Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Cách đặt tên cho Lan rừng

Trong thực tế, việc phân loại lan rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phân tích tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm bằng kính lúp phóng đại nhiều lần để nhận rõ các đặc tính lắm lúc rất lắt léo, rất nhỏ như mật độ của các phấn khối, kích thước của nuốm, có hay không các bộ phận phụ của nhụy đực…

Khi có một cây hoa  mà bạn nghi là cây hoa Lan thì bạn phải phân tích cái hoa của nó, cùng cơ quan dinh dưỡng và sử dụng khóa tra (chìa khóa phân loại) về họ (thường dùng chìa khóa của Hutchinson) để xác định nó thuộc về họ Lan hay không .

Sau đó bạn sử dụng tiếp khóa phân loại của họ Lan để xác định giống của nó trong họ, rồi cuối cùng dùng khóa phân học của giống để tìm tên của cây lan ấy.

Nếu đã sử dụng tất cả khóa phân loại trên thế giới mà vẫn không tìm ra tên của cây lan thì ta có thể tiến hành mô tả,đặt tên cho nó để công bố cây lan mới phát hiện .

Công việc tiến hành như trên chỉ áp dụng cho lan nguyên thủy, là lan sống hoang dã hoặc xuất xứ từ trong thiên nhiên, và việc đặt tên cho nó phải theo nguyên tắc danh pháp quốc tế về thực vật mà Linnaeus đã đề ra lần đầu tiên vào năm 1754 mà ta gọi đó là tên khoa học.

Ngọc điểm - Rhynchostylis gigantea

Ngọc điểm-Rhynchostylis gigantea

Tên khoa học của một loài thực vật là một tên đôi bằng từ ngữ Latinh hay được “la tinh hóa”,gồm một danh từ chỉ giống (genus) ,viết hoa, và tính từ chỉ loài (species), viết thường. Cả hai chữ đều viết xiên hay gạch dưới, kèm theo đằng sau là tên tác giả đã mô tả và công bố loài ấy đầu tiên. Tên tác giả thường viết tắt. Sở dĩ phải ghi tên tác giả kèm theo tên loài bởi nhiều lúc một loài nhưng được gọi với nhiều tên khác nhau do nhiều người công bố khác nhau hoặc do người công bố trước có sai lầm khi phân loại nên người sau sửa lại cho đúng. Trong trường hợp này, nếu tên sửa đổi mà còn giữ lại một trong hai từ thì tên của tác giả trước được để trong dấu ngoặc đơn và đứng trước tên của người sửa chữa. Nếu cả hai từ đều bị sửa đổi thì xem như tên mới, không còn giữ tên tác giả trước và lúc đó tên cũ được xem là đồng danh, đồng nghĩa với tên mới.

Ví dụ:

Cẩm báo Hydrochilus parishii (Veich+Rchb.f) Pfitz. Có tên đồng nghĩa:

-Vanda parishii Veih+Rchb.f.

-Vandopsis parishii (Veich+Rchb.f).Schltr.

Ngọc điểm Rhynchostylis gigantea (Lindl).Ridl.Có tên đồng nghĩa:

-Saccolabiumm giganteum Lindl.

-Saccolabium violaceum Rchb.f.

Việc mô tả và công bố tên các loài lan nguyên thủy mới phát hiện phải bằng chữ Latinh trên các sách báo chuyên môn về phân loại mới có giá trị quốc tế.Các tên này sẽ được xem xét và đăng (để công nhận) trên Index Kewensis. Cũng cần lưu ý là theo qui định bắt buộc thì khi công bố các loài mới, phải có mẫu ép khô gọi là tiêu bản để làm bằng.

Theo Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét