Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Trồng lan cắt cành đạt hiệu quả cao

Trồng lan cắt cành đạt hiệu quả cao

Lan cắt cành là những giống lan trồng để cắt lấy hoa thương phẩm. Lan cắt cành có thể được trồng trong chậu - Dendrobium, trồng thành băng - Dendrobium, Oncidium, trồng thành luống như Vanda, Mokara…

I. Đặc tính thực vật học của lan cắt cành:

1.1 Rễ lan: Lan là họ sống phụ (bì sinh) bám, treo lơ lửng trên các cây thân gỗ khác. Các dạng thân gỗ nạc dài, ngắn, mập hay mảnh mai đưa cơ thể bò đi xa hay chụm lại thành các bụi dày. -Rễ làm nhiệm vụ hấp thu chất dinh dưỡng, chúng được bao bởi lớp mô hút dày, ẩm bao gồm những lớp tế bào chết chứa đầy không khí, do đó nó ánh lên màu xám bạc. Với lớp mô xốp, rễ có khả năng hấp thu nước mưa chảy dọc dài trên vỏ cây, lấy nước lơ lửng trên không khí.

1.2 Thân cây lan: Lan có 2 loại thân: Đa thân và đơn thân. Ở các loài lan sống phụ có nhiều đoạn phình lớn thành củ giả (giả hành). Đó là bộ phận dự trữ nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây trong điều kiện khô hạn khi sống bám trên cao. Củ giả rất đa dạng: Hình cầu hoặc hình thuôn dài xếp sát nhau hay rải rác đều đặn hoặc hình trụ xếp chồng chất lên nhau thành một thân giả. -Cấu tạo củ giả: Gồm nhiều mô mềm chứa đầy dịch nhầy, phía ngoài là lớp biểu bì với vách tế bào dày, nhẵn bóng bảo vệ, tránh sự mất nước do mặt trời hun nóng. Đa số củ giả đều có màu xanh bóng, nên cùng với lá làm nhiệm vụ quang hợp.

1.3 Lá lan: Hầu hết các loài phong lan là cây tự dưỡng, nó phát triển đầy đủ hệ thống lá. -Hình dạng của lá thay đổi rất nhiều, từ loại lá mọng nước đến loại lá phiến mỏng. Phiến lá trải rộng hay gấp lại theo các gân vòng cung hay chỉ gấp lại theo gân hình chữ V. Màu sắc lá thường xanh bóng, nhưng có trường hợp 2 mặt lá khác nhau. Thường mặt dưới có màu xanh đậm hay tía, mặt trên lại khảm nhiều màu sặc sỡ.

1.4 Hoa lan: Hoa đối xứng qua một mặt phẳng. Bên ngoài có 6 cánh hoa, trong đó 3 cánh ngoài cùng là 3 cánh đài, thường có màu sắc và kích thước giống nhau. Một cánh đài nằm ở phía trên hay phía sau của hoa gọi là cánh đài lý, hai cánh đài nằm ở 2 bên gọi là cánh đài cạnh. Nằm kề bên trong và xen kẽ với 3 cánh đài là 3 cánh hoa, chúng giống nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc. Cánh còn lại nằm ở phía trên hay phía dưới, có hình dạng và màu sắc khác hẳn với các cánh còn lại gọi là cánh môi. Cánh môi quyết định giá trị thẩm mỹ của hoa lan.

1.5. Quả lan: Quả lan thuộc quả nang, nở ra theo 3 – 6 đường nứt dọc.

1.6 Hạt lan: Hạt lan rất nhiều, hạt liti. Hạt chỉ cấu tạo bởi một lớp chưa phân hoá, trên một mạng lưới nhỏ, xốp, chứa đầy không khí. Hạt trưởng thành sau 2 – 18 tháng.

II. Kỹ thuật trồng lan cắt cành đạt hiệu quả cao:

2.1 Cách chọn giống lan cắt cành: Lan cắt cành phổ biến hiện nay như Dendrobium, Mokara, Vadan, Oncibium. Trong đó, loại Lan cắt cành chủ lực là Dendrobium, Mokara. Có nhiều cách để nhân giống hoa Lan như gieo hột ( ít được phổ biến vì quá khó khăn, hiệu quả không cao), cấy mô (khá phổ biến hiện nay) và tách chiết cây con từ cây mẹ. (áp dụng cho các nhà vườn trồng Lan với qui mô nhỏ).

2.2 Chọn địa điểm trồng lan cắt cành thế nào? Địa điểm lập giàn lan (tức lập vườn lan) có thể là trước sân nhà, đất trống bên hông nhà. Nơi lập vườn lan có thể là đất vườn, đất ruộng, đất bưng đều được, miễn là nơi đó mát mẻ, thông thoáng và gần nguồn nước tưới.

2.3 Chọn hướng trồng: Chọn hướng của giàn lan để lan tránh được ánh sáng trực xạ làm cho héo cây, cháy lá. Vì vậy, làm giàn lan phải chọn đúng hướng. Thông thường, lớp lưới che cho giàn lan được lợp thẳng góc với đi của mặt trời, để bên trong giàn lan lúc nào cũng nhận được ánh sáng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây lan.

2.4 Khung sườn giàn lan: Cột chống đỡ cho giàn Lan thường bằng trụ xi măng hoặc trụ sắt hoặc cây (tuỳ theo điều kiện kinh tế hộ).Chiều cao của cột: 3 – 3,5 m, chiều rộng tuỳ theo kích thước vườn, nóc có thể làm theo kiểu nhà một mái hoặc hai mái, tốt nhất là nóc bằng.

2.5 Mái che cho lan: Hiện nay, mái che giàn lan bằng lưới. Lưới có 2 loại; lưới đen và lưới xanh. Mái giàn lợp bằng tre, bằng gỗ rất mau mục nhưng với lưới thì vừa nhẹ, vừa dùng được lâu. Lưu ý khi lợp lưới nên căng cho thẳng và chằng dây kẽm trên dưới cho chắc để khỏi bị võng xuống.

2.6 Giàn treo phong lan: Giàn làm cao trên 3 m là để che chắn bớt ánh sáng cho lan và tạo sự thông thoáng cần thiết cho vườn. Bên dưới giàn, từ mặt đất đo lên khoảng 1,6m (dễ chăm sóc, thu hoạch), tạo một cái giàn để treo phong lan. Để treo các chậu phong lan có thể dùng cây tầm vông thật thẳng làm sào hoặc tốt nhất là dùng các loại ống nước tròn bằng nhựa hoặc sắt. Những cây sào này được gác song song cạnh nhau, khoảng cách giữa hai cây độ 30 – 35 cm là vừa. Nếu giàn lan không đủ độ ẩm, dưới giàn treo lan có thể đào mương rãnh để dẫn nước vào hoặc xây hồ xi măng, trồng cây thấp nhỏ như dương xỉ…

2.7 Chọn loại giá thể gì trồng lan cắt cành? Trồng phong lan phải sử dụng đến giá thể. Giá thể trồng lan có thể là than gỗ, xơ dừa (lưu ý: Trong xơ dừa có chất tannin là chất chát; vì vậy, trước khi dùng nên ngâm nước nhiều ngày; sau đó, vớt ra phơi khô, phun thuốc trừ bệnh để phòng ngừa), gạch (gạch là chất hút nước tốt, giữ ẩm cao nhưng nhược điểm là dễ mọc rêu, nặng…); vỏ cây thông (vỏ cây thông tuy khó kiếm nhưng nếu có được loại giá thể thì rất tốt cho việc trồng lan, do trong vỏ thông có chất resin là chất sát khuẩn nên trồng lan rất tốt); dớn (dớn là chất liệu trồng lan rất tốt, dớn được lấy ra từ thân, rễ của cây dương xỉ, ưu điểm là giữ ẩm tốt, nhược điểm là trồng lâu ngày phải thay chất trồng mới vì dớn mục nát, thiếu thoát khí).

2.8. Một số cách trồng lan cắt cành phổ biến: Lan cắt cành có thể được trồng trong chậu (Dendrobium), trồng thành băng (Dendrobium, Oncidium), trồng thành luống như Vanda, Mokara…

* Trồng lan trong chậu: Chậu trồng Lan có thể là chậu gỗ, chậu đất, chậu nhựa. Tuỳ theo kích thước cây lớn hay nhỏ mà chọn kích thước chậu cho phù hợp. Thông thường kích thước chậu (7 x 12cm), (10 x 15cm), (12 x 16cm)… Bên hông cũng như đáy chậu đều trổ nhiều lỗ thoát nước và thông hơi. Ưu điểm của loại chậu đất nung là không bị đọng nước. Nên chọn những chậu đất được nung kín, đất phải thật sự chín mới có độ bền chắc để giá trị cây đuợc trồng. Đối với chậu nhựa có thời gian sử dụng lâu nhưng trồng lâu ngày màu chậu mất màu, giảm giá trị cây trồng. Lan được trồng trong chậu có thể sử dụng móc để treo (trình bày như trên) hoặc làm liếp nổi với kích thước 1m (chiều cao) x 1m (chiều rộng) x chiều dài vườn, sau đó đặt các chậu Lan trên liếp. Bề mặt liếp có thể làm bằng lưới B40 hoặc lưới đan lỗ thưa. Lưu ý khi trồng Lan trong chậu: Khử trùng chậu trước khi trồng bằng các loại thuốc trừ nấm bệnh. Cột móc treo vào chậu sao cho khi treo chậu giữ được thăng bằng. Đặt giá thể vào chậu sao cho hở phần đáy khoảng 1/5 thể tích chậu để được thông thoáng.

* Trồng lan thành băng bằng xơ dừa: Chọn xơ dừa của những quả già, khô xé ra to bằng bàn tay. Xếp các mảnh xơ dừa này thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre, mặt lưng quay xuống, mặt ruột lõm quay lên, giữ chặt chúng bằng 2 thanh nẹp tre ở 2 bên . Hoặc xếp các miếng xơ dừa theo chiều đứng thành từng bánh khoảng 3 – 5 cm. Dùng các cọc tre có mũi nhọn cắm thẳng vào giữa miếng xơ dừa để làm cọc đứng. Buộc cây lan vào cọc, gốc lan xát với xơ dừa. Tưới nước ít hơn so với trồng bằng than trong chậu. Để tránh úng nước có thể đục một lỗ nhỏ ở giữa miếng xơ dừa trước khi trồng. Trồng lại sau 2 – 3 năm khi xơ dừa đã mục.

* Trồng lan thành luống: Luống cao 15 – 20 cm, rộng 1m, chiều dài tuỳ theo kích thước vườn. Đất cuốc lên thành cục càng lớn càng tốt để tạo lỗ hỏng làm thông thoáng bộ rễ. Hai bên luống dựng 2 hàng cọc đứng có nẹp tre theo chiều ngang để đỡ cây lan. Cọc cao khoảng 1 – 1,5m; khoảng cách giữa 2 hàng là 30 – 50 cm. Cách tiến hành như sau: + Buộc đứng các cây lan vào các nẹp tre, cành cách cành 20 cm. Các cành lan dài khoảng 40 – 50 cm, càng nhiều tầng rễ càng tốt, thường có 2 – 3 tầng rễ. Dùng gạch, gáo dừa, than củi trải trên mặt luống cho chạm đến gốc lan, trên cùng dùng xơ dừa đã ngâm trải lên nhưng không nén lại mà tạo thành độ xốp (tính từ mặt đất cho đến lớp xơ dừa cao khoảng 20 cm). Che nắng cho lan khi mới trồng bằng lưới, phen tre hay bằng tán lá dừa để có khoảng 50% – 60% ánh sáng, gỡ bỏ dần khi cây phát triển tốt. Làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với lan và thường xuyên bón phân. Có thể hoà loãng phân bò, lợn bôi lên các nẹp tre. Trồng lại sau 3 – 4 năm. Trồng thành băng hay thành luống đều phải làm giàn che cho cả vườn lan: giàn cao khoảng 3 – 3,5m; khoảng cách từ đỉnh đầu cây lan đến lưới che khoảng 1,6 – 1,8m. 3.3 Chăm sóc, bón phân: Lúc cây còn nhỏ nên hoà loãng phân NPK 30 – 10 – 10, lượng dùng 10 g NPK hoà 24 lít nước (tương đương 3 bình 8 lít) để phun ướt đều cây lan hoặc hỗn hợp môi trường. Tuỳ theo cây phát triển như thế nào và kích thươc lớn nhỏ mà phun. Trung bình với lượng dung dịch phân như trên có thể phun 500 cây lan. -Phun đều, định kỳ 3 – 5 ngày/lần. Khi cây trưởng thành nên dùng phân NPK 20 – 20 – 20 hoặc NPK 10 – 30 – 10 để kích thích ra hoa. Khi cây vừa hé hoa thì dùng phân NPK 10 – 10 – 30 để hoa có màu sắc đẹp và lâu tàn. Khi hoa đã tàn hoặc cắt cành rồi nên đổi sang dùng phân NPK 30 – 10 – 10 để cây tăng trưởng ra chồi và lá nhanh. Riêng Vanda rất chịu phân chuồng như phân bò hoai phơi khô bỏ vào gốc, cây rất tốt, ra nhiều hoa, màu sắc đẹp. Đa số lan Dendrobium sp ưa nóng, ưa ẩm, ưa thoáng. Vì vậy, trung bình tưới 2 lần/ngày, ngày nào có nắng gắt có thể tưới thêm một lần nữa. Lưu ý, không tưới nước nhiễm phèn vì sẽ tổn thương bộ rễ. Nước bị nhiễm mặn hoặc nước ao hồ, sông suối ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến cây. Giàn lan luôn luôn phải được làm vệ sinh chung quanh, nhổ cỏ rác, diệt côn trùng như dế, ốc sên, bướm tránh lây mầm bệnh, giữ giàn lan luôn được thông thoáng.

III. Phòng trừ sâu bệnh trên lan cắt cành:

3.1 Bệnh hại trên lan:

* Bệnh đen thân cây lan: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carboxin 1/2000; Zineb 3/2000; Benlat 1/2000.

* Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên).

* Bệnh thán thư: do nấm Colletotrichicm sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 – 7 ngày/1 lần.

* Bệnh thối mềm vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

3.2 Sâu hại lan:


* Rệp vảy: Rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng.

* Bọ trĩ: Gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần.
Nguồn: sưu tầm Internet

Hướng dẫn cách chọn mua cây hoa lan

Hướng dẫn cách chọn mua cây hoa lan

Những người mới chơi lan thường hay mắc chung một khuyết điểm: Thấy bông hoa đẹp cây, rễ tốt tươi như loại Vanda chẳng hạn, đã vội vã mua ngay. Do đó không được bao lâu cây lan sẽ chết hoặc không ra hoa. Bởi vì Vanda là loại cây thường mọc ở vùng nhiệt đới ấm áp quanh năm, ẩm độ cao lại cần nhiều ánh nắng cho nên muốn nuôi phải biết cách trồng.

Chúng ta nên nhớ lan mọc ở 5 châu, 4 biển, núi cao đầy sương gió, rừng rậm âm u, đầm lầy ẩm thấp. Mỗi giống lan có một môi trường sinh sống khác nhau. Một vài cây lan vẫn thường mọc ở vùng nhiệt đới như Thái Lan, Việt Nam, Mexico, Hawaii hay Florida thời tiết ấm áp, độ ẩm cao, nắng mưa điều hòa khó lòng chịu nổi cái lạnh và khô ráo của California, ngoại trừ ta sẽ nuôi lan trong nhà kính. Ngay tại miền Nam California, khí hậu ở Riverside cũng khác hẳn với Fountain Valley, vì vậy ta cần tìm hiểu về những điểm sau đây trước khi quyết định mua lan:

1. Nơi chúng ta sẽ để lan, mùa hè nóng tới bao nhiêu độ, muà đông lạnh nhất là bao nhiêu độ, trung bình là bao nhiêu? Vì nóng quá hay lạnh quá cây sẽ bị cằn cọc lại và sẽ chết.

2. Chỗ đó có đủ nắng hay không? Nắng buổi sáng hay buổi chiều? Ánh nắng rất cần thiết cho cây tăng trưởng và nở hoa. Thiếu ánh nắng cây sẽ èo uột và không ra hoa. Làm sao để biết ta có đủ nắng hay không? Nếu lá xanh thẫm, mềm và rũ xuống tức là thiếu nắng. Lá vàng ngả mầu tía, cây bị cọc lại là quá nhiều nắng. Lá cây mầu xanh hơi vàng như trái olive là đủ nắng.

Sau khi tìm hiểu về nơi chúng ta sẽ để lan, ta sẽ tìm mua cây lan nào thích hợp với môi trường đó.

Các chậu lan cần có bảng tên để giúp chúng ta hiểu rõ về sự nuôi trồng bởi vì ngoài vấn đề nhiệt độ, ánh nắng còn liên quan đến việc tưới nuớc bón phân v.v... Bảng tên toàn những danh từ khoa học tuy khó đọc nhưng mỗi ngày một quen. Hơn nữa nhìn vào bảng tên cây, người ta có thể đánh giá trình độ của người chơi lan.

Sau đây là tên viết tắt của một vài loại lan:
Aer. Aerides Epc. Epicattleya
Aervd Aeridovanda Kaw Kagawara (ascocenda x renanthera)
Angcm Angraecum Lc. Laeliocattleya
Ascda Ascocenda Neof. Neofinetia
Ascf. Ascofinetia Onc. Oncidium
Asctm. Ascocentrum Phal. Phalaenopsis
B. Brassavola Ren. Renanthera
Blc. Brasolaeliocattleya Rhctm Rhynchocentrum
Bro. Broughtonia Rhrds. Rhynchorides.
C Cattleya Rhv. Rhynchovanda
Chtra. Christieara Rhy Rhynchostylis
Ctna. Cattleytonia Soph. Sophronitis
Cym Cymbidium Slc Sophrolaeliocattleya
Den Dendrobium V. Vanda
Enc. Encyclia    

Nếu chúng ta muốn có một vườn lan nở quanh năm đừng nên mua toàn một thứ. Chúng ta nên tìm hiều về thời gian nở hoa của từng loại, cách trồng và chăm sóc chúng, điều kiện khí hậu của chúng để lựa chọn

Tìm hiểu về cây lan cũng chưa đủ, ta còn cần tìm hiểu về trình trạng và xuất xứ của cây lan nữa:


1. Chúng ta nên mua những khỏe mạnh, tươi tốt không có những đốm đen, vệt lõm xuống dấu hiệu của bệnh tật và vi rút (virus). Bệnh tật có thể chữa được nhưng vi rút bất trị và sẽ lây lan sang cây khác.

2. Những cây lan rừng không còn rễ (bare root) hay rễ đã chết khô cần phải có một thời gian khá dài mới ra rễ hay hồi phục được. Trường hợp này pha 10 giọt SuperThrive (hormone) xin đừng lầm với loại Rootone, một muỗng canh B1 và một muỗng cà phê đường trong một gallon nước, nhúng cây lan vào chừng 6 giờ rồi bỏ vào túi nylon cột kín lại. 2 ngày sau xả nước ấm, để cho ráo rồi bỏ vào túi cột kín, chờ khi ra rễ dài chừng 2 phân mới đem trồng. Thời gian này có thể là một vài tháng hay lâu hơn.

3. Phần đông chúng ta mua cây tại các vườn lan có nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng v.v... hoàn toàn khác hẳn với nơi ta để lan, cho nên thế nào cây cũng bị khựng lại hay bị thui chột (shock). Do đó chúng ta đừng vội mang ngay ra sân hay vườn trước khi cho cây làm quen dần dần với thời tiết. Nghĩa là đừng mang ra ngoài khi trời còn quá lạnh và cũng đừng mang ngay ra ngoài nắng. Hãy để vào chỗ rợp mát và thoáng gió sau đó sẽ di chuyển dần dần ra chỗ có nắng.

Tốt hơn hết là chúng ta nên mua cây tại các vườn lan địa phương nơi có cùng thời tiết, khí hậu với chúng ta. Nhưng khi mang từ ngoài vườn vào trong nhà cũng không nên để quá lâu bởi vì trong nhà độ ẩm rất thấp trừ khi chúng ta tăng cường độ ẩm cho cây bằng cách để các chậu cây trên khay nước.

Thấu triệt được những đỉểm trên, chúng ta coi như đã thành công được 2/3 chặng đường dẫn tới thành công.

Cách chăm sóc lan khi ra hoa

Cách chăm sóc lan khi ra hoa


Khi cây lan đang nhú phát hoa, lúc này cây cũng cần nhiều dinh dưỡng giúp hoa đậm màu, tươi lâu và hoa lan được bền hơn.

Chăm sóc để lan ra hoa đã là một chuyện không dễ, nào là tưới nước cho lan thế nào là đủ, bón phân cho lan thế nào hợp lý, nhiệt độ, độ ẩm cho lan thế nào. Đến khi lan đã nhú vòi hoa thì lại phải tính đến chuyện làm thế nào để lan trổ được nhiều bông, hoa nở đẹp, bông lan lâu tàn? Đây cũng là một vấn đề không nhỏ cho người trồng lan.

Phân bón cho lan khi chúng đang trổ hoa

Khi cây lan đang nhú phát hoa, lúc này cây cũng cần nhiều  dinh dưỡng giúp hoa đậm màu, tươi lâu và  hoa lan được bền hơn. Khi thấy lan nhú hoa thì tưới phân NPK 60:30:30 kết hợp với phân hữu cơ vi sinh. Hoặc phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) (3g/4lít), định kỳ 7 ngày/lần.

Cách xịt và liều lượng phân bón cho lan đang có bông: Phun khi hoa mới nhú và phun 1 tuần 1 lần với liều lượng 1gam/4lít nước.

Chú ý:  không phun phân bón lên phát hoa, sẽ làm cho hoa mau tàn hoặc làm cháy hoa do nồng độ phân bón. Sử dụng ở đầu vòi phun 1 dụng cụ chụp để phân không bám vào bông hoa. Chỉ phun và thân lá và rễ phía dưới.

Lưu ý khi bón phân cho lan trong giai đoạn trổ hoa:

Thời điểm nên tưới phân cho lan: từ 8 – 9 giờ sáng.

Đên 3-4 giờ chiều, phun sương bằng nước sạch để cho cây hấp thu hết phân lúc sáng đã tưới.

Sáng hôm sau, rửa lá lan cho sạch hết tồn dư cặn (không làm ảnh hưởng tới màu sắc lá, lá xuất hiện các đóm trắng lóm đóm) bằng cách dùng nước xịt mạnh.

Cách tưới nước cho lan khi có bông

Trong giai đoạn này, chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

Mẹo nhỏ giúp lan Vanda và Mokara ra hoa

Hai loại lan này thì chủ yếu sử dụng phân bón qua lá là chính. Trong giai đoạn kích thích ra hoa, cần hạn chế tưới nước và phải tăng lượng ánh sáng (kể cả thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng)
Nguồn: tổng hợp

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Thời điểm và mùa nở hoa của một số loại lan

Thời điểm và mùa nở hoa của một số loại lan

Thời điểm & mùa nở hoa của 1 số loại lan thường gặp ở nước ta, nhằm giúp các bạn có thể biết được thời điểm nở hoa của 1 số chủng loại lan, qua đó giúp bạn lựa chọn những giống lan sao cho trong cả năm vườn lan của bạn lúc nào cũng có hoa nở

1. Lan có nhiều loài nở hoa quanh năm như:

Hồ điệp (Phalaenopsis)
Đăng lan (Dendrobium)
Cát lan (Cattleya)
Địa lan (Cymbidium)
Vũ nữ (Oncidium)


2. Phân theo mùa:

Nở vào mùa Xuân, 1 số loại như: Lan Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea), Lan kiếm Bạch Ngọc (Cym. eburneum), Hoàng lan (Cym. lowianum)
Hè-Thu, 1 số loại như: Lan kiếm Bích ngọc (Cym. dayanum), Thanh Ngọc (Cym ensifolium), Bạc lan (Cym erythrostyllum)
Thu-Đông : Lan nữ hài (Paphiopedilum)
Đông - Xuân: sau mùa đông,khi lá rụng và ra hoa ví dụ giả hạc,kim điệp,còn lan đơn thân như ngọc điểm ra hoa vào dịp tết,


3. Thời điểm nở hoa của 1 số loại lan thông dụng:

- Đuôi chồn: , nở hoa tháng 5-6
- Sóc ta (Rhynchostylis retusa) nở hoa tháng 4-5
- Sóc Lào: nở hoa tháng 5-6
- Hải Yến: Rhynchostylis coelestis, nở tháng 5-7
- Đai châu: Trước, trong hoặc sau Tết (Tùy theo thời tiết)
- Lan hỏa hoàng: nở hoa vào khoảng tháng 3-5, đặc biệt rất lâu tàn (1-2 tuần).
- Thủy tiên vàng (Thyrsiflorum) tháng 2-4
- Lan phượng vĩ: Mùa Hạ
- Hoàng thảo Đại bạch hạc (Dendrobium christyanum): tháng 5-tháng 8.
- Phi điệp: nở hoa vào tháng 4-6
- Lan vảy rồng (Dendrobium lindleyi): nở hoa vào tháng 3-5

Bệnh thán thư hại cây Phong lan

Bệnh thán thư hại cây Phong lan

Trên lá của cây phong lan, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu nâu vàng, sau đó vết bệnh cứ tiếp tục phát triển rộng dần ra thành những đốm tròn có mầu nâu đậm. Bệnh có thể tấn công ở mọi vị trí trên lá của cây.

Cây phong lan (giống Đăng lan và Cát lan) trên lá (chủ yếu là ở đầu lá) tự nhiên xuất hiện những chấm nhỏ mầu nâu nhạt hơi vàng, sau đó phát triển rộng ra thành những đốm hình tròn mầu nâu sẫm. Nếu nặng có thể làm cho lá bị khô một phần hoặc cả lá, trên chỗ bị bệnh xuất hiện những vân vòng đồng tâm và những chấm đen.

Qua mô tả kết hợp với những hiểu biết về sâu bệnh hại trên cây phong lan, dự đoán rằng cây phong lan của nhà bạn đã bị bệnh Thán thư (có người còn gọi là bệnh đốm than) gây hại. Bệnh này do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Ngoài cây phong lan bệnh còn gây hại cho khá nhiều lọai cây trồng khác.

Trên lá của cây phong lan, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu nâu vàng, sau đó vết bệnh cứ tiếp tục phát triển rộng dần ra thành những đốm tròn có mầu nâu đậm. Bệnh có thể tấn công ở mọi vị trí trên lá của cây. Nếu tấn công ở chóp lá sẽ làm cho lá bị khô từ trên xuống, có khi xuống tới 2/3 chiều dài lá. Nếu bệnh tấn công ở gốc lá vết bệnh sẽ lan dần ra xung quanh, nếu nặng có thể làm cho lá bị rụng. Sau một thời gian ở giữa vết bệnh chuyển dần sang mầu xám và xuất hiện những vân vòng đồng tâm rộng khỏang 1 ly (như bạn đã thấy), sau đó xuất hiện các chấm nổi lên mầu nâu đen, đó là đĩa bào tử. Nếu bị nặng có thể làm cho nhiều lá bị chết, thậm chí chết cả cây.

Nguồn bệnh tồn tại trong tàn dư của cây bị bệnh, trong đất, trong nguyên liệu để trồng phong lan. Bào tử phân sinh lan truyền chủ yếu nhờ nước, nhờ gió, nẩy mầm xâm nhập vào trong lá phong lan qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì.

Bệnh thường phát sinh và gây hại từ tháng 3 đến tháng 10, nhưng tập trung nhiều nhất là vào khỏang tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện trời nóng, có mưa nắng thất thường, độ thông thóang của giàn lan kém, tưới nước qúa nhiều tạo cho chậu lan luôn ẩm ướt...thường làm cho bệnh gây hại nhiều hơn.

Để hạn chế tác hại của bệnh bạn có thể tiến hành một số biện pháp sau:

-Kiểm tra chậu lan thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trị kịp thời. Nên mạnh dạn cắt bỏ những lá bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh trong khu vực giàn lan, tránh bệnh lây lan sang những chậu lan, cây lan khác.

-Trước khi trồng nếu có điều kiện bạn nên xử lý chậu lan và chất trồng lan (than củi, dớn, vỏ dừa...) bằng dung dịch Formol 40% pha nồng độ 5% phun xịt lên chậu và chất trồng rồi phủ kín bằng bạt nilon khỏang 2-3 ngày, sau đó mở bạt ra khoảng 1-2 ngày sau thì có thể trồng lan vào.

-Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là vào buổi chiều tối. Nếu bệnh thường gây hại nặng thì trong mùa mưa nên có mái che bằng nilon trắng vừa hạn chế nước mưa một cách chủ động, mà vẫn đảm bảo có đủ ánh sáng cho cây.

-Không nên che kín bít bùng giàn lan, nên tạo cho giàn lan nhận được đầy đủ ánh nắng mặt trời theo yêu cầu của từng lòai lan, tạo cho giàn lan thông thóang gió.

-Nếu thấy cây lan chớm có bệnh thì hạn chế tưới nước và dùng một trong vài lọai thuốc như: Candazole 50WP; Bavistin 50SC; Topsin M 70WP; Vithi-M 70BTN... xịt định kỳ khoảng 7-10 ngày một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc.

Giá thể trồng lan

Giá thể trồng lan

Mỗi loại lan cần một chất liệu trồng khác nhau và mỗi chất liệu lại cần một cách tưới bón thích hợp. Thí dụ loại phong lan không thể dùng những chất liệu trồng cho địa lan hay ngược lại. Loại lan cần nhiều nước không thể dùng chất liệu mau khô được.

Nhiều người thắc mắc không biết nên trồng lan bằng chất liệu gì cho đúng cách vì trên thị trường có quá nhiều chất liệu và mỗi người trồng một khác. Chúng ta những người chơi lan tài tử thường mắc chung một chứng bệnh: Muốn trồng đủ loại, nhưng lại để cùng một chỗ, trồng với nhiều chất liệu khác nhau mà lại tưới bón như nhau. Xin phân tách từng thứ một để chúng ta chọn lựa, bởi vì chẳng có một thứ nào lý tưởng 100% có thể dùng cho tất cả các loại lan.

Người ta có thể trồng lan bằng nhiều thứ như vỏ cây, đá, sơ dừa, rêu v.v...

Nhưng mỗi chất liệu có những đặc tính khác nhau cho nên có những lợi điểm và khuyết điểm. Chúng ta nên nhớ rằng mỗi loại lan cần một chất liệu trồng khác nhau và mỗi chất liệu lại cần một cách tưới bón thích hợp. Thí dụ loại phong lan không thể dùng những chất liệu trồng cho địa lan hay ngược lại. Loại lan cần nhiều nước không thể dùng chất liệu mau khô được. Ngoài ra còn có những vấn đề phụ thuộc liên quan đến như: Tưới nước, sẵn có trên thị trường, giá cả, tiện dụng hay không?
1) Vỏ thông (Fir Bark)

Thứ này thông dụng hơn cả, rẻ tiền, dễ mua, giữ nước và độ ẩm, khá thích hợp cho nhiều thứ lan cho nên nhiều người dùng. Điều bất tiện là thứ này giữ chất muối có sẵn trong nước và trong phân bón, chỉ giữ được chừng 2/3 số Nitrogene trong phân bón và thông thường sẽ bị mục nát trong khoảng 2-3 năm.

Fir Bark có 3 hạng:


Lớn (coarse) to khoảng 3/4” trở lên dùng cho các cây lớn, cần tưới nhiều và thoát nước.

Vừa (medium) từ 1/4 đến 1/2” dùng cho những cây trung bình và rễ nhỏ.

Nhỏ (fine) từ 1/8 đến 1/4” dùng cho các cây còn nhỏ hoặc những loại cần giữ nuớc lâu hơn.
Xin đừng nhầm lẫn với loại Pine bark, cũng là vỏ thông nhưng có lẫn gỗ trong đó, thứ này mau mục, úng nước, lên men mốc trắng, dầu thông trong gỗ sẽ làm hại rễ. Lan không ưa thứ Pine Bark này.
 
Vỏ thông nhỏ (Fir bark small)

Vỏ thông trung bình (Fir bark medium)

Vỏ thông lớn (Fir bark large)
2) Gỗ thông đỏ (Red wood shaving)

Thứ này cũng không quá đắt, giữ nước nhiều nước và độ ẩm, lại nhiều acide cho nên chỉ dùng dưới 50%, trừ được nấm men trắng. Sên không vỏ (slug) không ưa thứ này. Điều bất tiện là thứ này trồng không chặt cho nên phải cột cây vào chậu và khó tìm loại gỗ tốt.

Gỗ thông đỏ (Red wood shaving)
3) Rễ cây dương sỉ (Tree fern)

Thứ này mau khô, lâu bền dược trên 3 năm mới mục, nhẹ thích hợp với những rổ treo (hanging basket)


Rễ cây dương sỉ (Tree fern)
4) Sơ dừa, vỏ dừa (Coconut fiber, chip)

Sơ dừa dùng để lót đáy chậu hay rổ treo hoặc trồng những loại lan cần ráo nước. Khuyết điểm mau khô và nhẹ cho nên chậu hay bị đổ.

Vỏ dừa cắt nhỏ có hai loại vừa (Medium) và nhỏ (fine). Ưu diểm là ngấm nước mau hơn và giữ độ ẩm lâu hơn, Nhưng phần đông các loại sơ dừa đều có nhiều muối ở trong, nên cần phải ngâm nước vài ngày, xả cho sạch rồi mới trồng được. Theo kinh nghiệm các giống lan Laelia không ưa trồng bằng sơ dừa.

Sơ dừa, vỏ dừa (Coconut fiber, chip)
5) Rêu (Sphagnum moss)

Loại rêu bản xứ hoặc Canada mầu nâu đen hoặc nâu xanh không nên dùng vì phẩm chất xấu và trong rêu có nhiếu chất làm cho cây lan yếu đi. Chỉ nên dùng loại rêu nhập cảng từ New Zealand hoặc Brasil mầu vàng rơm để trồng lan vì trong rêu có tác dụng trừ nấm mốc. Khi trồng, không nên nén quá chặt mới chưá được nhiều nước. Rất tốt để trồng lan trên cành cây và chậu gỗ nhưng quá đắt tiền, chóng hư mục và giữ muối cho nên cứ vài tháng phải xả nước cho nhiều hay ngâm trong nước.

Rêu (Sphagnum moss)
6) Than (Charcoal)

Than trồng lan không phải là thứ lan đốt lò đã làm sẵn từng viên. Than phải đốt từ củi dùng cho viêc trồng trọt (Agriculture charcoal). Than có ưu điểm lâu bền từ 5-6 năm mới phải thay chậu và chỉ dùng một cỡ cho đủ thứ cây lớn nhỏ. Sên không vỏ (Slug) không ưa sống trong than. Nhược điểm quá đắt và giữ chất muối và phân bón cho nên cứ hai tháng phải xả thật nhiều nước cho sạch.

Than (Charcoal)
7) Đá núi lửa (Lava rock)

Đá núi lửa có ưu điểm dễ ngấm nước, không bị mục, thoáng hơi và không quá nặng. Rất tốt để lót đáy chậu thay cho chất xốp đậu phọng (Peanut foam) Nhược điểm là giữ chất muối cho nên cứ 2 tháng phải xả nước cho sạch. Sên không vỏ ưa trú ngụ trong kẽ đá.

Đá núi lửa (Lava rock)
8) Đá xốp (Pumice rock)

Đá Pumice là một loại lava rock nhưng nhẹ hơn và thấm nước, lâu bền không bị mục nhưng cũng có nhược điểm là giữ muối vì thế có nhiều loại lan không ưa loại đá này.

Đá xốp (Pumice rock)
9) Đá bọt (Perlite or sponge rock)

Đá bọt hau đá trân châu rất nhẹ và thấm nước, dùng để trộn với vỏ thông hoặc rễ cây để cho thoáng khí rất thích hợp cho các loại lan có rễ nhỏ.

Đá bọt (Perlite or sponge rock)
Một vài công thức trồng lan
LAN ĐẤT CYMBIDIUM
Vỏ thông nhỏ 1/8 - 1/4”; (Fine grade)   5 phần
Vỏ thông vừa 1/2”; (Medium grade)   2 phần
Vỏ dừa nhỏ hoặc lớn (Coconut chip)   2 phần
Cát số 12   1 phần
Gổ thông đỏ (red wood shaving)   1/2 phần
 
CATTLEYA, LAELIA, SCHOMGBURKIA, PHALAENOPSIS v.v...
Vỏ thông vừa 1/2” (Medium grade)   6 phần
Vỏ dừa lớn 1/2" (Coconut chip)   2 phần
Đá xanh hay đá xốp (Pumice rock)   2 phần
Đá trân châu đá bọt (Perlite)   1 phần
Gổ thông đỏ (red wood shaving)   1/2 phần
 
DENDROBIUM
Vỏ thông vừa 1/2”; (Medium grade)   4 phần
Vỏ dừa 1/2” (Coconut chip)   2 phần
Đá xanh hay đá xốp (Pumice rock)   4 phần
Gỗ thông đỏ   1/2 phần
 
NỮ HÀI VÀ CÁC CÂY CÓ RỄ NHỎ NHƯ MILTONIA, ONCIDIUM
Vỏ thông nhỏ 1/8 - 1/4”; (Fine grade)   6 phần
Vỏ dừa nhỏ 1/4” (Coconut chip)   2 phần
Than nhỏ 1/8-1/4” (Charcoal)   1 phần
Đá bọt (Perlite)   1 phần
 
Người ta trồng lan với khá nhiều công thức khác nhau, sau đây là một vài công thức khá thông dụng và kết quả mỹ mãn.
kcmdanang.org.vn

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa phong lan nói chung

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa phong lan nói chung

Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

1) THIẾT KẾ VƯỜN

Nếu trồng lan kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền, chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu làm bằng sắt, giàn treo làm bằng tầm vông hay sắt ống nước. Xung quanh vườn cần dựng hàng rào chắn chắc chắn hay rào bằng lưới B40. Thiết kế hàng trồng theo hướng Bắc Nam để vuông góc với dường đi của ánh nắng. Các chậu lan cần chọn cùng cỡ kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần chú ý rằng tiểu khí hậu các nơi này thường bị khô nóng do ảnh hưởng của các kết cấu bê tông, mái tole… xung quanh. Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thuỷ, nguyệt quế… để giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố này. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều.


2) CHỌN GIỐNG

Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… đây là những loài ra hoa khoẻ, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp; đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Điều kiện môi trường nuôi cấy mô phong lan với nhiệt độ 22-27oC, cường độ ánh sáng thích hợp, pH từ 5-5,7. Khử trùng mô bằng Starner 20 WP cấy bằng Clorox hoặc Hipocloritcalci, bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Có thể tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2 - 3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.

3) CHUẨN BỊ GIÁ THỂ VÀ CHẬU

Có thể than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc làm giá thể để trồng lan. Than gỗ nung cần chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt Tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x 3 cm xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu trồng bằng nhựa hay đất nung, kích cỡ tuỳ loại và độ tuổi.

4) KỸ THUẬT CHUYỂN CHẬU

Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6-7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng 1 tuần mới được bón phân. Việc thay đổi chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám… Nếu trồng lan để chơi, lan lâu ngày ra hoa ít cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.

5) CHĂM SÓC LAN

Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

- Chiếu sáng:

Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.

Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng. Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây, lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc – Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.

- Phân bón:

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Can xi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.

Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.

Thiếu lân, cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển màu xám đen, không ra hoa.

Thừa lân cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.

Thiếu Kali, cây kém phát triển, lá già vàng dần từ hai mép lá và chóp lá sau lan dần vào trong, lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu không sắc tươi và dễ bị dập nát.

Thừa Kali, thân lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa Kali dễ dẫn đến thiếu Magiê và Can xi.

Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm.

Thiếu Magiê, thân lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố hình thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.

Thiếu Can xi, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công.

Thiếu Kẽm, xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.

Thiếu đồng, xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít bị hạn chế, cây yếu dễ bị nấm tấn công.

Thiếu sắt, các lá non chuyển úa vàng sau trở nên trắng nhợt, cây còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.

Thiếu Mangan, úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.

Thiếu Bo, lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc số nụ ít, hoa dễ bị bị rụng, không thơm và nhanh tàn.

Thiếu Molypden, xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.

Thiếu Clo, xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành sau chuyển màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.

Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần Đạm cao, Lân và Kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và Kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần Kali cao, Lân và Đạm thấp hơn.

Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

- Lan mới trồng 0-6 tháng hoặc lan mới ra chồi non sau cắt hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5 g/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3-6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.

- Lan mới trồng 6-12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít), định kỳ 7 ngày/lần.

- Lan mới trồng 12-18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3.000 ppm (3g/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này cần giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để năng mức độ chiếu sáng nhằm kích thích ra hoa.

- Khi vòi hoa xuất hiện: Phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít) nhằm thúc hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.
 

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Những điều cần biết để cây lan không chết

Những điều cần biết để cây lan không chết

Cây lan là cây hoa cảnh được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của nó.Tuy nhiên lan là một loại hoa cần được chăm sóc thường xuyên và đúng cách, nếu không cây sống nhưng còi cọc, không ra hoa hoặc sẽ chết đi.

Cây lan bị chết có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chủ nhân của cây lan “không thương” nó, vì không thương nên không tìm hiểu cách nuôi dưỡng nó, không cho nó một ít thời gian để tưới tắm, phòng sâu bệnh.

1.Tại sao cây lan chết

Trước tiên cây lan chết vì con người không chú ý đến môi trường sống của nó. Cây lan sẽ không tăng trưởng nếu đột ngột thay đổi môi trường sinh sống thiên nhiên đặc hữu. Phải một thời gian lâu để cây lan thích hợp với môi trường mới. Đây là điểm người mua lan về nuôi trồng cần lưu ý. Một cây lan vùng nhiệt đới, khí hậu ẩm ướt đem về vùng khí hậu khô ráo, ít ẩm độ, cây đó khó sống nếu không có phương tiện cung ứng điều kiện thích hợp. Có những hoa lan chỉ thụ phấn được nhờ một loại ong, bướm chỉ có ở nơi môi trường đó mà thôi. Do vậy, người mới chơi lan nên mua những cây đã được phổ thông, thích hợp với môi trường mình đang sinh sống. Không nên vì màu sắc, hình dáng bắt mắt mà mua không đắn đo.
Với những cây lan thuộc loài Cymbidium sống phù hợp ở những nơi có nhiệt độ thay đổi trong ngày từ 21oC - 38oC và ban đêm phải lạnh

Với những cây lan thuộc loài Cymbidium sống phù hợp ở những nơi có nhiệt độ thay đổi trong ngày từ 21oC – 38oC và ban đêm phải lạnh

Khi mua một giống lan lạ ta cần biết tên (tên khoa học) hay ít nhất tên bình dân nhưng phổ thông. Tên được nhà cung cấp ghi rõ vào tấm thẻ kèm theo cây .Chúng ta nên cẩn thận ghi chép đầy đủ tên khoa học và một vài tên phổ thông cho dễ tra cứu. Nếu được nên xin nhà vườn cung cấp cho một tài liệu về cách nuôi trồng hoặc trao đổi với họ để biết thêm về cây lan mình muốn mua. Ví dụ có những cây lan cần ngủ về mùa Đông, nên không cần tưới nước, bón phân trong thời gian này. Làm ngược lại cây lan sẽ chết.

Nói nôm na, cây cối cũng như con người cần một số yếu tố để sống như nước, ánh sáng, nhiệt độ, không khí và một số điểu kiện để tăng trưởng như phân bón, sự chăm sóc của con người. Tùy từng loại lan, tùy cách trồng mà cung ứng những yếu tố trên cho thích hợp. Cây cần độ ẩm, cần nước nhưng tưới nhiều quá cây bị úng nước, thối rễ và chết. Cây lan xứ nóng, đem về xứ lạnh trồng, nếu không tăng nhiệt độ thích hợp, cây lan sẽ chết. Cây lan cần ánh sáng, cần nắng để tăng trưởng, ra hoa. Nếu để lâu trong chỗ rợp, trong nhà, cây lan sẽ yếu, dễ bị bệnh và không ra hoa.

2. Để cây lan không chết

Người trồng lan dù để kinh doanh hay trồng như một thú tiêu khiển đều phải tìm hiểu về kỹ thuật, phương pháp để có thể thành công,cần học hỏi, tìm hiểu, trao đổi để thu thâp kinh nghiệm cho mình. Tưới nước cho lan, mới nghe tưởng dễ, nhưng 90% cây lan chết vì tưới quá nhiều nước. Không bón phân cây lan chỉ chậm lớn, bón phân không đúng cách, cây lan chết. Để cây lan khỏi chết, người chơi phải cố gắng nhất là trong thời gian đầu học hỏi, tìm hiểu. Sau đó với kinh nghiệm, mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Cây lan thuộc loài Phalaenopsis là cây ưa bóng mát, lá rộng dễ mất nước nên cần tưới nhiều nước , nhưng tránh để đọng nước lại trên lá

Cây lan thuộc loài Phalaenopsis là cây ưa bóng mát, lá rộng dễ mất nước nên cần tưới nhiều nước , nhưng tránh để đọng nước lại trên lá

Tìm hiểu những đặc tính của cây lan trước khi mua. Đối với người mới trồng lan nên mua những cây dễ trồng. Đối với những cây lan lạ nên tìm hiểu thêm những đặc tính riêng biệt của mỗi loại để cung ứng những đòi hỏi thích hợp. Tìm hiểu khả năng của mình có đủ phương tiện hay không, Ví dụ xây nhà kính cho các cây khác vùng khí hậu.

Người nuôi trồng cần tìm hiểu sơ qua cách tưới nước, bón phân, trừ bệnh tật, sâu rầy cho đúng phương pháp. Từ khi có triệu chứng cho đến khi chết, cây lan có một thời gian khá lâu đủ cho ta cứu chữa kịp thời. Nếu cây không tăng trưởng ta nên để ý đến môi trường, vị trí đặt để cây lan, đủ nắng, thiếu nắng, thừa nắng. Số giờ nắng chiếu trong ngày hay sự chênh lệch nhiệt độ cao-thấp cũng ảnh hưởng đến cây lan có ra hoa hay không. Nếu để lâu một vị trí mà cây không phát triển ta nên thay đổi để ra chỗ khác. Mầm non và rễ mới xuất hiện cho ta biết cây đã có thể chấp nhận chỗ mới. Lá tự nhiên đổi màu vàng, rũ xuống, rễ thâm đen chỉ còn gân ở giữa, báo hiệu cây lan dư nước vì tưới quá nhiều hay nước không thoát được hoặc đất trồng cần phải thay vì đã mủn thành bùn. Các đầu lá, sau một thời gian bón phân bị khô cháy tức là ta đã bón quá nhiều phân. Cần kiểm soát lại nồng độ của phân hoặc khoảng cách mỗi lần tưới. Ta cũng lưu ý những dấu hiệu trên lá, trên rễ để chẩn đoán bệnh và cứu chữa kịp thời.

Nói chung, để tránh cho cây lan không chết chúng ta cần:

- Tìm hiểu đặc tính của cây lan mình muốn mua trồng, không mua tùy hứng.
- Nên trồng những cây dễ trước để có kinh nghiệm.
- Tự xét khả năng của mình về sự chăm sóc, trang trại, và kỹ thuật.
- Áp dụng đúng những điều học hỏi, kinh nghiệm và hướng dẫn chuyên biệt.
- Không tự ái khi tìm hiểu, học hỏi, trao đổi với những người có kinh nghiệm.
- Giữ vệ sinh trang trại, dụng cụ để tránh lây bệnh, vi trùng, virus.

Để có hoa lan nở quanh năm

Để có hoa lan nở quanh năm

Chúng ta nên biết rằng hầu hết hoa lan mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào một mùa nào đó, ngoại trừ một vài giống như Ascocenda hay Vanda có thể nở hoa 2-3 lần trong một năm. Để có hoa lan để quanh năm, muốn có được chậu chậu hoa lan nở đúng Tết, đó là mong muốn của người trồng lan


Hoa lan Ngọc điểm chỉ nở vào mùa xuân
Muốn lan nở đúng vào Tết Nguyên Đán, ta phải chọn một số lan nở hoa vào dịp này. Nhưng nên nhớ lan có thể nở sớm hay muộn 1-2 tháng tùy theo thời tiết nóng hay lạnh, ngoại trừ chúng ta nuôi ở trong nhà kính có thể điều hòa nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ theo ý muốn.

Do đó nếu trồng ở ngoài trời mà muốn có hoa lan nở quanh năm phải có sự tính toán và hiểu biết căn cứ vào những điểm sau:

- Lựa giống lan nở vào những mùa nhất định.
- Chọn những giống hoa lâu tàn.
- Nuôi trồng đúng cách.

1.Lựa chọn giống  hoa lan

Đa số nở hoa vào mùa Xuân như Cymbidium, Dendrobium, vào mùa Hạ như Stanhopea hay mùa Thu như Paphiopedilum.

Nhiều cây tuy cùng một loài nhưng lại nở hoa vào thời điểm khác nhau như Phalaenopsis hay Epidendrum hay Cattleya.

Epidendrum Radicans- hoa lan nở bất cứ vào thời điểm nào trong năm
Có những giống lan nở bất cứ vào thời điểm nào trong năm như Brassavola nodosa, Epidendrum ibaguense hay Epidendrum radicans. Phần đông là những cây đã lai giống nhiều lần như: Phalaenopsis, Cattleya. Epicat. v.v… cho nên sẽ ra hoa bất cứ khi nào cây đã đủ lớn.

Vì vậy muốn có hoa nở quanh năm, chúng ta phải lựa chọn giống lan:

- Chia theo mùa hoa nở vào Xuân, Hạ, Thu Đông.
- Sau đó chúng phải xem loài lan hay giống lan nào thích hợp với nơi chúng ta đang ở. Lập một bản liệt kê rồi sẽ mua lan.
- Khi mua nên hỏi người bán về mùa hoa nở, tốt hơn hết là nên có một cuốn sách có nói về mùa nở hoa. Thông thường khi ta mua cây có hoa vào tháng nào, sang năm sẽ nở hoa vào tháng đó.

2.Chọn những giống hoa lâu tàn.

Hoa lan, thông thường sẽ tàn trong khoảng 2 tuần lễ, nhưng cò tùy thuộc vào nhiệt độ. Nếu quá nóng sẽ sớm tàn và nếu lạnh xuống khoảng 50°F hay 10°C sẽ lâu tàn hơn.

Psychopsis papilio- nở hoa từ 3-4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền
- Cymbidium, Renanthera hoa tàn trong khoảng 8-10 tuần
- Phalaenopsis có khi 10-12 tuần mới tàn và hoa nở liên tiếp tới 3-4 tháng.
- Dendrobium lai giống mầu xanh tím từ 8-10 tuần.
- Cattleya từ 2-4 tuần tùy theo giống.
- Paphiopedilum từ 4-8 tuần.
- Psychopsis từ 3-4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền.
- Vanda, Mokara từ 3-6 tuần.

Nên nhớ, những giống nào có cánh hoa dầy sẽ lâu tàn hơn những giống có cánh hoa mỏng.

Grammatophyllum multiflorum - hoa phải 8-9 tháng mới tàn (Loài lan này ở Hà Nội thường được gọi là lan Nữ hoàng hay Vũ nữ hoàng hậu)
Đặc biệt cây Grammatophyllum multiflorum hoa phải 8-9 tháng mới tàn. Ngược lại Sobralia và Stanhopea chỉ 2-3 ngày là đã tàn nhưng có nhiều dò hoa hay nở liên tiếp cho nên có khi cả tháng mới hết hoa.

3.Nuôi trồng đúng cách.

Nếu không nuôi trồng đúng cách hoa lan sẽ không ra hoa, hoặc hoa sẽ không nhiều, không đẹp. Vì vậy cần phải cung ứng cho  hoa lan những điều kiện nuôi trồng thích hợp:

Dendrobium – nếu ban đêm không lạnh xuống 50°F hay 10°C khoảng 3-4 tuần lễ cũng không ra hoa
- Ánh sáng nếu thiếu, cây sẽ yếu đuối và sẽ không ra hoa. Nếu quá nắng cây sẽ còi cọc, vàng úa, hoa nhỏ và ít.
- Nếu quá nóng hay quá lạnh cây sẽ không phát triển và chết dần.
- Nếu không có sự cách biệt giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm khoảng 15°F hay 8°C lan sẽ không ra hoa.
- Nhiều giống Cymbidium, Dendrobium hay Paphiopedilum nếu ban đêm không lạnh xuống 50°F hay 10°C khoảng 3-4 tuần lễ cũng không ra hoa.
- Dendrobium, Rhynchostylis nếu tưới nhiều nước vào Thu-Đông sẽ không có hoa hoặc rất ít.
- Nhiều giống như Ascocenda, Vanda, Mokara cần nhiều ánh sáng và phân bón mới ra hoa.
- Trái lại nhiều phân bón cây sẽ chết như Disa, Masdevallia chẳng hạn.

