Tác dụng của Vôi đối với quá trình trồng & chăm sóc Lan
Vôi không chỉ đơn thuần là dưỡng chất canxi cho Hoa lan mà còn nhiều tác dụng nữa mà phân hóa học khác không có đượcVôi không chỉ đơn thuần là dưỡng chất canxi (Ca) cho Hoa lan mà còn nhiều tác dụng nữa mà phân hóa học khác không có được, đó là: (a) Vôi ngăn chận sự suy thoái của chất trồng; (b) Vôi khử được tác hại của mặn; (c) Vôi ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong giá thể; và (d) Vôi phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, phân vô cơ và thuốc trừ bệnh.
Cần hiểu rõ tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng:
Bột đá vôi (CaCO3): được làm ra bằng cách nghiền mịn đá vôi. Loại nầy tác dụng chậm, thường từ 2-6 tháng sau khi bón tùy theo độ mịn của bột đá;
Vôi nung (CaO): được tạo ra bằng cách nung đá vôi trong lò nung như làm gạch ở nhiệt độ khoảng 900-1.000°C . Loại này tác dụng mạnh và nhanh nhất nhưng dễ gây bỏng khi gặp nước;
Vôi tôi (Ca(OH)2): được tạo ra bằng cách tưới lên vôi nung một lượng nước gần bằng trọng lượng của nó, lúc đó vôi tả ra thành bột, sinh nhiệt (khoảng 150°C ) và bốc hơi. Dạng vôi này tác dụng cũng khá nhanh;
Vôi thạch cao (CaSO4): Đây là dạng vôi đặc biệt có chứa lưu huỳnh, tác dụng nhanh.
1. Vôi cung cấp dưỡng chất Canxi cho cây trồng. Canxi là dưỡng chất trung lượng nên các loại cây cần Canxi để làm vững chắc vách tế bào. Do đó, thiếu Canxi cây yếu ớt dễ đổ ngã, dễ bị sâu bệnh tấn công; khi thiếu trầm trọng đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Ngoài ra, Canxi còn giúp cây giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của nắng nóng, mặn và phèn, do đó nên bón vôi (dạng nước vôi trong, rất loãng) 2 tháng một lần vào đầu mùa mưa để cung cấp Ca cho cây. Lưu ý, Ca được cây hấp thụ qua tiến trình hút nước, đồng thời Ca không chuyển vị trong cây nên cây cần Ca trong suốt quá trình sinh trưởng.
2. Vôi ngăn chận sự suy thoái của chất trồng. Bón nước vôi trong vào đầu mùa mưa là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chận tiến trình suy thoái dinh dưỡng trên giá thể, giảm ngộ độc sắt (Fe), nhôm (Al) và mangan (Mn) cho cây.
3. Vôi khử được tác hại của mặn. Giá thể nhiễm mặn bị mất dần cấu trúc, rời rạc; Còn cây trồng thì không hút được nước và dưỡng chất. Để hạn chế tác hại của mặn, nên bón vôi để rửa mặn.
4. Vôi ức chế sự phát triển của nấm bệnh. Chất trồng trở nên chua khi bị suy thoái là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển như bệnh vàng lá, thối rễ, chảy mủ thân... Một trong những biện pháp ức chế sự phát triển của những loại nấm gây hại này là tưới nước vôi. Bón vôi sẽ giúp cho những vi khuẩn có lợi phát triển như vi khuẩn cố định đạm.
5. Vôi phát huy hiệu lực của chất hữu cơ, phân vô cơ và thuốc trị bệnh. Bón vôi giúp chất hữu cơ phân hủy nhanh hơn, làm giảm ngộ độc hữu cơ; Vôi giúp giữ chất mùn (từ sự phân hủy chất hữu cơ) không bị rửa trôi nên đã phát huy vai trò của chất hữu cơ khi được cung cấp cho cây.
Phân lân bón cho cây chỉ hữu dụng khoảng 30%, bón vôi trước khi bón phân sẽ làm gia tăng sự hữu dụng của phân. Bón vôi còn làm gia tăng hữu dụng dưỡng chất Môlipđen (Mo) và gia tăng sự hấp thu Kali (K) của cây.
Tóm lại, vôi có nhiều tác dụng tốt làm cây phát triển tốt và giúp môi trường giá thể bền vững. Nguyên liệu làm vôi (đá vôi) ở nước ta có rất nhiều từ Bắc tới Nam. Có thể hòa tỉ lệ khoảng 01 thìa cà phê vôi bột/vôi tôi vào 01 lít nước, khuấy đều lên, đợi nước trong thì lấy phần nước này phun cho hoa lan sẽ giúp cây khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, cây cứng cáp hơn và ít khả năng bị nhiễm bệnh nguy hiểm như gục ngang thân ở các loại phong lan thân thòng như Phi Điệp Tím, Hạc Vỹ...
Theo Phonglanrung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét