao 1.350 m trở lên, trong vùng rừng ẩm thưa, không rụng lá. Thường sống trên cây lá kim.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Cymbidium Eburneum Reichb - Bạch Lan

Dạng phụ sinh, giả hành được che bởi các bẹ lá. Lá hẹp, dài 40-60 cm, rộng 1-1,5 cm, màu xanh sáng, có cuống rất ngắn. Cọng phát hoa thẳng đứng, dài 50-80 cm, mang 2-3 hoa, hoa thơm, lớn khoảng 10 cm.
Do William Griffith tìm thấy năm 1837 ở vùng Khasia. Nở hoa lần đầu năm 1847 tại bộ sưu tập của Loddiges ở vùng Hackney. Còn có ở Nepal, Sikkim, Thái Lan, Đông Dương, tên khác: Cym. Hookerianum.

Dạng phụ sinh, giả hành được che bởi các bẹ lá. Lá hẹp, dài 40-60 cm, rộng 1-1,5 cm, màu xanh sáng, có cuống rất ngắn. Cọng phát hoa thẳng đứng, dài 50-80 cm, mang 2-3 hoa, hoa thơm, lớn khoảng 10 cm. Cánh hoa hẹp hơn lá đài, dạng mũi mác, màu trắng ngà. Cánh môi 3 thùy, thùy giữa dạng bầu dục, màu trắng với vệt vàng ở giữa, trục hợp nhụy màu vàng nhạt. Hoa nở không hoàn toàn.

Ra hoa tháng 9-11. Phân bố từ 1.400 m trở lên, dưới các tán rừng Dẻ ven đồi.
 
 

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Cymbidium Dayanum Reichb - Xích Ngọc

Loại lan kiếm này có nguồn gốc ở Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Đông Dương. Lan xích ngọc sống phụ sinh, giả hành bầu dục. Lá hẹp, nhỏ, mỏng dài 90-120 cm, rộng khoảng 1 cm.

Có ở Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Đông Dương.

Phụ sinh, giả hành bầu dục, mang lá hẹp, nhọn, dài 90-120 cm, rộng 0,7-1 cm. Phát hoa thòng, ngắn hơn lá, mang 10-12 hoa, hoa lớn 7 cm, có lá bắc nhỏ. Lá đài dài 3 cm dạng mũi mác, màu hơi trắng, có vài sọc đỏ tím đậm ở giữa. Cánh hoa hẹp, nhọn, màu trắng, có sọc đỏ tím thường ôm lấy trục hợp nhụy.

Cánh môi 3 thùy, 2 thùy bên đứng, thùy giữa bầu dục, đầu tròn, uốn ra sau, màu vàng với vạch dọc màu tím đậm quanh cánh môi. Trục hợp nhụy màu tím đậm, có lông mịn.

Ra hoa tháng 8-10. Phân bố từ 600-1.500 m trong những tán rừng thưa ven đồi.

Một số lưu ý khi trồng, chăm sóc lan xích ngọc:

Loại lan này tương đối khó trồng, dễ chết. Nó cần tưới nhiều nước. Vì vậy, nên trồng nó trong các chậu đất ít lỗ và đừng để ...thiếu nước.





Lan kiếm thanh ngọc - Cymbidium ensifolium

Lan kiếm thanh ngọc - Cymbidium ensifolium dò hoa cao chừng 30 cm, hoa từ 2 đến 9 chiếc to khoảng 5-7 cm nở vào mùa thu với hương thơm tuyệt hảo và nếu cây khỏe mạnh sẽ có nhiều dò hoa.
Tại Việt Nam cây lan này được nuôi trồng từ mấy trăm năm về trước, tên gọi khác nhau tùy theo mầu sắc của hoa lá hay theo mùa:

• Thanh ngọc hoa xanh
• Bạch ngọc hoa trắng
• Tố tâm lưỡi mầu đỏ
• Tứ thời v.v...Lan mọc ở: Cha Pa, Đà Lạt, Kontum trên mặt đá có rêu. Mỗi cây có 3-4 lá dài 40-50 cm, ngang rộng 2 -3 cm. Dò hoa cao chừng 30 cm, hoa từ 2 đến 9 chiếc to khoảng 5-7 cm nở vào mùa thu với hương thơm tuyệt hảo và nếu cây khỏe mạnh sẽ có nhiều dò hoa.

Đối với người Á Đông, nhất là người Trung Hoa đã nuôi trồng giống lan này từ khoảng niên lịch thứ 500, cho nên không những chú trọng về sắc hoa mà còn kể đến hương thơm và lá nữa. Lá xanh và mềm mại đó là vẻ đẹp dịu dàng và thanh nhã hơn là cứng ngắc và chĩa thẳng lên trời. Chậu trồng lan cũng vậy, cần phải tương xứng với cây tạo nên sự hài hòa giữa hoa lá và chậu.

CÁCH TRỒNGNHIỆT ĐỘ

Các giống Cym. ensifolium ưa trồng trong nhiệt độ khoảng 85-90°F hay 29-32°C ban ngày và 60-65°F hay 15-18°C vào ban đêm. Nếu ban đêm không lạnh sẽ không ra hoa.
Vào mùa hè, nếu nhiệt độ lên cao cần che bớt ánh nắng hoặc mang vào chỗ rợp mát và bỏ chậu lan vào trong một chiếc chậu lớn hơn để giữ cho rễ lan bớt nóng.

ÁNH SÁNG

Cần phải che lưới khoảng 60-70%, vào mùa hè ẩm độ cần tới 80-90% và phải thoáng gió.

ĐỘ ẨM

Độ ẩm tối thiểu cho giống lan này phải trên 60%, nếu trời qua nóng phải tăng thêm độ ẩm.

THAY CHẬU

Tối thiểu 3 năm phải thay chậu một lần, cắt bỏ rể thối và các củ già. Tránh làm gãy rễ và nên nhớ rằng lúc này dễ bị nhiễm trùng nhất nên cần phải phun thuốc Physan 20. Chậu nên dùng thứ chiều ngang nhỏ và sâu đặc biệt cho lan Tiểu kiếm. Chậu sành tốt hơn chậu nhựa không nên dùng chậu quá lớn vì chậu càng chật càng ra nhiều hoa.

Điều quan trọng nhất là vấn đề chọn lựa vật liệu nuôi trồng để giữ cho:
- Rễ cây luôn luôn ẩm chứ không ướt.
- Dù cho trời lạnh vật liệu cũng khô dần.
- Bộ rễ được mát mẻ.
- Không có khoảng trống không khí (air pocket) trong chậu.
Trồng với vật liệu gồm: 40% vỏ thông, 30% rễ dương sỉ, 20% rêu (Sphagnum moss), 10% than.

TƯỚI NƯỚC

Thông thường là 2-3 lần một tuần vào mùa hè, như việc tưới thưa hay mau tùy thuộc vào:
• Vật liệu trồng lan
• Châu lớn hay nhỏ
• Mùa hè hay mùa đông
• Độ ẩm
Mùa đông bớt tưới nước cho đến mọc cây non.

BÓN PHÂN

Mỗi tuần bón phân 15-15-15 một lần vào mùa hè, với 1/4 thìa cà phê cho 4 lít nước, ngưng bón vào mùa đông.
12/2008
Nguyễn Kim Lan
(Nguồn hoalanvietnam.org)




 



Thanh lan - Cymbium Cyperifolium

Địa sinh, giả hành nhỏ, từ 1-2 cm. Lá hẹp, dài 50-60 cm, rộng 0,8-1 cm, đầu nhọn. Cọng phát hoa từ gốc giả hành, cao 30-40 cm, đứng, mang 6 đến 8 hoa.
Đồng danh: Cymbidium cyperifolium subsp. indochinense Du Puy & P.J. Cribb 1988; Cymbidium cyperifolium var. szechuanicum (Y.S. Wu & S.C. Chen) S.C. Chen & Z.J. Liu 2003.

Tên Việt: Kiếm cói, Thanh lan (TH).

Địa sinh, giả hành nhỏ, từ 1-2 cm. Lá hẹp, dài 50-60 cm, rộng 0,8-1 cm, đầu nhọn. Cọng phát hoa từ gốc giả hành, cao 30-40 cm, đứng, mang 6 đến 8 hoa. Hoa thơm. Hoa lớn 5-6 cm, mỗi hoa có một lá bắc nhỏ. Lá đài thon, nhọn, dài 2,5-3 cm, xanh nhạt, có sọc nâu. Cánh hoa ôm lấy trục hợp nhụy, màu xanh nhạt, có sọc đậm ở gốc. Cánh môi 3 thùy không rõ, thùy giữa lớn, bầu dục, đầu tà, uốn ra sau, màu trắng xanh điểm chấm đỏ nhạt ở hai bên mép. Trục hợp nhụy màu vàng xanh.

Ra hoa tháng 12-2. Phân bố ở độ cao 1.000 m, dưới tán rừng thưa ven suối, trên đất cát bồi.Có người cho rằng có nhiều giống Cymbidium ensifolium khác nhau, nhưng thực ra chỉ có một giống và trên 30 biệt dạng khác nhau về hoa và lá.