Vanda ascocenda - nhiều phân bón cây sẽ chết
Nói tóm lại khi muốn lan ra hoa quanh năm, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng mới có kết quả mỹ mãn.
4. Mùa Hoa Lan Nở

Phần đông các loài lan nguyên giống (species) sẽ nở hoa vào các mùa như sau:
Giống lan Mùa Hoa Lan Nở
Aerides (Giáng hương) Xuân
Angraecum Thu-Đông và Xuân
Brassavola mùa Xuân
Bulbophyllum (Cầu diệp) Xuân và một số ít vào Thu
Calanthe (Kiều lan) Xuân cho đến Thu
Cattleya (Cát lan) đủ 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông
Coelogyne (Thanh Đạm) một số nở vào mùa Xuân-Hạ, một số khác nở vào mùa Thu-Đông
Cymbidium (Lan Kiếm) Đông-Xuân, riêng giống Cym. ensifolium nở vào cả 4 mùa
Dendrobium Úc châu bắt đầu nở từ tháng mùa Xuân dù là ở Úc hay ở Hoa kỳ
Dendrobium (Đăng lan, Hoàng Thảo) Á châu Xuân-Hạ
Encyclia đủ cả 4 mùa
Eulophia (Luân lan) Xuân-Hạ
Holcoglossum (Tóc tiên) tuỳ theo giống nở vào Xuân-Hạ-Thu-Đông
Laelia Thu-Đông và Xuân
Odontoglossum Thu-Đông và Xuân
Oncidium(Vũ nữ) Xuân-Hạ
Paphiopedilum (Nữ hài) Thu-Đông và Xuân
Phaius (Hạc Đính) Xuân-Hạ
Phalaenopsis (Hồ Điệp) Đông-Xuân và Hạ
Renanthera (Huyết nhung, Phượng vĩ) Xuân, Hạ và Thu
Schomburgkia Xuân-Hạ và Thu
Sobralia Xuân-Hạ
Stanhopea Hạ
Vanda Xuân-Hạ và Thu
Theo Bùi Xuân Đáng

Cách trồng hoa lan nói chung

Cách trồng hoa lan nói chung

Biết được sự tương quan giữa rễ với giá thể và cách trông cây lan để chúng ta trồng chúng cho phù hợp với từng nhóm

Chúng ta đã biết được cơ bản về kỹ thuật trồng phong lan. Bây giờ, trồng cụ thể từng loại lan. Trước khi trồng, phải biết cây lan đó là loại lan gì, xuất xứ từ đâu (xứ lạnh hay xứ nóng) Như vậy phải khảo sát thêm cách sinh sống của cây lan đó để chọn chất liệu trồng, cách trồng cho phù hợp. Căn cứ vào cách sinh sống của lan ta có thể chia ra làm 4 nhóm:

1. Nhóm địa lan có hệ thống rễ ở dưới đất.

Nhóm này gồm các loại lan có củ mập ở dưới mặt đất (Spathoglottis Plicata ...), có bộ rễ ăn sâu xuống đất, dễ trồng nhất, chất trồng chính là đất trôn với rơm rác, tro trấu, phân chuồng, tưới nước ít, cây có thể ra hoa quanh năm, nhất là vào mùa mưa.

2. Nhóm bán địa lan.


Nhóm này có thể có củ hoặc không có củ, hệ thống rễ ăn xuống đất hoặc bám ở các nơi có lá cây mục, phân mùn, gốc cây, như lan Kiếm Cymbidium, Lan hài Paphiopedilum, Lan bầu rượu Calanthe vv... Khi trồng, chỉ cần cho phần rễ ăn xuống đất phân, còn phần thân và củ, nếu có, phải ở trên mặt đất. Gía thể phải tơi xốp hơn so với địa lan, có thể là lá mục, than vụn, xơ dừa, tro trấu, phân chuồn đã hoai vv... Có loại qua mùa khô, lá rụng hết như lan bầu rượu, đến mùa mưa thì lại ra lá, ra hoa. Có loại không rụng lá như Lan hài, Lan gấm, Lan kiếm, nhưng chỉ ra hoa theo mùa, thường vào đầu mùa mưa.

3. Nhóm có hệ thống rễ là rễ gió hoàn toàn hay rễ không khí.


Loại này có khả năng hút dưỡng chất trong hơi nước, trong không khí và các chất bụi gỗ, lá mục ở thân cây. Rễ cũng quan hợp được với ánh nắng, nên thường chìa ra ngoài và thích thông thoáng. Đó là lan Ngọc điểm, Vanda, Bò cạp v.v... Vì vậy, khi trồng phải để giá thể thật thông thoáng, để than to, chậu có lổ to hoặc trong giỏ gỗ hay ghép vào khúc cây là tốt nhất.

4. Nhóm có hệ thống rễ bán không khí.


Loại này có rễ nhỏ, nhưng rất nhiều, bám vào bề mặt của chậu, của giá thể, như Hoàng lan Dendrobium, Vũ nữ Oncidium, Cát lan Cattleya vv... Trồng với giá thể thoáng, than dớn chậu cũng phải có nhiều lỗ để rễ bò ra hoặc ghép vào khúc gỗ với một ít xơ dừa.

Như vậy, loài lan có 4 nhóm: Lan đất hay địa lan, Bán địa lan, Phong lan rễ gió, và lan bán rễ gió. Biết được sự tương quan giữa rễ với giá thể và cách trông cây lan để chúng ta trồng chúng cho phù hợp với từng nhóm.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Kỹ thuật trồng lan con từ nuôi cấy mô

Kỹ thuật trồng lan con từ nuôi cấy mô

Lan nuôi cấy mô có phẩm chất cây giống tốt, chất lượng ổn định, đặc điểm sinh trưởng phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh. Lan nuôi cấy mô là nguồn giống cung cấp chủ yếu cho các trang trại nhà vườn trồng lan thưởng phẩm bán ra thì trường

Vật liệu trồng:

Dụng cụ:

- Cấy móc để lấy lan ra khỏi môi trường thạch.
- Dao cắt rễ.
- Kéo cắt cành.
- Cây mũi nhọn để moi lỗ trồng.
- Các chậu chung

Chất trồng- Than gỗ.
- Than bùn.
- Vỏ thông

Tất cả chất trồng đều được khử trùng ở nhiệt độ 120độ C trong nồi hấp tiệt trùng và rửa lại nhiều lần bằng nước sạch trước khi dùng. Riêng dớn phải được ngâm nước khoảng 1 tuần trước khi được đưa vào nồi hấp. Các chất trồng trên có thể dùng Ở dạng riêng rẽ hay
hỗn lợp.

Ví dụ:Đáy chậu chung là than, phía trên là dớn.

- Toàn bộ chậu là than.
- Dón xay nhuyễn phần + cát 2 phần + than vụn 1 phần.
- Dớn xay nhuyễn 1 phần + cát 1 phần + vỏ thông (1cm) 1 phần.
- Cát 1 phần + vỏ thông 3 phần.
- Cát hoàn toàn.

Phương pháp:

Điều nên nhớ là , cây lan con dễ bị chết do úng nước hay m độ cao (đây cũng là lý do gây ra bệnh thối rữa). Hơn nữa, trong phòng thí nghiệm cây lan con được nuôi trong diều kiện vô trùng nhiệt độ nơi nuôi trồng tương đối mát 21độ C đến 23độ C, PH: 5,2. Trong điều kiện ẩm
nóng của thành phố là môi trường thuận lợi của vô số mầm bệnh. Vì thế khi chuyển cây con từ thai cấy ra môi trường bên ngoài phải có giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, nhiệt độ của nơi nuôi cấy không nên quá 25độ C, ẩm độ tương đối không khí cao từ 80 đến 90% cường độ ánh sáng khoảng 5.000ml/m2 . muốn được như vậy ta phải làm một nhà kính dùng để giâm cành.

+ Dùng nước máy đã để bốc hết hơi clo, ph:5,2 đựng trong một chậu sạch, trong nước dã pha một nồng độ thật loãng thuốc ngừa nấm như Methan.

+ Lấy chai cấy đựng lan con, sau khi gỡ bông gòn ra khỏi cổ chai cho một ít nước vào cổ chai lắc nhẹ, dùng que tách cây con ra khỏi môi trường thạch, lật ngược chai lại các cây lan con theo nước chạy vào chậu đựng nước.

+ Dùng kẹp gắp giữ lan con và rửa sạch thạch dính vào bộ rễ qua động tác đưa qua đưa lại nhiều lần trong nước, cắt bỏ toàn bộ rễ hư thối và bị dập nếu có, và đặt lan vào một dla sạch cho khô.

+ Chậu chung sau khi đã sửa soạn môi trường trồng, dùng que khóet một lỗ và đặt cây lan vào đấy , dùng ngón tay ấn nhẹ vào gốc cho môi trường áp sát vào rễ.

+ Rửa sạch cả chậu và cây lần nữa, phun cho cây lan con một dung dịch dinh dữờng tùy theo loài để tăng sức chịu đựng eho cây, phải lưu ý những chất hữu cơ có trong dung dịch rất dễ làm cây thối rữa. Không có điều kiện tạm dùng phân bón NPK 30 - 10 - 10 với nồng độ loãng. Có thể dùng chậu chung đ¬ờng kính 6cm trồng vào đấy có khoảng 10 cây con hay chau đường kính 2cm trồng một cây độc nhất.

+ Có thể dùng khay đựng cát dể trồng hàng ngàn cây mạ trong giai đoạn đầu không cằn chậu.

+ Đật cây vào nơi râm mát, nếu dùng nhà kính ta tưới cây 2 lần, những lần khác chỉ tưới sàn và độ ẩm có được nhờ nước bốc hơi. Nếu trồng ở nơi râm mát nên tưới tối thiếu 4 lần một ngày và lần tưới cuối cùng trước 4 giờ chiều. Nước tưới là nước dinh dường của môi trường nuôi cấy thay đổi theo từng loài lan, sau khi điều chỉnh PH và loại trừ các thất hữu cơ.

+ Cây được trồng khoảng một tháng rễ mọc mạnh thì Có thể chuyển cây ra khỏi nhà kính.
 
Sưu Tầm

Phân bón chậm tan nên bón hay không

Phân bón chậm tan nên bón hay không

Trên thế giới có mấy chục ngàn loài lan, mỗi loài mọc ở một nơi có một môi trường sinh sống khác nhau. Do đó sự đòi hỏi về phân bón cho mỗi loài một khác. Lan ở trong rừng không ai bón phân mà vẫn ra hoa tốt đẹp, chúng ta bón phân cho nước đầy đủ mà vẫn không ra hoa. Xin nhớ rằng lan sống ở ngoài thiên nhiên hoang dã hấp thụ những chất cần thiết trong không khí, hay trong nước mưa, phân chim, xác côn trùng và ánh sáng mặt trời. Nhưng khi chúng ta mang về nuôi trồng, môi trường sinh sống khác hẳn, cho nên cần phải có phân bón.

