Trồng và chăm sóc hoa lan

Cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa lan.

Cát lan - Cattleya Labiata

Cattleya Labiata - The Queen Of The Flower, xứng đáng với tên gọi Nữ hoàng của các loài hoa bởi vẻ đẹp, hương thơm, tuổi thọ và kích cỡ hoa.

Lan Hoàng thảo - Dendrobium

Là chi lan lớn thứ hai của họ nhà lan, là loại lan phổ biến nhất trong giới chơi lan.

Địa lan - Cymbidium

Địa lan luôn làm người chơi lan hài lòng bởi vẻ đẹp cao sang của chúng

Lan Vũ nữ - Oncidium

Vũ nữ còn được gọi là Dancing Lady, một loại lan dễ trồng và chăm sóc, cho hoa đều đặn hàng năm

Lan Hồ điệp - Phalaenopsis

Lan Hồ Điệp luôn được nhiều người mua trong dịp Tết Nguyên Đán

Lan Hài - Paphiopedilum

Lan Hài luôn cho người trồng những bông hoa đẹp và lạ

Vân lan - Lan Vanda

Khả năng cần nhiều ánh sáng, chịu nắng nóng có lẽ Vanda là loài tốt nhất, có lẽ vậy nên hoa Vanda luôn có màu sắc đẹp

Lan rừng

Có nhiều điều thú vị, nơi đây nói chung về các loại lan không có trong các nhóm kia

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Các cách nhân giống lan Hồ Điệp

Hồ Điệp là một loài lan rất khó nhân giống, thường cho hệ số nhân thấp trong điều kiện vườn ươm. Để có được số lượng lớn cây giống, đồng đều đáp ứng nhu cầu thị trường thật nan giải.
Lan hồ điệp là một trong những giống lan rất được yêu thích không chỉ về màu sắc, kiểu dáng mà còn mang một nét đẹp rất sang trọng và trang nhã. Chính vì vậy, nó đã nhanh chóng trở thành sản phẩm trồng trọt mang lại hiểu quả kinh tế cao không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ…

Hồ Điệp là một loài lan rất khó nhân giống, thường cho hệ số nhân thấp trong điều kiện vườn ươm. Để có được số lượng lớn cây giống, đồng đều đáp ứng nhu cầu thị trường thật nan giải. Trong những năm gần đây, công nghệ lai giống kết hợp gieo hạt trong ống nghiệm cho tỷ lệ nảy mầm cao, tạo nên sự đa dạng về màu sắc, cấu trúc, kích thước hoa sau mỗi thế hệ. Tuy nhiên, nhân giống bằng phương pháp gieo hạt mang tính ngẫu nhiên thu được cây có tính trạng yêu thích và gần như không thể có được cây con cho hoa đẹp như cây mẹ. Để khắc phục điều này, các nhà nuôi cấy mô đã dùng phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để tạo dòng cây ổn định về mặt di truyền. Cây giống tạo ra theo phương pháp này gọi là cây tạo dòng (cloning). Phương pháp này có ưu điểm tạo nên được những quần thể cây con đồng tính trạnh, có sự tăng trưởng và chất lượng hoa đồng đều. Tuy nhiên, phương pháp này thực hiện rất khó thành công, đỉnh sinh trưởng quá nhỏ bé nên không thể tái sinh hoặc chết đi qua lần khử trùng.

Lan Hồ Điệp là loại lan đơn thân, thân ngắn và mỗi cây cho một đỉnh sinh trưởng nên để có nguồn mẫu cấy mô cần phải có nhiều mẫu ban đầu làm tăng chi phí quá trình nuôi cây. Vì vậy, hiện nay các nhà nuôi cấy mô trong nước cũng như trên thế giới thường dùng phát hoa làm vật liệu nuôi cấy, phát hoa Hồ Điệp có chứa các mắt ngủ phần gốc, có bề mặt nhẵn bóng dễ khử trùng, tỷ lệ thành công cao mà vẫn tạo được dòng cây ổn định về di truyền. Quá trình nhân giống lan Hồ Điệp được tiến hành như sau:

Cách nhân giống thứ nhất: Tạo chồi sinh dưỡng từ phát hoa

Vật liệu: Phát hoa lan Hồ Điệp được thu khi hoa đã nở hết trên cành. Chọn những phát hoa to khỏe, cắt những đốt chứa mắt ngủ dài 4cm, tách bỏ vỏ bao quanh mắt ngủ. Tình trạng mắt ngủ phải còn trắng xanh hay hơi đỏ của màu phát hoa, loại bỏ những mắt ngủ bị hóa đen và bị trầy xước.

Tiến hành khử trùng:

+ Lau nhẹ mắt ngủ bằng cồn 70 độ.

+ Tiến hành lắc với xà phòng loãng trong 3 phút và rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ hết xà phòng.

+ Trong tủ cấy, mẫu được ngâm trong cồn 70 độ trong 1 phút, sau đó được khử trùng với dung dịch javel có nồng độ 1:5 trong 25 phút.

+ Tiến hành rửa lại mẫu bằng nước cất vô trùng (3 lần).

+ Loại bỏ hoại tử, cấy mẫu lên môi trường có bổ sung BA 3mg/l.

Điều kiện nuôi cấy: mẫu nuôi cấy được đặt trong điều kiện 25 độ C, 12 giờ chiếu sáng và độ ẩm là 80%.

Sau 10 tuần nuôi cấy, các chồi sinh dưỡng hình thành từ mắt ngủ phát hoa và mang các lá non đủ rộng để làm nguyên liệu khởi tạo PLB từ mô lá.

– Khởi tạo việc cấy mô từ mô lá
Các mẫu lá thu được từ các chồi sinh dưỡng được cắt theo kích thước 5x5mm. Các mẫu lá được đặt nuôi trên môi trường MS 1/2 bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng thực vật NAA 1mg/l, BA 10mg/l, Adenin 10mg/l.

Sau 10 tuần nuôi cấy:

+ Các mô được hình thành chủ yếu từ các mảnh lá ở phần gốc và ít ở các mảnh lá phần đỉnh. Lá và thân mặc dù có những nét giống nhau về hình thái giải phẫu nhưng khác nhau về cách sinh trưởng và cách sắp xếp các mô.

+ Sau một thời gian, các chồi xuất hiện xung quanh mép lá tiếp tục phát triển trong khi phần mô lá ban đầu bị hoại đi. Phiến lá ban đầu được sử dụng như nguồn dinh dưỡng khởi đầu cho chồi sau này nhưng hệ thống mạch của chồi được hình thành thì hoàn toàn độc lập với hệ thống mạch của mô mẹ.

– Sự ra rễ

Thông thường, các chồi tái sinh sẽ ra rễ và phát triển mạnh trên môi trường có bổ sung nước dừa, chuối, khoai tây…mà không cần bất kỳ chất điều hòa tăng trưởng nào hết. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào giống, có một ít giống rất dễ đẻ chồi nách làm chồi chính phân nhánh không phát triển rễ được, lá nhỏ, thân chồi kéo dài, vì vậy chồi thường tồn tại ở dạng cụm chồi. Để khắc phục điều này, cấy từng chồi riêng lẻ lên môi trường có hormon tăng trưởng IBA với nồng độ 0.5-1mg/l, chồi sẽ ra rễ dài, lá to. Sau 3-4 tháng nuôi cấy có thể đem cây con ra trồng ngoài vườn ươm.

Cách nhân giống thứ hai: Phương pháp cơ học


Đây là phương pháp dễ dàng nhất. Khi cây đạt một kích thước mong muốn, ta sẽ cắt ngọn với một ít rễ đem trồng vào chậu mới, phần gốc còn lại sau một thời gian sẽ mọc lên vài ba chồi nữa. Nên nhớ là cây phải được cắt bằng kéo cắt cành đã được khử trùng và sau đó phải trét Vadolin có trộn Zineb, sơn, hoặc vôi vào vết cắt để tránh sự nhiễm trùng và cuối cùng ta làm những động tác tiếp tục như cây thay chậu.

Một phương pháp khác được đề cập đến, tuy đơn giản nhưng có hiệu quả cao. Dây đồng là dụng cụ duy nhất dùng cho công tác này, được buộc vào thân cây và xiết chặt, vì thể mạch dẫn nhựa bị ức chế là nguyên nhân tạo sự kích thích cây mọc chồi mới. Khi chồi nhú ra khỏi thân, ta gỡ dây đồng ra, cây con sẽ lớn dần. Tốt nhất là đợi cây con phát triển thành thục và mọc rễ ta sẽ cắt cây con lìa khỏi thân cây mẹ. Tuyệt đối đừng bao giờ cắt ngọn cây mẹ để phần gốc còn lại nuôi dưỡng cây con, vì  nó sẽ mắc phải những khuyết điểm như phương pháp trên.

Với phương pháp này ta sẽ có cây con mới nhưng sức khỏe cây mẹ vẫn bình thường, cây không bị sốc bảo đảm sự ra hoa trong mùa kế tiếp.

Cách nhân giống thứ ba: Phương pháp kích thích tố

Một vài loại kích thích tố được dùng có hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng đối với sự mọc chồi của các loài lan Hồ Điệp. Với dung dịch kích thích tố pha sẵn phun sương vào lá và rễ, chỉ 1 tháng sau có dấu hiệu của sự mọc chồi. Có thể phun 2 lần cách nhau 5 ngày sẽ có kết quả chắc chắn. Chất được dùng là Cytokinin, với nồng độ 5 phần triệu. Ở phương pháp tạo cây con trên phát hoa cũ (Phương pháp Griesbacil).

Sau khi cây Hồ Điệp trổ hoa xong, cắt bỏ phần ngọn của phát hoa chỉ chừa lại 3-4 mắt phía gốc rồi bôi Ianohn có trộn 50mg/l axit Cinnamic + 5mg/ml 6-Benzyiamino-purine. Sau 4-8 tuần lễ, cây con sẽ mọc ở vị trí mỗi mắt và rễ sẽ tạo lập khi cây con lớn dần. Lúc này có thể cắt bỏ phát hoa và đem cây con trồng trong chậu.

Ánh sáng cho lan Cattleya

Môi trường và nguồn nước, hai yếu tố này quyết định 60 – 70% sự phát triển cây lan. Trong đó ánh sáng là một yếu tố rất quan trọng. So với những giống lan thông thường, lan Cattleya cần ánh sáng hơn nhưng không nhiều quá vì có thể giết chết cây.

Lan Cattleya cần ánh sáng đầy đủ mỗi ngày từ 8 tiếng trở lên, thông thoáng gió, độ ẩm 60 – 70%. Lan Cattleya cần ánh sáng nhưng không trực tiếp. Một giàn che bằng tôn nhựa xanh rất tốt cho việc trồng lan Cattleya. Nếu lan Cattleya được trồng trên sân thượng nhà ở, độ che sáng tốt nhất là 60% tức ánh sáng sử dụng 40%. Trong giàn lan không nên treo các chậu sát vào nhau, phải có một khoản cách giữa các chậu sẽ cho cây nhận đủ ánh sáng và thoáng khí. Tuy nhiên nếu lan được trồng treo cao thì các cây phải được treo sát vào nhau để ngăn chặn bớt gió.

Lan Cattleya cũng có thể trồng trực tiếp ngoài sáng với điều kiện là các cây phải được trồng từ nhỏ ở các chậu, phải đặt sát vào nhau và tiểu khí hậu nơi đó phải mát và ẩm.

Cây con mới trồng, cây mới tách chiết che 70%.
Cây mới trưởng thành che 50 – 60%, nên cần chọn lưới có ánh sáng 50%.

Ánh sáng cho lan Cattleya trong mùa hè:

Bạn có thể cho cây được phơi nắng vào buổi sáng và chiều muộn. Tuy nhiên thời điểm từ 11giờ đến 15 giờ, bạn không thể để cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì cây sẽ bị thiêu cháy. Nếu điều này bạn thấy tốn thời gian đối với bạn, bạn có thể đặt chậu lan cattleya dưới bóng mát một cây lớn hơn. Bằng cách này, bạn có thể vừa bảo vệ cho chậu lan, lại vừa cung cấp đầy đủ ánh sáng cần thiết vào những thời điểm thích hợp.

Trong lúc “kích” ra hoa, bạn cần tăng ánh sáng  bằng cách bỏ bớt lớp lưới che!

Ảnh hưởng của ánh sáng đến quá trình phát triển của lan Cattleya:

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya thừa ánh sáng: lá có thể bị cháy hoặc màu vàng, cây lùn thấp và rất cứng cáp.

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya thiếu ánh sáng: Lá có màu xanh lá cây đậm, dáng cây yếu đuối dễ ngã.

+ Biểu hiện của một cây lan cattleya vừa đủ ánh sáng: Một cây Cattleya màu xanh nhạt ánh màu vàng hay tím là cây được trồng ở .

Ảnh hưởng của ánh sáng đến quá trình nở hoa của lan Cattleya:

+ Lan Cattleya được trồng ở điều kiện ánh sáng tối ưu: sẽ cho hoa có màu rất thắm, cánh hoa dầy cứng không có khuynh hướng lắc lư, hoa thật to.

+ Còn ngược lại: nếu được trồng ở ánh sáng yếu, cây rất chậm ra hoa và khi ra hoa, hoa thường hay gục xuống, màu nhạt. Quá nắng cây sẽ còi cọc, ra hoa bé thường hay bị háp nắng hoặc có khuyết tật.

Nguồn: sưu tầm Internet

Tản mạn Cattleya Jade Blue

Mang những đặc trưng tiêu biểu của dòng Catt 2 lá, Jade Blue có thân ốm và cao khoảng 30 – 40cm, mang 2 lá trên đỉnh. Lá cũng nhỏ hơn, dài khoảng 20cm


Phát hoa của Jade vươn cao từ một bọc xanh trên đỉnh, trổ từ 1, 2 ,3 bông có khi lên đến 5 hoa. Hoa nhỏ khoảng 10-15cm đường kính và cánh hoa thuôn dài, dày và có màu sáp bóng

Jade Blue nếu nhìn thoáng qua hay bị lẫn lộn với Siam nhưng nếu nhìn kĩ phần lưỡi và môi, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt.

Hoa nở vào tháng 7 cho tới tháng 11. Khi ngoài trời vẫn còn nắng vàng đẹp. Hoa nở nhanh nhưng không hề tàn nhanh mà khá bền. Thông thường hoa trong vườn nhà tôi tươi trong khoảng 3-4 tuần mà không cần tưới phân hay dùng bất kì loại chất dưỡng nào cả. Tôi cũng chưa được trải nghiệm xem Jade Blue có hương hay không vì chưa đưa loài hoa này vào trưng trong nhà bao giờ cả.

Sau khi hoa tàn, cây sẽ chuẩn bị tích trữ dinh dưỡng để bước vào mùa nghỉ là khoảng mùa khô từ tháng 12 tới tháng 1. Khi nhiệt độ rơi xuống 10-15 độ C, ánh sáng yếu đi và không khí khô hanh.

Xuất xứ từ Đài Loan, Jade là một giống loài dễ tính. Bất kể bạn có quên không bón phân trong thời gian dài, hay điều kiện ánh sáng hạn chế, cây vẫn trổ hoa đều đặn mỗi năm mà không cần bát kì một biện pháp thúc ép nào.

Tất nhiên, trong điều kiện thoáng gió, cây sẽ lớn nhanh hơn và ít bị sâu bệnh hơn.

Cây con sau khi trồng khoảng 12 – 15 tháng nếu thấy cây phát triển tốt, giả hành cao lớn, nhảy chồi mới mập, khỏe, cây trồng đơn vị được 6 – 7 tép, phát triển tốt là những cây có thể ra hoa.

Thời điểm này không nên thay đổi phân bón, môi trường hay bất cứ cái nào khác lạ. Khi nào các bạn cảm thấy lưới mèo bắt đầu phình to ở hai bên ( lúc đó đa số cây, nụ hoa đã hình thành và cao khoảng 2-3cm ) thì mới dịch chuyển cây theo phương thẳng đứng, cao hơn khoảng 10cm

Việc làm này sẽ hạn chế được những bất cẩn và tạo thuận lợi cho chúng ta trong quá trình chăm sóc cây có nụ hoa. Khi nụ hoa xé lưỡi mèo, theo mình các bạn không nên để nước hoặc phân bón tưới nhầm vào nụ. Nếu tưới vào nụ thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng búp ngậm nước và lem bông, bông bị đốm nước…

Có một mẹo nhỏ để cho lan ra hoa đều đặn. Đó là tạo cho chũng môi trường giống với tự nhiên nhất.

Trong tự nhiên, cây không bao giờ ra hoa vào mùa mưa. Đươn giản vì khi mưa thì cây không thể thụ phấn được.

Vậy thì khi thấy cây trưởng thành, đạt đủ độ chín để ra hoa, hãy tạo cho cây những tín hiệu để báo hiệu với cây rằng, mùa khô đã đến. Khi cây đã sẵn sàng và môi trường xung quanh thích hợp. không có lí do gì mà cây không trổ bông.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Nhận biết & cách trồng chăm sóc lan Sóc ta - Đuôi chồn

Nhận biết & cách trồng chăm sóc lan Sóc ta - Đuôi chồn

Xin chào các bạn, hôm nay tôi chia sẻ với mọi người về Sóc ta, một loại lan đẹp, nổi tiếng, được rất nhiều người từ bắc tới nam tìm kiếm sưu tầm, rất được ưa chuộng. Nào cùng tìm hiểu về đặc điểm nhận biết, cách trồng và chăm sóc lan Sóc ta nhé.

Sóc ta (Rhynchostylis Retusa) còn có tên gọi khác Đuôi chồn, là loại lan họ Ngọc Điểm, Sóc ta cũng như Đai Châu có các sọc trắng mờ chạy dọc mặt dưới của lá, không rõ rệt như Đai Châu, mặt dưới màu nhạt hơn mặt trên lá, lá rất dày và mọng thường dài khoảng 20-40 cm, bề rộng lá 2-3 cm và xếp khép chữ V chứ không mở phẳng, đầu lá non chia 2 thùy nhọn hoắt, đầu lá già thì tù hơn nhiều. Lá xếp sát nhau nhìn dáng cây chắc chắn.

Nhận biết Lan Sóc ta

Rễ Sóc ta to mập, thường cỡ cây bút chì, cây to được chăm tốt rễ có thể to bằng ngón tay út, có màu trắng bạc, đầu rễ đang phát triển có màu xanh sẫm.

Hoa có dạng chùm dài khoảng 30-45 cm gồm nhiều bông đơn kích cỡ khoảng 2 cm, về cơ bản dáng hoa Sóc ta cũng giống con chim đang sà xuống như Đuôi Cáo nhưng cánh bên nhỏ và môi hoa nhỏ hơn, nhiều chấm tím hơn.

Mùa hoa khoảng tháng 4-6 dương lịch, hoa có mùi thoảng như đồ nhựa còn mới (theo cảm nhận của cá nhân tôi là thế, không biết các bạn thấy giống mùi gì, giống như hoa sữa có người bảo thơm người nói hôi vậy), độ bền khoảng 20-25 ngày tùy sức cây.

Hướng dẫn ghép Lan Sóc Ta lên giá thể

Sóc ta nên ghép gỗ treo cao, thoáng rễ. Nếu vườn có tiểu khí hậu không ẩm mát lắm thì ghép vào cục gỗ rồi đặt cả cục vào chậu đất nung, xung quanh đổ thêm than củi cỡ đầu ngón chân cái (các bạn lưu ý cả gỗ, than đều nên ngâm ngập nước khoảng 1-2 ngày trước khi dùng để nó ngậm đủ nước, còn nếu dùng ngay không ngâm thì giá thể lại chính là thứ tranh giành hút nước của lan). Nếu không có gỗ thì trồng bằng chậu đất nung, giá thể là than củi hết cũng được (than và chậu cũng nên ngâm nước trước, dùng than to cỡ đầu ngón chân trở lên cho thoáng), phía trên mặt chậu đặt vài miếng xơ dừa giúp giữ độ ẩm tốt hơn, chú ý không vùi sâu gốc xuống giá thể, cuống lá dưới cùng cách giá thể khoảng 2 đốt ngón tay, dùng dây buộc thân cây với các dây treo để chắc chắn, không nghiêng, đổ.

Mới trồng hàng ngày tưới nước 2-3 lần tùy xem giá thể còn ẩm hay đã khô, khoảng 5 ngày phun thuốc kích rễ một lần. Quan trọng phải treo được nơi râm mát cây sẽ ra rễ, có rễ rồi mới hút được nước và dinh dưỡng, từ đó cây hồi phục và phát triển dần, lá sẽ căng cứng. Nếu ghép khoảng 20-30 ngày không thấy ra rễ, lá héo tóp mỏng dần đi thì hãy xem lại về độ ẩm, cần để nơi ẩm mát hơn, đặt thêm vật liệu giữ ẩm gần cuống lá dưới cùng (nhưng không dược bịt kín nhé), rễ mới thường đâm ra ở vị trí này.

Có người ghép Sóc ta xong một ngày tưới vài lần nhưng vẫn không ra rễ và lá héo dần, là do môi trường chưa phù hợp, khô nóng quá so với mức mà cây đang cần. Giữ được môi trường ẩm mát thôi thì dù có chưa ra rễ cây vẫn khá tươi tỉnh, rễ sẽ ra chỉ là vấn đề thời gian. Loại này không ưa nhiều nắng, trồng ở thành phố, treo dưới một lớp lưới đen, sàn xi măng cây vẫn có thể héo. Cây chưa ra rễ chỉ cần nước và thi thoảng phun kích rễ thôi, còn nếu cây đã ra rễ khỏe mạnh thì hàng ngày tưới nước 1-2 lần, cách 1 tuần phun phân bón lá NPK 30-10-10 một lần.

Đến khoảng đầu tháng 2 dương lịch chuyển sang NPK 10-30-10 một lần/tuần (hoặc loại khác cũng được không cần chi li chính xác, miễn có hàm lượng P cao), tưới nước lã ít đi khoảng 3-4 ngày một lần (lúc này cũng mưa phùn nhiều), cứ như vậy đến đầu tháng 4 thì hầu như không tưới, để kệ đó một thời gian ngắn nữa cây nhú nụ.

Mùa nghỉ của hoa lan

Mùa nghỉ của hoa lan

Sự nghỉ ngơi, là thời gian cần phải có do mọi sự thích nghi lâu đời để qua mùa khô hoặc lạnh. Khi mùa nghỉ đến, sự tăng trưởng của lan dừng lại, đời sống hầu như ngưng hẳn và chỉ phát triển trở lại khi đến mùa mưa.

Một trong những lỗi lầm trong cách trồng hoa lan mà những người trồng lan thường mắc phải là sự quá chú ý về các nhu cầu dinh dưỡng của cây lan và hình thức xanh tốt bên ngoài.

Một trong những điều kiện cần thiết cho đời sống của thực vật nói chung và của họ lan nói riêng là phải có sự nghỉ ngơi định kỳ hàng năm. Nhất là đa số các loài lan có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới với 2 mùa nắng, mưa rõ rệt. Đây cũng là thời kỳ mà cây lan ngưng phát triển, thời kỳ này cần về mặt sinh lý, nhất là ra hoa.

Mùa nghỉ của hoa lan là gì ?

Sự nghỉ ngơi, là thời gian cần phải có do mọi sự thích nghi lâu đời để qua mùa khô. Trong các điều kiện nhân tạo, người ta có thế bắt ép, kéo dài thời gian tăng trưởng và tạo cho chúng một sự tăng trưởng hầu như trong cả năm, nhưng chưa chắc các cây này sẽ phát triển tốt.

Trong thời kỳ sinh trưởng, cây lan nhờ khí hậu ẩm ướt và thuận lợi sẽ trở nên tốt tươi, đâm các giả hành mới. Khi mùa nghỉ đến, sự tăng trưởng của lan dừng lại, đời sống hầu như ngưng hẳn và chỉ phát triển trở lại khi đến mùa mưa. Lúc này lan bắt đầu một chu kỳ phát triển với một sức lực mới và lớn hơn năm trước.

Dấu hiệu cho thấy Lan tới mùa nghỉ ngơi

Các chi lan đòi hỏi sự nghỉ ngơi hàng năm như Cattleya, Hoàng thảo, Giáng hương, Đai châu,.... Các chi lan ở các rừng dày và ẩm, mặc dù là mùa khô, nhưng nhiệt độ trong rừng ít gay gắt, không khí luôn luôn ẩm ướt, nên sự nghỉ ngơi của chúng không có dấu hiệu rõ rệt, ví dụ các chi Hồ Điệp, Hài.

Trong mùa nghỉ của hoa lan, rễ thường khô chun lại, cây lan hầu như không hấp thụ chất dinh dưỡng, vì thế trong thời kỳ này không cần thiết bón phân và tưới nước cho lan.

Vào mùa nghỉ, cây lan với các giả hành hơi teo và nhăn lại, phần lớn loại thuộc chi Hoàng thảo sẽ có dấu hiệu ngọn cây tròn tù lại, lá ngọn nhỏ đi, vàng lá từ gốc dần dần rồi rụng sạch lá đi chỉ còn lại các giả hành trơ trụi. Nhiều người trồng lan thấy vậy sợ cây chết nên đã vội vàng tăng cường tưới nước. Sự quan tâm đến lan là đúng, nhưng đến mùa hoa bạn sẽ không hài lòng vì ít hoặc không hoa mà lại toàn keiki.

Dấu hiệu lá vàng rụng xuống để lại thân lan với lớp vỏ khô màu trắng là lúc báo hiệu mùa nghỉ của dòng lan Hoàng Thảo bắt đầu, giai đoạn này cần ngưng tưới nước và bón phân, chỉ tưới một chút nước khi cây bị héo quá nhiều.
Thời gian bắt đầu mùa nghỉ của Lan

Mùa nghỉ của lan là mùa có độ ẩm và nhiệt độ thấp nhất trong năm, do đó ở nước ta, mùa khô được chọn là mùa nghỉ của lan. Mùa mưa ở miền Nam từ tháng 5 đến hết tháng 11 dương lịch, mùa khô từ đầu tháng 12 năm đến hết tháng 4 dương lịch năm sau. Miền Bắc thì mưa nhiều từ tháng 3 đến hết tháng 9 dương, mùa khô từ đầu tháng 10 đến hết tháng 2 dương. Đối với hoàng thảo thân thòng, đầu mùa nghỉ ta bắt đầu giảm tưới nước dần, mật độ tưới thưa dần và sau khoảng 2 tháng thì cắt nước gần như hoàn toàn.

Sự nghỉ ngơi của lan có thể chia lan ra làm 2 nhóm

Nhóm cần thời gian nghỉ ngơi từ 1 - 3 tháng: các loài Hoàng thảo rụng lá, Giáng hương, Đai châu, Cattleya, ...

Nhóm có thời gian nghỉ ngơi ngắn 1 - 2 tuần: Hồ Điệp, Lan Hài...

Việt Nam có nhiều loài hoa lan xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Các loài có yêu cầu chăm sóc khác nhau và cần một sự nghỉ ngơi khác nhau. Có loài cần thời gian nghỉ ngơi dài, có loài cần thời gian nghỉ ngơi ngắn hơn. Chỉ có kinh nghiệm mới giúp bạn nhận ra sự khác biệt này.

Các cây lan thuộc họ Giáng hương cũng rụng một số lá già khi mùa đông đến
Cách chăm sóc hoa lan trong mùa nghỉ

Chọn vị trí có nhiều nắng vào buổi sáng để giúp cây cho nhiều hoa và hạn chế ra cây keiki
Đối với các cây đã ghép lâu, cây thuần:

Đầu tiên là hạn chế tưới:


- Trước đây mỗi ngày tưới một lần, bắt đầu thấy cây có dấu hiệu nghỉ (xem lại bên trên) thì tưới thưa đi khoảng 3 ngày 1 lần, tưới đẫm vào gốc, không tưới vào thân.

- Những ngày rết đậm không nên tưới mặc dù thời tiết khô hanh nứt nẻ.

- Khi cây đã rụng lá khoảng 1/2 thân thì cắt nước gần như hoàn toàn, không tưới, chỉ khi thấy thân teo tóp quá mới tưới đẫm vào gốc một lần hoặc lo xa thì 15-20 ngày tưới vào gốc một lần.

Tìm vị trí cố định để treo cây:

- Cao, thoáng nhưng ít gió, tránh nơi gió lùa, có thể căng lưới che hướng gió.

- Chọn nơi nào có chút nắng hanh trực tiếp, điều này sẽ kích thích nụ hoa hình thành hơn là keiki.

Tốt nhất là các cứ treo ra mép lưới, tìm nơi nào có thể đưa vòi phun vào trong chậu được để tiện tưới tắm.

Trong thời gian này không cần phân thuốc gì cả, khi cây đã rụng hết lá cũng là lúc cây ngừng sinh trưởng, cây khô, teo tóp lại nhưng không sao, đặc tính của chúng là như vậy.

Có một vấn đề nhiều bạn quan tâm là trên một giò thường có cây trưởng thành và những cây non mới đẻ cuối mùa hè hoặc mùa thu. Trong trường hợp này thì tốt nhất cứ cho cây ngủ đi, những cây non ra trái mùa khi gặp gió đông, hanh khô rét mướt cũng không lớn được, để nuôi cũng chẳng lớn được bao nhiêu, tự chúng cũng có cơ chế ngừng sinh trưởng và ngủ giống như những cây trưởng thành. Chờ đến mùa xuân cây lại khác đẻ mầm mới.

Đối với cây trưởng thành vừa mới ghép trong mùa nghỉ:


Thời gian này cũng là mùa tốt nhất để ghép hoàng thảo mới khai thác từ rừng. Các bạn nhìn những cây mới mang về đã rụng hết lá, rễ khô có thể yên tâm trồng mà không sợ cây chết. Chỉ cần giữ cây luôn mát mẻ (không mang phơi nắng đày đọa như cây thuần). Có thể tìm giá thể thích hợp để có một giò đẹp, hoàn chỉnh trong tương lai: Ghép lên gỗ, bảng dớn thì cắt bớt rễ già khô, chừa lại 1-2 cm, chỉ để lại những rễ sống, còn cứng. Buộc chặt gốc vào gỗ, bảng dớn đừng để lay động (cách ghép xem lại bài Hướng dẫn chi tiết cách ghép lan lên gỗ) . Trồng chậu thì đặt xốp miếng (loại làm thùng chứa hoa quả) ở dưới một lượt, bỏ than củi, vỏ thông vào, đặt cây lên rồi buộc thân vào quang treo sao cho cây đứng vững, có thể bắc ngang que, đũa qua miệng chậu để buộc cây cho chắc, đặt thêm một lớp xơ dừa, dớn mềm, rêu rừng mỏng trên mặt chậu để giữ ẩm, không phủ kín gốc.

Với loại cây mới ghép này cần giữ ẩm thường xuyên, thời gian đầu ngày tưới 1-2 lần, nên tưới nhiều vào gốc. Sau khoảng 2-3 tuần thấy thân không teo tóp, vẫn căng bóng thì có thể bớt tưới, tưới ít như ở cây thuần. Loại này năm đầu tiên đem ở rừng về thì 99% sẽ ra hoa mà không nhảy keiki.

Lan được ghép trong mùa nghỉ thì cần giữ ẩm gốc để ra nhiều cây keiki và dễ, bỏ một mùa hoa nhưng sẽ được một bụi cây khỏe mạnh cho nhiều hoa vào năm sau
Có nhiều bạn cứ thích hoàng thảo nở hoa đúng tết nhưng theo kinh nghiệm thì không nên ép. Có chăng cũng chỉ là những bông bị o ép vặn vẹo, không căng hoàn chỉnh như nở tự nhiên. Nếu bạn nào có nhiều lan, muốn thử nghiệm một hai giò ép hoa nở tết thì cứ thí nghiệm như là một thú vui, không vấn đề gì.

Mặc dù ngủ sớm, ngủ muộn nhưng cứ có hanh khô, thời tiết lạnh dần là cây ngủ. Đến khi nào mưa phùn gió bấc mùa xuân (ngay sau tết âm lịch) thì cây thức. Mặc dù rét cắt da cắt thịt nhưng có mưa xuân là cứ nên mang cây ra hứng mưa, riêng mưa xuân cực tốt cho cây, có tác dụng đánh thức cây và nảy mầm, nước có đọng ở lá cũng không sợ bị thối đọt do thời tiết lạnh, không như mưa mùa hè rồi lại nắng thì lại hại làm thối cây rất nhanh.

Cái mưa phùn có tác dụng cực hay, mặc dù ướt át nhưng không khí rất lạnh nên cây không bị hầm hơi kiểu mùa hè, thân cây căng mập nhanh chóng chỉ trong một đêm, bắt đầu hình thành nụ sau khoảng 1 tuần.

Những năm gần đây mọi người ca thán nhiều chuyện hoa nở sau tết quá lâu, đến tận tháng 3-4 âm cũng là lẽ thường vì mùa đông nắng chang chang, cây nghỉ muộn. Năm nào rét sớm, rét nhiều hoa sớm hơn.

Một cây lan với thời gian nghỉ phù hợp với đặc tính của nó sẽ dễ cho hoa hơn và hoa sẽ lớn hơn so với cây lan cùng loài không có thời gian nghỉ.

Các loại hoàng thảo rụng lá đã trưởng thành có thể ghép và không cần chăm sóc trong mùa nghỉ, các loại lan khác như lan đơn thân, lan hài...mới trồng vẫn cần phải chăm sóc đầy đủ trong mùa nghỉ gần nhất vì cây chưa đủ khỏe để có thể chống đỡ với điều kiện thời tiết khô và lạnh.
Theo Phong lan rừng

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Phân Biệt Lan Ngọc Điểm Đai Châu, Đuôi Cáo, Đuôi Chồn, Sóc Lào, Sóc Ta

Phân Biệt Lan Ngọc Điểm Đai Châu, Đuôi Cáo, Đuôi Chồn, Sóc Lào, Sóc Ta

Đuôi Chồn hay còn gọi là Sóc ta, thuộc họ nhà Ngọc Điểm cùng họ với Đai Châu, tên Latinh đầy đủ là Rhynchostylis retusa. Đuôi cáo là Aerides rosea và sóc Lào là Aerides multiflora thuộc họ Giáng Hương
Nhìn chung nếu mới tìm hiểu và trồng lan thì khó mà phân biệt được mấy em này, ngay cả người bán nhiều khi nói cũng không chính xác gây tranh cãi, làm bấn loạn cho anh em. Dạo qua một vài topic thấy có nhiều ý kiến lộn xộn quá mình xin đúc kết lại như sau.

Ngọc điểm - Rhynchostylis gigantea

Hoa mầu trắng hồng có những chấm tím đỏ, gọi là Ngọc điểm đai châu = chuỗi hạt châu mà người bình dân gọi trại ra là tai trâu (nghe ngứa cái lỗ tai). Cây lan này lá lớn, chùm hoa cong và dài chừng 20 phân, hoa to ngang chừng 3 phân, thơm ngát và có khi cả tháng mới tàn, hơn nữa lại nở vào mùa Xuân cho nên có thêm tên goi là Nghinh Xuân, thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán. Giống lan này mọc suốt từ Nam chí Bắc cho nên chúng ta thường thấy ở khắp nơi trên đất Việt.Hiện nay giống lan này có 4 mầu: hồng chấm tím, trắng tuyền, đỏ thẩm và đỏ khoang trắng, màu cam (mầu sau dược nhập cảng từ Thái lan). Lá có dạng to bản, dầy có sọc dọc theo đường gân lá.

Đai châu Ngọc điểm luôn có lá to bản, dầy và sọc dọc theo gân lá
Đuôi Chồn - Sóc ta - Rhynchostylis retusa

Hay còn gọi là sóc ta. Sóc Ta cùng họ với ngọc điểm (Rhynchostylis), tên Latinh đầy đủ là Rhynchostylis retusa. Hoa nở thành chuỗi với nhiều hoa xếp khít nhau, hoa mầu trắng đốm tím, mùi thơm nhẹ, thường ra hoa khoảng tháng 4 chuỗi hoa dài hơn, lá xếp lại chứ không bành ra như Đai Châu, lá vẫn có những đường sọc dọc theo gân lá nếu nhìn kỹ, cái nữa lá nó dài hơn (này thì hên xui).


Đuôi Cáo - Aerides rosea

Còn gọi là Cáo Bắc, lan hồng ngọc, thuộc họ Giáng Hương (Aerides), tên Latinh của hắn là Aerides rosea. Hoa chùm dài màu trắng hồng có nhiều chấm tím hồng rất đẹp (không nhiều chấm như đuôi chồn), thơm đậm, đặc biệt vào buổi trưa nắng, nở vào khoảng tháng 5-7 dương lịch (mùa hè đến đầu thu). Lá của lan đuôi cáo này có hình dáng giống với lan quế (quế lan hương - Aerides odorata)


Sóc Lào - Aerides multiflora

Em này dễ nhận biết hơn 2 loại trên lá rất dày, hơi bóng và bản lá xếp khép dạng chữ V, các bác nhìn ảnh cũng thấy. Các lá xếp rất sát nhau từ gốc đến ngọn, cong nhẹ và tỏa đều, lá dài khoảng 15-30 cm, rộng 1-2 cm, dáng lá to đều từ gốc đến ngọn, đầu lá chia hai thuỳ lệch và tù. Chùm hoa thường dài khoảng 20-30 cm gồm rất nhiều bông nhỏ khoảng 2 cm san sát nhau, cánh hoa dày, thơm. Hoa Sóc Lào là sự phối hợp của màu trắng với nhiều chấm tím ở môi hoa và đỉnh cánh hoa, một điểm cộng là màu tím của Sóc Lào khá đậm và các chấm tím phân bố dày nên nhìn hoa có màu đậm đà hơn so với các loại Giáng hương khác. Hoa nở vào mùa hè khoảng tháng 5-7 dương, độ bền khoảng 15-20 ngày.

Theo Vuonhoalan.net để nhận biết và phân biệt các loại lan ngọc điểm, đuôi chồn, đuôi cáo, sóc lào, sóc ta hay các loại hoa lan khác nói chung cần phải quan sát lá và hoa của chúng, vì có nhiều loại thân và lá giống nhau nhưng hoa lại nở khác nhau. Việc gọi tên của các loại cây đôi khi cũng khác nhau do tính chất vùng miền hoặc ngay cả người bán cũng không nói đúng loại hoa mình đang bán, việc gọi tên hoa chính xác cần gọi theo tên khoa học, dùng tên khoa học để tham chiếu cách gọi tên cho chính xác.
 

Cách nhận biết & trồng chăm sóc Sóc Lào

Cách nhận biết & trồng chăm sóc Sóc Lào

Sóc Lào - Aerides multiflora là loại hoa phong lan thuộc chi Giáng hương cũng với Tam bảo Sắc, Đuôi Cáo, Quế...

Gọi là Sóc Lào nhưng không phải chỉ Lào mới có mà nó còn phân bố nhiều ở Tây Nguyên, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia...có lẽ nó được công bố đầu tiên ở Lào chăng? Loài này có thân khoảng 20-30 cm, thẳng, cây rời khai thác để bán đến người trồng thường có khoảng 8-14 lá màu xanh hơi ngả vàng, cây mọc nơi nhiều nắng có khá nhiều chấm tím, lá rất dày, hơi bóng và bản lá xếp khép dạng chữ V, các bác nhìn ảnh cũng thấy. Các lá xếp rất sát nhau từ gốc đến ngọn, cong nhẹ và tỏa đều, lá dài khoảng 15-30 cm, rộng 1-2 cm, dáng lá to đều từ gốc đến ngọn, đầu lá chia hai thuỳ lệch và tù.

Chùm hoa thường dài khoảng 20-30 cm gồm rất nhiều bông nhỏ khoảng 2 cm san sát nhau, cánh hoa dày, thơm. Hoa Sóc Lào là sự phối hợp của màu trắng với nhiều chấm tím ở môi hoa và đỉnh cánh hoa, một điểm cộng là màu tím của Sóc Lào khá đậm và các chấm tím phân bố dày nên nhìn hoa có màu đậm đà hơn so với các loại Giáng hương khác.

Hoa nở vào mùa hè khoảng tháng 5-7 dương, độ bền khoảng 15-20 ngày. Sóc lào là loại hoa lan đáng sưu tầm do giá thuộc loại rẻ nhất trong các loại Giáng hương, khỏe, có hoa màu đậm, đẹp và rất thơm. Thực tế chứng minh ghép gỗ hoặc trồng chậu đều tốt, nói chung loài này không khó, trồng được ở rất nhiều nơi tại Việt Nam.

Hướng dẫn trồng & ghép cây lên giá thể


Khi mới mua cây về, ta cắt rễ khô, ngâm cả cây vào dung dịch thuốc kích rễ như Atonik hoặc B1 khoảng 2-3 tiếng rồi ghép gỗ. Gỗ nên được rửa qua và ngâm nước 1-2 ngày trước khi ghép. Đặt cây hướng ngọn lên trên, áp vào giá thể và dùng các cách thuận tiện nhất để cố định chắc cây vào giá thể, cài thêm ít rêu rừng hoặc dớn mềm, xơ dừa gần gốc, không được đắp kín như đắp chăn mùa đông nhé. Đã có bài viết hướng dẫn cách ghép lan lên gỗ bằng hình ảnh chi tiết rồi, các bạn tìm lại để xem.

Đối với trồng bằng chậu đất nung/chậu gỗ thì dùng giá thể than củi to chút, than cũng ngâm nước trước 1-2 ngày, đặt các cây vào lòng chậu, xếp chèn than vào sao cho cây chắc và đảm bảo nhô gốc lên nhé, không bao giờ được vùi kín mít, trời nóng hoặc khô thì đặt vài viếng xơ dừa lên mặt chậu, cũng cách cái gốc cây ra, chỉ cần giữ ẩm để hơi nước bốc ra xung quanh cho cây là đủ rồi.

Quan trọng trồng xong treo nơi râm mát, ít nắng, hàng ngày tưới nước 1-3 lần tùy giá thể còn ẩm hay đã khô, cứ thò ngón tay vào thấy ẩm ẩm mát mát là đẹp, đừng chăm tưới quá lúc nào thò tay vào cũng ướt nhoen nhoét nhé. Khoảng 5 ngày lại phun Atonik hoặc B1 một lần, pha loãng hơn chỉ dẫn chút. Nếu mới trồng mà treo nơi khô, nóng, nắng thì cây héo dần và chết. Căn cứ vào tình trạng lá héo đi hay tươi lên để di chuyển vị trí treo và chế độ tưới cho thích hợp.

Cây chưa ra rễ không bón phân bón, chỉ nước và kích rễ thôi. Đối với cây đã ra rễ, loài này nên treo cao cho thoáng gió, khá ưa nắng, treo dưới 1 lớp lưới che, về cơ bản từ sau mùa hoa ta có thể phun NPK 30-10-10 đều hàng tuần, tưới nước hàng ngày. Đến đầu tháng 3 dương lịch chuyển sang phun 20-20-20 hoặc 10-30-10 mỗi tuần/lần, tưới nước ít đi khoảng 7-10 ngày/lần, đưa ra chỗ quang đãng nhiều ánh sáng, lá có thể hơi teo và nhăn đi 1 chút, chờ cây ra hoa xong tưới sẽ lại căng.