Nhưng cần phải bón như thế nào mới đúng cách và dùng loại phân chậm tan nào để dưỡng cây lan với mong muốn để lan ra nhiều hoa mà không khỏi bị cháy rễ, cháy lá hay chết cây là cả một quá trình tìm hiểu và ứng dụng. Phân tích kỹ càng trong phân bón có tới 17 chất, nhưng chỉ có 3 chất thực là cần thiết thường được viết tắt là NPK (Nitrogenium Photpho Kali hay gọi đơn giản là Đạm-Lân-Kali), ví dụ 10-20-30.
Những dạng phân NPK cần cho giai đoạn sinh trưởng tích lũy dinh dưỡng cho cây lan

Những dạng phân NPK cần cho giai đoạn sinh trưởng tích lũy dinh dưỡng cho cây lan

- Nhóm đầu: chỉ số của Nitrogene (N) cần cho lá và mầm non cũng như thân cây lan. Nếu thiếu cây sẽ cằn cỗi, èo uột, lá cây vàng vọt không xanh tươi. Nếu bón nhiều lá sẽ xanh ngắt, cây sẽ mềm yếu dễ bị bệnh, bị gẫy và khó ra hoa.
- Nhóm thứ hai: chỉ số của Phosphorous hay Phosphate (P) cần cho rễ mọc mạnh, ra nhiều hoa. Nếu thiếu cây sẽ yếu đuối, mầm cây và rễ chậm phát triển và chậm ra hoa và ít hoa. Nếu bón quá nhiều cây sẽ ra hoa sớm, cây chóng già, lá sẽ ngắn lại.
- Nhóm thứ ba: chỉ số Postassium hay Potash (K) cần cho thân rễ, giúp cho cây hấp thụ chất N, và vận chuyển nhựa cây dễ dàng từ rễ tới lá. Nếu thiếu cây sẽ không được cứng cáp và ít hoa, nhưng nếu quá nhiều, cây sẽ cằn cỗi, ngọn héo rũ, đầu lá già sẽ bị cháy.

Phân bón chậm tan cho lan có dạng như thế nào?

Phân bón có 2 dạng chính: tác động nhanh (Fast release) như phân hòa tan trong nước và phân chậm tan  cho lan (Slow release). Loại phân này là dùng vỏ bọc có chất polymer để cho những hột phân bón không tan ngay trong nước, mà tan ra dần dần.

Người ta khuyến cáo rằng:

- Nếu dùng phân hòa tan trong nước, nên bón hàng tuần với liều lượng rất loãng chỉ bằng ¼ hay ½ thìa cà phê gạt cho 4 lít nước.
- Nếu dùng phân chậm tan cho lan chỉ cần bỏ 2-3 thìa cà phê trên mặt chậu rộng 6″ (15 cm) và mỗi năm 2 lần là đủ. Có loại phân nói rằng có hiệu quả trong 9 tháng như Dynamite và 6 tháng như Osmoscote. Nhưng thực tế ra sao? Điều này chúng ta cần tìm hiểu và ứng dụng để mong tìm ra kết quả.

Trong các thứ phân bón thường có chất muối. Nếu có nhiều muối đọng lại trong chậu, lan sẽ bị cháy rễ và sẽ làm cây yếu đuối, còi cọc và chết dần. Bón ít không sao, bón nhiều sẽ có hại, vì vậy giới trồng lan có kinh nghiệm đã truyền tung câu: “Weekly and weakly” có nghĩa là nên bón hàng tuần và bón phân loãng.

Dùng phân chậm tan cho lan chỉ có lợi là bớt đi công việc bón phân, nhưng có nhiều điều bất tiện là:

-Thứ phân này cần phải ở trong tình trang ẩm ướt với một nhiệt độ tối thiểu là 70°F (21°C) và mới làm vỡ được vỏ bọc ngoài.
-Khi nhiệt độ lên cao khoảng 85°F (29.4°C) mà chậu lại ẩm ướt, vỏ bọc sẽ vỡ và phân bón tiết ra nhiều hay ít không sao kiểm soát được.
- Khi trời mưa liên tiếp vài ngày, phân bón sẽ bị nước mưa trôi đi mất.
- Phân chậm tan có tác dụng trong 3-4 tháng, những tháng đầu nồng độ phân bón mạnh hơn là những tháng cuối.
- Phân chậm tan cho lan có tác dụng tốt với những loài lúc nào cũng cần ẩm ướt như Cymbidium, hay Miltonia nhưng bất lợi đối với loài Dendrobium.
- Không biết chắc được ảnh hưởng của phân nhiều hay ít. Không tốt với những loài lan cần khô ráo và không cần phân bón trong thời gian ngủ nghỉ. Nếu cứ tiếp tục bón phân, Dendrobium hay Phalaenopsis sẽ ra cây non (Keiki) thay vì ra hoa.

- Giá bán phân chậm tan đắt hơn là phân hòa tan rất nhiều.

Câu hỏi khác tại sao các nhà kỹ nghệ trồng lan lại ưu chuộng loài phân này? Xin thưa: Tiết kiệm nhân công. Với nhà kính và trang bị tối tân họ có thể kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, thời biểu tưới nước bón phân trong lúc cây mọc mạnh cũng như trong thời kỳ nghỉ hoặc thúc cho lan nở theo ý muốn. Do đó họ bón tối đa, cho cây ra nhiều, cũng vì vậy khi chúng ta mua về cây cứ tàn lụi dần, đó là ảnh hưởng của việc bón phân quá độ.

Trên thi trường hiện nay có nhiều loại phân hột do nhiều hãng chế tạo như: Scotts, Osmocote, Schultz, Dynamite, Miracle-Gro… Vậy thì nên mua loại nào? Mầu vàng, mầu xám hay xanh lá cây? Nên nhớ mầu sắc không cho ta biết phân đó ra sao, mà cần phải biết rõ thành phần các hơp chất trong phân bón. Thí dụ như: 24-4-8 hay 19-5-5 mà bón cho lan chỉ ra toàn lá, khó lòng có bông.

Để kết luận xin tóm gọn trong mấy câu:

- Lan cần bón phân, nhưng nên bón rất ít.
- Bón phân làm sao cho cây mọc mạnh và ra hoa, không nên bón quá nhiều làm cho cây tàn lụi.

- Cần tìm hiểu thấu đáo vấn đề tưới nước bón phân hơn là nghe những lời mách bảo vô căn cứ.

 
Nguồn :Nguyễn Hưng Yên – hoalanVietNam

Những bước thay chậu cho hoa lan

Những bước thay chậu cho hoa lan

Thay chậu hoa lan không khó khăn như chúng ta nghĩ, tuy nhiên cũng không đơn giản nếu ta không tìm hiểu một vài kiến thức cho công việc này.

Chúng ta đều biết hoa lan có bộ rễ phát triển, vươn ra không khí tìm chất dinh dưỡng. Rễ liên tục phát triển cũng chính là cách thức hoa lan bám vào môi trường sống chung quanh nó.

Khi cây hoa lan bò ra khỏi cái chậu, thì vẫn chưa đủ yếu tố kết luận phải thay chậu cho hoa lan. Ta cần phải thay chậu khi chậu hiện không còn chỗ trống cho tép lan mới, và khi chất trồng bên trong không còn cung cấp dưỡng chất cho cây hoa lan của ta nữa. Ngoài ra nếu rễ cây bị úng thối do bị ẩm ướt lâu ngày, thì đây là lúc phải thay chậu, càng sớm càng tốt.

Việc thay chậu cho cây hoa lan không chiếm  nhiều thời giờ, chỉ với 7 bước đơn giản cho công việc này.

- Chuẩn bị dụng cụ : Ta cần chất trồng, 1 chậu mới và dụng cụ cắt tỉa đã được khử trùng ( việc khử trùng dụng cụ là thật sự cần thiết để cây lan không bị nhiễm nấm bệnh trong lúc thực hiện việc cắt tỉa).

- Giữ cây lan từ phía bên hông chậu và kéo cây lan ra khỏi chậu, cần phải làm thận trọng để cây lan không bị gãy lá, dập rễ, dùng ngón tay nhẹ nhàng gỡ chất trồng cũ ra khỏi cây càng nhiều càng tốt, dùng ngón tay nhẹ nhàng làm lỏng bộ rễ của cây lan để lấy ra những chất trồng còn bám lại trên rễ.

- Dùng dụng cụ cắt tỉa những phần rễ sậm màu, bị úng nước hoặc rễ bị đen để loại bỏ những phần rễ không mạnh khỏe của cây hoa lan. Rễ khỏe mạnh là những rễ có màu trắng hoặc nâu nhạt.

- Loại bỏ những lá già chết, giả hành cũ, những giả hành này còn sống tuy nhiên đã rụng hết lá. Ta có thể cho chúng vào một chậu khác để chúng nhảy con mới.

- Bỏ cây lan gọn gàng vào chậu mới, chậu mới phải được khử trùng, sạch và phải khô trước khi đem sử dụng. Chất trồng tùy theo cây hoa lan mà ta có thể sử dụng than đá, dớn, xơ dừa hay vỏ đậu phọng…điều quan trọng là hỗn hợp chất trồng phải dễ thoát nước nhưng phải giữ được ẩm.

- Cho chất trồng vào khỏang ½ cái chậu sau đó đặt nhẹ nhàng cây lan vào, cho chất trồng vào xung quanh cây lan, chèn quanh gốc để cây vững ( chú ý không lấp mất cổ rễ cây lan).

- Định hình cho cây lan nằm giữa chậu nếu cây hoa lan của bạn thuộc loài lan xếp tầng như  Mokara hoặc Địa lan. Nếu cây lan là loài đa thân, hãy đặt nó một bên của tâm chậu.Và trong trường hợp ta không rõ cây lan của mình là loại nào hãy hỏi nhà vườn hoặc tham khảo kiến thức sách vở, mạng internet qua phần mô tả hình dạng lá, rễ rồi so sánh với cây lan của mình.
 
Nguồn : sphagnum-miss-supplier.com

Kỹ thuật làm giàn, mái che và vị trí trồng lan

Kỹ thuật làm giàn, mái che và vị trí trồng lan

Về độ thoáng, ánh nắng thì rất lý tưởng, nhưng cần để ý đến vấn đề gió, đối với các sân thượng cao, nhà có nhiều tầng thì cách thiết kế vườn lan như thế nào để khung trụ giàn che, mái che được vững chắc, che cản bớt gió. Ngoài ra đối với sân thượng là nền xi măng, hoặc gạch, do vậy nếu thực hiện vườn lan, chúng ta cần che hết cả sân, nếu không hơi nóng của xi măng sẽ ảnh hưởng đến cây lan. Chúng ta cũng có thể trồng một số dây leo trên giàn vừa làm đẹp, vừa giảm bớt độ nóng bữa trưa.

Giàn che lan và vật liệu xây dựng

Chúng ta cần phân biệt giàn che lan dành cho những cây lan nhỏ, lan cấy mô từ ống nghiệm đưa ra và giàn che dành cho những cây lan trưởng thành, sắp ra hoa.

Đối với trường hợp thứ nhất cũng như trường hợp thứ hai, nếu được chúng ta dùng: Khung sắt hoặc xi măng, thường dùng sắt ấp chiến có chiều cao 2,4 m, trụ chôn xi măng, chiều cao của giàn lan từ mặt đất lên mái có thể từ 2,4-3 m. Sử dụng khung sắt có lợi điểm là thic ông nhanh, chỉ cần bắt ốc các khung ngang ở trên mái che, hơn nữa thời gian sử dụng sẽ lâu, kéo dài trên 10 năm, dĩ nhiên giá sẽ cao.
Khung gỗ, nếu dùng gỗ tốt thì tiền cũng đắt như cột sắt, thời gian sử dụng cũng kéo dài 5-10 năm trở lên, việc thi công lâu hơn. Đối với những gia đình ít tiền, để tiết kiệm, có thể sử dụng các cây gỗ, cột là những cây rừng, thời gian sử dụng tối đa 2-3 năm.

Theo ý kiến chúng tôi, nếu cần đầu tư để phát triển nghề trồng lan, đối với những gia đình ít tiền cần tính toán như thế nào để hợp lý hóa mọi vấn đề đầu tư, có lợi nhất. Chẳng hạn có thể dùng khung sắt làm giàn lan, giá cả sắt có cao hơn khung gỗ, thậm chí gấp đôi, nhưng thời gian sử dụng sẽ lâu hơn, ngoài ra cần để ý đến chất lượng vườn lan hơn là số lượng, chẳng hạn thay vì đầu tiên trồng 1.000 cây lan, thì chúng ta chỉ trồng 500 cây thôi, sau khi đã có kết quả chúng ta sẽ nhân đôi diện tích trồng và số lượng lan lên.

Mái che-tre nứa, cót hoặc lưới nylon xanh

Thông thường đối với lan nhỏ, lan cấy mô vừa ra khỏi phòng thí nghiệm, chúng ta dùng cót để làm mái che (ánh sáng 20-30 %), tránh ánh sáng trực tiếp

Trong trường hợp lan trưởng thành (7-8 tháng tuổi) đến sắp và đang ra hoa, cần tăng cường ánh sáng (60%), việc sử dụng các nẹp tre để đóng mái che thường dùng (nẹp tre rộng 3 cm, để hở 2 cm).

Đối với Thái lan và một số nước trồng lan Châu Á, người ta thường dùng lưới nylon xanh, có kể hở đều, dùng cho cả lan con và lan trưởng thành.

Việc sử dụng cót che, hoặc mái che bằng tre, thời gian sử dụng từ 2-3 năm, cần lưu ý là khi dùng cót hoặc nẹp tre trên mái chúng ta nên cột trên mái thật chặt và đều vì gió mạnh sẽ làm tróc mái che đi.

Nhu vậy khi nuôi trồng lan, nếu trồng lan con và lan trưởng thành trên cùng một giàn che, chúng ta chia ra từng ô để sử dụng mái che cho hợp lý.

Việc sử dụng mái che bằng nylon xanh. Chúng tôi chưa dùng, có thể đối với mái che này, anh sáng sẽ đều khắp giàn lan và mạnh, thích hợp cho lan trưởng thành và ra hoa.

Cách bố trí các cây lan

Lan treo trên giàn


Ưu điểm: Thoáng, cây phát triển đều và có thể nhanh, dễ chăm sóc và di chuyển.

Nhược điểm: Choán diện tích, so với lan để trên sạp (25-30 chậu/1m2, chậu có đường kính 12-14cm). Tốn móc kẽm treo và cần có cây ngang trên giàn (tầm vông hoặc sắt để móc) để móc chậu lan.

Lan để trên sạp

Ưu điểm: Chậu lan để được nhiều hơn (45-50 chậu/1m2, chậu Æ 12-14 cm). Vườn lan trồng rất đẹp, như một thảm hoa khi lan đến lúc thu hoạch.

Nhược điểm: Khó chăm sóc cây hơn khi treo giàn. Đôi lúc sâu bệnh nhiều hơn, vì chậu lan không thoáng bằng lúc treo chậu

Trong hai cách trên, nếu trồng qui mô công nghiệp thì nên để chậu lan trên sạp.

Hướng thực hiện giàn lan

Hướng để thực hiện giàn lan chỉ có ý nghĩa đối với các vị trí rộng, qui mô lớn, chẳng hạn từ 0,5 ha trở lên. Vì đối với các vị trí khác chẳng hạn ở các biệt thự balcon, vườn nhà… thì hướng mặt trời đã định sẵn, người ta chỉ che giàn thôi.

Thông thường, để thực hiện một vườn lan lớn, cần tránh xa nhà máy, các nơi đông đúc dân cư, cần thoáng, có ánh nắng đều khắp; vườn lan cách hàng rào từ 5-6m, mái lợp theo hướng Đông-Tây để tất cả các chậu lan đều hưởng được ánh nắng mặt trời từ sáng cho đến chiều, vì nếu cây lan chỉ có ánh nắng buổi sáng, hoặc buổi trưa chiếu thôi thì không tốt; độ nắng, độ ánh sáng của ánh mặt trời trong ngày có tác dụng khác nhau đối với sự phát triển của cây lan. nắng sáng đến trưa, ít gay gắt, cây lan quang hợp dễ dàng hơn và phát triển tốt, nắng từ trưa (12 giờ) đến chiều, rất gay gắt nhất là từ tháng 2 đến tháng 5, nhưng nếu thiếu nắng lúc này cây lan sẽ không cứng cáp, có nhiều sâu bệnh hơn là các cây lan được hượng trọn nắng từ sáng đến chiều.

Vị trí giàn lan

Sân thượng

Về độ thoáng, ánh nắng thì rất lý tưởng, nhưng cần để ý đến vấn đề gió, đối với các sân thượng cao, nhà có nhiều tầng thì cách thiết kế vườn lan như thế nào để khung trụ giàn che, mái che được vững chắc, che cản bớt gió. Ngoài ra đối với sân thượng là nền xi măng, hoặc gạch, do vậy nếu thực hiện vườn lan, chúng ta cần che hết cả sân, nếu không hơi nóng của xi măng sẽ ảnh hưởng đến cây lan. Chúng ta cũng có thể trồng một số dây leo trên giàn vừa làm đẹp, vừa giảm bớt độ nóng bữa trưa.

Trồng trước balcon

Trồng trước balcon đã có sẵn, có thể balcon này có nắng buổi sáng, balcon nhà kia chỉ có nắng buổi chiều, do vậy chúng ta không thể thay đổi gì được, mà chủ yếu để ý giống lan nào dễ trồng, dễ ra hoa mà thôi.

Trồng trong sân các biệt thự


Vị trí sân trong các biệt thự cũng đã có sẵn, chỉ có điều là có thể diện tích nó rộng hơn ở balcon, độ nóng có thể cũng ít gay gắt hơn ở balcon vì ở dưới đất, chúng ta cần tỉa, cắt bớt một số cây cao có nhánh xung quanh vườn lan để ánh nắng lọt được tối đa vào vườn lan.

Ở đây, độ thoáng có thể không bằng các chậu lan được trồng ở sân thượng hoặc ở các balcon. Vì vậy vấn đề sâu bệnh cần quan tâm đúng mức nhất là vào mùa mưa.

Vườn lan trên đồng ruộng

Những vườn lan lớn, qui mô từ vài sào trở lên, việc thiết kế cần đảm bảo độ thoáng, ánh nắng, việc di chuyển  và chăm sóc cây lan. một vườn lan như vậy có thể tồn tại trong vòng 10 năm hoặc hơn, hơn nữa chúng ta cần để ý đến việc nới rộng vườn lan khi có yêu cầu phát triển.

Đối với các vườn lan lớn như vậy, cần để ý hệ thống tưới nước cho đủ nhất là mùa nắng, nếu là nước giếng cần phân tích nước trước khi sử dụng.
Theo Agriviet.com

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Phòng và trị sâu bệnh cho lan

Phòng và trị sâu bệnh cho lan

Trồng lan bạn sẽ gặp phải nhiều loại bệnh, mỗi loại bệnh có một cách phòng trừ riêng, dưới đây là tổng hợp các loại sâu bệnh gây hại cho cây hoa lan và cách phòng trừ chúng

1. Phòng ngừa
- Khi mua lan về trồng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu cây khoẻ mạnh không bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác.
- Dọn vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng. Trong giàn lan không nên để  những cây lạ, to lớn (Ví dụ: xoài, chôm chôm…) trong vườn lan vì dễ bị lây bệnh.
- Không nên trồng nhiều tầng (Ví dụ: trên treo, dưới luống) vì nguồn bệnh cây trên (nếu có) sẽ lây xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay mưa.
- Khi giá thể trồng đã hư mục thì tiến hành thay kịp thời, tránh động nước, ẩm thấp. Thường xuyên sang chậu, kết hợp tách chiết lan.
- Quan sát vườn lan thường xuyên để phát hiện những cây bị sâu bệnh kịp thời cách ly, xử lý.
- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho lan.
2. Trị sâu bệnh
Bệnh hại trên lan
- Bệnh đen thân cây lan: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin,  Zineb 3/2000, Benlat 1/2000, Bendazol.
- Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên) Carbenzim + Dipamate: hỗn hợp thuốc hiệu quả cao hay Cadilac.
- Bệnh thán thư: Do nấm Colletotricum sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 - 7 ngày/phun 1 lần: Thio-M, Cabenzim, Bendazol.
- Bệnh thối mềm vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.
- Bệnh thối nâu vi khuẩn: Do vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Ban đầu vết bệnh có màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước về sau chuyển thành màu nâu đen. Bệnh hại cả thân, lá, mầm làm các bộ phận trên bị thối. Sử dụng Kasumin, dùng 1 trong những hỗn hợp: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine; Mexyl + Alpine để phun phòng trị.
- Bệnh đốm vòng (đốm mắt cua): Do nấm Cercospora resae gây ra.
+Triệu chứng: Vết bệnh là những đốm nhỏ, hình mắt cua, hình trong hơi lõm, ỡ giữa màu nâu nhạt, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ, lá già tạo thành nhiều vết nhỏ li ti làm lá vàng, nhanh rụng.
+ Phòng trừ: Dùng thuốc Topsin M 70 WD hoặc Score 250 ND, Bendazol, Carbenzim, Thio-M.
- Bệnh đốm vòng: Do nấm Alternaria rasae gây ra.
+ Triệu chứng: Vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có các vòng đồng tâm khá rõ. Khi gặp thời tiết ẩm ướt, ấm áp, trên vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu đen gồm cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh thường gây hại trên các lá già, lá bánh tẻ làm lá vàng dễ khô rụng.
+ Phòng trừ: Sử dụng Daconil 500 SC, Carbenzim + Dipomate, Cadilac.
Sâu hại lan
- Rệp vảy: rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.
- Bọ trĩ: gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít